#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

CPCĐ. 02 : CÁI NÚT VOLUME TRONG NHÀ THỜ



      
        CÁI NÚT VOLUME TRONG NHÀ THỜ 
  

Sáng hôm đó CPCĐ (Cà Phê Ca Đoàn) không đông nhưng ý kiến rôm ra xôm tụ, bởi gặp ngay một Chủ đề ít người lưu ý tới, mặc dù không kém phần quan trọng, đó là Hệ thống âm thanh  trong nhà thờ và Tiếng đàn.
   Mấy ca viên là khách quý trung thành, mật thiết với CPCĐ, tuy  là những kẻ “không phận sự miễn vào” nhưng cứ leo rào vào chuyện cái máy, cây đàn, không phải để phá bĩnh mà là để đòi tuyên dương công trạng của Anh Coi Máy Móc, (cho nên tôi quyết định tuyên dương chính họ vì tôi tán thành ý kiến này). Họ bảo sự hiện diện của  anh là quan trọng bậc Nhất, hay nói cách khác, vấn đề âm thanh vô cùng quan trọng. Nó có thể phá hỏng tiếng hát ca đoàn, làm bể hết công trình tập luyện của các bè và như vậy, nó điều khiển cả người Điều khiển, tức Ca trưởng.
Công việc chỉnh âm thanh là một công việc vô danh ẩn tích, không ai biết đến, không ai nhắc tên. Trước mỗi Thánh Lễ, Anh coi máy phải đến gác đàn sớm hơn mọi ca viên. Danh hiệu “ ca viên”, bình thường, nhỏ bé nhất trong ca đoàn, ấy thế mà anh cũng chẳng được mang, tại vì là thành viên của Ca đoàn nhưng anh đâu có được vinh dự đứng hát, anh phải coi máy, phải điều chỉnh âm thanh, xem Lễ không trọn vẹn. Một trục trặc nhỏ về âm thanh trong suốt giờ khắc trang trọng ấy, là ..chớt ! Người ta chỉ đổ lỗi cho một người duy nhất, đó là anh, một ca viên chưa bắt đầu Lễ , mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo vì phải lăng xăng đi  kiểm soát trước tất cả  các micro, các nút, các dây nhợ  thuộc về bộ âm thanh nhà thờ. Anh phải nói thử, nghe thử, chạy lên chạy xuống cầu thang cả chục lần. Bây giờ, để tiết kiệm diện tích sử dụng, kiến trúc sư thường đặt cầu thang lên gác đàn là loại cầu thang xoắn. Mong anh đừng có căn bệnh tăng hay sụt Huyết áp. Khốn khổ cho anh khi nhà thờ quá lớn, quá rộng, đối với mọi người thì quá mát, quá thoáng,quá đẹp, quá hoành tráng, nhưng với anh thì quá  mệt, quá mỏi, quá bơ phờ. Lễ Trọng, tiệc lớn, anh càng lo, bởi những dịp đó, công tác  coi máy của anh càng nặng nề, vất vả. Dĩ nhiên, anh có bao giờ kêu ca. Làm đầy tớ nhân dân ai lại đi kêu ca ! Thì thật, anh chẳng dám nhận  mình tốt lành gì, nhưng anh chớ hề có bao giờ càm ràm, kể công. Anh cứ âm thầm làm tròn phận sự được trao. Niềm vui anh có được, đơn giản  là trong Lễ máy móc không  trục trặc.
   Anh ngồi yên lặng, lắng nghe mọi người nhận định, bàn luận về công việc của anh. Có một bàn tay đưa lên đề nghị anh phát biểu. Được thôi, anh không hề ngậm hột thóc trong các buổi CPCĐ. Anh yêu Ca đoàn, yêu cả Cà phê Ca đoàn, và khi trúng đài anh có thể ngồi nói tới trưa. Anh bảo :
- Bộ phận âm thanh trong nhà thờ gồm 2 mảng. Mảng của cha ở trên cung thánh và mảng của ca đoàn ở chỗ ca đoàn đứng hát. Mình  coi phần ca đoàn. Khi gia nhập ca đoàn, mình chỉ muốn được  đứng hát. Không muốn coi máy. ( Ca trưởng tủm tỉm thú nhận chẳng đặng đừng, không có người chuyên môn bằng anh, nên mới phải nhờ anh nhận một công tác mà anh không ưng ý).
Anh Ca trưởng tiếp lời :
- Về vấn đề âm thanh nhà thờ, người có trách nhiệm điều chỉnh thường nhận được thái độ từ cộng đoàn như thế này :  
-         Từ im cho đến chê.
-         Không bao giờ khen.
   Khi nghe lời chia sẻ như thế, tôi chợt hiểu ra rằng từ trước tới giờ, chúng ta đã vô cùng bất công với nhau. Quả thật là tôi đã chưa hề bao giờ ngỏ lời khen :“Hôm nay âm thanh trong Lễ tốt quá”. Ca đoàn chúng tôi chỉ  biết để ý , mong chờ  những lời khen đại khái như: Bè này bè kia hát hay quá, bài ấy bài nọ hát tâm tình ghê, đồng phục đẹp lắm, bè Nữ  xinh quá chừng ! Ca trưởng hết xảy !(?)
 Đang khi ngoài sân nhà thờ, thiên hạ nhốn nháo trao nhau muôn câu khen ngợi phù hoa như thế thì bên trong ca đoàn, tấm lưng áo nhễ nhại mồ hôi của người điều chỉnh âm thanh vẫn còn đang  còng xuống, cặm cụi thu xếp máy móc cho về chỗ cũ, để trả lại trật tự ngăn nắp cho nhà thờ. ..
