#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

VĂN HÓA TỪ CHỨC

  Theo Tạp chí cộng sản

Văn hóa từ chức
8:56' 18/1/2013
TCCSĐT - Từ chức được hiểu xin thôi không làm chức vụ hiện đang giữ. Như vậy, từ chức chỉ có thể xảy ra ở những người có chức, có quyền. Từ chức một cách tự nguyện, tự giác là thái độ trung thực với chính mình, biết xấu hổ khi làm điều trái với đạo lý, đi ngược lại nguyện vọng của cơ quan, tổ chức và cộng đồng, là biểu hiện của sự cao thượng, dũng cảm, tự trọng.
 Hiện nay, vấn đề văn hóa từ chức ở nước ta đang được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Từ chức chỉ được xem là một hành vi có văn hóa khi người ta tự nguyện và mang lại ý nghĩa tốt đẹp cho xã hội. Ở các nước phát triển, từ chức là văn hóa hành xử của những người có chức, có quyền và đã trở thành trách nhiệm của người có chức, có quyền, được dư luận xã hội chấp nhận.Từ xưa, nước Việt ta có khá nhiều người tài giỏi nhưng đã treo ấn từ quan như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm,... Các ông từ chức không phải không làm tròn chức trách, gây tác hại lớn mà phần nhiều là do khảng khái, không đồng ý với quan điểm của vua. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở Việt Nam từ xưa đã có văn hóa từ chức rồi thì chưa hẳn đúng.
Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng Đề án tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức và coi từ chức - thuộc khía cạnh văn hóa của chế độ công vụ - là một nội dung nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -  2020.Tại sao Chính phủ lại phải xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức? Theo tôi là do những nguyên nhân sau đây:
Một là, công tác tổ chức cán bộ của chúng ta còn yếu kém, nhất là trong việc giáo dục, lãnh đạo, quản lý đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thực hành liêm chính và thiếu gương mẫu, không làm tròn chức trách, gây tác hại lớn nhưng hầu như không thấy ai có lời xin lỗi hoặc từ chức cả.
Hai là, chúng ta chưa có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với lãnh đạo, quản lý nên thiếu cơ sở để người dân hoặc các tổ chức, cơ quan giám sát. 
Ba là, việc từ chức hiện nay khó quá nên không thấy ai tự nguyện từ chức nên phải có quy định, đồng thời ở nước ta hiện nay chưa hình thành văn hóa từ chức. Điều đó có nghĩa là một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa có lòng tự trọng, thiếu trung thực, ứng xử chưa liêm khiết.
Tại sao việc từ chức lại khó và ở ta chưa có văn hóa từ chức? Qua nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu có thể khái quát như sau:
- Chức tước thường đi đôi với quyền lực, thường gắn với lợi ích, bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi. Nếu từ chức có nghĩa sẽ không còn gì cả.      
- Học để “làm quan” đã ăn sâu, bén rễ trong tâm thức người Việt và vì thế truyền thống coi “làm quan” là một sự thành đạt cao nhất.
- Dư luận xã hội chưa được định hướng để đồng tình hay ủng hộ việc tự nguyện từ chức. Nếu ai đó là đảng viên thì viện dẫn đây là nhiệm vụ Đảng giao, nếu từ chức lại coi là không có tinh thần đảng viên, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu…, từ chức là để trốn tránh trách nhiệm, để thoát tội, để hạ cánh cho an toàn… 
Rõ ràng, quyền lực thể chế nào cũng liên quan tới lợi ích cá nhân. Một khi động cơ lợi ích cá nhân lớn đến mức, nhà tư sản “sẵn sàng treo cổ khi lợi nhuận tới 300% - Các Mác”, thì người có quyền, có chức càng không thể dễ dàng từ bỏ nó, nếu quyền lực chính là phương tiện có thể “vinh thân, phì gia”.
Văn hóa từ chức là một dạng văn hóa cá nhân của những người có chức, có quyền. Họ được cơ quan, tổ chức và xã hội tôn trọng khi ở họ có nhân cách đạo đức, biết lãnh đạo bằng tấm gương. Nếu không có nhân cách và gương mẫu thì không thể thuyết phục được mọi người. Để có văn hóa từ chức theo tôi cần:
- Phải có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý. Xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức phải dựa trên nền tảng cải cách, xây dựng được quy chế công chức thật chuẩn về tiêu chuẩn của từng chức vụ, từng vị trí công tác.
- Đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội về văn hóa từ chức; nên khuyến khích sự tự nguyện từ chức và đánh giá cao những người có đủ dũng khí, lòng tự trọng, biết liêm sỉ tự nguyện từ chức, đồng thời định hướng dư luận xã hội cũng không nên nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức.
- Bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải tự nhận thức rằng chức vụ không chỉ đi liền với quyền lợi, mà cao hơn phải thấy chức vụ đi liền với trách nhiệm, với tinh thần, thái độ cống hiến, hy sinh. 
Việc từ chức tự nguyện của người có chức, có quyền sẽ tạo cơ hội cơ cấu lại, kiện toàn đội ngũ cán bộ của cơ quan, tổ chức nghĩa là tạo ra sự hợp lý tốt hơn trong xã hội. Điều đó giúp những người thực sự có nhân cách, tài giỏi, có trình độ, năng lực thực tiễn có thể phát huy cao nhất năng lực của mình nếu ở đúng vị trí, đồng thời cũng giúp cho cơ quan, tổ chức và xã hội tránh được những thiệt hại không đáng có. 
Văn hóa có mặt trong tất cả những hoạt động sống của con người và là tất yếu của cuộc sống, thế nên, văn hóa từ chức cũng biểu hiện sự tất yếu của cuộc sống. Thiết nghĩ, từ chức sớm trở thành cách ứng xử bình thường trong đời sống lãnh đạo, quản lý ở nước ta, đồng thời, văn hóa từ chức cũng từ đó mà hình thành và phát triển./
Quyền Duy

