#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

NIỀM VUI CHIA SẺ




CA ĐOÀN.  ht.

   

 1. NKT đã nắm bắt được hồn của từ Ngôn Sứ trong bài giảng Phòng của cha Tiến Lộc :
Sau khi đã đưa ra những chứng cứ cho thấy sự hiện diện của Ca Đoàn, cách riêng từng Ca Viên trong Ca Đoàn đóng góp một phần khá quan trọng vào việc tạo nên  không khí sống động trong Cộng Đoàn Dân Chúa khi chúng ta cùng quây quần hợp dâng Thánh lễ, tác giả đi đến một kết luận thực tế khá thuyết phục , đại ý :
Khi Ca Viên tích cực say sưa ca hát, đem hết tâm tình vào câu ca tiếng hát mình thốt lên như lời (lyrics) trong bài hát cũng là tiếng lòng của chính người Ca Viên ấy dâng lên Chúa, đồng thời hát lên, để thực thi bổn phận  nâng đỡ, gieo phấn khởi hân hoan cho mọi môi miệng cùng hát với ta, khi đó mỗi Ca Viên là một Ngôn Sứ. Ngôn Sứ Hát Ca.
Người Ca Sĩ của Chúa đem tiếng hát giới thiệu, phổ biến, công bố những lời của Thánh Thần ( nhạc Phụng Vụ), lời đem sức sống thiêng liêng, lời tuyệt hảo. Lời vang lên cho ngàn dân nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tối Cao uy linh thánh thiện qua muôn cung bậc phụng thờ kính tôn.
Đó là sứ vụ của Ngôn sứ Hát Ca.
2.
Và mình thì nắm bắt được hồn của sự Hiệp Nhất trong bài chia sẻ của NKT.:
Khi mọi tâm hồn đều cùng thấu hiểu những lời lẽ, những ý tứ, những tâm tình cao sáng, thiêng thánh chứa đựng trong bài Thánh ca ấy, thì bên trong mỗi người có một sức lôi cuốn, thúc đẩy họ bật thành tiếng, hát  theo Ca Đoàn. Gọi là sự đồng cảm tập thể.
Tôi đoán rằng tác giả NKT. mong ước sao cho trong mọi Thánh Lễ, phần Ca Đoàn, cách riêng mỗi Ca Viên, ý thức được rằng khi đứng lên hát, người Ca Viên có bổn phận phải làm nóng nhà thờ lên, thiết tha gợi mở tâm tình người giáo dân, sao cho họ muốn cùng tham gia tiếng hát với Ca Đoàn cho tích cực, sốt sắng.
Thái độ đóng góp tiếng hát này tạo nên một không khí hòa đồng, mọi người cùng chung cảm xúc, tâm tình. Trong một nhà thờ rộng lớn, khi tiếng hát lời kinh vang lên, cả Cộng đoàn cùng Ca Đoàn, ai cũng như ai, không có sự phân biệt ai với ai, linh mục tu sĩ hay giáo dân, giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, nam hay nữ, hát hay hay hát dở, v.v.  mọi người đều giống nhau, trăm, ngàn, muôn ngàn người coi như chỉ có một. Đó là sự Hiệp Nhất.
3.
Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho muôn người hiệp nhất nên một, như Ngài ở trong Cha, như Cha ở trong Ngài. Ngài xin cho mọi người hiệp nhất trong Cha và Ngài. Và Lời Ngài  gieo vãi khắp trần gian để mong như thế.
 Giê-su, Sứ Giả của Thiên Chúa ( Ga 20,21; Dt 3,1), Mẫu Gương Chí Thánh đã trở nên bình dị, dễ gần  với người Ca Viên.
 Ca viên làm sứ giả cho Chúa. Thật vinh dự thay ! Vậy,
- Lời chúng ta hát lên sao cho phù hợp với một lời cầu nguyện – (Khi cầu nguyện, ai lại nhấn nút điệu điện tử  !)