  Thôi không nên nói thêm nữa, e sẽ đụng chạm đến nhân đức có củ của anh...coi máy.
   Cà phê quay qua vụ Đàn. Nhưng trước khi chuyển “ngành”, Còm Tenor còn cố vớt vát một câu về vụ máy móc âm thanh:
-         “ Khổ cái là hiện nay tai người ta làm sao ấy, hoặc là mấy anh coi máy có hơi nghễnh ngãng hay sao mà  các loa cứ là mở  tối đa, cái nút volume cứ phải là maximum hay sao, em nghe muốn mệt !”
Ù Bạt lớn tiếng nạt nộ :
-  “Chú mày phải hiểu rằng đấy là lệnh của cha.”
-  “Nói tới cha thì …pó tay!”
Em gái bè Sốp đanh đá bênh cha :
- “Đừng nói cha mình nghe ! Cha mình luôn để cho Ca trưởng điều khiển chứ không chen vô việc ca đoàn tụi mình”.
- “Bởi! Hệ thống âm thanh ở ca đoàn phải khác với ở trên bàn thờ”.
Một chị Alto vốn khổ tâm với tiếng đàn hùng hục trong ca đoàn chị, sửng cồ :
-  “Vậy chứ tiếng đàn át tiếng hát là bởi đâu ?”
- “Bởi người đờn” . Cả bàn đồng thanh hô hoán. Chị Alto thỏa mãn, cười hơ hớ.
   “Quê hương ta cây đờn mà kêu cái đàn…”
  Đàn nhà thờ mà ồn ào như chơi ở ven bờ sông hay trên cánh đồng làng nghe sao đặng, thế mà tình trạng này kể như thường trực..Nói nhỏ nghe, có sơ kia chuyên môn đàn bự, đàn ầm ầm, còn vuốt, còn chạy rèo rèo như chơi trong phòng trà ..Bảo, thì góp ý với sơ. Sơ có thèm nghe người phàm đâu mà góp ý. Tại cha. Cha không nói gì cho nên sơ tưởng đàn như thế là hay. Cha phải góp ý rằng sơ ơi sơ, sơ ở trong nhà Dòng có được sự thinh lặng yên tĩnh nhẹ nhàng vốn dĩ người đời ai cũng yêu thích, vậy sơ cứ đàn nho nhỏ thôi nghe cũng hay lắm rồi.
  "Quê hương ta gió chiều về trong nắng vàng".
  Đó! Tiếng gió chiều vi vu nghe mới thảnh thơi sao đâu!
  Ước gì tiếng đàn sơ êm ái như vậy.
  Đàn, thưa rằng chỉ có nhiệm vụ nâng đỡ tiếng hát thôi.
  Chưa hay được thì ít nhất cũng cố gắng cho người nghe đừng khó chịu.
  Tuyệt đối người đàn không được chỉnh âm thanh.
  Để tiếng đàn ồn ào, đó là lỗi Ca trưởng.
  Chừng đó nhận định của niên trưởng có trình độ làm cả bàn mát lòng. Những tách cà phê nguội dần, vơi dần, nhưng hình như tâm sự về tiếng Organ trong Phụng vụ vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.Thực tế còn nản hơn chuyện nói trong CPCĐ nhiều. Ở rất nhiều nhà thờ, người đánh đàn sử dụng cây đàn như để phô trương tài năng của mình, ngồi vào đàn biểu diễn các ngón sao cho tiếng đàn nổi trội với tâm trạng đợi chờ người nghe khen lao tưởng thưởng bản thân họ. Nhiều người là nghệ sĩ có thực tài không chối cãi, song khi ở vào vị trí người đệm đàn cho ca đoàn hát, nhất là trong Phụng vụ Thánh Lễ, mà họ trở thành nhân vật chính, trung tâm điểm cho sự ngưỡng mộ thì lúc ấy xem ra tinh thần thờ phượng bị lệch lạc mất rồi. Con người  đã cướp công Thượng Đế là Đấng dựng nên ta với những vẻ đẹp đáng lý ra ta phải dâng lên Người để tạ ơn, cám mến, bởi trong cộng đoàn dân Chúa, ta chỉ là một của lễ giữa trăm muôn của lễ. Lời ngợi khen, chúc tụng đẹp nhất là lời đồng thanh hiệp nhất. 
  Một khách Cà phê chép miệng giờ chỉ có một ước mơ giản dị : Được hát trong một ca đoàn be bé, nơi một nhà thờ be bé. Cha thì không nên biết gì, bằng không thì ngược lại, cha phải là nhà chuyên môn biết hết, am hiểu nhạc Thánh, nhạc Phụng vụ, cha phải giỏi hẳn đi, đừng ương ương dở dở…
  Này, giả như người ngoài nghe được chuyện chúng mình, chắc họ sẽ bảo chúng mình là lũ kiêu căng, không đàn được, không vẫy tay được, có tu mười kiếp cũng chẳng làm cha " không biết gì" được, mà sao lắm mồm thế!
  Thì thôi, không nói nữa.
  Đây chỉ cần nói cho bạn tri âm tri kỷ nghe thôi !
  (Nghe hách dịch thấy mà gớm!).
  Thôi nhổ rễ đứng lên đi cho rồi. Ở Mỹ chẳng ai có thì giờ sung sướng thảnh thơi ngồi uống cà phê lâu như tụi mình đâu.
   Hẹn gặp lại!
   Cà phê Ca đoàn đê!
  

Không có nhận xét nào: