#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

TRONG MÁNG CỎ ĐƠN SƠ




NHT. Hi,hi! Ai đã viết thêm Tiểu khúc 3 và 4 cho mình thế này ấy nhỉ ?

                     
   

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

DÀN NHẠC CTM -tài liệu mạng-

                        DÀN NHẠC CTM  
CỦA LINH MỤC NHẠC SƯ ANTÔN TIẾN DŨNG

Dàn nhạc CTM với lmns. Tiến Dũng và Đgm. Nguyễn Văn Hòa năm 2004
  Nói đến dàn nhạc ban kèn Công giáo VN mà không nói đến dàn nhạc CTM của linh mục nhạc sư Antôn Tiến Dũng là chuyện lạ! Không phải vì đây là dàn nhạc Công giáo đầu tiên ở VN; cũng không phải do đây là dàn nhạc hay nhất, cũng không phải vì đó là dàn nhạc đông người, quy tụ nhiều nhạc công trứ` danh, hay nhạc trưởng kiệt xuất vân vân… để phải nhắc đến, mà vì đây là dàn nhạc độc đáo có một không hai ở VN và trên thế giới.
Thế nào là độc đáo?
Có mấy câu hỏi từ rất lâu do nhiều người thuộc giới âm nhạc hàn lâm đạo đời đặt ra và có câu đã được chính lmns. Tiến Dũng trả lời, có câu họ tự trả lời cho nhau, nay nhắc lại để chúng ta hiểu tính độc đáo của dàn nhạc CTM do lmns. Tiến Dũng thành lập.
Linh mục Antôn Tiến Dũng là một nhạc sư sáng tác thuộc đẳng cấp quốc tế, sao lại lập dàn nhạc là việc của của những giới biểu diễn? 
Lmns. từng dạy học trò của mình rằng: muốn chứng minh mình là nhạc sĩ đẳng cấp quốc tế, phải có bên cạnh piano và dàn nhạc.  Piano để dạo thử những tác phẩm mình sáng tác và hòa âm dưới góc độ đậm đặc cô chắt, dàn nhạc để thể hiện những tác phẩm mình sáng tác và phối khí dưới góc độ triển khai bung nở. Qua câu dặn dò đó ta hiểu được lý do và mục đích lmns. Tiến Dũng thành lập dàn nhạc CTM.
Thành lập dàn nhạc giao hưởng là chuyện của một quốc gia, vì chỉ có nhà nước mới nuôi nổi dàn nhạc giao hưởng, tư nhân làm sao gánh nổi?
Đúng là việc của cả một quốc gia, nhưng dựa vào tinh thần luôn rất cao của người Công giáo, cụ thể là họ có thể làm nhiều việc mà chẳng đòi Giáo hội trả lương, lmns. Tiến Dũng mạnh dạn thành lập dàn nhạc giao hưởng cho Giáo hội dựa trên điều kiện đó.
CTM là tên dàn nhạc, tên ấy có ý nghĩa gì?
CTM là chữ viết tắt của CÔNG THỨC MỚI. Nghĩa là một số nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng thông thường được lmns. thay thế bằng những nhạc cụ có thanh sắc tương tự để dễ mua sắm theo hoàn cảnh kinh tế VN. Đàng khác, cho ra những thanh âm gần gũi với dân tộc hơn, ví dụ thay trompette bằng guitar điện, thay timpani bằng trống trường, thay woodblock bằng mõ chùa… theo ý cha, khi nào có thể sẽ thay xylophone bằng đàn t’rưng của Tây Nguyên…
Tác phẩm dành cho dàn nhạc CTM do ai viết?
Do chính lmns. Tiến Dũng viết hầu hết các hình thể âm nhạc bác học.
Nhạc trưởng là ai? Nhạc công gồm thành phần nào?
Nhạc trưởng là những người học trò, nhạc công cũng là học trò của lmns. Tiến Dũng. Chủ trương của cha dàn nhạc CTM còn là nơi để học trò của cha thực tập những gì mình đã học.
Ai trực tiếp thay lmns. Tiến Dũng trông coi dàn nhạc?
Lần lượt thay nhau từ lmns. Hoàng Kim, lmns. Đỗ Bá Kông, ns. Ngọc Kôn.
Dàn nhạc CTM sinh hoạt thế nào?
Giờ tập hàng tuần là 9g-11g mỗi sáng chúa nhật, nhưng ban lãnh đạo dàn nhạc phải họp với cha để được chỉ đạo vào mỗi chiều thứ bảy trước đó vào lúc 16g30.
Tập xong rồi diễn ở đâu và cho ai nghe?
Thường biểu diễn trong các nhà thờ mà dàn nhạc mượn địa điểm tập dượt, hoặc có lễ lớn, có ai mời thì đi, và chỉ diễn trong nhà thờ cho giáo dân nghe.
Dàn nhạc lập thân ở tại?
Qua vài chục năm tồn tại, dàn nhạc CTM đã lần lượt tập dưiợt ở nhiều nơi: nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Huyện Sĩ, nhà thờ Tân Định
Số nhạc công bao nhiêu?
Dao động ở khoảng 40-60 người.
Nhạc công có được hưởng thù lao gì không?
Không.
Mua sắm và tu bồi bổ dưỡng nhạc cụ là chuyện lớn và tốn kém, lấy đâu ra kinh phí để làm việc đó?
Đầu tiên mua sắm do hai vơ chồng đại ân nhân Nguyễn Văn Hãn và Nguyễn Thị Yên (bà Nguyễn Thị Yên là chị ruột của lmns. Tiến Lộc) đã bỏ một số tiền rất lớn ra giúp lmns. Tiến Dũng mua sắm nhạc cụ; sau đó việc tu bổ do các học trò ở nước ngoài như bác sĩ Nguyễn Nghĩa Bỉnh, em Phương Viên… gửi tiền về giúp đỡ; ngoài ra còn có một số ân nhân ở VN cũng rộng tình giúp đỡ.
Thành lập một dàn nhạc thì dễ, nuôi dàn nhạc ấy sống mới là khó, đó là câu nói cửa miệng phản ảnh một sự thực khắc nghiệt mà chỉ những ai đã trải qua mới thấu hiểu. Vậy để trường tồn rất lâu, dàn nhạc CTM có những bí quyết gì?
Bí quyết duy nhất là chính lmns. Tiến Dũng, linh hồn của công trình, sức mạnh của nghệ thuật đã thuyết phục mọi người hy sinh và cống hiến.
Trên đây là vài nét phác họa dàn nhạc CTM.
KIM EM
DÀN NHẠC SALVE MATER

