#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}
Hiển thị các bài đăng có nhãn Suy tư. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Suy tư. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

10 LÝ DO CHỊU ĐAU KHỔ


Horatio G. Spafford là một luật sư giỏi ở Chicago hồi thập niên 1800 và là bạn của nhà truyền giáo Dwight L. Moody.  Luật sư Spafford được kính trọng và tốt lành, nhưng ông vẫn không tránh khỏi những lúc khổ đau.
Trước hết, ông mất đứa con trai vì chứng ban đỏ (scarlet fever).  Rồi vốn đầu tư làm ăn cũng bị thua lỗ.  Không lâu sau đó, 4 cô con gái của ông chết trong một vụ đắm tàu ở Đại Tây Dương, chỉ còn bà vợ Anna của ông sống sót nhờ bám vào chiếc phao rồi được cứu.
 Tại sao bi kịch xảy ra với người tốt?  Luật sư Spafford không thể hiểu, nhưng rồi ông vẫn vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa.  Mọi người có thể tôn vinh Thiên Chúa ngay cả trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời.  Theo Kinh Thánh, đây là 10 lý do để chúng ta chịu đau khổ :

 1. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta phạm tội.  Chẳng có ai công chính (Rm 3:10), nghĩa là ai cũng là tội nhân (Rm 3:23). Những người không có đức tin thì sống biệt lập với Chúa, còn những người có đức tin thì trải nghiệm từng khoảnh khắc, từng ngày, từng mùa... về niềm tin vào Thiên Chúa. Quy luật tâm linh được tạo ra để triệt tiêu tội lỗi trong đời sống của tín hữu, quy luật này nghiêm khắc, kể cả cái chết: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết.  Giả như chúng ta tự xét mình, thì chúng ta đã không bị xét xử.  Nhưng khi Chúa xét xử là Người sửa dạy chúng ta, để chúng ta khỏi bị kết án cùng với thế gian” (1 Cr 11:29-32).

 2. Chúng ta chịu đau khổ vì người khác phạm tội.  Vợ chồng và con cái chịu đau khổ vì bị lạm dụng.  Công dân chịu đau khổ vì chính quyền tham những.  Satan xúi giục vua Đa-vít thống kê dân số Ít-ra-en, và có 470.000 người chịu hậu quả (2 Mcb 10:20).  Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết không phải vì lỗi của Ngài mà vì tội lỗi của nhân loại.

 3. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta sống trong thế giới tội lỗi.  Tai nạn và tai họa xảy ra, mỗi năm có hàng triệu người chết. Thánh Phaolô nói rằng “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8:22).  Đó là hậu quả của tội lỗi.

 4. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta được tự do chọn lựa.  Quyền năng Thiên Chúa và khả năng của con người là hai sự thật trong Kinh Thánh.  Chúng ta không là robot, chúng ta có thể chọn lựa vì Thiên Chúa cho chúng ta quyền tự do.  Đôi khi sự chọn lựa của chúng ta gây đau khổ – cho mình và cho người khác.  Randy Alcorn viết: “Nếu Thiên Chúa tước hết vũ khí và ngăn chặn các tài xế say xỉn, thế giới này sẽ không là thế giới thật để con người chọn lựa…  Trong một thế giới như vậy, người ta sẽ chết mà không có nhu cầu, chỉ thấy mình ở Địa ngục”.

 5. Chúng ta chịu đau khổ vì sự sống đời đời.  Thế giới này không là nhà của chúng ta, chúng ta chỉ là khách vãng lai.  Chúng ta là công dân Nước Trời.  Thánh Phaolô nói: “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất” (Dt 11:13).  Chính đau khổ ngăn cản chúng ta bám víu vào thế gian này, vì thế gian sẽ qua đi.

 6. Chúng ta chịu đau khổ để không gặp điều tệ hại hơn.  Đau khổ làm cho chúng ta tập trung vào nguyên nhân, để cố gắng sửa đổi trước khi tệ hại hơn.  Cơn sốt dẫn chúng ta tới bác sĩ, tại đây chúng ta được chẩn đoán và chữa trị.  Ở mức lớn hơn, đau khổ cho chúng ta biết có gì đó bất ổn, và dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu.  Bóng tối, đau khổ, cô đơn, lo buồn...  Mọi thứ đó giúp chúng ta nắm bắt thực tế cuộc sống, giúp chúng ta cần đến Chúa.

 7. Chúng ta chịu đau khổ để thông phần đau khổ với Đức Kitô và nên giống Ngài.  Thánh Phaolô nói: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11).  Nhờ kinh nghiệm đau khổ mà chúng ta có thể an ủi người khác khi họ chịu đau khổ.  Khi chúng ta chịu đau khổ là chúng ta được nên giống Đức Kitô.  Thánh Phaolô phân tích: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4:17).

 8. Chúng ta chịu đau khổ để tôn vinh Thiên Chúa.  Chúa Giêsu động viên chúng ta nếu chúng ta chịu đau khổ vì danh Ngài: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:10-11).  Ngài cảnh báo rằng thế gian sẽ ghét chúng ta vì họ đã ghét Ngài trước (Ga 15:18).  Trong thư gởi giáo đoàn Do Thái, chương 11, có người nhờ đức tin mà được chúc lành bằng của cải và thành công, có người lại được chúc lành bằng đau khổ và cái chết.  Thiên Chúa không phân loại các anh hùng đức tin này tùy trường hợp của họ, Ngài chỉ tôn vinh họ vì vững mạnh đức tin.  Nếu các Kitô hữu có cuộc sống thoải mái thì sẽ làm cho Phúc Âm hấp dẫn vì các lý do sai lệch.