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

LUẬT LÚ LẤP


Thứ trưởng Bộ văn hóa VH-TT&DL đang nhìn gương mặt ca sĩ Y Moan qua kính quan tài
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn Bộ văn hóa VH-TT&DL đang nhìn gương mặt ca sĩ Y Moan qua kính quan tài
Bây giờ mới biết tác giả nghị định 105 mà thiên hạ chửi rầm trời là ông Hồ Trí Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ VH-TT & DL. Tưởng nghe thiên hạ chửi vậy chắc ông xấu hổ lắm, nhưng không, ông lên báo trả lời đàng hoàng. Càng nghe ông nói càng buồn cười.  Mình đang ốm mà vẫn phải ôm bụng cười rũ. Bà con ai muốn cười vô đây mà cười. (tại đây)
Đến đoạn ông Hùng trả lời tại sao không cấm phong bì trong tang ma, ông nói thật hay: “Nếu nói nạn phong bì, đây là vấn đề nhức nhối. Nhưng nếu đưa vào cũng không cấm được…Đối với những người lợi dụng ma, chay để hối lộ, tham nhũng chúng ta biết nhưng không thể làm được.”Hi hi cái đáng cấm thì không cấm lại đi cấm rải vàng mã vài ba chục ngàn đồng”để chống lãng phí”, chết cười.
 Biết tham nhũng không cấm được là không cấm, làm luật là thế có phải không hả ông Hùng? Về cái chuyện cấm lắp kính quan tài ông Hùng giải thích mới vui. Ông giải thích như vầy: “Nếu nói về thuần phong mỹ tục, lắp kính chỉ có cách đây khoảng 10 năm, không phải là truyền thống. Thực tế, sinh ra cái kính chỉ là hình thức, tượng trưng. Về tâm lý, không ai muốn để nhìn thân hình người đã mất.. Không đảm bảo an toàn với người đã mất: Cái khuôn kính có kích thước to, nhỏ, rộng, hẹp trong quá trình di chuyển do trấn động người đi lại, tác động bên ngoài thì kính sẽ rơi xuống người đã mất.”
Hi hi người làm chính sách ngồi lo cái kính rơi xuống người đã mất, quả thật xưa nay hiếm. Việc đó người thân trong gia đình người ta lo không được sao để cho mấy ông ngồi trên trời lo vậy ta?
Lại còn bảo:”Về tâm lý, không ai muốn để nhìn thân hình người đã mất..” Ông chắc vậy không? Nếu chắc sao không đề nghị BCT đừng để Bác nằm trong lồng kính, vì “không ai muốn để nhìn thân hình người đã mất” hả ông Hùng?
Hôm nay mình đọc cái tin Bắc Triều Tiên lại cấm phụ nữ đi xe đạp (tại đây): “Trên các chương trình truyền hình giải thích rằng mặc váy đi xe đạp vi phạm đạo đức của xã hội xã hội chủ nghĩa.” He he vui thật là vui.
Thà rằng cứ nói quách cấm lắp kính quan tài, cấm rải vàng mã, cấm viếng quá 7 vòng hoa… mới đây Bộ VH-TT &DL còn cấm cả việc uống rượu trong phòng Karaoke nữa (tại đây), là để chống “vi phạm đạo đức của xã hội xã hội chủ nghĩa” còn dễ chịu hơn nói như  ông Hồ Trí Hùng.
Mà thôi, xin mấy ông nghỉ quách đi cho thiên hạ nhờ, chứ ngồi không rỗi việc lại nghĩ ra mấy cái luật lú lấp… khổ lắm, mà cũng nhục lắm. Công chức nước Nam này đâu đến nỗi ngu thế.
NQL (Quechoa'blog)

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

THẰNG KHÙNG


(Viết lại theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Tuân ( đọc tiểu sử)

"… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương.
Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính.
Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc.
Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi "thằng khùng" (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ.
Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài.
Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc.
Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy. Một lần giám thị trại gọi anh ta lên: 
- Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy? 
Anh ta chấp tay khúm núm thưa: 
- Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.
Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại mặc, cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, "đầu chày, đít thớt, mặt bù loong" cũng phải rơm rớm nước mắt. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?… 
Thế rồi, một lần, mình và anh ta cùng đi lùa trâu xuống con sông gần trại cho dầm nước. Trời nóng như dội lửa. Bãi sông đầy cát và sỏi bị nóng rang bỏng như than đỏ. Trên bãi sông mọc độc một cây mủng già gốc sần sùi tán lá xác xơ trải một mảng bóng râm bằng chiếc chiếu cá nhân xuống cát và sỏi. Người lính gác ngồi trên bờ sông dốc đứng, ôm súng trú nắng dưới một lùm cây. Anh ta và mình phải ngồi trú nắng dưới gốc cây mủng, canh đàn trâu ngụp lặn dưới sông. Vì mảng bóng râm quá hẹp nên hai người gần sát lưng nhau. Anh ta bỗng lên tiếng trước, hỏi mà đầu không quay lại: 
- Anh Tuân này - không rõ anh ta biết tên mình lúc nào - sống ở đây anh thèm cái gì nhất? 
- Thèm được đọc sách - mình buột miệng trả lời, và chợt nghĩ, có lẽ anh ta chưa thấy một cuốn sách bao giờ, có thể anh ta cũng không biết đọc biết viết cũng nên. 
- Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai? - anh ta hỏi. 
- Voltaire! - một lần nữa mình lại buột miệng. Và lại nghĩ: Nói với anh ta về Voltaire thì cũng chẳng khác gì nói với gốc cây mủng mà mình đang ngồi dựa lưng. Nhưng nhu cầu được chuyện trò bộc bạch với con người nó cũng lớn như nhu cầu được ăn, được uống… Nhiều lúc chẳng cần biết có ai nghe mình, hiểu mình hay không. Đó chính là tâm trạng của anh công chức nát rượu Marmeladov bất chợt nói to lên những điều tủi hổ nung nấu trong lòng với những người vớ vẩn trong một quán rượu tồi tàn, mà Dostoievsky miêu tả trong “Tội ác và Trừng phạt”.
Anh ta ngồi bó gối, mắt không rời mặt sông loá nắng, hỏi lại: 
- Trong các tác phẩm của Voltaire, anh thích nhất tác phẩm nào? 
Mình sửng sốt nhìn anh ta, và tự nhiên trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: một người nào khác đã ngồi thay vào chỗ anh ta… Mình lại liên tưởng đến một cậu làm việc cùng phòng hồi còn ở Đài phát thanh, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, đọc tên nhạc sĩ Chopin (Sôpanh) là Cho Pin. 
Mình trả lời anh ta: 
- Tôi thích nhất là Candide. 
- Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không? 
Không đợi mình trả lời, anh ta nói tiếp: 
- Không phải đọc mà nghe… Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay bây giờ.
Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide. Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp, thầy dạy mình ở trường Providence. Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông loá nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được chép lên mặt sông…
Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại. Người lính gác trên bờ cao nói vọng xuống: "Hai đứa xuống lùa trâu, nhanh lên!". 
- Chúng mình lùa trâu lên bờ đi! - anh nói. 
Lội ra đến giữa sông, mình hỏi anh ta: 
- Anh là ai vậy? 
Anh ta cỡi lên lưng một con trâu, vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời: 
- Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa. 
Rồi anh ta tiếp: 
- Đừng nói với bất cứ ai chuyện vừa rồi… 
Giáp mặt người lính canh, bộ mặt anh ta thay đổi hẳn - ngu ngơ, đần độn như thường ngày.
Cuối mùa đông năm đó, anh ta ngã bệnh. Nghe các trại viên kháo nhau mình mới biết. 
Thằng chuyên gia khâm liệm e đi đong. Thế là nếu bọn mình ngoẻo, sẽ không còn được khâm liệm tử tế và chẳng có ai khóc tống tiễn vong hồn… - những người tù nói, giọng buồn. 
Mình gặp giám thị trại, xin được thăm anh ta. 
Giám thị hỏi: 
- Trước kia anh có quen biết gì thằng này không? 
Mình nói: 
- Thưa cán bộ, không. Chúng tôi hay đi lùa trâu với nhau nên quen nhau thôi. 
Giám thị đồng ý cho mình đến thăm, có lính đi kèm. Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật…
Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói: 
- Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình…
Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN. 
Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật.
Người lính canh dẫn mình lên giám thị trại với bàn tay có viết chữ Nhẫn ngửa ra. Người lính canh ngờ rằng đó là một ám hiệu. 
Giám thị hỏi: 
- Cái hình nguệch ngoạc này có ý nghĩa gì? Anh mà không thành khẩn khai báo, tôi tống cổ anh ngay lập tức vào biệt giam. 
Mình nói: 
- Thưa cán bộ, thật tình tôi không rõ. Anh ta chỉ nói: tôi vẽ tặng cậu một đạo bùa để xua đuổi bệnh tật và tà khí. 
Nghe ra cũng có lý, giám thị trại tha cho mình về lán…
Phùng Quán 