 Ns. Ngọc Kôn & dn. Salve Mater ở nhà thờ Bình Hòa, Gia Định, tp.HCM năm 1989
  Dưới đây xin ghi lại hình ảnh và vài dòng vắn tắt về dàn nhạc bán giao hưởng SALVE MATER (do ns. Ngọc Kôn khai sinh năm 1988 và khai tử năm 1996).
DANH LOẠI DÀN NHẠC
 Khái lược mà nói, có những loại dàn nhạc như:
1. Dàn nhạc hòa tấu (orchestra) giao hưởng (sinfonia) hay hòa tấu cổ điển (classica), gồm các loại nhạc khí chia thành từng bộ: Bộ kèn tiếng đục (xưa gọi là bộ gỗ), bộ kèn tiếng trong (xưa gọi là bộ đồng), bộ đàn để kéo, bộ đàn để gảy, bộ gõ (xưa gọi là bộ kích tác), nếu có thêm vài thứ nhạc khí đặc biệt như Xylofono, Vibrafono, hay Arpa… thì được xếp vào một trong các bộ trên mà không kể thành bộ riêng.
Dàn nhạc loại này cử những tác phẩm giao hưởng, hay những tác phẩm có chiều kích lớn. Có bản tổng phổ chuyên biệt dành cho nó.
2. Dàn nhạc bán giao hưởng (semi- classica) hay dàn nhạc classica-Jazz hoặc dàn nhạc tân thời (modernica), gồm:
a.Hoặc là đủ các bộ trên, nhưng có thêm những nhạc khí như Piano, Orgue.
b.                        Hoặc là đủ các bộ trên nhưng có thêm những nhạc khí tân thời như bộ Sassofono, hay bộ Chitara (Guitar)…
c.Hoặc là thiếu một bộ nào đã kể ở dàn nhạc giao hưởng, bù lại bằng những thứ hay một trong những thứ vừa kể ở số 2/a, số 2/b, kể cả việc thay bộ gỗ bằng dàn trống Jazz. Nói tóm lại, Dàn nhạc bán giao hưởng sử dụng nhạc khí rất rộng rãi và tùy nghi, cho thích hợp với sở thích nhẹ nhàng dễ dãi của một số người thời nay. Dàn nhạc này cử những tác phẩm đủ loại, cũng không loại trừ việc cử những tác phẩm Giao hưởng để những tác phẩm này mang một màu sắc mới, hay làm nhẹ đi tính uyên bác của nó phần nào, giúp tác phẩm Giao hưởng tiếp cận với nhiều giới hơn. dàn nhạc này sử dụng bản tổng phổ riêng.
3. Dàn nhạc diễu hành (fanfaria) hay dàn nhạc Nhà binh: Dàn nhạc đi rước, hay còn gọi là hội kèn mà thôi, chia thành: Bộ kèn tiếng đục, bộ kèn trống trong, bộ gõ. Có nhiều loại lớn nhỏ (riêng ở Mỹ, khi dàn nhạc diễu hành ngồi tại chỗ, thì có thêm vào Contrabasso nữa). Dàn nhạc loại này cử những tác phẩm đặc biệt dành cho diễu hành, duyệt binh, hát quốc ca, đi rước, đón tiếp… Có bản tổng phổ riêng.
4. Dàn kích động: Nhạc phát xuất từ dàn nhạc diễu hành, nhưng người Mỹ da đen lập ra một biên chế khác hẳn, pha trộn tất cả những loại dàn nhạc trên, biên chế tuy nhỏ, nhưng gây chấn động. Vì thế loại này còn có tên Dàn nhạc Jazz…chia ra làm hai hướng: hot-jazz chơi liền, chơi ngẫu hứng với một trình độ nghệ thuật tuy tự phát nhưng rất nghiêm chỉnh. cold-jazz chơi bản tổng phổ hẳn hoi, có viết trước với sự suy tính cẩn trọng. Dàn kích động nhạc cử những tác phẩm riêng theo phong cách của Jazz. 
 Dàn nhạc Salve Mater trong nhà thờ Cái Mơn, gp. Mỹ Tho 
5. Dàn nhạc sa-lông (orchestra da camera) hay gọi là dàn nhạc nhẹ:  Nhằm đáp ứng nhu cầu thu băng thu hình, dàn nhạc Giao hưởng thu nhỏ lại thành dàn nhạc nhẹ, tuy nhiên vẫn cứ những tác phẩm có tính kinh điển như dàn nhạc Giao hưởng, hay viết lại cho thích hợp.
6. Dàn nhạc nhỏ có các loại:
a. Dàn nhạc tay đôi: gồm hai nhạc khí nào đó. Tác phẩm gọi là Duo hay Duetto.
b. Dàn nhạc tay ba : gồm ba nhạc khí. Tác phẩm gọi là terzetto.
c. Dàn nhạc tay tư   : rất được ưa chuộng, gồm bốn nhạc khí. Tác phẩm gọi là quartuor hay quartetto.
d.Dàn nhạc tay năm: gồm năm nhạc khí. Tác phẩm gọi là quintetto.
e. Dàn nhạc tay sáu : gồm sáu nhạc khí. Tác phẩm gọi là sextuor hay sestetto.
f.   Dàn nhạc tay bảy : gồm bảy nhạc khí. Tác phẩm gọi là septuor hay setteto.
g. Dàn nhạc tay tám : gồm tám nhạc khí. Tác phẩm gọi là ottetto.
h. Dàn nhạc tay chín : gồm chín nhạc khí. Tác phẩm gọi là nonetto.
7. Dàn nhạc trẻ (estrade) thành lập rất nhiều nơi: Các tụ điểm âm nhạc, sân khấu, phòng trà, nhà hàng, liên hoan, khiêu vũ, đình đám… Có thể gồm ba Chitara, Organo điện tử, trống Jazz, đôi khi có thêm Sassofono Altop hay Tenore, hoặc Clarinetto, hay tromba, trombone…Tác phẩm thường là ca khúc, chơi ngẫu hứng (gọi là Fultro), không có bản tổng phổ.
Dựa vào bảng sắp xếp một cách rất khái quát trên, dàn nhạc SALVE MATER được kể vào danh loại hai, tức là dàn nhạc bán giao hưởng, vì những yếu tố:
1.     Nhạc khí gồm có các bộ:
a. Bộ kèn tiếng đục
b. Bộ kèn tiếng trong
c. Bộ kèn Sassofono
d.Bộ Chitara
e. Bộ gõ đi kèm với dàn trống Jazz
f.   Bộ đàn để kéo (Violino, viola, Cello, Contrabasso)
g. Bộ đàn để gảy (Mandolino)
h. Organ điện tử.
2.     Tác phẩm:
a.       Giao hưởng
b.      Các thể loại khác.
Dù biên chế, nhân lực, nhạc khí, nhu cầu…luôn biến đổi, đòi hỏi sự thích ứng không ngừng, nhưng vẫn duy trì danh loại một dàn nhạc bán giao hưởng bởi nhiều lý do sau:
1.     Tạo một điểm hiệp nhất cho tất cả anh chị em thiện chí, không phân biệt tôn giáo, tài năng, tuổi tác, hoàn cảnh… ai cũng có thể tìm thấy chính mình ở đây.
2.     Làm nơi học tập, trau dồi, thi thố tài năng.
3.     Tạo một mái nhà vui vẻ - yêu thương để thăng tiến nhiều mặt.
4.     Ca ngợi danh Chúa cùng với Mẹ Maria.
5.     Phục vụ các giáo xứ khi có yêu cầu
6.     Tạo một dàn nhạc phụng vụ.
7.     Đem âm nhạc đến với mọi người một cách nhẹ nhàng, và vừa phải.
8.     Tạo một nơi tập họp những tài năng để đem ra sử dụng đúng nơi, đúng lúc, cốt khai triển thêm những tài năng mới với hoài bão cung cấp cho các giáo xứ gần, xa.
  Dàn nhạc Salve Materr trong nhà thờ Tân Chí Linh 
BIÊN CHẾ CỦA DÀN NHẠC SALVE MATER
Năm 1994, biên chế dàn nhạc SALVE MATER như sau:
(Xếp thứ tự theo bản Tổng phổ)
I. BỘ KÈN TIẾNG ĐỤC (xưa gọi là bộ gỗ) gồm có:
1.      Một sáo dịu êm
2.      Một Flauto
3.      Bốn Clarineti
II. BỘ KÈN TIẾNG TRONG (xưa gọi là bộ đồng):
4.      Hai Trombe
III. BỘ SASSOFONO:
5.      Hai Sassofoni Alto
6.      Một Sassofono Tenore
7.      Một Sassofono Baritono
IV. BỘ CHITARA:
8.      Ba Chitare canto
9.      Một Chitara basso
V. BỘ GÕ:
10. Một bộ Triangolo 3 giọng.
11. Một Maracas
12. Một Tamburino
13. Một dàn trống Jazz
VI. BỘ ĐÀN ĐỂ KÉO:
14. Mười sáu đàn Violini
15. Một Viola
16. Một Vioncello (Cello)
17. Hai Contrabassi
VII BỘ ĐÀN ĐỂ GẢY   :
18. Mandolini Soprano 5
19. Mandoli Alto 3
Biên chế của dàn nhạc SALVE MATER năm 1994 là thế, mỗi năm có thay đổi. Tuy rất khó khăn cho người phối Dàn nhạc, nhưng vẫn giữ chủ trương như số VIII đã nêu trên.
Vì vậy, dàn nhạc SALVE MATER luôn luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người tham gia, không bao giờ e ngại hoặc đặt điều kiện gì, miễn với thiện chí, muốn tìm sự vui vẻ, yêu thương.
        Trích nguyên văn quyển DÀN NHẠC SALVE MATER trang 9-13
 XIN CHÂN THÀNH CÁM ƠN NHẠC SĨ THẾ THÔNG ĐÃ TẢI GIÚP TÀI LIỆU NÀY. NHT'

