Lại ngẫm chuyện chọn người đứng đầu
18:43'
2/1/2013
Tạp chí cộng sản - Trong trời đất không gì quý bằng con
người. Trong nhân quần không gì quý bằng hiền tài. Bởi, hiền tài là nguyên khí
của quốc gia.
Theo thế, việc dùng người, nhất là người làm tướng, người đứng
đầu tổ chức, quốc gia... được xếp vào một trong mấy việc hệ trọng và khó vào
bậc nhất xưa nay ở đời. Ngẫm việc này, chợt lại nhớ tới dòng chữ khắc trên bia
mộ một vị tổng thống ở phương Tây: “Nơi đây yên nghỉ một người tài biết dùng
những người tài hơn mình”! Thế mới hay, trải suốt cổ kim, ngang dọc Đông Tây,
việc dùng người đúng đắn là nỗi bận tâm và nan giải vào hàng thứ nhất trong
muôn sự ở đời của mọi thời và mọi quốc gia.
Nhân chúng ta đang bàn và thực thi về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, tôi lại nhớ về ngày xưa về việc chọn người!
Có câu chuyện đối đáp đã lưu truyền trong dân gian suốt hơn 2.400 năm nay, ở một nước nọ. Rằng, một bữa, Văn Quân người đất Lỗi Dương, hỏi Mặc Tử: Có kẻ nói trung thần là người bắt cúi thì cúi, bắt ngẩng thì ngẩng, để thì im, gọi thì thưa, như thế có coi là trung thần và dùng họ được không? Mặc Tử cười đáp: Bắt cúi thì cúi, bắt ngẩng thì ngẩng, như thế khác gì cái bóng. Để thì im, gọi thì thưa, như thế khác gì tiếng vang. Nếu dùng những kẻ như cái bóng như tiếng vang ấy, phỏng được ích gì. Theo tôi đây, đã gọi là bậc trung thần thì khi vua có nhầm lẫn, phải liệu cách can ngăn mà đưa vào điều thiện. Khi mình có điều hay, phải tìm đường bày tỏ, mà không lộ ra ngoài; trên thì thành thực, một lòng một dạ với vua; dưới thì không a dua, vào bè kết đảng với ai. Những sự tốt lành, yên vui thì để phần vua hưởng; những điều oán trách, lo lắng thì một mình gánh chịu trước. Ai có được như thế, tôi mới cho là bậc trung thần và họ xứng đáng được tin cậy và ủy thác cho việc lớn trong thiên hạ.
Văn Quân cả phục và làm theo!
Chuyện ấy, lời ấy của Mặc Tử thật chí lý chí tình lắm thay!
Nhưng chạnh buồn rằng, lại từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim, nhìn và ngẫm, thấy lắm chuyện việc dùng người đáng phải trừ bỏ. Tỉ như điều sách Hoài Nam Tử ghi lại: Trong thiên hạ, có ba cái nguy: Đức ít mà được ân sủng nhiều, tài kém mà địa vị cao, thân không lập được công to mà bổng lộc lắm. Nhiều thời, người đứng đầu quốc gia đã phạm vào những điều cấm kỵ ấy, khiến cho bậc trung thần phải thất thế, kẻ hiền sĩ phải bó tay và đám loạn thần lên ngôi vênh vác, chà đạp những bậc trung thần. Quả báo không thể nào tránh nổi. Ấy là lúc lòng người ly tán, xã hội trầm luân, quốc gia điên đảo. Bao vương triều sụp đổ!
Nghĩ mà đau lòng thay! Bởi thế, ở nước ta, thời nào ông cha mình cũng dành những nỗi bận tâm bậc nhất trù tính chuyện dùng người, những mưu xã tắc muôn đời bền vững.