9. Chúng ta chịu đau khổ để trưởng thành tâm linh.  Chúa Giêsu là Đấng hoàn hảo, vậy mà Ngài còn phải chịu đau khổ để học được đức vâng phục.  Thánh Phaolô cho biết: “Nhờ Chúa, tôi rất vui mừng vì cuối cùng thấy tình cảm của anh em đối với tôi lại thắm thiết.  Tình cảm đó vẫn sống động, nhưng anh em chỉ thiếu dịp tỏ ra.  Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào.  Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được.  Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả.  Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4:10-13).  Thánh Phaolô xác định: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr 12).

 10. Chúng ta chịu đau khổ để hy vọng vinh quang Nước Trời.  Kh 21:4 nói: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.  Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”  Thánh Phaolô nói: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8:18).

 Có nhiều lý do để chúng ta chịu đau khổ, đôi khi khó nhận biết chính xác.   Như trường hợp Thánh Gióp, ông không bao giờ biết việc đánh cược của Satan với Thiên Chúa.  Nhưng đây là sự thật:

Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi đau khổ của chúng ta.
Thiên Chúa vẫn hiện hữu ở bên chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ.
Thiên Chúa luôn hành động với chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ.
Nếu Thiên Chúa muốn chúng ta biết lý do, Ngài sẽ nói với chúng ta (qua Kinh Thánh hoặc cách nào đó).
Thiên Chúa tác động qua cái ác và đau khổ để sinh ra điều tốt, loại bỏ điều xấu mà Satan và kẻ xấu có thể làm cho chúng ta.
Ngày nào cũng có đau khổ, nhưng hãy nghĩ về hạnh phúc vĩnh hằng ở Nước Trời mai sau.  Randy Alcorn viết: “Số phận của chúng ta không lệ thuộc vào những người kiện cáo, hoặc những chính trị gia, luật sư, giáo viên, huấn luyện viên, sĩ quan quân đội, hoặc chủ nhân.  Họ có thể chống lại chúng ta – và Thiên Chúa hoàn toàn có thể chuyển những điều xấu thành điều tốt nhất cho chúng ta”.

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ OnceDelivered.net)
http://conggiao.info/index.aspx

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

NGƯỜI THỨ BA



Người thứ ba  (Mt 25, 14-30)
Đó chính là vấn đề của người thứ ba trong dụ ngôn. Dụ ngôn nói nhiều nhất về trường hợp này, bởi vì hoàn cảnh của người này phù hợp với tất mọi người chúng ta ở chiều sâu, không chỉ trong ý thức nhưng nhất là trong vô thức. Bởi vì một cách khách quan có sự khác biệt nhiều ít, nhưng cảm nhận của chúng về điều mình có và điều mình là luôn luôn là ít và là ít nhất. Và khi chúng ta rầu rĩ về mình, đó chính là lúc chúng ta đang ghen tị với người khác và tất yếu chúng ta sẽ kêu trách Thiên Chúa, là Đấng Tạo Dựng, khởi đi hình ảnh lệch lạc về Người: tại sao Chúa ban cho con có bao nhiêu đó, tại sao Chúa “bất công”, tại sao Chúa hà khắc như vậy…?
Chúng ta nên cảm thông với người thứ ba, vì anh chỉ có một nén thôi. Tuy nhiên, anh phải bình an với sự khác biệt này, cho dù là rất khó, vì đây là sự khác biệt thua thiệt. Anh phải vượt qua và mọi người cần giúp anh vượt qua thử thách này. Trong xã hội và có khi ngay ở bên cạnh hay chung quanh chúng ta, có rất nhiều người ở trong tình trạng này. Chính chúng ta được mời gọi xác tín với tâm tình tri ân cảm tạ bản thân mình như thế đó là một ơn huệ và chúng ta có sứ mạng giúp người khác có cùng một xác tín như vậy. Và người khác có khi là chính anh em hay chị em của chúng ta trong gia đình hay trong cộng đoàn.
Người thứ ba trong dụ ngôn có hình ảnh méo mó về điều mình có, nên tất yếu có hình ảnh méo mó về người chủ, và chắc chắc có hình ảnh méo mó về người khác nữa: “tại sao anh lại may mắn hơn tôi?” Thái độ tự ti, mặc cảm, hành động co cụm, yếm thế, lãng phí là những hệ quả tất yếu. Và cuối cùng anh trở thành nạn nhân của chính hình ảnh méo mó mà anh có về người chủ: anh nghĩ người chủ hà khắc, sự hà khắc ập xuống trên anh. Điều này có nghĩa là, khi mình nghĩ xấu và sai về người khác, thì cái xấu và cái sai đã hành hạ mình rồi, từ sâu thẳm tự bên trong.

 Giuse Nguyễn văn Lộc

MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI SỐNG


Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 17 tháng Tám, 1999, một trong những trận động đất kinh hoàng nhất đã xảy ra trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ.  Nó đã san bằng hàng trăm công trình kiến trúc và làm thiệt mạng hàng ngàn người.
Khi động đất xảy ra, một kế toán viên 40 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ là Yuksel Er vừa mới đi ra từ phòng vệ sinh ở lầu ba trong khu chung cư sáu tầng lầu.
Bỗng dưng, mọi thứ bắt đầu quay cuồng. Chính ông cũng lảo đảo và bị rơi vào dòng thác cuốn của đồ vật.  Trong 45 giây tiếp đó tai ông như điếc vì tiếng động mạnh.
Và rồi, bỗng dưng mọi sự im lặng một cách ghê sợ.
Khi Yuksel tỉnh dậy, ông thấy mình bị kẹt dưới đống gạch vụn trong một vùng thật tối.
Trong khoảng cách nhỏ bé đó, ông không thể nào cựa quậy được, chỉ có thể nằm yên ở đó.
Trên mình ông và chung quanh ông là những vụn vỡ của tòa chung cư sáu tầng lầu.
Lúc đầu ông tưởng là tận thế.  Nhưng khi nghe thấy tiếng rên rỉ ở xa xa, ông biết là một điều gì khác đã xảy ra.
Trong bốn ngày liền, ông không ăn uống gì.  Ông dùng thời giờ để cầu nguyện, suy nghĩ về đời sống và tự hỏi đời sống sau khi chết sẽ như thế nào.
Lúc đầu, ông còn la lớn kêu cứu.  Nhưng thấy vô ích ông im lặng dưỡng sức.
Ông bắt đầu nhớ đến gia đình, và nhất là đứa con trai 13 tuổi mà ông vừa mới la rầy nó chỉ vài giờ trước trận động đất - vì nó cứ dành máy computer của gia đình để chơi "game".
Sau đó vào ngày thứ tư, khoảng một giờ sáng, ông nghe có tiếng gọi quen thuộc.  Chỉ trong vài phút, ông nhận ra tiếng của đứa cháu và thằng con 13 tuổi.  Chúng đào xới đống vụn để lôi ông lên.
Khi đứa con trai lôi được ông ra khỏi đống gạch vụn, điều đầu tiên nó nói là, "Bố ơi, con sẽ không bao giờ làm bố giận nữa."  Ông Yuksel trả lời, "Bây giờ thì không còn quan trọng nữa, vì bây giờ mọi sự sẽ khác biệt."
Sau này, khi ở trong bệnh viện, Yuksel nói với gia đình và bạn hữu: "Đây là cuộc đời thứ hai của tôi.   Tôi sẽ cố gắng tận dụng cuộc đời ấy."  Và rồi ông khóc.  Giống như tiếng khóc  carry-cross của đứa bé mới lọt lòng mẹ.
Trước trận động đất, Yuksel sống với những ưu tiên và mục đích, không khác gì những ưu tiên và mục đích của chúng ta.  Sau cảm nghiệm ấy, các ưu tiên và mục đích của ông thay đổi cách đáng kể.
Điều này đưa chúng ta đến bài Phúc Âm hôm nay.  Trong bài Chúa Giêsu nói rằng, "Nếu ai trong các con muốn đến với Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá của con và theo Thầy."
Ở đó chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ về sự ngu dại khi giành được thế gian nhưng đánh mất điều quan trọng nhất trong tất cả: là sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Sau cùng, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu nói: "Con Người sẽ thưởng cho họ tùy theo hành động của họ."
Hãy trở về với câu chuyện của Yuksel.  Khởi đầu tưởng rằng là một thập giá nặng nề, nhưng sau cùng lại là một phước lành lớn lao.
Nó đã dạy cho ông và thúc giục ông sống thời gian còn lại theo một phương cách xứng hợp với Chúa, và với suy nghĩ của Thiên Chúa chứ không phải của Satan.
Cũng giống như trận động đất đã thay đổi cuộc đời ông Yuksel, bài Phúc Âm hôm nay cũng nhắm đến một kết quả tương tự cho chúng ta - tối thiểu cho một số người trong chúng ta.  Có lẽ, như Phêrô, lối suy nghĩ về đời sống của chúng ta trở nên nguy hiểm hơn và càng giống với kiểu cách suy nghĩ của Satan hơn là của Thiên Chúa.
Có lẽ, giống như Phêrô, chúng ta đang mất dần ý nghĩa của đời sống. Một đời sống không hoàn toàn vì vui thú và không muốn tránh càng nhiều thập giá càng tốt.
Đúng ra, đó là một đời sống để được phần thưởng là sự sống đời đời. Đó là lối sống trong những năm còn lại của chúng ta ở đời này để giúp chúng ta gặt được phần thưởng là sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Rõ rệt hơn nữa là vác thập giá hằng ngày của chúng ta và chấp nhận các thập giá ấy trong tinh thần mà Chúa Giêsu đã chấp nhận thập giá của Người.
Và đây là phần đáng kể. Một khi chúng ta bắt đầu sống như Chúa Giêsu đã dậy, chúng ta sẽ khám phá ra điều mà Yuksel đã tìm thấy.
Nó sẽ thay đổi mọi sự, và bỗng dưng, điều tưởng như một thập giá to lớn lại trở nên một ơn sủng lớn lao trong đời này và đời sau.
Hãy kết thúc với câu chuyện để nói lên điều chúng ta muốn nói:
Một vài năm trước đây, Gene Stallings đã huấn luyện đội banh trường đại học Alabama để thắng được 22 trận và được coi là trường đứng hạng hai về "football".  Nhưng không phải biến cố này, mà là một biến cố khác, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời của ông. Đó là việc sinh hạ đứa con trai, Johnny.
Khi bác sĩ nói với ông Stallings rằng Johnny sẽ bị hội chứng Down (chậm phát triển) và có lẽ không sống lâu hơn bốn năm, ông đã ngất xỉu.
Ba mươi năm sau, Johnny vẫn còn sống.  Nói về ảnh hưởng của Johnny trong cuộc đời, ông Stallings cho biết:
"Cháu rất đặc biệt!  Tất cả sự yêu thương của cháu thì vô điều kiện. Cháu không đạt thành tích gì.  Cháu hoàn toàn vị tha."
Trong rất nhiều dịp, ông Stallings tuyên bố rằng cho dù có thể đảo ngược mọi sự và bắt đầu lại với một đứa con không bị bệnh Down thì ông cũng không muốn như vậy.  Ông nói, "Tôi cảm nhận được rất nhiều ơn lành."
Điều mà ông Stallings nghĩ rằng sẽ là một thập giá lớn lao trong đời thì lại trở nên một ơn sủng lớn lao-cả ở đời này và ngay cả ở đời sau.
Đây là Tin Mừng của Phúc Âm hôm nay. Đây là Tin Mừng mà chúng ta cử hành trong phụng vụ này.
Đó là Tin Mừng khi chúng ta vác thập giá của mình và theo Chúa Giêsu, có thể thay đổi cuộc đời chúng ta.  Nhưng nó sẽ đem lại một bình an và phước lành mà chưa bao giờ chúng ta tưởng tượng ra hay hy vọng tới - và ngay cả dám mơ tưởng đến.