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

AI NGHE CON HÁT MẸ ƠI ?


Chúng tôi đang chuẩn bị cho ra một album nhạc chủ đề :
Về thăm mẹ.
Khi mẹ  còn ở bên, con gái ngu ngơ, thờ ơ, mải lo kế sinh nhai, 
lúc nhìn lại mồ côi mẹ mất rồi.
Giờ nhớ mẹ ra nghĩa trang mà thăm với viếng.
Ấy mới làm thơ.
Thơ là “Khi mẹ còn đó con nào hay, gói bao chuyện riêng chưa tỏ bày…
Ngày mẹ đi mây trời tím, gió trời than, cọng cỏ buồn, mưa hờn dỗi, đại loại là buồn. Bấy giờ, con gái mới buột ra thơ. Nhiều khi nó lẩm nhẩm một mình, đôi khi nó đọc lên cho bạn bè nghe ké, cảm ké, sụt sịt ké. Có kẻ còn mẹ, cầm nhánh hồng đỏ nghe thơ nó, tình cảm cũng ướt rượt nghẹn ngào.
Dĩ nhiên, bởi ai chẳng có mẹ và ai chẳng có mẹ  đi xa hoặc sẽ rời xa mình! Cho nên thơ về mẹ luôn thành công trong sứ mạng lấy nước mắt từ trong các túi lệ ra một cách dễ dàng. Thơ về mẹ giống như thơ về quê, cứ thật thà chất phác, đơn sơ giản dị, như con nói với mẹ, lúc ật ưỡng nhát gừng, khi nhõng nhẽo mè nheo, bởi con biết, gì đi nữa thì mẹ vẫn luôn yêu con. Và thế là thơ con gái của mẹ đã cảm động được lòng người.
Nó bảo chồng nó chê thơ nó là thơ... thẩn. 
Con nó bảo mẹ sắp thành nhà thơ thực thụ rồi, vì đọc thơ mẹ không hiểu gì cả.
Ngay nó, nó còn bảo ra xi-đi tặng, họ hàng vứt vào xọt rác.
Thôi! Thông cảm, các nhà thơ, không điên  cũng ra rại, không ngần ngại cũng dốt việc khuyến mãi. Đã có người này người kia phổ thơ mình thành nhạc là quý hóa lắm rồi, còn gãnh gọt, làm cao. Hôm điệu nhà thơ vào phòng thu nghe ca sĩ hát thơ của nó, lúc ấy nó mới ưng. Từ xưa đến giờ, có ai can đảm nghe trọn vẹn từ đầu đến cuối một băng cát sét hay một đĩa tuyền là ngâm thơ ? Có mà não hết cả lòng a ! Phải có nhạc. Ta bảo âm nhạc ru lòng người, thơ phải được nhạc nâng cánh bay mới thẩm thấu vào tim thiên hạ. 
Thật tình mà nhận xét thì chồng nhà thơ có lý khi chỉ thoáng đọc những giòng sáu chữ- tám chữ, năm chữ - năm chữ, thậm chí những câu bảy chữ-bảy chữ là rối rồi, còn cảm nhận được đâu là hay dở.
Mình cũng thế, ai cũng thế. Đọc thơ khan rất chán, ba câu muốn rời trang giấy ngáy o. 
Lạ thật! Thơ nó không phải là hay quá lắm đâu, nhưng khi lùa mấy nốt nhạc vào thì ăn. Dễ dàng như không. Ùa cái xong bài.
Chả bù có những đại thi sĩ, thơ cao bằng giời, trúc tra trúc trắc, đậu đen đậu trắng rắc vào bắn ra lắc cắc…Chịu, không phổ nhạc được. Mình ghét mấy bài thơ hoa hòe hoa sói, câu chữ cho hay, cho siêu, cho kêu, cho mượt vào. Gại mãi chả kéo được tình vào, hỏi làm nhạc thế nào được? Nhạc phải có hồn, thơ là vía. Hồn vía không biết xã giao đầu môi.
Theo mình, về mẹ, nhạc lời ta cứ đơn sơ thật thà. 
Chỉ cần mẹ thích. Mẹ ừ là hay.
Nhưng, mẹ mất rồi !!!!!! 
Còn ai ở bên ta nghe ta nói, nghe ta ngâm, nghe ta hát nữa đâu ?
Ai nghe con hát mẹ ơi !

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

THU LỀU


AI MUỐN CHẾT


Từ thế kỷ thứ Nhất, trong thư gửi ông Ti-mô-thê, thánh Phaolô có viết câu này : ” ..đã đến giờ tôi phải ra đi”(2 Tm 4,6).
Gần hai ngàn năm sau, về cuối đời, với câu trên, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã suy nghĩ về sự chết : “ Đã đến giờ tôi phải ra đi” (2Tm 4,6). Tôi chắc là tôi sắp phải rời bỏ căn lều của tôi rồi (2 Pr 1,14). Đã tới hồi kết thúc, hồi kết thúc đã tới”.
Gần đây, linh mục An-rê Đỗ Xuân Quế,O.P. có in ra tuyển tập " Giây phút cuốn lều" ghi lại các suy niệm và các lời di chúc của một vài Vị Giáo Hoàng. Sách mở đầu bằng bài suy niệm trên của Đức Phaolô VI, với câu mở đầu vẫn là: “ Đã đến giờ…”
Đọc bài suy niệm này xong, thấy thích sự chết và nghĩ mình cũng đến lúc dọn lều, dựa vào suy niệm trên, tôi đặt bút lên giấy kẻ nhạc viết bài hát: “THU LỀU ”.Cũng bắt đầu: "Đã đến rồi, giây phút...".
Sau khi nháp bút chì xong nhạc và lời, tôi để đó vì lại có hứng viết Haiku.
Năm đoạn đủ ý.
Sau đó mới trình làng bản hát.
Ai muốn chết thì hát.
Cùng với tôi.
Cảm ơn Cơn Gió Viết Hoa đã từ hàng trăm thế kỷ, nay thổi đến cho vườn tôi một máy hoa: "Đã đến giờ...". Bài hát nói về việc chuẩn bị ra đi về thế giới bên kia, không buồn bã, lo âu, còn háo hức như tâm trạng của hướng đạo sinh, hào hứng thu lều nơi này dọn đi nơi khác.
Trong niềm tin Kytô giáo, sau khi nhổ cọc lều trọ ở trần gian tạm bợ này chúng ta hẹn nhau cắm lều ở một nơi viên mãn, muôn đời, với Ánh Sáng và Bình An của Ba Ngôi Hằng hữu. Ai muốn chết lành, xin hãy hát lời này :
Đã đến rồi, giây phút thu lều.
tôi phải ra đi , tôi phải ra đi
Đã đến hồi, đoạn cuối cuộc đời
trong niềm tin yêu tôi được an vui
Thắp sáng đèn, đai áo gọn gàng
lên đường tôi đi, lên đường tôi đi
Tiếc nuối gì một thoáng hão huyền
nhân loại bon chen, thế sự hư vinh
Suốt cõi đời, Ơn Chúa không rời
Người ở trong tôi, Chúa hằng yêu tôi
Phút cám tạ, lần cuối dâng lời
Thiên đường mơ tới chẳng còn xa xôi.
Bên Chúa tôi
Dũng lực Chúa phù trì
tôi được mạnh mẽ
hiên ngang bước đi
Trong Chúa tôi
với tình yêu của Người
tôi được cứu rỗi
được sống muôn đời.
NHT.

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

THU LỀU ( Haiku)




Đã đến rồi giây phút
thu lều tôi chuẩn bị  ra đi
chặng cuối có buồn vui

Đai lưng cho gọn gàng
đèn sáng luôn nhé em nhé em
nụ cười tươi đường đi

Ơn phúc luôn ngập tràn
Chúa độ lượng dủ thương con cái
lều ơi đâu thiên đàng

Chúa bao la dũng lực
hiên ngang mạnh mẽ ở ngay bên
bốn chân lều vững chãi

Chúa đầy trời xót thương 
khoan dung nhân hậu từ sâu thẳm
mái tranh ủ mộng lành

                                                                                                                NHT. 

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

MÌNH KHÔNG PHẢI CA SĨ


Sau khi nghe và hát sơ ở nhà một sáng tác mới với bản phối  do studio cung cấp, tôi hào hứng bước vào phòng thu âm .
Nghĩ tới lúc hoàn thành đĩa hát, thật thú vị biết bao khi nghe được giọng hát của mình diễn tả chính bài hát do mình sáng tác, một đứa con mình đã mang nặng đẻ đau bao ngày tháng. Người ta bảo bao lâu một tác phẩm âm nhạc chưa được thể hiện ra bằng sự trình tấu hoặc được hát bằng giọng người, bấy lâu nó vẫn chỉ là những tờ giấy không hơn không kém. Nay nhạc phẩm do tôi viết ra, được phối khí hòa âm, được thể hiện ra qua tiếng hát của chính tác giả, thử hỏi tôi còn gì hạnh phúc hơn ?
Tôi nghĩ rằng, chẳng mấy chốc, đĩa hát có giọng của tôi sẽ vang lên trong mọi gia đình, mọi nhà. Mọi người sẽ chăm chú lắng nghe, nuốt từng lời êm ái du dương vào tâm hồn họ, và họ sẽ lịm người đi, đắm say thưởng thức. Rồi họ sẽ giới thiệu cho nhau rằng cái CD ấy khá lắm, tìm nghe đi, có bài í bài nọ nghe lạ tai lắm, có giọng hát của nhạc sĩ nọ, nhạc sĩ kia đấy.
Tôi vẫn biết, nhạc sĩ không phải là ca sĩ như nhiều người vẫn lầm tưởng. Cũng như nhiều cô gái có khuôn mặt xinh như mơ nhưng khi cất tiếng hát thì giọng xấu không ngờ! Thế nhưng, hình như Trời cho tôi có được một số vốn kha khá đủ để có một giọng hát  khả quan, bởi bạn bè vẫn khen ngợi và khuyến khích nhạc sĩ tôi đi thi hát …hỏng.
Tôi hiên ngang  đứng vào vị trí ca sĩ thu âm. Lưng ngay, mắt sáng, hắng giọng một tiếng chờ máy phát ra những âm thanh đầu tiên của bản demo. Lúc ấy, tôi cảm thấy có một chút khó thở, hồi hộp. Không sao! Có lẽ tại vào phòng máy lạnh mặc hai áo hơi chật lồng ngực. Tôi hít mạnh lấy hơi và cất tiếng hát, vào đúng nhịp (nhạc sĩ mà !). Hú hồn, giọng tôi vào máy nghe trầm ấm lạ. Vừa vào tiếp câu 3 được mấy chữ  thì chuyên viên ngắt máy, bắt hát lại. Có một “âm đóng” tôi vừa phát âm không rõ. Máy móc kinh thế, đâu ra đấy! Không sao! Thì hát lại. Mình có học phát âm cho đúng bao giờ đâu, hát là hát, hát hay không bằng hay hát. Lần này chuyên viên thu âm phát hiện thêm một “âm đóng” nữa đã không được đóng đúng cách nên trại ra âm khác. Chữ “thiết” đóng không đúng nó cứ ra “thiến” có chết không cơ chứ! Công nhận, bình thường mình nào có để ý, cho đến khi hát thu âm mới thấy rõ những khuyết điểm của cái giọng mình phát ra, đặc biệt là khi hát.
Hát là phải tròn vành rõ chữ mới được. Tôi kiên nhẫn sửa chữa khuyết điểm. Thu lần thứ ba, rồi lần thứ tư, “viết” cứ ra “viến”, “tuyết” ra “tuyến”…Tại bài này có lắm âm khó hát. Ngay như ca sĩ hát hay, là bởi họ phải học thanh nhạc, phải tập luyện trày da tróc vảy, tiền rừng bạc bể, bán cả gia tài đi học hát, chứ mình thấy lời nào chẳng như nhau, nói được là hát được. Tôi lại thắc mắc: Thế những ca sĩ có cách phát âm sai đặc biệt, dở cách riêng,  phòng thu không sửa được thì cũng phải chấp nhận giọng ca trời cho đó chứ họ đâu có sửa được nhỉ? Như Phương Thanh Thanh, Lam Trường Trường, Quang Dũng Dũng, Đàm Vĩnh Vĩnh chẳng hạn! Câu trả lời:Lam Trường Trường là ngọng rồi. Thì ra vậy! Dù sao cũng không thể phủ nhận những ca sĩ ấy ngồn ngộn fan cuồng, xây biệt thự nhờ giọng hát.Tôi thì không có đến một mống fan, nhưng chẳng buồn dù chỉ 2 phút !
Nhớ lại hồi chiều, trước khi đi thu âm tôi có uống một ly nước đá. Có lẽ vì vậy mà phát âm không chuẩn. Thôi cũng dễ hiểu, không sao!
Sau hơn một giờ đồng hồ chiến đấu với những nguyên âm, phụ âm, đóng mở, giọng tôi bắt đầu  khan, khàn, khản.
Người thu âm mất kiên nhẫn, bảo không được, thôi để mai thu lại. Nghỉ để đi ăn cơm, trễ quá rồi.
Bây giờ tôi mới hé nụ cho bạn biết là lúc này tôi cũng đang đói lắm, và chính vì vậy mà càng về cuối tôi hát càng dở, sửa càng sai. Người cứ lả ra đây này. Cha thu âm vạm vỡ như vậy mà đến giờ là nó đòi ăn, đừng nói tôi.
Các bạn biết đấy, nhạc sĩ có mấy ai múp míp đâu, người lão nào lão ấy như cái que kem, như con bọ ngựa,( hi hi! bác Đặng Ngọc Ẩn í, Cao Thanh Hoàng í! ) phanh trần ra mặt tiền chắc chỉ có bộ ngực ô-mê-ga là chính chủ, làm gì có điện nước đầy đủ mà hát với rung. Tôi cũng thế thôi! Ấy vậy mà biết được tí son-phe, đời khối anh cứ phải cố rặn ra một bài để dành lấy được hai chữ “nhạc sĩ” thiên hạ tặng cho. Tôi đã nói, nhạc sư, nhạc sĩ thì ăn cái giải gì ! Mà thôi, không nói nhiều, chẳng việc gì phải phân bua vì mình không hát được. Mình đâu phải là ca sĩ nhể! Hát hay không bằng hay hát. Ta cứ hát Hoàng ạ, bác Ẩn ạ. Nhắc tí kẻo quên, nhớ đừng phát âm "màu tiếm hoa siêm" nhá, cha thu âm nó tống cổ ra khỏi phòng thu ngay lập tức đấy.
NHT phăng

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

THƯƠNG CHÚA GIÊSU


Tạm biệt Chúa Hài Đồng Giêsu nằm trong máng cỏ
Lễ BA VUA - 2013 

               nghe MP3 THƯƠNG CHÚA GIÊSU - Hải Triều-

DÌ ĐÀO 2012



Phim hay "Dì Đào 2012": Cuộc sống ở Viện Dưỡng Lão
Kính chuyển tiếp đến quý cụ thích xem phim, (dài gần 2 giờ).
Phim "Dì Đào 2012"
Dì Đào - Phim hay nhất giải Kim Tượng 31 - YouTube Dì Đào" là bộ phim được lấy từ tên nhân vật, kể về câu chuyện tình người cảm động giữa một thiếu gia danh gia Roger (Lưu Đức Hoa đóng) và dì Đào (Diệp Đức Nhàn đóng), người nô bộc đã nuôi nấng anh từ tấm bé. Dì Đào làm việc cho gia đình Roger đã 60 năm trời, phục vụ, chăm sóc cho năm thế hệ trong gia đình. Tới nay, tuổi cao sức yếu chẳng may bị trúng gió. Tình cảnh khiến Roger bỗng cảm thấy hoang mang. Công việc bận rộn bản thân còn chẳng lo nổi, anh đành phải đưa dì Đào vào viện dưỡng lão. Và câu chuyện cảm động được bắt đầu từ đây.. . Nội dung phim tuy chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng qua cách thể hiện độc, đáo đầy tính nhân văn, "Dì Đào" đã mang về cho đoàn làm phim hàng loạt những giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước. Gần đây nhất, "Dì Đào" đã giành được một loạt những giải thưởng quan trọng nhất tại giải Kim Tượng của Hongkong lần thứ 31.
https://www.youtube.com/watch?v=zr_TEwk12Io

"(Vietsub) 2012 - Dì Đào - P..." Video này không sẵn có nữa do xác nhận quyền sở hữu bản quyền bởi China Lion Film Distribution, Inc..


Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

YÊU MẾN THẦN HARI


Hiền triết Ấn Độ Narada rất sùng kính thần Hari. Sùng kính đến độ ngày kia ông nghĩ, trên cõi đời này, chẳng có ai yêu mến thần hơn ông.
Biết được lòng ông, thần Hari bảo, “Narada, hãy vào thành kia bên bờ sông Ganges, tìm ở đó một người cũng sùng mộ Ta. Ở với người ấy sẽ có lợi cho ngươi".
Narada đến và gặp một nông dân. Mỗi sáng anh thức dậy sớm, xướng tên thần Hari chỉ một lần rồi vác cày ra đồng làm việc cả ngày. Chỉ mãi đến chiều tối trước khi anh buồn ngủ, anh mới gọi tên thần một lần nữa. Narada nghĩ, “Làm sao anh chàng quê mùa này lại sùng bái thần Hari cho được? Suốt ngày hắn ta chỉ dìm mình vào công việc”.
Bấy giờ thần Hari mới bảo Narada, “Hãy đổ đầy một tô sữa tới miệng, rồi bưng đi quanh thành phố và trở về mà không được làm rơi một giọt nào”. Narada làm như thần dạy. Sau đó thần hỏi, “Ngươi nghĩ đến ta được mấy lần khi ngươi đi vòng quanh thành phố?”.
“Không lần nào cả”. Narada trả lời. “Làm sao tôi có thể nghĩ đến ngài khi ngài yêu cầu tôi xem chừng tô sữa?”.
Bấy giờ, thần bảo, “Tô sữa đã thu hút sự chú ý của ngươi đến độ ngươi quên mất Ta. Vậy hãy coi người nông dân kia, dẫu gánh nặng gia đình, Ta vẫn được anh nhớ đến mỗi ngày hai lần!”.
( Taking Flights - Anthony De Mello- M.A. chuyển dịch)
-------------------------------------------------------------------------
NHT. : Thưa cha M.A., theo con, câu cuối, mình dịch như vầy coi bộ có lý hơn :
" Vậy hãy coi người nông dân kia, dẫu nặng gánh gia đình, anh ta vẫn nhớ đến Ta mỗi ngày 2 lần!".