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

LÀ MÌNH DÂNG NỖI BUỒN BÀ NHỈ!


 Tối hôm trước, thằng bé con  của Yến dặn mẹ:
-“Sáng mai trên Dì Sa-lê-giêng có tổ chức văn nghệ mừng Chúa Giáng Sinh, mẹ nhớ sửa soạn cho con lên nhà Dì nhá. (chả là thằng bé đang học kèm ở lớp Tình Thương trên Dì). Dì bảo có quà cho con đó”.
      Sáng thứ Bảy, thằng bé được mẹ sửa soạn đưa lên Dì. Quần dài xanh, áo sơ-mi trắng bỏ trong thùng đàng hoàng, vẫn đeo cặp táp như thường ngày.
      12 giờ 15, trưa không thấy cháu về, bà nhắc, mẹ cháu nói, chắc hôm nay Dì cho ăn cơm rồi đưa đi học cùng mấy bạn nội trú luôn đấy.
       12 giờ 25, thằng bé lẹp kẹp lê đôi dép về, mặt đỏ gay vì nắng.
      - Ô! Sao con về muộn thế?
      - Vẫn còn văn nghệ nhưng con về để đi học.
      - À ra thế, vậy quà của con đâu?(mẹ cháu hỏi).
      - Dì chưa phát ạ.
      - Vậy à, giờ con ăn cơm đi, nghỉ tí rồi đi học.
      - Con ăn ở trên Dì rồi.
   Thằng bé rửa mặt thay quần áo đi học.(bà nhìn cháu chép miệng,tội nghiệp vừa về lại đi).
   Chiều, thằng bé ôm về một gói quà, hí hửng, vui vẻ, hồn nhiên…Dì đón mấy đứa nội trú rồi bảo con: Nhật đi theo Dì lấy quà.
   Mở quà ra. Thằng anh nhìn, mẹ nó nhìn, bà nó nhìn, quà gì đây mà gói kỹ nhỉ?
   Này xì-nack này, bông lan này, kem đánh răng bàn chải này, còn gói gì đây mà kỹ thế? 
   Nhật là chủ món quà nên cả nhà bảo nó mở. Thằng bé, tay mở, miệng chúm chím cười, rồi cuối cùng món quà cũng được …bật mí.
   Ô! Chiếc áo trắng(thằng bé reo lên). A, thảo nào hôm Dì bảo con thử áo. Chắc là xem con mặc chiếc nào vừa thì Dì cho. (Khổ tội, có mấy cái áo cũng là của các anh em trong họ cho, đến lượt nó thì mặc cũng đã nửa năm nay rồi. Áo mặc hai hồi nên cũng mau cũ, hẳn Dì nhìn thấy thương!... Mẹ cháu bảo:
   -“ Nhật thích nhé, có áo mới để dành đi Lễ Giáng Sinh rồi, mặc thử mẹ xem”.
   Thằng bé vội vàng cởi áo ra, khoác cánh áo mới vào.
   Chiếc áo mới không vừa! Vừa chật vừa ngắn.
      -“ Ô hay! Không vừa à?”. Cả nhà ngạc nhiên.
   Tội nghiệp thằng bé, nó cười, nụ cười méo xệch. Mẹ Nhật bảo:
   -“ Thôi để lúc nào có tiền mẹ mua áo cho con”.
   -“ Nhưng hôm trước con đã thử trên Dì rồi mà!”
   - “ Chắc là Dì lại lấy làm quà cho bạn khác rồi”.
   Thằng bé im lặng, lặng lẽ cởi chiếc áo mới không vừa ra, gấp lại…
   Không biết trong đầu bé nghĩ gì?
   Sự im lặng của nó làm cả nhà chạnh lòng.
   Bà bảo cháu:
   -“ Thôi, dâng lên cho Chúa Hài Đồng con ạ”. (nói xong, bà lại nghĩ, không biết nó có hiểu ý bà nói không hay lại tưởng tự dưng bà bảo đem áo lên nhà thờ cho Chúa mặc thì ….khốn!)
   Tối ngủ, thằng bé thì thầm với bà:
   -“ Bà ngoại ơi, Nhật hiểu rồi. Không phải mình mang áo cho Chúa mặc, mà là mình dâng nỗi buồn của mình lên cho Chúa, phải không bà?”
   -“ Ừ, thế là cháu bà hiểu ý bà rồi. Cháu ngoan, Chúa sẽ ban nhiều ơn xuống cho cháu”.
   Thằng bé cười. Nụ cười không còn méo xệch nữa.
Cảm tạ Chúa. Một ngày qua đi bình an.                                                                              Cmc LƯU MỪNG 



Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

CHUYỆN KỂ VỌNG GIÁNG SINH



1. CÓ Ý NGHĨA
Căn nhà tôi đang ở khá rộng rãi, có sân trước, vườn sau. Tôi vẫn không thể tưởng tượng được giả như phải sống trong khu  ổ chuột thì chúng tôi sẽ điên lên như thế nào.
Chiều hôm qua, khi đang cặm cụi cài lại mấy sợi dây đèn màu cho hang đá trong sân nhà, tôi nhận ra sau lưng tôi, bên ngoài cổng, có một cụ già gần nhà đang đứng nắm vào thanh sắt hàng rào nhà tôi mà chăm chú ngắm tôi làm việc. Tôi hỏi nhà cụ năm nay có làm  hang đá không? Cụ cười tươi, bảo có. Rồi cụ huyên thuyên: Con trai tôi nó làm cho tôi đấy anh ạ. Nó bảo từ nay mỗi năm nó đều làm hang đá ở đấy cho tiện. Nhà chật, không có sân như nhà anh thế này, nó đặt rơm và cỏ lên mặt cỗ quan tài nó mua sẵn cho tôi í. Rồi nó mua cho tôi một bộ Chúa Hài Đồng, Thánh Giuse, Đức Mẹ, đặt lên. À không, nó bảo bao giờ mẹ đi Lễ Đêm về hãy bưng Chúa Hài Đồng ra cho có ý nghĩa. Thật là vui khi tôi vẫn nghĩ thế này, nếu tôi nằm xuống, tôi sẽ được con tôi đặt tôi nằm dưới nơi mà hàng năm chúng tôi tổ chức mừng Sinh Nhật Chúa.
Anh có hiểu không, nhà thờ hát "chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời", vậy khi tôi chết là lúc tôi được sống lại và lúc đó tôi được sinh ra nơi Chúa Giêsu sinh ra mỗi năm. Chúa ở tầng trên, tôi ở tầng trệt. Anh thấy có ý nghĩa đấy chứ. Nhà chật lại hay! Rộng quá ra trống trải anh ạ.
Tôi thót tim, vì vợ chồng tôi vừa cãi nhau, bà xã tôi bỏ về bên nhà mẹ bả ăn Noel rồi. Lòng tôi đang trống trải!

2. ẢM ĐẠM HƠN

Tôi cho phép chị giúp việc nhà nghỉ Lễ Giáng Sinh 3 ngày có ăn lương, và có thể, nhân dịp Lễ lớn, nếu cần, chị cứ ở nhà thêm một hai ngày nữa cũng được vì xem bộ sức khỏe chị không được tốt lắm. Chị tha thiết xin tôi đừng làm thế. Chị muốn hàng ngày đến nhà tôi, không nghỉ ngày nào cả. Tôi bối rối vì những ngày Lễ thế này, chúng tôi khóa cửa đi chơi xa, e rằng không tiện để cho người giúp việc ở một mình trong ngôi nhà trống vắng, vả lại thế cũng thật là vô cảm với người làm công cho ta. Nhưng chị giải thích: Ở nhà tôi, ngày Lễ cũng buồn như ngày thường. Con trai tôi theo đạo Phật, con gái tôi theo đạo thờ Tổ tiên ông bà, cháu trai tôi theo đạo Cao Đài, còn vợ nó đâu như theo đạo Hồi thì phải, không nói không rằng tôi không biết nó thờ ai. Có ở nhà tôi cũng chỉ một mình khoác áo ấm đến nhà thờ dự Lễ rồi về ăn tối qua quýt là xong, lên giường ngủ. Có lẽ cái không khí ấy còn ảm đạm hơn là phải ở một mình trong  nhà cô cậu.
Và tôi quyết định mời chị đi chơi Noel cùng chúng tôi.

3. UNG THƯ ĐÁNG GHÉT

Sinh Nhật của Noela nhằm ngày 23.12, là thời gian mọi nhân viên trong công ty đều đã cố gắng làm xong mọi công tác và đang chuẩn bị nghỉ Lễ Giáng Sinh, cho nên cô nàng luôn  tổ chức rềng rang, bày vẽ, và yêu cầu mọi người phải có mặt  và đề nghị mỗi người đem đến bữa tiệc cô một bông hoa nhỏ cho vui. Đó là nói chuyện khi Noela còn sống. Cách đây đã lâu, cô mất, chỉ sau 6 tháng phát hiện ra mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Hôm ấy, tất cả mọi người trong công ty đã đến vĩnh biệt cô bằng một vòng hoa trắng buồn. Từ đó tới nay, hằng năm giám đốc và tất cả nhân viên trong công ty vẫn luôn duy trì thói quen tặng hoa mừng Sinh Nhật Noela. Cứ đến ngày 23.12 thì có một bó hoa được gửi đến nhà Noela, và người nhà đem chưng trước di ảnh của cô. Mỗi khi nghĩ về chuyện này, ai trong chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng, có lẽ Noela ở trên Thiên Đàng đang cười với bạn bè. 
Năm nay, giám đốc không còn nữa, một vòng hoa tím tặng anh trên mộ và trước vong linh anh, chúng tôi hẹn Noel mỗi năm, sẽ cùng đến viếng anh, mỗi người tặng anh một đóa hoa, như đã nhớ đến Noela vậy. Bệnh ung thư thật đáng ghét phải không bạn, nó làm chúng tôi xa nhau. Đời người có những mùa Giáng Sinh buồn nhỏ lệ…Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, Miserere nobis.
 HT.  