LM Mark Link, SJ

TRANG SÁCH BỊ GẤP NẾP



          Có một bài thơ cổ của một tác giả vô danh. Bài thơ mang tựa đề “The Folded Page” (Trang sách bị gấp nếp). Sau đây là một đoạn trong đó :

“Trên căn gác một nhà xưa cổ,
Khi hạt mưa từ mái nhà đổ xuống,
Tôi ngồi đó lật từng trang tập cũ.
Bỗng nhận ra một trang bị gấp nếp,
Ghi dòng chữ của mình hồi nhỏ :
“Thầy giáo bảo : tạm bỏ qua điều này,
Vì hiện tại nó rất ư khó hiểu”.
Tôi liền mở nó ra và đọc,
Đoạn mỉm cười và gục gặc đầu nói :
“Thầy có lý, bây giờ tôi mới hiểu”.
Trong cuộc đời có nhiều trang khó hiểu
Ta chỉ việc gấp lại và viết lên :
“Thầy giáo bảo : tạm bỏ qua điều này
Vì hiện tại nó rất ư khó hiểu”.
Rồi một ngày nào đó trên nước Trời,
Mở trang cũ ra đọc lại ta sẽ nói :
“Thầy giáo có lý, bây giờ tôi mới hiểu”.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Amen.
st.

THÁNH TÊRÊSA CHỊU ĐỰNG

             
       
          Trong cuốn “Một tâm hồn”, thánh nữ Têrêsa Hài đồng có kể :”Hai chúng con giùng giằng lèo xèo làm cho mẹ Bề trên (đang liệt bệnh) mở mắt thức dậy, thế là mọi lỗi đổ cả lên đầu con. Chị kia liến thoắng nói một thôi dài, mà đại ý chỉ có thế này : Chính là tại Têrêsa Hài đồng đã làm om sòm. Nóng mặt, con muốn cãi lại ngay... Nhưng con bảo mình : nếu mà cãi phải cho mình bây giờ, chắc sẽ mất sự bằng an trong lòng. Đàng khác, vì còn kém nhân đức lắm, nên con đã không thể đứng yên để nghe chị ấy đổ tội cho mà không thưa lại một vài lời cho ra nhẽ, con liền tính kế “Dĩ đào vi thượng sách” (Trích Một tâm hồn, tr 40-41).

        Nghĩ xong, con lủi đi như con quốc... nhưng vì trái tim quá hồi hộp thổn thức không thể bước đi xa được, chân như rủn ra, con phải cưỡng bách ngồi xệp xuống chân thang để được bình tĩnh tạo hưởng cái thú không chiến mà thắng.

Dĩ nhiên, Thánh Têrêsa đã thực hiện thành công chiến thắng này với một tình yêu Chúa nồng nàn. Ước gì con yêu Chúa được như vậy.Amen.

DẤU NHẬN RA CHÚA


Có lần một nhà truyền giáo hỏi lớp giáo lí Thánh Kinh : nếu các bạn thấy một nhóm gồm 12 người đàn ông rất giống nhau, trong đó có đức Kitô, làm sao các bạn nhận ra Ngài ? Nhiều người bảo không biết. Nhưng một em bé nói : "Nhờ những dấu đanh trên tay Ngài".
(trích bài giảng lm. Hồ Bặc Xái)

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

LƯỠI DAO


Trong một đống đổ nát tanh bành của cuộc đời ngắn ngủi này, người ta thấy ngổn ngang những tấm bia mộ của các nạn nhân bị chết vì các loại dao, trong đó có một loại dao được sử dụng nhiều hơn tất cả các loại khác cộng lại là dao…lưỡi. Nạn nhân gồm cả hai thành phần: những người bị dao lưỡi giết và những kẻ đã dùng dao lưỡi hại người mà bị phản đòn.
Ở góc trái của đống đổ nát, có tấm bia ghi: “Người ta đã nói xấu sau lưng tôi để triệt hạ uy tín của tôi. Tôi đã chết trước cả khi tắt thở. Họ có biết rằng nói xấu là cố sát, là cố tình giết người, là phạm vào điều răn thứ 5 hay không?”
Gần tấm bia ấy, có dòng chữ trích dẫn Kinh Thánh đại ý như sau: “Đặt điều bịa chuyện để hại người là do ma quỷ (Mt 5:37). Ma quỷ thì phản nghịch Thiên Chúa.”
Ở góc bên phải, có một lời thú nhận muộn màng: “Tôi đã dựng chuyện lên để bôi nhọ tha nhân. Thật ra tôi đã tự bôi nhọ chính mình. Người nghe tôi nói xấu đã nhận ra rằng chính họ cũng có thể bị nói xấu sau lưng với một ai khác. Và họ đã lánh xa tôi kể từ đó.”
Ở phía dưới đống đổ nát, có một tấm màu ngói ghi lời ăn năn: “Tôi đã núp dưới danh nghĩa thiện chí để cho mình quyền nói xấu người khác sau lưng. Tôi vi phạm nguyên lý căn bản “Mục đích tốt không thể biện minh cho phương tiện xấu.” Thêm nữa, tôi còn trực tiếp làm hại tâm hồn và nhân cách của bạn bè khi lôi kéo họ vào câu chuyện của tôi.”
Đàng sau tấm màu nâu trên, có tấm bị rỉ sét nhưng chữ vẫn đọc được: “Tôi đã gọi một người anh em bằng tên của một thứ quái vật. Đó là một tội tày trời vì bất cứ con người nào cũng là thụ tạo quý giá được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa hằng sống và chính Chúa Kitô đã đổ máu đào của mình ra cho họ. Vậy mà tôi đã mỉa mai công trình của Thiên Chúa, đã coi thường máu Chúa Kitô. Tôi đã phủ nhận phẩm giá của chính con người tôi.”
Có tấm bảng đen xì viết bằng chữ màu xám xịt ở một góc khuất, xem ra là của một kẻ còn sống đi ngang qua đã bỏ lại: “Nói bậy là tự làm bẩn miệng. Nói xấu là tự gắn dao vào lưỡi.” Người ấy còn trích một lời từ sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh: “Lời xoa dịu tựa cây ban sự sống, lời nham hiểm làm tan nát tâm can.” (Cn 15:4)
Ở chính giữa đống đổ nát ấy, có một tấm bảng trắng viết bằng mực xanh rằng: “Miệng lưỡi Thiên Chúa tạo dựng nên để cho con người gửi đến nhau những lời tốt đẹp của yêu thương mà xây dựng cuộc sống trần gian.”