Nhớ thế kỷ thứ XI, dù chuyện đã kể mấy lần. Rằng, vào thời Lý, có vị Thái úy là Tô Hiến Thành. Ông tài đức vẹn toàn. Lúc ông nhuốm bạo bệnh, người ta thấy, có quan Tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm chầu chực hầu hạ, rất là “mẫn cán”, “tận tụy” (!). Ai cũng nghĩ, người ấy sẽ thay Tô Hiến Thành, khi ông khuất núi. Khi ông sắp lâm chung, bà Đỗ Thái hậu - mẹ vua Lý Cao Tôn - đến thăm và hỏi ông: Ai có thể thay ông được? Chẳng cần nghĩ, ông đáp ngay: Thưa Thái hậu! Là Trần Trung Tá. Bà chưa hết ngạc nhiên, ông tiếp: Nếu Thái hậu hỏi người cúc cung hầu hạ thì tôi xin cử Vũ Tán Đường, còn hỏi người làm tướng thì tôi phải tiến cử quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá.
Ngược thêm chút nữa, về thế kỷ thứ X. Đinh Tiên Hoàng lừng lẫy và lẫm liệt là thế, nhưng cuối đời, vì dùng bọn người Đỗ Thích, Đỗ Sơn một cách mù quáng nên nỗi thân nát nghiệp tan. Nhưng còn kịp may mắn để lại cho hậu thế một bài học dùng người thấm đẫm máu đào và nước mắt!
Trở xuôi tới thời Trần. Đây là thời kỳ được xếp vào hàng những thời thịnh trị nhất lịch sử nước nhà, với hào khí Đông A lừng lẫy. Và Trần Hưng Đạo được lưu truyền và ca tụng nhiều nhất trong việc dùng người. Lúc thường ngày, ông bỏ thù riêng, gạt hiềm cũ để cầu người mưu việc đại sự quốc gia. Ông giội nước cho Thượng tướng Trần Quang Khải tắm cốt bỏ hiềm xưa, những tỏ lòng mình trong sạch. Chuyện ấy còn truyền mãi với nhân gian. Khi lâm đại sự, ông thường khuyên các tướng: Thận trọng từ cái nhỏ, mưu trí ở việc lớn, quê mùa vì bỏ người hiền, mắc vạ vì ham lợi lộc, không tường tận vì ghét nghe kể lỗi mình, không sáng suốt bởi nghe lời gièm pha, không chắc chắn vì hay nhẹ dạ. Theo phương châm ấy, ông đối đãi hết lòng với người và hết sức khắc kỷ với mình. Và nhân gian còn nhớ mãi, dưới quyền Hưng Đạo Vương, kẻ nịnh hót gièm pha đâu thấy; người thích phỉnh nịnh phải tỉnh ngộ; kẻ tham lam, vị kỷ buộc nghiến răng lấy đó làm điều phải tự răn mình; bao bậc hiền tài, trang tướng tha hồ mở lòng giúp nước.
Thật là lẫm liệt lắm thay!
Tới thời hậu Lê. Dẫu bản thân mình bao bận thăng trầm, thậm chí về cuối đời, bị thất sủng và gánh họa tru di tam tộc, nhưng Nguyễn Trãi vẫn treo vằng vặc giữa nhân thế một vì sao Khuê. Ông từng nói với các vị quan đồng triều rằng: Yêu người gần vị tình riêng. Họ hàng thì người thấp cũng tôn quý, tiểu nhân mà người nịnh cũng tin dùng. Nhân mừng mà thưởng khen, nhân giận mà phạt giết. Người trung thực phải khóa miệng, kẻ lương thiện thì ngậm oan. Thế mà còn cứ kiêu ngạo, không sợ mệnh trời gieo họa lắm ư. Và, chẳng phải đợi lâu, lời tiên báo ấy đã thành ứng nghiệm với nhà Lê, như là quả báo.
Một quốc gia may mắn là một quốc gia có nhiều bậc hiền tài. Nhưng, để trở nên mạnh mẽ và trường tồn chỉ khi người ta biết trọng dụng con người, nhất là những bậc hiền tài ấy. Không nhìn thấy người hiền tài là mắc tội; tội to hơn là thấy người hiền tài mà không dùng họ; tội nặng hơn thế nữa là dùng mà không tin họ; thật là trọng tội nếu thấy họ mắc oan mà không bảo vệ được; nhưng cộng cả bốn tội ấy cũng không nặng và nguy ngập bằng tội đem cái mũ của bậc hiền tài đội lên đầu kẻ bất tài vô hạnh!
Ông cha ta từng luôn lấy đó làm răn!
Càng nhớ, càng nhìn, càng ngẫm lại càng hổ thẹn, thật không dám bàn thêm, khi thấy nhiều nơi ở ta, việc chọn người đứng đầu, người làm tướng không được kỹ càng như ông cha mình thuở trước./.
Nhân chúng ta đang bàn và thực thi về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, tôi lại nhớ về ngày xưa về việc chọn người!
Có câu chuyện đối đáp đã lưu truyền trong dân gian suốt hơn 2.400 năm nay, ở một nước nọ. Rằng, một bữa, Văn Quân người đất Lỗi Dương, hỏi Mặc Tử: Có kẻ nói trung thần là người bắt cúi thì cúi, bắt ngẩng thì ngẩng, để thì im, gọi thì thưa, như thế có coi là trung thần và dùng họ được không? Mặc Tử cười đáp: Bắt cúi thì cúi, bắt ngẩng thì ngẩng, như thế khác gì cái bóng. Để thì im, gọi thì thưa, như thế khác gì tiếng vang. Nếu dùng những kẻ như cái bóng như tiếng vang ấy, phỏng được ích gì. Theo tôi đây, đã gọi là bậc trung thần thì khi vua có nhầm lẫn, phải liệu cách can ngăn mà đưa vào điều thiện. Khi mình có điều hay, phải tìm đường bày tỏ, mà không lộ ra ngoài; trên thì thành thực, một lòng một dạ với vua; dưới thì không a dua, vào bè kết đảng với ai. Những sự tốt lành, yên vui thì để phần vua hưởng; những điều oán trách, lo lắng thì một mình gánh chịu trước. Ai có được như thế, tôi mới cho là bậc trung thần và họ xứng đáng được tin cậy và ủy thác cho việc lớn trong thiên hạ.
Văn Quân cả phục và làm theo!
Chuyện ấy, lời ấy của Mặc Tử thật chí lý chí tình lắm thay!
Nhưng chạnh buồn rằng, lại từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim, nhìn và ngẫm, thấy lắm chuyện việc dùng người đáng phải trừ bỏ. Tỉ như điều sách Hoài Nam Tử ghi lại: Trong thiên hạ, có ba cái nguy: Đức ít mà được ân sủng nhiều, tài kém mà địa vị cao, thân không lập được công to mà bổng lộc lắm. Nhiều thời, người đứng đầu quốc gia đã phạm vào những điều cấm kỵ ấy, khiến cho bậc trung thần phải thất thế, kẻ hiền sĩ phải bó tay và đám loạn thần lên ngôi vênh vác, chà đạp những bậc trung thần. Quả báo không thể nào tránh nổi. Ấy là lúc lòng người ly tán, xã hội trầm luân, quốc gia điên đảo. Bao vương triều sụp đổ!
Nghĩ mà đau lòng thay! Bởi thế, ở nước ta, thời nào ông cha mình cũng dành những nỗi bận tâm bậc nhất trù tính chuyện dùng người, những mưu xã tắc muôn đời bền vững.
Nhớ thế kỷ thứ XI, dù chuyện đã kể mấy lần. Rằng, vào thời Lý, có vị Thái úy là Tô Hiến Thành. Ông tài đức vẹn toàn. Lúc ông nhuốm bạo bệnh, người ta thấy, có quan Tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm chầu chực hầu hạ, rất là “mẫn cán”, “tận tụy” (!). Ai cũng nghĩ, người ấy sẽ thay Tô Hiến Thành, khi ông khuất núi. Khi ông sắp lâm chung, bà Đỗ Thái hậu - mẹ vua Lý Cao Tôn - đến thăm và hỏi ông: Ai có thể thay ông được? Chẳng cần nghĩ, ông đáp ngay: Thưa Thái hậu! Là Trần Trung Tá. Bà chưa hết ngạc nhiên, ông tiếp: Nếu Thái hậu hỏi người cúc cung hầu hạ thì tôi xin cử Vũ Tán Đường, còn hỏi người làm tướng thì tôi phải tiến cử quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá.
Ngược thêm chút nữa, về thế kỷ thứ X. Đinh Tiên Hoàng lừng lẫy và lẫm liệt là thế, nhưng cuối đời, vì dùng bọn người Đỗ Thích, Đỗ Sơn một cách mù quáng nên nỗi thân nát nghiệp tan. Nhưng còn kịp may mắn để lại cho hậu thế một bài học dùng người thấm đẫm máu đào và nước mắt!
Trở xuôi tới thời Trần. Đây là thời kỳ được xếp vào hàng những thời thịnh trị nhất lịch sử nước nhà, với hào khí Đông A lừng lẫy. Và Trần Hưng Đạo được lưu truyền và ca tụng nhiều nhất trong việc dùng người. Lúc thường ngày, ông bỏ thù riêng, gạt hiềm cũ để cầu người mưu việc đại sự quốc gia. Ông giội nước cho Thượng tướng Trần Quang Khải tắm cốt bỏ hiềm xưa, những tỏ lòng mình trong sạch. Chuyện ấy còn truyền mãi với nhân gian. Khi lâm đại sự, ông thường khuyên các tướng: Thận trọng từ cái nhỏ, mưu trí ở việc lớn, quê mùa vì bỏ người hiền, mắc vạ vì ham lợi lộc, không tường tận vì ghét nghe kể lỗi mình, không sáng suốt bởi nghe lời gièm pha, không chắc chắn vì hay nhẹ dạ. Theo phương châm ấy, ông đối đãi hết lòng với người và hết sức khắc kỷ với mình. Và nhân gian còn nhớ mãi, dưới quyền Hưng Đạo Vương, kẻ nịnh hót gièm pha đâu thấy; người thích phỉnh nịnh phải tỉnh ngộ; kẻ tham lam, vị kỷ buộc nghiến răng lấy đó làm điều phải tự răn mình; bao bậc hiền tài, trang tướng tha hồ mở lòng giúp nước.
Thật là lẫm liệt lắm thay!
Tới thời hậu Lê. Dẫu bản thân mình bao bận thăng trầm, thậm chí về cuối đời, bị thất sủng và gánh họa tru di tam tộc, nhưng Nguyễn Trãi vẫn treo vằng vặc giữa nhân thế một vì sao Khuê. Ông từng nói với các vị quan đồng triều rằng: Yêu người gần vị tình riêng. Họ hàng thì người thấp cũng tôn quý, tiểu nhân mà người nịnh cũng tin dùng. Nhân mừng mà thưởng khen, nhân giận mà phạt giết. Người trung thực phải khóa miệng, kẻ lương thiện thì ngậm oan. Thế mà còn cứ kiêu ngạo, không sợ mệnh trời gieo họa lắm ư. Và, chẳng phải đợi lâu, lời tiên báo ấy đã thành ứng nghiệm với nhà Lê, như là quả báo.
Một quốc gia may mắn là một quốc gia có nhiều bậc hiền tài. Nhưng, để trở nên mạnh mẽ và trường tồn chỉ khi người ta biết trọng dụng con người, nhất là những bậc hiền tài ấy. Không nhìn thấy người hiền tài là mắc tội; tội to hơn là thấy người hiền tài mà không dùng họ; tội nặng hơn thế nữa là dùng mà không tin họ; thật là trọng tội nếu thấy họ mắc oan mà không bảo vệ được; nhưng cộng cả bốn tội ấy cũng không nặng và nguy ngập bằng tội đem cái mũ của bậc hiền tài đội lên đầu kẻ bất tài vô hạnh!
Ông cha ta từng luôn lấy đó làm răn!
Càng nhớ, càng nhìn, càng ngẫm lại càng hổ thẹn, thật không dám bàn thêm, khi thấy nhiều nơi ở ta, việc chọn người đứng đầu, người làm tướng không được kỹ càng như ông cha mình thuở trước./.
Nhị Lê