TRONG ĐÊM CỰC THÁNH



ĐÊM THÁNH



Đêm Thánh
Đêm nay tôi thấy trên trời cao
Hai chữ "Yêu Thương" rất ngọt ngào
Lấp lánh giữa trời trong lộng gió 
Chung quanh là những các vì sao
Giang tay ước nguyện trong đêm vắng
Khỏi cảnh điêu tàn, khỏi xuyến xao... (Tận Thế)
Chúa xuống an bình và đổi mới
Cho lòng vui vẻ sống thanh cao.
ThyThy
NY, Dec. 21, 2012



RONG CHƠI QUANH NĂM


NHT. Nhiều khi mình hơi đắng cay, phải nhờ Thơ xoa dịu. 
Đây là một ly nước suối trong, không nhiễm khuẩn.Có điều người làm thơ rong chơi cảnh đẹp bên Mỹ, sướng bằng giời,còn kẻ phàm hèn này vưỡn là ở VN, bò thì gầy, freeway thì hiếm...Hức !


RONG CHƠI QUANH NĂM
Thơ LÊ THẾ CƯỜNG

 lái xe mùa Xuân

cỏ xanh một giải núi đồi ngiêng
trời trong như chẳng thoáng ưu phiền
dọc lối freeway hoa thắm nở
xe lao nhanh mà như đứng iên

 lái xe mùa Hạ

như thảo nguyên trắng xóa mưa sâu
freeway mịt mù thấy gì đâu
theo dấu bụi mưa mà xốc tới
mui xe khum tròn như lưng trâu

lái xe mùa Thu

phía trước đỏ và sau lưng trắng xóa
ta trôi đi như giữa những cơn mơ
sương mờ xanh dựng đôi bờ thành vách
thanh âm nào bỗng lóe thoáng ngẩn ngơ

 lái xe mùa Đông

sương mù dầy như khói xây thành
chẳng thấy núi non chẳng cỏ xanh
freeway xe trôi như mây chậm
mà lạnh trong người thấm rất nhanh


*** thế còn lúc không lái xe thì sao...

                                gió đã chớm Xuân
                                ta dạo chơi ven đồi cỏ xanh
                                cùng với lũ bò nâu 

  LÊ THẾ CƯỜNG

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

ĐÊM CỰC THÁNH


ĐÊM CỰC THÁNH
                         Mai Phiến
Lạy Chúa Con đêm nay đêm Cực Thánh
Con cúi đầu dâng Chúa trọn niềm tin
Con cúi đầu dâng Chúa những cầu xin
Bớt thống khổ bởi cõi đời bất hạnh.

Lạy Chúa Con đêm nay đêm Cực Thánh
Con cúi đầu xin Chúa rọi Hồng Ân
Mở vòng tay con đến với tha nhân
Gieo vào tim con tình yêu bá tánh

Lạy Chúa Con đêm nay đêm Cực Thánh
Xin thứ tha bao yếu đuối bất toàn
Xin cứu con khỏi tội lỗi ngút ngàn
Ban thêm cho con Đức Tin vững mạnh

Lạy Chúa Con đêm nay đêm Cực Thánh
Cửa Thiên Cung đã mở rộng bao la
Thiên, Địa, Nhân được nối kết giao hoà
Bởi Mầu Nhiệm Chúa Ngôi Hai nhập thể.

Đêm Thánh vô cùng nhiệm mầu giáng thế
Cứu linh hồn trong cỏi chết hồi sinh
Sự sống dồi dào cho mọi sinh linh
Chúc phúc loài người trọn lành nên Thánh

Ôi Bethlem! Ôi Đêm Đông giá lạnh
Ôi Thiên Thần! Ôi báu vật Ba Vua
Ôi những cọng khô trong máng cỏ lừa
Ôi tiếng hát lũ Mục Đồng nghèo khó.

Ôi linh hồn ta hãy cùng trăm họ,
Ôi ánh hào quang toả sáng mọi nơi.
Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời
Bình An dưới thế cho người thiện tâm.

Cali mùa Noel 2012
Mai Phiến

GIÊSU ƠI



GIÊSU ƠI
Ngài xuống giữa trần gian
Ngài mặc lấy xác phàm
Trong đêm đông giá buốt
GIÊSU ƠI
Không cân đo đong đếm
Không cần nghĩ thiệt hơn
Ngài đến cứu vớt người 
Những người con tội lỗi
GIÊSU ƠI
Cọng rơm nào dâng Chúa
Để sưởi ấm cho Ngài
Để Ngài thấy ấm áp
Trong tiết lạnh đêm đông
GIÊSU ƠI, Ngài muốn.
Hơi ấm từ THIỆN TÂM.
Sống công bình bác ái,
Thương mến gửi trao nhau.
Và thế là, GIÊSU ƠI.
Mùa Đông thôi buốt giá,
Ngài ngủ trong lòng Mẹ
Mỉm cười với chúng sinh
                                                                    cmc. L.M.
                                                              NOEL 2012