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Bản ĐÍNH CHÍNH

Tập Thánh Ca Phụng vụ CA NHẬP LỄ có tên TIẾN VÀO THÁNH ĐƯỜNG có một số chỗ in sai về Nhạc hoặc Lời. Sau đây là Bản ĐÍNH CHÍNH  kính gửi đến quý vị có sách trong tay:

CẦU NGUYỆN

1. Hướng nào không chĩa?
Một thầy đồng đạo Hồi trẩy đi hành hương đền Mecca. Kiệt sức vì hành trình dài, ông nằm mọp bên đường tại một vùng ngoại ô. Vừa chợp mắt vì buồn ngủ, ông bị một người hành hương đang giận dữ đánh thức một cách thô bạo. “Đây là lúc mọi tín đồ sụp đầu hướng về Mecca, còn anh lại chĩa chân về đền thánh. Anh thuộc loại Hồi Giáo nào?”. Thầy đồng không nhúc nhích, nhưng chỉ mở mắt và nói, “Này người anh em, anh làm ơn đặt chân tôi theo hướng nào mà chúng sẽ không chĩa vào Thiên Chúa?”.
Lời cầu của một người mộ đạo dâng Thần Vishnu:
“Lạy ngài, xin ngài tha ba trọng tội cho con: trước hết, con đã hành hương tại nhiều đền thánh của ngài nhưng lại quên mất ngài ở khắp mọi nơi; thứ đến, con thường cầu xin ngài trợ giúp nhưng lại quên rằng ngài quan tâm đến lợi ích của con hơn chính con; và sau hết, này con đang xin ngài tha thứ cho con khi con biết rằng, mọi tội lỗi của con đều đã được tha trước cả khi con phạm chúng”.
2.Kinh sáng của người thợ giầy 
Một người thợ giày đến gặp thầy Isaac of Ger và nói, “Xin chỉ cho tôi biết phải đọc kinh sáng làm sao. Khách hàng của tôi là những người nghèo, họ chỉ có một đôi giày. Tôi nhận giày của họ vào chiều tối, sửa cho tới khuya, rạng sáng vẫn chưa xong để họ có giày cho kịp đi làm. Vậy câu hỏi của tôi là làm sao tôi có thể đọc kinh sáng?
Vị kinh sư hỏi lại: Thế thì từ trước đến giờ anh đọc kinh thế nào?
Đôi khi tôi đọc kinh vội vã rồi trở lại với công việc - nhưng rồi cảm thấy không ổn. Nhiều lần bỏ đọc kinh và cảm thấy thiếu sót làm sao, thỉnh thoảng trong lúc tay tôi đưa búa lên thì gần như tôi nghe tiếng lòng mình thổn thức, “Tội nghiệp tôi, tôi không đọc kinh sáng được”.
Vị kinh sư liền nói, “Nếu tôi là Chúa, tôi sẽ thích lời thổn thức đó hơn là kinh sáng của anh”.
3.  A, B, C... Chúa hãy ghép thành kinh
Chiều đã muộn, một nông dân nghèo từ chợ về nhà không tìm thấy cuốn sách đọc kinh của ông. Chiếc xe bò lại hỏng ngay giữa rừng gây phiền hà cho ông vì chắc một điều là hôm nay ông sẽ bỏ đọc kinh. Ông rất buồn vì không có sách để đọc kinh chiều trước khi trời tối.
Vì thế ông thưa với chúa, “Lạy Chúa, con thật dại dột, sáng nay con ra khỏi nhà mà không mang theo sách, trí nhớ của con lại kém cỏi đến nỗi không đọc được kinh nào nếu không có sách. Vậy con sẽ làm thế này: con sẽ đọc chậm rãi bản mẫu tự A, B, C... năm lần và Chúa, Chúa thuộc mọi kinh, có thể ghép các chữ lại với nhau thành những kinh nguyện mà con không thuộc”.
Nghe thế, Chúa mới bảo các thiên thần, “Trong tất cả các lời nguyện mà Ta nghe hôm nay, chắc chắn đây là lời nguyện hay nhất, vì nó thổ lộ từ một con tim đơn sơ và chân thành”.
4.  Tên ăn mày
Bị thuyết phục bởi những người láng giềng, nhà thần nghiệm Hồi Giáo Farid tìm tới triều đình ở Delhi mong xin Hoàng đế Akbar ban cho dân làng một đặc ân. Tới sân chầu, Farid thấy Hoàng đế Akbar đang cầu nguyện.
Cuối cùng, khi hoàng đế đã nhận lời, Farid liền hỏi, “Hoàng thượng vừa cầu xin điều gì?”.
Nhà vua trả lời, “Ta cầu xin Đấng Từ Bi ban cho ta thành công, của cải và trường thọ”.
Farid vội vã quay lưng, vừa đi vừa nói, “Ta đến đây để gặp một Hoàng đế; thế mà gặp phải một tên ăn mày không hơn không kém những tên ăn mày khác!”.
5.  Lễ ngoài đường
Một bà sùng đạo hết lòng yêu mến Chúa. Mỗi sáng bà đi lễ; trên đường, đám trẻ réo gọi, những người ăn xin bám sát… nhưng vì quá cầm lòng cầm trí đến nỗi bà không thấy họ.
Theo thói quen thường ngày, bà đến nhà thờ đúng giờ lễ. Đẩy cửa, nhưng hôm ấy, cửa đóng. Bà đẩy mạnh hơn và biết cửa đã khoá.
Bà thất vọng khi nghĩ rằng, sẽ bỏ lễ lần đầu tiên trong nhiều năm, và không biết phải làm gì, bà ngước nhìn lên. Và ở đó, ngay trước mặt bà, một mảnh giấy được găm vào cánh cửa. Nội dung: “Ta ở ngoài đó!”.