Đứng trước đống đổ nát gây ra bởi “dao lưỡi”, thánh Phao-lô đã nhắc: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. …Ðừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô.”(Eph 4:29) Thánh Gia-cô-bê thì bảo: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.” (Gcb 1:26) Chúa Giêsu một ngày kia nói với đám đông đang nghe Người: “Xin nghe đây và hiểu cho rõ: Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.”
Amen!

Giuse Việt
Nguồn : (Tại đây)

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

MỘT BỮA ĂN

ht. Cám ơn Nguyễn thị Kim Dung đã chia sẻ bài suy tư ý nghĩa này cho ht.

Một hôm, cô gái cãi nhau với mẹ. Sau đó, cô bỏ nhà ra đi. 
Cô ta chạy rất lâu. Thấy phía trước có tiệm mì, lúc đó, cô mới cảm thấy đói bụng. 
Nhưng khi cô sờ vào túi, thì một xu cũng không có. Bà chủ tiệm mì là người tốt bụng, tinh tế. Thấy cô gái đứng đó liền hỏi: 
-“Có phải con muốn ăn mì”.
Cô gái trả lời một cách ngại ngùng: “Nhưng con không mang theo tiền”.
-“Không sao, bà có thể mời con ăn”.
Bà chủ mang đến một tô mì nóng hổi. Cô ta rất cảm kích, mới ăn được một ít, thì nước  mắt đã chảy ra, rơi xuống tô mì. Bà chủ an ủi: 
-“Con làm sao vậy?”.
Cô gái vừa lau nước mắt vừa nói: “Con không sao cả, con chỉ cảm kích. Con và bà không hề quen biết nhau, vậy mà bà đối xử với con thật tốt, còn nấu mì cho con ăn nữa. Nhưng con đã cãi lời mẹ và mẹ đã đuổi con ra khỏi nhà. Mẹ còn bảo con đừng quay trở lại nữa”. 
Bà chủ nghe xong, rồi bình tĩnh nói :
- “Sao con lại nghĩ như vậy? Con nghĩ thử xem, bà chỉ nấu cho con ăn một bữa, mà con lại cảm kích. Vậy mẹ con đã nấu mười mấy năm cơm gạo cho con ăn, sao con không cảm ơn mẹ mà còn cãi nhau với mẹ ?”. 
 Cô gái lặng người.
Cô ăn hết tô mì một cách vội vã, rồi lập tức chạy vế nhà.
 Khi về đến nhà, thì thấy mẹ đang đứng chờ cô trước cửa. Vừa thấy cô người mẹ rất vui mừng: -“Mau vào nhà, cơm mẹ đã nấu xong, thức ăn đã nguội hết rồi”. 
Lúc đó, nước mắt của cô gái lại trào ra !

Thử suy nghĩ xem, có khi chỉ nhận được một chút ân huệ của người đẩu đâu, chúng ta lại rất cảm kích và nhớ ơn, nhưng đối với ân tình của người thân ngay bên thì chúng ta lại làm lơ như không hề thấy.


Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

MỚI HÔM QUA THÔI !

Trong một nhà giữ lão ở Montreal
Họ ngồi đó
Bên nhau
Đàn ông
Đàn bà
Không nhìn
Không nói
Họ ngồi đó
Gục đầu
Nín lặng
Ngửa cổ
Giật nhẹ tay chân
Có người
Trên chiếc xe lăn
Chạy vòng vòng
Có người
Trên chiếc xe lăn
Bất động
Họ ngồi đó
Hói đầu
Bạc trắng
Móm sọm
Nhăn nheo
Mới hôm qua thôi
Nào vương
Nào tướng
Nào tài tử
Nào giai nhân
Ngựa xe
Võng lọng
Mới hôm qua thôi
Nào lọc lừa
Nào thủ đoạn
Khoác lác
Huênh hoang
Mới hôm qua thôi
Nào galant
Nào qúy phái
Nói nói
Cười cười
Ghen tuông
Hờn giận
Họ ngồi đó
Không nói năng
Không nghe ngóng
Gục đầu
Ngửa cổ
Móm sọm
Nhăn nheo
Ngoài kia
Tuyết bay
Trắng xóa
Ngoài kia
Dòng sông
Mênh mông
Mênh mông…

Đỗ Hồng Ngọc
(Montréal, 1993).

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

CHÚA Ở ĐÂU ?