NHẬT KÝ NGÀY TẬN THẾ


I.  Sáng qua đi Lễ, nhà thờ có cha khách dâng lễ. Sáng nay, chuông rung nhập lễ, không thấy cha già dễ mến tiến ra, mà vẫn là cha khách này.
Cha khách không già, cũng không trẻ lắm, nhưng cách phát âm ngộ quá. Rõ ràng cha nói được những chữ “rồi”, “rất”, “rộn ràng”, mà cứ nghe cha đọc tên Đức Mẹ là mình chỉ muốn leo lên tòa giảng sửa cho cha ngay lập tức.  Đứa trẻ ba tuổi nó còn đọc đúng là “ri”, mà sao cha cứ “dzi”, chỗ khác cũng “dzi”, đoạn nào có tên Đức Mẹ cũng đọc là "Ma-dzi-a”. Ma-dzi-a là cái gì? Giảng lễ thường mà cũng phải sửa miệng kỹ vậy sao? Hay ở quê cha đọc như vậy? Tiếng địa phương nào ấy nhỉ? Hay ở chủng viện cha được đặc cách đọc khác mọi người cho đặc biệt, cho  có…hồn ?
Mà cũng lạ, trong một bài giảng ngắn chủn, lúc đầu thì cha nói tiếng Nam, lúc sau lại ra tiếng Bắc. Câu tiếng Nam, câu tiếng Bắc. Có lúc pha chữ rất hay, trong một câu mà trộn Nam Bắc lên xuống rộn ràng lung tung. Cha này làm họa sĩ chắc pha màu hết xảy!
Nghe nói đi tu  phải được ở trong nhà huấn luyện, tập tành ít nhất là 6 năm mới được chịu chức hay khấn hứa gì ấy, mà sao trong bằng ấy năm tu luyện, cha không tập đọc được một chữ “ri” nhỉ?  Thật là một đời tu bí nhiệm! Phúc cho ai được nghe cha này giảng, vì kẻ ấy sẽ có cơ hội để hy sinh hãm mình. Hay ít ra cũng có điều kiện tập làm đức Di-Lặc, nhĩ tặc ngoáy tai cũng để yên được. Còn cười sảng khoái. Ôi, Di Lặc  thế nào cũng thành Phật,  mình thì còn khuya! 
II. Sáng nay đi chợ, gặp Sơ Bếp quen. Sơ còng lưng ra chợ lụ khụ tìm mua mấy loại rau đậu nấu canh cho mâm trên. Vừa ngổ, ngò gai, bạc hà, cà chua, giá,…lại mua thêm quả bí. Nghĩa là chuẩn bị cho một mâm cơm vài ba người ăn thôi mà phải nấu hai nồi, hai món canh riêng. Sơ giải thích rằng Sơ này ăn canh chua, Sơ kia ăn canh bí, Sơ này không ăn tôm, Sơ nọ sợ cà chua, sợ nước mắm, sợ hành. Ôi, lại một bí hiểm, à quên bí nhiệm nữa trong đời tu. Sao các Sơ của mình không lợi dụng bằng ấy năm dài trong nhà huấn luyện để tập ăn những gì nhà tu có ? Sao các Sơ không biết đến công lao chị em đi chợ, làm bếp vất vả cho mình đi đâu về có bữa cơm bày sẵn trước mặt ? Huống hồ người phục vụ cho ta lại là Sơ Bếp, một Nữ Tu già bằng bà Ngoại ta ? Cái này mình thấy các Sơ không hiền rồi, có hiền thì nói hiền như ma-cô đúng hơn, chứ đi tu, tu là sửa mà! Bằng ấy năm trong nhà dòng, có người cả một đời dài , sao không kiếm được ít thời giờ tập ăn uống giản dị, có sao ăn vậy đi, cho người khác đỡ khổ vì mình nhỉ! Ôi, mình quen sống ngoài đời buông tuồng, bạ gì ăn nấy, miễn sao có sức làm việc, không hiểu nếp sinh hoạt cao sang, lịch sự của hiền nhân, phê bình bậy bạ, xin tạ lỗi.
III. Sáng nay, mở thư, đọc được đôi giòng của bạn. Bạn báo cho biết là Bề Trên giận bạn rồi, không nói chuyện nữa, tại vì bạn láu táu quá, hỏi nhiều, hỏi vớ vẩn, linh tinh làm mất thì giờ của ngài, ngài bực, ngài gõ mấy chữ đuổi : “Biến cho nó thoáng”. Mình hỏi lại thế bạn hỏi cái gì mà ngài không trả lời? Bạn bảo thì hỏi về Chúa, về Đức Mẹ, các Thánh Nam, Nữ. Đấy, hỏi thế Bề Trên không đáp là đúng rồi. Những vấn đề thiêng liêng như thế thì phải tự tìm hiểu trong sách vở, tài liệu. Sách vở nói sai thì trình, trình rồi chờ nghe giảng, nghe giảng mà vẫn không chịu thì …thôi. Có rất nhiều bề dưới, ra vẻ ta đây giỏi, cứ vặn vẹo này kia làm Bề Trên bực, bạn hiểu chửa? Vả lại, Bề Trên cũng là người chứ không phải thánh, có những điều ngài không chuyên môn sao trách ngài không …chuyên môn.
Có những điều Trung cộng to tổ bố như thế mà còn sai trách sao lãnh địa Bề Trên bé bằng tẹo. Ừ mà sao đi tu bằng ấy tuổi mà còn …dỗi như trẻ con thế nhể ! Con xin lỗi Bề Trên, hôm nay mạng đã tiên báo là ngày tận thế nhưng đợi từ sáng đến giờ trời đất vẫn bình thường, không tối tăm chi cả, mừng quá, con viết nhật ký cho vui  thôi chứ không dám có ý gì ! Chứ con có ý gì thì xin cho trời tru đất diệt, nói thế ghê quá, dùng chữ tận thế đi, dễ nghe hơn. Bụp một phát biến mất hết những chữ này đi!

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

ỔN ẢO


ỔN ẢO!
Xin tặng hai chữ này cho người bạn thích sự bình an, bởi mình biết bạn vui lòng đón nhận.
Còn nếu quý bạn nào không chịu được nó thì xin click ngay vào dấu chữ X đỏ bên góc phải màn hình mà tắt ngay cái mặt “lóc”đáng ghét này đi.
Đúng là hai chữ trên trở nên vô duyên khi mình nói với bạn. Mình không phải là bạn, mình không biết bạn là ai, ra sao, thế nào, có chăng là nên đặt vào chính bản thân người nói thì đáng hơn. Vâng, thì mình nhận, đời mà! Sống tạm, ở trọ thôi ấy mà, sao ổn thật được, cho nên mình nhận nhiều khi mình có bất ổn. Ô-kê! Nhưng bất ổn thì nhận bất ổn, không chối, vì bất ổn là một trạng thái hoàn toàn bình thường của một người bình thường. Mình chỉ sợ sự ỔN ẢO, tức là không ổn mà tưởng là ổn, không ổn mà cho là ổn, không ổn mà che dấu, bảo ổn. Tệ nữa là không ổn mà chai lì, tự hào ta ổn và quyết không thay đổi hiện trạng tâm hồn. Khi đó, ta bất bình thường.
Rất nhiều khi mình lâm vào cảnh bối rối, lo sợ, buồn bã, hoang mang vô định chứ. 
Rất nhiều khi mình tức tối, bực mình, giận dữ chứ.
Rất nhiều khi mình kiêu căng tự mãn chứ.
Và rồi mình nhận ra tại sao mình bất ổn, tại mình lưu kĩu những cái “chấp ngã” đó đó.
Cho tới khi nào mình biết nhận lỗi tại mình, cố gắng “xả “ hết những oan ương đó đi, bấy giờ mới mong được ổn. Chắc chắn sẽ ổn.
Vậy tại sao không công nhận một chân lý hiển nhiên là con người ai cũng có thời, có khi bất ổn? Huống chi sự bất ổn đó do chính những thói xấu của mình, nhất là sự kiêu ngạo, mà có.
Tôi sẽ tự hỏi, tại sao hôm qua Lan bực mình với tôi? Quá đáng nha! 
Suy nghĩ lại, a, tại tôi…
Thôi rồi, mau chỉnh đốn.
Vì sao Huệ lánh mặt tôi vậy? Chuyện nhỏ làm gì dữ vậy!
Xét lại trong thời gian qua, a, tại tôi…
Nghe Hùng nói Thái ghét tôi. Kỳ không! Tôi thấy hoàn toàn bình an với mọi lời xỉa xói bên ngoài. Ai nói nấy nghe! Tôi làm gì mà ghét tôi? Hỏi chẳng ai trả lời,(mà giả như có ai trả lời, chắc tôi cũng.... không có can đảm lắng nghe), và tôi toan tính ôm sự bình an trong mối….bất ổn.
Tôi đi nằm, úp mặt vào gối, buồn bã, nghĩ ngợi, suy tư. Sao người này kẻ nọ được yêu được chuộng mà mình lại bị ghét bỏ? Mình đã nói gì, làm gì để bị Thái ghét? 
Khi không, vô cớ sao?
Không hề có cái “khi không, vô cớ” ở đây đâu! 
Có lẽ tôi đã xử sự sao đó nhỉ! 
Tôi nhớ lại thái độ, tư cách, cử chỉ của tôi trong chuyện kia, chuyện nọ có liên can đến Thái. 
Hình như tại ………………………………… tôi .(một dấu chấm dứt khoát).
Vậy đó, chỉ khi nào tôi biết thành thật tự vấn, mọi sự mới được giải quyết.
Giải quyết xong, mọi sự ổn thỏa.
Không còn Ổn Ảo, mà là bình an thật sự. 
Trong lòng vui vẻ, thấy yêu thương mọi người xung quanh cách lạ lùng!
Tâm hồn tôi bấy giờ như con diều tự do tung bay trong gió.
Đây chính là sự bình an đích thực, do bởi tôi biết hướng thiện và Thiên Chúa yêu ai thành tâm thiện chí, Người sẽ chúc phúc cho tôi.
Chúa giáng sinh chỉ mong ban Ân Phúc An Bình cho nhân loại. Tôi còn chần chừ gì nữa?