- Lời chúng ta hát lên sao cho tròn vành rõ chữ - (Không hiểu được ý nghĩa lời ca thì  biết cầu nguyện thế nào !)
- Lời chúng ta hát lên sao cho tâm tình, sốt sắng – (Ca Đoàn thờ ơ, Cộng đoàn ắt buồn nản, không muốn thông công).
- Lời chúng ta hát lên sao cho thật xứng đáng trước Nhan Chúa: Đạo đức và thánh thiện, tốt đẹp và hoàn hảo.
( Không như thế thì không gọi là nhạc Thánh).
Lời Ca Viên hát sẽ nên lời Ngôn Sứ đi trước dẫn đường cho muôn  môi miệng cùng rập ràng vang lên :
“Tim tôi dâng ý thơ tuyệt diệu
Dệt bài ca cung tiến Đức Vua.
Lưỡi tôi tựa bút rung vạn điệu
Trong tay những thi nhân anh tài”.
Thiên Chúa yêu sự Hiệp Nhất như thế.
4.
Ở một khía cạnh khác, dừng lại nơi ý tưởng “Ca Sĩ của Chúa”( không được nghe cha Tiến Lộc giảng và cũng không thấy bài NKT quảng diễn), tôi thoáng nghĩ về những bài hát Sinh hoạt trong Đạo mình.(Mấy trăm bài của cha Tiến Lộc chẳng hạn).
Tôi gọi là Giáo ca.
Dù chỉ là những ca khúc nhỏ bé đơn sơ, giản dị, cả về nhạc lẫn lời, dù chỉ được phổ biến bên ngoài nhà thờ, tính từ cửa nhà thờ tính ra, nhưng ảnh hưởng của chúng đáng được khen ngợi, vì ở mỗi bài, tác giả không hề quên gửi gắm tới người hát, người nghe, ít  là một Ý Tông Đồ.
( Hi hi ! Cha  béo ơi, con prồ cho cha đó!)
Vậy chẳng phải vô ích đâu, khi có dịp nào đó ta bắt gặp một linh mục, một tu sĩ, một anh thanh niên, hay một cô gái bé nhỏ ôm cây guitar, ngồi giữa đám đông, rải nốt hát một bài Giáo ca sinh hoạt, hồn nhiên, giản dị, trong sáng :
Giê-su, Giê-su…Chúa rủ con dạo chơi với Chúa…
Đồng cỏ xanh mơn mởn quá  nên thơ…
Tính Rao giảng tràn đầy, hồn Tông đồ lan tỏa, chân dung Ngôn sứ sáng như đèn đặt trên đế.
Ca Sĩ của Chúa ơi, đúng là không áo vàng kim tuyến, không màn nhung đèn màu, không hoa tươi chúc tụng, không tiếng vỗ tay cổ vũ, chỉ cần với lòng mến, bạn cứ nghêu ngao….
Tôi, lúc này, nghĩ đến Bạn, thì thích hát bài xin Chúa
ban nhiều thợ biết nhiệt thành,
 để Nước Chúa rộng lan khắp nơi ”…
Để kết, xin tặng quý Anh Chị Em Ca Sĩ của Chúa một đoạn nhỏ Tự thuật cảm động của thánh Augustin, mà tôi xin mạn phép chuyển thành thơ :
*“ Ôi lạy Chúa, mắt con rơi lệ
Bởi những lời ca Thánh ru êm
Chân Lý Chúa  trong con, cứ thế
Thiêu đốt tim này suốt sáng đêm”.
                                                                                 ANNA  
-----------------------------------------------
*(“Con đã khóc vì lời ca trong những ca khúc và những bản thánh ca! Những tiếng êm dịu của Hội Thánh đã gây nên trong con những tâm tình thật là sống động! Những âm thanh này thấu nhập vào trong trái tim con đồng thời với chân lý của Chúa, và vì vậy, chẳng mấy chốc mà tình yêu của Chúa đã thiêu đốt con
.St. Augustin).
                                                                                   