(Taking Flight - Antony De Mello - Minh Anh chuyển dịch)

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

THỜI GIAN

Thơ KIM QUY
Nhạc HẢI TRIỀU



Thời gian 
 Thời gian như gió thoảng
 Chợt đến rồi chợt đi
 Chỉ nghe tiếng thầm thì
 Đời người như cơn gió

  Nhìn mây trôi lững thững

  Nhưng phút chốc đã tan
  Cuộc đời cũng mau tàn 
  Người ơi ! Đừng hờ hững

 Nếu như ! Có phép mầu
 Cho thời gian ngừng lâu
 Cho mây đừng đi đâu
 Để mẹ không bạc đầu

 Gió ơi ! Gió đừng thổi

Mây ơi ! Xin đừng trôi
Cho mẹ sống trên đời
Mãi mãi đừng xa tôi
KIM QUY

ĐỨC CHA KỂ CHUYỆN


Trong Hồi ký của một Đức Cố Giám Mục có vài đoạn rất vui. Bạn đọc sẽ phải tủm tỉm khi nghe ngài kể chuyện Đức cha, các cha ngày xưa như thế nào. Cho thấy, các cha ngày nay văn minh hơn nhiều. Đi Roma, hành hương Đất Thánh hoài cũng tốt...thôi. Giảng Lễ nào, ngài xứ tôi cũng có đoạn: “Tôi còn nhớ hôm tôi ở Giêrusalem,tôi thấy ...”,(lúc ấy, mình liền chợp mắt "tranh thủ", ít cũng được mươi phút. Chả bao giờ phải chịu trận nghe cha giảng dài). Nhờ đi ra nước ngoài thường xuyên mà bây giờ các bài giảng của nhiều cha xứ có dài chuyện hơn, nhưng hình như chủ yếu là khoe khoang, không vui đơn sơ như chuyện ngày xưa thế này :  
**************************************************
 Trích Hồi ký  ĐỨC CHA PHAO LÔ :

1. “Khi cha Sinh làm lễ, người ngồi giảng hàng giờ. Nói đến sùi bọt mép, lấy khăn lau rồi lại tiếp tục. Giáo hữu ngủ gật ít nhiều, song không một ai kêu ca giảng dài. Kêu ca “giảng dài” là một phong trào xuất hiện mãi sau này”.(trang 23)
2. “Giáo dân thấy các cha vui vẻ ăn uống, họ vui mừng hãnh diện. Họ chú ý đến mỗi cử chỉ của các cha, lấy làm “khoái” khi thấy các cha cười khanh khách, nhất là cha lớn Thược, khi cười răng vàng hiện ra, người rung rung, ghế gần như gẫy”.(trang 25)
3. “Chào cha lại phải thêm những tiếng: Con xin phép lạy cha. Lúc ra về: Con xin phép về, để cha nghỉ ”, dường như cha chỉ có nghỉ ngơi, nằm võng chẳng phải làm việc gì. Một nếp sống tồn tại qua nhiều thế hệ”. ( trang 26)
4. “Nhưng cha nào hiền lành, bình dân, xem ra nhiều người lại không thích. Thí dụ cha Hiếu, khi đến nhà ông trẻ tôi đang làm trùm, thấy bà con giã gạo, người cũng đứng lên cối giã, bà con coi là tầm thường. Tuy nhiên người ta lại muốn gần gũi cha”. ( trang 26)
5.     “Số là một hôm, tôi mở đài Sài gòn, tiếng cô phát ngôn viên lanh lảnh phát ra, đức cha đi qua, thấy tiếng đàn bà trong phòng. Ngài chạy vào hỏi : “Cái gì? Cái gì?” (trang 114)
6.     “Lần nọ, rạp Majestic quảng cáo chiếu phim Đức Bà Lộ Đức ( Notre Dame de Lourdes). Tôi và một số cha đi, chúng tôi cũng mời cả Đức Cha Khuê đi. Có lẽ đây là lần đầu tiên ngài đi xem phim. Tôi ngồi bên cạnh ngài.Trước khi chiếu phim chính về Đức Mẹ, một phim đạo đức thánh thiện,người ta quen chiếu một số những đoạn phim tài liệu ngắn, trong đó có ít nhiều cảnh lõa lồ. Đức Cha luôn miệng: “ xằng xịt bậy bạ, bậy bạ xằng xịt”. Cố nhiên chỉ những người ngồi bên cạnh nghe thấy.Thật là trong sạch trước bùn nhơ nhớp, ánh sáng trước tối tăm. Đi xem phim để giải trí, nhưng thực ra y như bị tra tấn”. (trang 118)
7.     “Một định giá có vẻ ngạo mạn: giáo dân tốt hơn linh mục, linh mục hơn Giám Mục. Điều đó có thể chứng minh trong việc phong thánh, giới nào vững vàng nhất. Ở trong tù thường là thế này: giáo dân hơn tu sĩ, tu sĩ hơn linh mục. Trong những vấn đề khó khăn: giáo dân vững vàng, linh mục nhẹ nhàng, Giám Mục im tiếng, hoặc xuê xoa”. (trang 258)

ĐỪNG QUẤY RẦY TIẾNG ỒN


Một đêm kia, khi thầy Bruno đang cầu nguyện thì tiếng kêu ộp ộp của một con ếch quấy rầy thầy. Những cố gắng của thầy nhằm lờ đi cái âm thanh đó ồn ào đó xem ra vô hiệu. Từ khung cửa sổ, thầy hét lên, “Im, ta đang cầu nguyện”.
Vì là một người thánh thiện, nên lệnh của thầy được chấp hành ngay. Mọi sinh vật kìm giữ âm thanh của mình tạo nên một sự im ắng thuận lợi cho việc cầu nguyện.
Nhưng này đây, một âm thanh khác xen vào việc thờ phượng của thầy Bruno - một tiếng nói ậm ự thốt lên rằng, “Có lẽ Thiên Chúa cũng hài lòng với tiếng kêu ộp ộp của một con ếch như lời thầy hát các Thánh Vịnh”. Thầy Bruno dể duôi biện bạch, “Trong tiếng kêu ồn ào của một con ếch, có cái gì có thể làm vui tai Thiên Chúa?”. Nhưng giọng nói ấy vẫn không chịu thua, “Tại sao thầy không nghĩ đến việc Thiên Chúa cũng đã tạo nên cả những tiếng ồn?”.
Thầy Bruno quyết định tìm xem lý do. Thầy nhoài người qua cửa sổ và ra lệnh, “Hát!”. Tiếng ộp ộp nhịp nhàng của con ếch toả lan hoà chung với tiếng nhạc nền của tất cả những con ếch vùng lân cận. Và khi thầy Bruno cùng lên tiếng với âm thanh đó, thì chúng ngưng kêu và thầy khám phá ra rằng, nếu chịu dựng được chúng, chúng thật sự làm phong phú cái im ắng của đêm.
Với khám phá đó, tâm hồn thầy Bruno trở nên hài hoà với vạn vật, và lần đầu tiên trong đời, thầy hiểu ý nghĩa của việc cầu nguyện.
( Taking Flight - Antony De Mello. Minh Anh chuyển ngữ)