LUẬN VỀ CHỮ THIỆN




NHT.:
“Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Thiện tâm, tâm thiện là làm sao mà người ta đa số phải lao nhọc, bất an?
Người phàm, phải sống giữa cõi đời ô trọc, lòng không được yên ổn đã đành, giới tu hành cũng lao đao, nhấp nhỏm. Qua chiếc áo tăng ni, giáo sĩ, ta thấy họ an vui, thanh nhàn, điềm tĩnh, nhưng chưa chắc bên trong không sóng gió! Thật tội nghiệp cho chiếc áo tu, suốt ngày ôm ấp một con trăn luôn vùng vẫy, quằn quại, mà không biết, không hay. Bên ngoài, các nếp áo vẫn nghiêm trang, thẳng thớm! Miệng vẫn thốt lời từ bi!
Là bởi chưa rành hai chữ thiện, ác.
Sống sao cho có thiện tâm đây?
Sách luân lý đạo Phật có luận về thiện ác rất hay, giá mà chúng ta biết khiêm tốn đọc rồi suy, rồi đổi thay, chỉnh sửa, tương lai chắc chắn có được nhiều vị ...đạt chánh quả.
Nói đâu xa xôi, chỉ xin ước cho đời tu sĩ được phúc bình an, muôn lòng bình an.
Mến chúc mọi người bình an.

LUẬN VỀ CHỮ THIỆN 
1. Thế  nào là thiện ? 
Theo Luận Thành Thật định nghĩa: 
Tùy làm việc gì, hay cho người sự ưa thích, ấy là thiện... 
Khiến người được vui, ấy gọi là ưa thích, cũng gọi là thiện, cũng gọi là phước
(Tùy dĩ hà nghiệp, năng dữ tha hão sự, thị danh thiện... 
Linh tha đắc lạc, thị danh vi hão, diệc danh vi thiện, diệc danh vi phước.) 
(Thành Thật Luận 8, phẩm Nghiệp 100) 
Lại cũng trong Luận Thành Thật, phẩm Giải:  
Nếu được lợi mình lợi người, lợi hiện tại và vị lai đều do tâm thiện làm gốc, nếu bị tổn mình tổn người, tổn hiện tại và vị lai đều do tâm bất thiện làm gốc! 
(Nhược nhân lợi tha lợi dĩ, kim lợi đương lợi, giai dĩ thiện tâm vi bản, nhược nhân tổn dĩ, kim tổn đương tổn giai dĩ bất thiện tâm vi bản.) 
Căn cứ theo Luận Thành Thật định nghĩa: Phàm làm việc gì khiến người ta vui thích là thiện, và lợi ích cho mình và người, hiện tại và vị lai là thiện.
2. Thế nào là thiện, ác?
Ngài Thái Hư định nghĩa thiện ác: Việc làm lợi mình lợi người, hiện tại và vị lai, lấy đại chúng làm tiền đề là thiện. Việc làm chỉ nhằm lợi ích mình hiện tại, lấy tổn hại người làm tiền đề là ác. 
Qua các nhà luận trên, tương đối chúng ta thấy thiện ác đã rõ. Nhưng cũng còn vài nghi vấn nhỏ. Như việc làm lợi mình lợi người, hiện tại và vị lai, gọi là thiện. Thực tế có nhiều việc lợi người, hại mình mà vẫn là thiện. Như thấy nhà cháy, một em bé đang bị kẹt trong  ấy, có người hi sinh chạy vào lửa cứu em ra. Khi cứu được em bé, người kia bị cháy phỏng khá nhiều, phải đau khổ vì những vết phỏng hành hạ. Sự an ổn của em bé, trong sự đau khổ của người kia như vậy, đâu phải hiện tại cả hai đều lợi? Hoặc như người phát nguyện vào bệnh viện lao, hủi săn sóc bệnh nhân. Hiện tại họ an ủi bệnh nhân được phần nào, song tương lai họ có thể bị truyền nhiễm. Như vậy, hiện tại thấy có lợi một phần, mà tương lai đâu hẳn là lợi? 
Tuy nhiên, theo Phật giáo, những hành động cứu người, vì người, hiện tại hoặc vị lai ta có khổ, song cái khổ ấy chỉ thời gian ngắn ngủi, sau này sẽ hưởng cái vui thời gian dài gấp mấy lần. Như trường hợp người cứu em bé sắp bị chết thiêu, người phát nguyện vào nhà thương lao chẳng hạn. Vì cái khổ ngắn, cái vui dài, nên cũng gọi là vui. Hơn nữa, tuy thân khổ mà cứu được mạng người, tâm vui thích, nên cũng gọi là vui. 
Bởi tánh cách phức tạp của thiện ác như thế, nên qui định tiêu chuẩn thật khó khăn. 
Thể theo những ý trên, tôi qui định tiêu chuẩn thiện ác thế này: 
“Đối tự thân, hành vi xuất phát từ ý chí hướng thượng, được hướng dẫn bằng trí sáng suốt là thiện. Hành vi xuất phát từ tâm niệm hưởng thụ dục lạc, bị sai sử bởi si mê là ác. 
Đối tha nhân, hành động xuất phát từ tình thương chân thật, được hướng dẫn bằng trí sáng suốt là thiện. Hành động xuất phát từ tâm tổn hại, sai sử bởi si mê là ác. 
Bản thân chúng ta, bất cứ một hành vi nào xuất phát từ ý chí hướng thượng cộng với trí suy nghĩ sáng suốt, đều đưa đến kết quả tốt đẹp, an ổn. Như từ người xấu xa hèn hạ muốn tiến lên người thường, từ người thường muốn tiến lên người tốt, từ người tốt muốn tiến lên thành người hiền, từ người hiền muốn tiến lên thành bậc Thánh. Sự mong mỏi tiến lên  ấy là ý chí hướng thượng. Có ý chí hướng thượng rồi, cần phải có trí sáng suốt xét đoán muốn thành người tốt người hiền phải làm thế nào? Sau khi xét đoán rồi, phải thanh lọc cái gì làm cho mình xấu, phụ trợ cái gì làm cho mình tốt. Có thế mới từ người xấu trở thành người tốt được. 