Vào một Chúa Nhật nọ, người ta thấy một người lạ mặt ngồi lại sau Thánh Lễ lâu giờ. Họ không nhớ đã gặp người này trước đây. Anh ta ngồi đó, nhìn chằm chằm vào một khung cửa kiếng màu. Một lúc sau, ông quản phụ trách việc đèn đóm cửa giả nhà thờ đến xin lỗi anh ta để đóng cửa vì đã hết giờ. Lúc rời nhà thờ, người lạ mặt hỏi:
“Chúa ở đâu?”
Ông quản bất ngờ trước câu hỏi này.
“Ý anh là sao?”
“Ý tôi là: Chúa ở đâu?” Người lạ mặt lặp lại câu hỏi.
“Chúa ở khắp mọi nơi. Cách riêng, anh đang đứng trong nhà thờ nơi có Nhà Tạm. Và chúng ta tin rằng Chúa hiện diện nơi đây.” Ông quản trả lời thế nhưng người lạ mặt không có ý hỏi về sự hiện diện của Chúa trong Nhà Tạm. Anh ta đang vật lộn với những vấn đề khác.
“Nhưng tại sao anh lại hỏi như thế?” ông quản hỏi anh.
Tên của người lạ mặt là Yumi. Sau khi xong trung học, mười lăm năm về trước, anh không đi Lễ thường xuyên nữa. Thời gian trôi qua, kiến thức đức tin của anh cũng mai một dần, không được cập nhật. Khi cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra tại New York, anh tức giận với Chúa và chấm dứt việc đến nhà thờ hòan tòan. Anh đổ lỗi cho Chúa về cái chết của em họ mình khi Tòa Tháp Đôi sập xuống. Sự tức giận của anh lớn dần lên trong lòng, không chỉ đối với Chúa mà còn đối với con người nữa.
Nghe ông quản hỏi tại sao anh lại hỏi câu hỏi ấy, anh trả lời: “Hãy nói cho tôi biết tại sao tội ác xảy ra trên thế giới này. Tại sao ngay cả những người tin vào Chúa cũng làm những sự ác với tha nhân?”
“Đúng vậy, anh bạn à. Một số tín hữu đã làm hại người khác,” ông quản đáp.
“Nhưng tại sao họ tin Chúa mà vẫn làm như thế?” Yumi tiếp tục đặt vấn đề.
Lúc ấy vợ của ông quản xuất hiện ở cửa. Bà ấy đã đứng ở ngòai nãy giờ để chờ chồng cùng về nhà. Ông quản nói với Yumi:
“Tôi xin lỗi phải đi bây giờ. Có lẽ chúng ta sẽ gặp lại và chia sẻ nhiều hơn.”
“Tôi cũng hi vọng là vậy, nhưng không sao. Chúc anh chị buổi tối tốt lành.”
“Cảm ơn anh. Chúc anh cũng thế nhé. À, đây là tờ hiệp thông trong giáo xứ. Anh có thể đem về dùng.”
“Xin cảm ơn!”
+++
Buổi tối hôm ấy, Yumi nghe thêm tin tức về chiến cuộc ở Trung Đông. Thêm nhiều người chết và bị thương. Anh lắc đầu buồn bã và tức giận, nhưng trên hết anh cảm thấy khó hiểu và bất lực. “Đủ rồi,” anh hét lên khi xem tin tức, “tại sao các người đối xử với nhau tệ hại như thế?”
Anh tắt ti-vi đi như thể không chịu nổi nữa. Lúc ấy anh chợt thấy tờ hiệp thông của giáo xứ trên bàn. Vì lý do nào đó, anh cầm lên và đọc lướt qua trang đầu tiên. Mắt anh bắt gặp một câu hỏi in đậm: “Tại sao Chúa không ở trong cơn gió bão hay trận động đất hay lửa mà lại ở trong cơn gió nhẹ hiu hiu?” Phía dưới câu hỏi là một bài đọc trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất, chương 19, kể về chuyện ngôn sứ Ê-li-a đang chạy trốn khỏi cuộc lùng giết của hòang hậu I-de-ven. Ông tìm thấy một cái hang và núp ở đó. Một thiên sứ đến bảo ông hãy ra ngòai đứng trên núi trước nhan Đức Chúa vì Người sắp đi qua đây. Ê-li-a nghe tiếng gió bão ầm ầm xẻ núi non, đập vỡ đá, rồi đến một trận động đất, rồi đến lửa, nhưng Chúa không ở trong chúng. Cuối cùng xuất hiện một làn gió nhẹ hiu hiu. Thiên Chúa hiện diện trong đó. Chi tiết này làm cho Yumi dừng lại suy nghĩ. Anh nhớ đã nghe bài đọc này nhiều lần trước đây khi anh trẻ hơn, nhưng anh chưa bao giờ để ý đến chi tiết này. Dường như anh mới khám phá ra điều gì mới lạ.
Điện thọai di động trong túi áo khóac của anh đổ chuông. Một số điện thọai lạ đang gọi anh. Nhưng anh quyết định trả lời. Giọng nói từ đầu dây bên kia có vẻ rất tức giận:
“Nghe đây, từ giờ trở đi, đừng để tao thấy mặt mày nữa, hoặc là tao sẽ đập cho một trận. Tao thề với Chúa đấy. Hiểu chưa?”
Yumi cảm thấy sốc bởi giọng nói lạ kia. Anh trả lời: “Xin lỗi, ông là ai? Tôi nghĩ ông đang nói chuyện lầm người.”
Giọng nói bên kia ngừng lại. Yumi nghe ông ta “ồ” một tiếng rồi cúp máy mà không xin lỗi gì.
Lúc này Yumi chợt hiểu bài Kinh Thánh trong tờ hiệp thông của giáo xứ anh mới đọc. Câu trả lời cho câu hỏi in chữ đậm rất đơn giản: Chúa không ở trong gió bão hay động đất hay lửa vì Người không phải là một vị Chúa bạo lực. Chúa có thể làm tất cả mọi sự vì Người là Đấng Tòan Năng, nhưng Người luôn luôn chọn con đường dịu hiền và an lành bởi vì Người là Thiên Chúa của Tình Yêu (1Gioan 4:8). Cú điện thọai từ một người lầm số có thái độ hung hãn, thậm chí còn dùng cả danh Chúa cho hành động bạo lực của mình, đã giúp Yumi hiểu rõ hơn về các hành xử bạo lực của con người. Nguồn gốc của lọai hành xử này nằm ở sự hiểu sai hiểu lầm về Thiên Chúa. Khi người ta không hiểu rõ sự thật rằng Chúa tuyệt đối chống lại bạo lực, họ sẽ không từ khước sự dữ của bạo lực. Trường hợp tồi tệ nhất là tin rằng Chúa đồng ý với bạo lực vì trong trường hợp ấy người ta sẽ dùng danh Chúa mà gây hại cho tha nhân. Điều xấu nhất là cho rằng Chúa sẽ thưởng công cho các hành động bạo lực.
Với khám phá này, Yumi bật Ti-vi lên lại để xem tin tức thế giới. Thêm một cảnh tượng các ngôi nhà đang bị cháy rụi đi do mấy kẻ cuồng tín gây ra. Những gì đang xảy ra cho thấy rõ sự thật rằng họ đã hiểu sai về Chúa.
Lúc này là 11 giờ 15 phút đêm. Điện thọai di động của anh lại đổ chuông. Một số lạ nữa! Anh lưỡng lự không muốn trả lời. Một vài phút sau, số đó lại gọi anh. Dù ái ngại nhưng anh quyết định bắt máy.
“Chào Yumi, Minsa đây. Còn thức không?”
“Còn. Số mới của cậu à? Có chuyện gì không?”
“Ừa, tớ đổi số. Tớ mới nghe biết thằng bạn Stipud dạo này rất hay uống rượu say.”
“Sao vậy?” Yumi hỏi.
“Nó nói nó muốn tự trừng phạt mình vì đã xúc phạm đến bạn gái trước mặt một đám đông.” Minsa đáp.
Yumi nhận ra ngay rằng khi người ta không thấy Chúa luôn là Đấng bất bạo lực thì họ sẽ cho phép mình trở nên bạo lực, không chỉ đối với tha nhân mà còn đối với chính bản thân họ nữa. Bất cứ một dạng bạo lực nào cũng đều trái ngược với ý của Thiên Chúa thật. Đàng sau bạo lực là Satan. Nó tìm mọi cách để xui khiến con người dính dáng đến bạo lực, từ tư tưởng cho đến hành động, từ già đến trẻ, từ khỏe đến ốm. Nó tận dụng mọi hòan cảnh để cám dỗ người ta bạo lực với chính mình và với tha nhân.
 “Minsa, cậu thấy đấy, trong trường hợp này Stipud đang sống bạo lực đến hai lần, trước hết là với bạn gái và bây giờ với chính bản thân nó. Đơn giản nó chỉ cần chân thành xin lỗi làm hòa với cô ấy và tiếp tục tiến lên trong cuộc sống. Tớ sẽ gọi điện cho nó ngày mai xem có giúp gì được không. Cảm ơn cậu cho tớ biết nhé Minsa!”
“Cảm ơn Yumi!”
            Ngày nay, Yumi không còn tức giận Chúa nữa. Ngược lại, anh yêu Người hơn. Thỉnh thỏang anh thầm thì: “Tội nghiệp Chúa quá đi!” Anh đã khám phá ra một phương pháp cho mình và muốn chia sẻ nó với những ai có cùng nỗi trăn trở giống anh trước đây. Phương pháp đó là: thay vì hỏi “Chúa ở đâu?” thì nên trả lời cho đúng một câu hỏi sâu xa hơn “Chúa là ai?” Yumi dán lên tường tờ hiệp thông anh nhận từ người ông quản trong nhà thờ hôm bữa, rồi vẽ một mũi tên màu xanh chỉ hướng lên phía trên. Anh làm thế là vì: Ê-li-a nhận ra Thiên Chúa thật trong sự dịu hiền của Người. Nhưng sự thể hiện tốt nhất về Thiên Chúa được thể hiện nơi Thầy Giêsu chịu đóng đinh trên cây thập giá phía trên tờ hiệp thông. Là hình ảnh trung thực nhất của Thiên Chúa, Thầy Giêsu đã chống lại cám dỗ hành xử bạo lực dưới mọi hình thức và bằng mọi giá. Ai là môn đệ Thầy thì cũng phải chống lại cám dỗ này bằng mọi giá và dưới mọi hình thức.
Joseph Viet, O.Carm.