Nhân tiện, mời quý Ngôn Sứ đọc tiếp, 
sau đây là một bài Suy niệm về Ơn Gọi NGÔN  SỨ.
Bạn nghĩ sao ?
                                                                                    ANNA


Suy niệm:
Ơn gọi ngôn sứ chưa bao giờ là một ơn gọi dễ dàng. 
Ngôn sứ là người bất ngờ được Thiên Chúa kêu gọi, 
để trở nên phát ngôn viên chính thức cho Ngài trước toàn dân. 
Thiên Chúa nói qua trung gian con người, 
nói bằng thứ ngôn ngữ con người để họ hiểu được. 
Ngôn sứ đã là người nghe trước khi là người nói, 
là cầu nối chuyển đạt cho dân sứ điệp mình đã lãnh nhận.
Sứ điệp của Thiên Chúa lắm khi là những lời cảnh báo, răn đe, 
nên công việc của ngôn sứ không dễ được mọi người đón nhận. 
Ngôn sứ có thể tố cáo tính vụ hình thức nơi phụng vụ trong Đền thờ, 
những người dâng lễ vật cho Chúa, nhưng lại bóc lột anh em (Is 1, 11). 
Ngôn sứ cũng dám nói lên những điều chưa tốt nơi hàng tư tế, 
những hư hỏng, bất công của vua quan (2 Sm 12, 7), 
và những bất trung của dân chạy theo ngẫu tượng dân ngoại. 
Phải có đảm lược mới dám nói điều Chúa bắt mình nói. 
Số phận của một ngôn sứ thường gắn liền với đau khổ và bách hại. 
Môsê và Êlia đều đã có lúc xin được chết cho xong (Ds 11, 15; 1 V 19, 4). 
Giêrêmia cũng chỉ muốn từ nhiệm, nhưng không được (Gr 20, 7-18). 
Giacaria bị ném đá và giết trong sân Đền thờ (2 Sb 24, 20-22).
Vào thời Tân Ước các ngôn sứ cũng chịu chung số phận. 
Gioan Tẩy giả, Đức Giêsu và các tông đồ đều nếm khổ đau và cái chết. 
Bài Tin Mừng hôm nay nói đến máu mà bao ngôn sứ đã đổ ra. 
Từ thời Hêrôđê đại đế, người ta bắt đầu xây lăng mộ cho các ngôn sứ, 
nhưng chuyện bắt bớ và sát hại các ngôn sứ thì vẫn kéo dài. 
“Thế hệ này sẽ phải trả lời về máu của mọi ngôn sứ đã đổ ra…” (c.50). 
Như vậy thế hệ hiện tại cũng phải chịu trách nhiệm về tội ác quá khứ, 
vì chính họ đang nhúng tay 
vào việc bách hại các người được Thiên Chúa sai (c. 49). 
Các nhà thông luật hay các kinh sư mà Đức Giêsu đang gặp gỡ 
sẽ có mặt trong Thượng Hội Đồng để luận tội Đức Giêsu (Lc 22, 66). 
Máu vô tội của Đức Giêsu sẽ đổ ra trên đồi Sọ (Lc 22, 20; Ga 19, 34). 
Máu châu báu ấy thực ra không đòi nợ máu, không đòi trả thù. 
Máu ấy đổ ra để xóa tội cho muôn người (Mt 26, 28), 
để giao hòa con người với Thiên Chúa. 
Một số người sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đổ máu Đức Giêsu, 
nhưng ngay cả những người ấy cũng có thể thoát khỏi án phạt 
nhờ chính dòng máu từ trái tim yêu thương của Đấng bị đóng đinh.
Đức Giêsu trên thập giá đã tha thứ cho những kẻ giết mình. 
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). 
Đức Giêsu phục sinh đã sống sự tha thứ ấy 
khi Ngài chẳng hề báo thù những kẻ can dự vào cái chết của Ngài. 
Các tông đồ cũng lần lượt chia sẻ chén đắng của Thầy mình. 
Kitô hữu tự bản chất là ngôn sứ cho thế giới mình đang sống. 
Chỉ mong chúng ta cũng can đảm sống như Giêsu và chết như Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh sáng, cũng có những bóng mờ đe dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?
Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
đối diện với những thách đố
vì biết rằng cuối cùng
chiến thắng thuộc về người
có niềm hy vọng lớn hơn.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Không có nhận xét nào: