Đã lâu rồi, chúng tôi, một viết nhạc và một đệm
đàn mới có dịp gặp lại nhau và thế là có một Cà phê Ca đoàn, số 6.
Tôi luôn yêu mến những giờ phút thân ái bên tách
cà phê có bạn bè. Chúng tôi có thể hàn huyên đủ thứ chuyện, nhưng thú vị nhất,
say sưa nhất vẫn là chuyện nhạc họa, thơ văn, đàn hát….
Ngón đàn của T. đứng đắn, nghiêm túc, tâm tình,
thích hợp với nhà thờ và chúng tôi đã từng làm việc với nhau cách đây nhiều năm
xưa, đủ để người này hiểu người kia nói gì.
Qua hình thức một bức thư điện tử, chúng tôi trao
đổi cho nhau những nhận định về Bản Đệm Đàn, một vấn đề người khác đã nói.
Người khác nói chuyên môn hơn, kinh điển hơn, hay hơn, đầy đủ hơn, hết tập này
đến tập kia giới thiệu bài Mẫu và đã được in cả vào sách vở, nhưng tôi vẫn cứ
đòi nói nữa, nói theo kiểu Cà phê Ca đoàn của HT’blog.
Bấy lâu nay tôi chưa thấy thực tế có gì tỏ ra hấp thụ được, nôm na
là ăn được, nuốt được những lời hay ý đẹp từ những bài viết, bài giảng về Bản Đệm
Đàn, có nghĩa là đi nhà thờ thường thì phúc lắm mới được nghe trên gác đàn vọng
xuống những giọt thiêng giọt thánh, còn thì… “thà như giọt mưa”.
Chẳng hóa ra người ta không biết đến vô vàn công lao của những bậc tài hoa đã hao mòn tâm trí suốt bao đêm ngày để cho ra đời
những tác phẩm Đệm đàn công phu mà đưa ra thị trường chắc từ lỗ đến lấy giá vốn
còn chưa có người hưởng ứng sao ?
Tôi cho rằng cuộc đời thờ ơ. Tàn nhẫn là khác .
Đời, c’est la vie !
Tôi biết
có một nhạc sĩ vô cùng tài ba thiết tha ra nhiều sách. Vị ấy đã nhận được những
lời phê bình lộ liễu như sau : “Ai soạn
người ấy đàn”.
Thật là đau ! Thật là cay đắng thay !
Bỗng hôm qua, T. bàn về vấn đề vốn làm tôi cay
đắng với đời ấy, hệt như ấn đầu nhọn của cây lấy ráy tai vào lòng bàn tay tôi,
nhói một cái, làm tôi phải lắng nghe. Tôi nghe :
Chị T.mến,
Em rất
quý mến những Bản Đệm Đàn của nhạc sĩ bạn em, nhưng em thấy nó quá khó
cho các bạn đang phục vụ tại khắp nơi trong lĩnh vực này.
Giá như
bên cạnh những bài có tính bác học có thêm nhiều bài khác quen thuộc cho nhiều
hoàn cảnh phụng vụ khác nhau.
Đơn giản
mà hiệu quả như những bài của NS. HL. viết thì quá tuyệt.
Thông qua
đó, người soạn có thể giáo dục va nâng cao dần trình độ thẩm âm - hòa âm cho
rất nhiều thành phần trong ca đoàn.
Em đã từng
chơi nhiều Bản Đệm Đàn của bạn rồi chị ạ. Tập mướt mồ hôi, đến khi ráp vào ca
đoàn thì quả là rất khó vì người hát chưa quen nghe đệm đàn với những phong
cách trang hoàng như vậy, vì họ đã quá quen với những công thức nhịp điệu -
tiếng đàn át tiếng hát - tiếng hát dựa tiếng đàn !
Ngoài ra,
các nhà thờ hiện nay đều trang bị các loại đàn 2 tầng phím tay và 1 tầng phím
chân mà các Bản Đệm Đàn ấy chưa khai
thác được yếu tố pédal bass. thì quá uổng, mà nếu không sử dụng pédal thì tiếng
đàn mất đi tới 60% hiệu quả. Đa số anh em đều chơi theo kiểu tay trái thế nào
thì chân thế vậy. T. nhà em thì khá nhần nhuyễn trong việc sử dụng pédal kết
hợp với hai tay.Vấn đề là ở chỗ đó, em có thao thức thì em mới chia sẻ với chị,
em cũng đã từng chia sẻ với nhạc sĩ bạn về những bài đơn giản nhưng chưa thấy
bao nhiêu bài xuất hiện. Ca đoàn cấp xã thì quá đông trong khi cấp thành phố
thì quá ít. Vậy ta nên chọn số đông hay số ít để phục vụ? Và việc cho ra đời
những Bản Đệm Đàn cầu kỳ như vậy ở khía cạnh nào đó phải chăng chỉ là để thỏa
mãn niềm vui cho mọi người thấy khả năng vượt trội của tác giả ?
T.
T.
*****************************************************************
T. này hoàn toàn đồng ý với
T. trên về những nhận xét các bản Đệm Đàn quá cầu kỳ cũng như việc chưa áp dụng
pédal bass vào tác phẩm Đệm Đàn làm mất
nhiều phần hiệu quả .
Quả thật có nhiều bài đệm đàn, nhìn vô thấy ớn, không muốn tập .
Nhìn vào một Bản Đệm Đàn đầy nốt trang trí, tự khắc trong đầu mình nảy ra những
câu hỏi : Bài này viết để đệm ở đâu? lúc
nào ? cho ai hát ?