CON LỪA VỚI Ý NGHĨA CUỘC SỐNG


Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân rơi xuống một cái giếng.
Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì.
Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả.
Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. 
Họ xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt.  
Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.
P/s: Cuộc sống sẽ đổ rất nhiều thứ khó chịu lên người bạn. 
Hãy xem mỗi vấn đề bạn gặp phải là một hòn đá để bạn bước lên cao hơn. 
Chúng ta có thể thoát khỏi cái giếng sâu nhất chỉ đơn giản bằng cách đừng bao giờ đầu hàng.
(st)

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

SA MẠC NỞ HOA


ht. Từ ....đó, nhiều khi tôi có cảm tưởng hồn tôi là một bãi sa mạc hoang vu, cát và đá, núi và vực. Một hôm, nhen nhúm từ đâu, theo làn gió thỏang, một cánh hoa vàng rơi nhẹ vào lòng. Hai tay tôi nâng niu nó, bé nhỏ và lạ lùng, đơn sơ và độc nhất. Tôi quyết giữ lấy làm của riêng, ép vào trang vở trắng. Mơ ngày mai, phép lạ của Chúa sẽ biến trang vở nở đầy hoa xinh.....
Lạy Chúa, thấp hèn nhỏ bé con đây, dám xin Chúa thương đôi khi ban niềm an ủi cho con được niềm vui tỏ tường giữa cuộc đời vui thì  li ti như hoa cỏ, buồn cứ mênh mang như sa mạc.....
Và khi ấy, con sẽ hát vang lời Thánh ca mùa Vọng : " Vui lên anh em, hãy vui trong Chúa Trời, cố sao cho cuộc đời thắm một niềm vui".