( trích Vài nét chính luân lý Phật giáo - Thích Thanh Từ)

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

LẠY CHÚA, CHẲNG THÀ TẬN THẾ




LẠY CHÚA, CHẲNG THÀ TẬN THẾ
Lạy Chúa,
Nếu quả thật chúng con sắp mất nước
Thì xin cho tận thế đến thật mau
Dầu đất liền hay đảo xa biến trước
Dân tộc con muôn kiếp vẫn bên nhau

Con chẳng muốn quân hung hăng cướp cạn

Kéo tay lôi xềnh xệch một đứa em
Đứa em kia chúng dập dụi bạo tàn
Trời cao xin cúi xuống nhìn xem

Xin Chúa nhớ Tên Ngài mang chữ S

Trong GIÊSU có cả nước Việt Nam
Tuy nhỏ bé nhưng không bao giờ chết
Chiếm ngon lành trọn vẹn một phần năm

Nếu có phải phân lìa thành trăm

Chúng con quyết bám vào Danh Chúa Cả
“Ra không” hết, còn hơn bị cướp băm
Con nài xin Chúa ơi, tận thế nhá.

Nếu quả thật chúng con sắp mất nước

Thì xin cho về lại với hư vô
Những tâm hồn thiết tha yêu Tổ Quốc 
Khỏi đớn đau nhìn lũ  cướp tràn bờ

Dầu nham thạch núi lửa hay động đất

Dẫu sóng thần hay hồng thuỷ khôn dò 
Cũng còn hơn Việt Nam bị mất nước
Con thà xin tận thế Chúa thương cho.

HẢI TRIỀU


GIEO HÒA THUẬN GẶT BÌNH AN




Thật sự là đáng buồn khi chúng ta không thể đối thoại trực tiếp với nhau.
Vì sao cứ để buồn vậy ?
Tôi cứ suy nghĩ vì sao phải khốn khổ vậy ?
Một anh bạn tôi  khuyên một chị bạn, nào hãy tìm cách nhẹ nhàng, dịu ngọt mà nói với  người ta xem có hòa được không ! Chị này trả lời, không được đâu anh, tôi thường nhờ con cháu chuyển lời chứ chẳng có nói trực tiếp với ổng được . Thật bất ngờ, khi nghe chị nói vậy, anh bạn tôi buột miệng tôi cũng vậy, toàn nhờ con nói dùm, bà xã tôi với tôi không nói chuyện với nhau được. Sao mà khổ thế! Sống chung, ra vào trông thấy mặt nhau mà không ai nói với ai nửa lời. Mở miệng là cãi nhau, mở miệng là khắc khẩu. 
Đã thế, trong im lặng có chắc là yên?
Có những mối bất bình càng để lâu trong im lặng càng hằn thêm gay go, khó hiểu.
Có những chuyện nhỏ, chỉ cần gặp nhau với thiện chí làm lành, tức khắc mọi sự êm thấm.
Thế mà hai bên cứ im lặng ngày này qua tháng nọ.
Người ta thường nói Im lặng có nhiều nghĩa.
 Im lặng có thể là đồng ý, là chấp nhận; có thể là chịu đựng, có thể là ngượng nghịu, có thể là nhận lỗi…, lại có thể là khinh bỉ nữa. Ta thèm vào nói với bây nữa! Sự im lặng ở đây là lời nói, nó nói lên thái độ bất hợp tác, dĩ nhiên với cái lý của người phát biểu nhưng có lẽ đây là sự im lặng đáng buồn hơn cả.
Không hẳn là khinh bỉ, nhưng vợ chồng im lặng với nhau thế nào cũng có ngày ra tòa ly dị. Ra tòa là khinh nhau ra mặt rồi còn gì! 
Không hẳn là bất hợp tác, nhưng đồng nghiệp né tránh nhau, thế nào cũng phải cãi nhau, không thì cũng không tránh khỏi sự nói xấu người vắng mặt. Bằng mặt chứ không bằng lòng là thế.
Không hẳn là ghen ghét nhau, nhưng có điều gì đó làm chúng ta không lại gần nhau được, hoàn cảnh đâm ra kỳ cục. Hai bên cùng kỳ cục! Những mối giao lưu kỳ cục không thể tốt đẹp. Không thể hòa bình. Cứ nói yêu hòa bình, có ai nói mình thích cãi nhau, đánh nhau đâu, vậy mà chiến tranh vẫn xảy ra khắp nơi, ngay trong lòng người.
Hằng năm, trên các hang đá Noel, trên chính diện các nhà thờ, người ta luôn trang trí câu: Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”, người ta chúc  
nhau  Mùa Giáng Sinh vui vẻ và một Năm Mới hạnh phúc.
Lời chúc tốt lành trên chỉ thành sự trong lòng mỗi người có ý hướng thiện, nghĩa là có ước muốn hòa bình với tha nhân. Mỗi người anh em bên ta là một “Chúa Giêsu Hài Đồng nằm trong máng cỏ, nụ cười đơn sơ Chúa nằm giữa con chiên con bò”.(sáng tác: Viết Chung). 
Ai gieo Hòa Thuận sẽ gặt Bình An, bạn có tin không ?
Phần tôi, thấy mến người bạn nào khiêm tốn và thích bắt chước bạn ấy, tập gieo thuận hòa.
Tôi hạnh phúc và vui vẻ với điều ấy luôn.
Vậy xin nguyện ước sao, Mùa An Lành này,  mọi người đều thật sự đạt được niềm Vui và Phúc Thật Chúa ban trong lòng, khi chúng ta nhận ra nhau là Anh Em, con Một Cha trên Trời, để cùng thốt lên những lời hòa thuận, yêu thương. Bỏ qua mọi sai lầm, kỳ thị, khiêm tốn thật nhận lỗi về phần mình, Chúa thương những kẻ thành tâm thiện chí như vậy. " Lạy Chúa, xin ban cho con niềm vui đơn sơ, biết sống khiêm nhường, bé nhỏ, hòa đồng với mọi người quanh con để xứng đáng lãnh nhận Ơn Thánh Vô Cùng Chúa ban trong ngày Lễ Mừng Sinh Nhật Chúa đáng ghi muôn đời".