Đương nhiên là đệm trong nhà thờ, trong Thánh Lễ hay giờ cầu
nguyện, tĩnh tâm có hát Thánh ca. Đệm
cho Cộng đoàn hoặc Ca đoàn hát.
Nếu bảo đệm cho Cộng đoàn thì giáo dân họ hát theo đàn đấy, nhưng tình
trạng phổ biến hiện nay là phải có nhịp rập ràng từ những cái nút điện tử mới
…”hoành tráng” (xin lỗi, nhưng tiếng này dùng ở đây hợp thời đấy nhỉ!). Vả lại
phần đệm đàn công phu không biết có kịp phô diễn cho đáng công không, khi mà
tiếng hát của cả cộng đoàn đang hòa vào không khí cầu nguyện chung, không phải
là lúc cho ta lắng nghe tiếng đàn đệm tuyệt vời của người nghệ sĩ.
Nếu bảo đệm cho Ca đoàn thì phải mất nhiều thời giờ hơn để anh chị
em ca viên ráp với đàn và người đệm đàn như T. phải toát mồ hôi ít là hai lần
cả thảy. Một lần ở nhà và một lần ở gác đàn. Ít là hai . Mỗi tuần ta hát lễ
Chúa Nhật một lần, toát mồ hôi ít là hai lần, vé vào Thiên Đàng nắm trong tay.
Vì thế, hiện nay số người học đệm đàn nhà thờ rất đông, nhưng để chịu
đệm đàn có bài bản nhạc sĩ viết cho từng tác phẩm Thánh ca thì thật hiếm hoi,
bởi vì các anh chị em đệm đàn nhà thờ, cuộc sống không chỉ làm mỗi việc này.
Tiền chợ, tiền nhà, tiền học cho con, tiền gas, tiền điện, tiền
nước, tiền thuốc, tiền chữa bệnh…dường như có hiệu ứng mạnh ảnh hưởng trên mọi
bản Đệm Đàn đã được soạn rất công phu, rất hay, biến tác phẩm này bỗng dưng thành
khô khan, chán nản…
Bây giờ là : Học cho biết căn bản, rồi sau đó, đàn nhiều quen thôi.
Cây đàn Orgue luôn kiên nhẫn với mọi đôi tay thiện chí và các nhà
thờ thì luôn tìm kiếm những con người phục vụ .
Cha Xứ thì rất quý dàn Tự nguyện.
Cho nên đàn là đàn, mà bản Đệm Đàn là bản Đệm Đàn.
Thực tế thì sao ?
Có những người đệm đàn nhà thờ cảm thấy yên tâm khi sử dụng nhịp
điệu máy móc , vì chắc ăn, không sợ cộng đoàn nhanh chậm.
Có những bạn không sử dụng các loại nút, nhưng chân tay xập xình
không kém.
Có những vị ngồi vào đàn là chạy nốt, chơi theo kiểu phòng trà,
nghe thật quyến rũ muốn khiêu vũ.
Có những tay đàn kết hợp các
loại cho có màu biểu diễn, nghệ sĩ tính, lãng mạn, tài tình…
Lại có những cách đệm đàn rù
rà rù rì…
Nhưng ai giỏi thì xin mời thay thế .
Cộng đoàn cần đàn. Cả một
đám đông trong nhà thờ cần đàn.
Nếu không có đàn, tập thể hát một là lung tung , hai là rời rạc, ba
là nhếch nhác. Âm thanh của đám đông mà
!
Đến đây mới nhận ra là tiếng đàn hiệu quả nhất cho một tập thể đông
đúc như một Cộng đoàn trong nhà thờ, nhất là trong Thánh Lễ, chính là tiếng đàn
đệm theo bản phối nghệ thuật nhưng hết sức đơn sơ, giản dị, luôn đóng vai PHỤ
XUẤT SẮC. “Đệm” không bao giờ là chính.
Người đệm đàn có tâm tình yêu mến, âm thầm phục vụ tiếng hát, tôn
trọng lời ca, thế là tốt.
T. thân mến,
Chắc hẳn những nhạc sĩ viết bản Đệm Đàn phải nhận ra sự cần thiết
của công tác đệm đàn trong nhà thờ nên mới bỏ công sức ra mà soạn nhạc. Trước
tình trạng đàn nhà thờ “xập xình quá đỗi” như hiện nay, có thể nói là các vị ấy
bức bối hơn những “người ngoại đạo” nhiều. Chúng ta chỉ biết cầu chúc cho các
vị ấy thật lòng yêu mến Thiên Chúa, khắc sẽ khiêm nhường để làm việc cách chân
chính, khi ấy chẳng thể xảy ra chuyện thỏa mãn gì gì ấy.
Còn vượt trội ư ? Trời đất ơi, viết cái bản Đệm Đàn thì có gì đáng
tự hào ? Chắc không đến nỗi khốn khổ như thế đâu T. ạ. Chị nhớ Kinh thánh có
câu : “ Người được chấp nhận không phải
là người tự cao tự đại…” (2 Cr 10,18). Chúng mình cùng nhớ kỹ câu này nhé.
Chúc T. vẫn nguyên vẹn mãi tiếng đàn tâm tình.
T.
2 nhận xét:
Người ta nói: "Thánh ca thì phải thánh thiện". Vậy đệm đàn cho thánh ca chắc cũng cần tính thánh thiện (hay thân thiện?). Hy vọng các nhạc sỹ soạn bản đệm đàn cho các bài Thánh ca Việt Nam luôn làm được điều này mà không cần cái "xập xình" rình rang khi đệm hát.
Đúng quá ạ. Mong rằng nhận xét của Bạn cũng như một lời chúc thân tình gửi đến các Nhạc Sỹ đệm đàn.
Đăng nhận xét