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

THƯƠNG CÁI MẶT NHÀU


Gửi Th..u...a...n..
Chào Thờ,
Tối hôm ấy mặt Thờ nhàu nhĩ quá, trông thương không chịu được. Chị đã bảo thôi đừng nói nữa kẻo chị xúc động ( tiếng bây giờ gọi là bức xúc đấy, nhưng mình đây là rất ghét dùng cái chữ này, thời chị đi học, thầy chị còn không biết nó nữa huống hồ là chị). À nói tiếp, nếu Thờ làm chị xót quá, e có lần chị sẽ lỗi hứa với Chúa thì tội cho chị. Chị đã hứa là chỉ xét mình, không xét người. Lời hứa này như con dao hai lưỡi, nguyên tối hôm ấy nghe xong  ba chuyện, con dao chỉ chực quay lại đâm chị, may phúc, trước đó chị chỉ dự định thôi, chứ chưa hứa với Chúa. Vì thương cái mặt nhàu của Thờ, ở đây chị nhắc lại chuyện “bỏ đàn chiên xếp hàng dài ở đấy để kéo nhau đi măm” và “ông nhiệt tình quá đáng đấy!".
Thờ ạ, vấn đề mà Thờ chạm phải nó nằm trong phạm trù “muôn năm” rồi, giáo dân chúng ta không có đủ dũng khí để uốn nắn nó lại cho công bằng. Tiếc rằng đức cha Trọng đã về chầu Chúa, không thì Thờ ra Bắc tìm ngài mà mách, vì hình như ngài vốn không thích kiểu linh mục lười biếng.
Và để cho vui, xin trích Thờ đọc một câu trong cuốn sách nói về đời sống các linh mục quản xứ, như sau :
“Các giáo dân  sẽ rất hạnh phúc khi nhìn thấy vị linh mục quản xứ của họ tỏ ra hoạt bát, vui vẻ, không hay phàn nàn và luôn nhiệt tâm làm việc trên cánh đồng của Thiên Chúa”.
(trích Linh mục quản xứ -nguyên tác: Petit Manuel du Prêtre en paroisse en ce XXe siècle của Joseph Robert), Lm Phêrô Vũ văn Tự Chương dịch).
Thờ nên đọc lại cho cha xứ  nghe, nếu ngài không còn cho rằng Thờ… nhiệt tình quá đáng. Bởi câu này tác giả nói với ngài chứ không phải với giáo dân chúng ta.
Cuối cùng, để công bằng, Thờ vui lòng cho chị bênh cha Xứ của Thờ mấy điều :
- Có lẽ trưa hôm ấy bà bếp quên cho cha ăn, nên tối ấy ngài đói quá, không chịu được.
- Hôm ấy là ngày trước Tận Thế, nên người ta đi xưng tội đông cách đặc biệt. Thờ thông cảm cho các cha, mệt lắm.
- Bao lâu còn cha Phó thì nghiệp cha Phó là phải làm các việc, phải đi các nhà, cha Xứ già rồi, đừng để các ngài phải vất vả.
- Xứ nào cũng có cha xứ, bệnh nhân cần xức dầu thì cứ kêu cha xứ của bệnh nhân ấy tới. 
- Ôi, xét cho cùng câu nói của cha xứ cũng là thương Thờ đấy chứ? Ông nhiệt tình quá đáng làm gì cho khổ, cứ như tôi đây phải sướng không!
Thôi, nghĩ thế cho vui  đi Thờ, đừng nhàu nhĩnh nữa.
NHT

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

LỜI CẦU NGUYỆN NGỌT NGÀO


Lạy Chúa,
Tối hôm qua, con đã muốn chuẩn bị tâm hồn để dâng một Thánh Lễ Giao Thừa rất sốt sắng, vì con muốn tỏ lòng yêu mến thờ phượng Chúa cho xứng đáng. Con đã định sẽ thưa với Chúa những lời có cánh. Con muốn cám ơn Chúa về tất cả những Hồng Ân Chúa đã ban cho con và những người thuộc về con, trong suốt năm cũ.
Con xét mình, gom tội, và cảm thấy ân hận vì đã rất nhiều lần làm Chúa buồn. Con nhớ tội con để sẽ xin Chúa tha thứ.
Con tính từ nay con sẽ chỉ xét mình chứ không xét người.
Con định lên một kế hoạch gì đó có ích cho người.
Con cung kính đặt Kinh Thánh lên nơi cao và nghĩ rằng từ mai, mỗi ngày sẽ phải đọc một đoạn ngắn. Lại sắm một sổ tay để sẽ ghi chép những gì suy niệm từ Lời Chúa.
Con sẽ sống theo Lời Chúa.
Con sẽ có một hoạch định mới cho năm mới sống xứng đáng hơn, đẹp lòng Chúa hơn.
Chúa biết con yêu Chúa.
Chúa biết con muốn làm những điều trên là vì yêu Chúa.
Nhưng,
Con xin lỗi Chúa,
Các bạn con đã không biết chương trình của con tốt đẹp như vậy.
Các bạn ùa vào nhà, kéo con đi họp mặt cuối năm.
Các bạn nói, ở đó, chúng con sẽ ăn uống, nói chuyện vui chơi thoải mái vì suốt năm chúng con đã không có dịp nào gặp nhau đông đủ.
Mọi người đều  tha thiết nói rằng, tình bạn là cao cả, bên nhau tạo niềm vui.
Chúa biết đấy, các bạn con đều là những kẻ ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng, chuyên làm việc bao đồng, tối ngày hết bận việc này đến lo việc kia, toàn việc nhà thờ. Người làm Trùm, người là Bà Quản, người thổi kèn đám ma, người cắm hoa, người quét nhà thờ, lau kệ ghế, …một lô hát ca đoàn, đánh đàn, coi thiếu nhi, dạy Giáo lý, vân vân…
Chúa biết  hôm nay tất niên , Q. , V. vẫn đang còn phải lo cho bệnh nhân HIV. L., H., vẫn chưa rửa xong chén bát bữa cơm tặng mấy trăm người nghèo. N. sáng nay còn đi nhặt thai nhi...C. còn đút cơm cho các Cụ trong nhà dưỡng lão...
Chúa biết họ bận rộn vậy mà vẫn ham chơi, còn rủ rê con như vậy.Hồn nhiên quá!
Thật là ngại quá Chúa ạ. 
Chúa cũng biết, tuy mỗi người một khả năng, mỗi người một việc nhưng chúng con luôn nối kết với nhau bằng cách trao đổi, chia sẻ  kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong những công tác tự nguyện.…
Thế cho nên, làm sao con có thể từ chối lời rủ rê của  bạn bè được?
Con nói cho nhiều rồi chẳng làm gì cả.
Chúa biết đấy, con đã hớn hở đứng lên ùa theo lũ bạn.
Mà vui thật Chúa ạ. Chúa có thấy thế không?
Chúa có thấy các bạn con dễ thương không Chúa?
Chúa thông cảm nha Chúa. Tiệc Tất Niên mà. 
Con có hứa, để về rồi con tính. 
Nhưng Chúa biết hôm qua con về trễ quá, lăn ra ngủ khò, còng queo như con tôm.
Hôm nay ngày đầu Năm Mới,
Chúa đừng hối,để từ từ con tính….Năn nỉ mà, Chúa yêu.
NHT.