Hai loại hoa họ xương rồng này cho người ta thấy rõ nhất sự sống tồn tại khắp nơi và trong mọi hoàn cảnh -
Ảnh: Guy Tal
 

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

PHÓNG CHIẾU


Có một quan sát thế này: Khi ta sống trong tội lỗi, mình thường cảm thấy dễ dàng có khuynh hướng xét đoán người khác hơn và khó nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi tha nhân hơn. Tại sao? Có lẽ một trong những từ đơn giản được tâm lý học ngày nay thường dùng để giải thích khuynh hướng này là: “phóng chiếu”. Hầu như lúc nào trong ta cũng tồn tại một khuynh hướng phóng chiếu lên người khác những gì đang diễn ra bên trong mình. Nhưng tại sao ta lại làm thế? Bởi vì, sâu xa trong tiềm thức hoặc vô thức, ta muốn bảo vệ chính mình. Bảo vệ mình bằng cách nào? Bằng cách tấn công người khác. Và, ta thường hay biện hộ cho việc làm này nhân danh một “thiện chí hay thiện ý” nào đó. Đáng buồn nhưng rất có thật! Ví dụ, khi trong ta tồn tại một nỗi sợ hãi sẽ bị người khác phát hiện ra mình và đoán xét mình, ta thường có khuynh hướng tưởng tượng ra điều gì đó về tha nhân trong đầu, rồi sau đó thể hiện nó ra ngoài bằng lời nói hoặc hành động. Rất khó thấy nhưng vô cùng tai hại!

Bạn có nghĩ rằng những kẻ kết án người phụ nữ tội nghiệp trong Tin Mừng hôm nay cũng có vấn đề này không? Rất có thể ! Họ muốn giết chết chị, và đồng thời cũng muốn gài bẫy và tiêu diệt Đức Giêsu, nhân danh hạnh phúc của xã hội. Chúng ta biết phần còn lại của câu chuyện diễn ra như thế nào! Nhưng điều quan trọng hơn cho tôi và bạn là: câu chuyện này được viết lại cho chính chúng ta để nhờ đó ta suy ngẫm cho cuộc đời hiện tại của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mình biết hết sức cẩn thận trong việc đánh giá tha nhân, cho mình biết cách thanh tẩy tâm hồn để trở nên giống Chúa Giêsu: chan chứa yêu thương, cảm thông, dịu dàng, tha thứ và nhân hậu.

Joseph Viet, O.Carm.

(trích "Ném đá", Nguồn : (tại đây)

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

BỆNH VIỆN ĐA KHOA GIÊSU


Địa chỉ: Tòa nhà số 1 đường Lên Trời, khu phố Bình An, 
phường Ánh Sáng, quận Hạnh Phúc, thành phố Tình Yêu, đất nước Tự Do
Khám và chữa bệnh 24/24 giờ kể cả các ngày Lễ nghỉ.
Đặc biệt miễn phí cho mọi đối tượng.
Email: thiendangvinhphuc@thanhthan.com

TOA THUỐC CHO TÌNH YÊU
Tôi đến Bệnh Viện Đa Khoa của Chúa Giêsu để kiểm tra sức khỏe định kỳ và nhận ra mình đang bị bệnh khá nặng. 
Khi bác sĩ đo huyết áp xong, tôi phát hiện mức DỊU HIỀN của tôi thấp quá. 
Đến khi kiểm tra nhiệt độ, thì thấy bảng nhiệt kế chỉ 40o ÂU LO
Rồi đến làm điện tâm đồ, kết quả lại cho thấy tôi bị thiếu máu trầm trọng, phải truyền thêm máu YÊU THƯƠNG, vì các động mạch của tôi đã bị tắc nghẽn do ÍCH KỶ CHUA CHÁT nên không thể nào đưa máu về con tim trống rỗng của tôi được.
Tôi sang khoa Chấn Thương Chỉnh Hình, vì hiện không còn đủ khả năng bước đi bên cạnh người anh em của mình được nữa. Tôi không thể quàng tay THÂN Ái vì tay tôi đã bị gãy do việc vấp ngã vào những GANH TỊ, HỜN GIẬN và VÔ LỐI.
Đến khám ở khoa Mắt, kết quả thật thảm hại, tôi đã bị cận thị quá nặng, mắt tôi KHÔNG THỂ NHÌN THẤY NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM CỦA CHÍNH MÌNH mà chỉ thấy toàn là những khuyết điểm của anh em mọi người.
Khi tôi trình bày với Bác Sĩ Giêsu rằng tai tôi bị ĐIẾC, Ngài bảo đó là do hàng ngày tôi không  chịu lắng nghe tiếng của Ngài, và tiếng của bao người bất hạnh đang sống quanh tôi.
Do lòng nhân hậu, Bác Sĩ Giêsu đã khám bệnh miễn phí cho tôi. Và khi ra về, Ngài trao cho tôi toa thuốc THỜI GIAN để chữa trị: Hãy nên có những giờ phút gần gũi thân mật với Ngài khi cầu nguyện và trong phần hiệp lễ của Thánh Lễ. Đó là những giờ phút quí báu nhất trong ngày để có thể được phục hồi sức khỏe về các mặt tâm linh, tình cảm, luân lý, tâm lý và thể lý.
Buổi sáng thức dậy, tôi cần uống một ly CẢM TẠ. 
Trước khi đi làm tồi cần uống một muỗng BÌNH AN. 
Mỗi giờ một lần, tôi cần thay lớp băng NHẪN NẠI và dùng một chút nước KHIÊM NHUỜNG. Khi đi làm về, tôi cần tiêm ngay một mũi TÌNH YÊU. 
Và trước khi đi ngủ, tôi cần phải uống mấy viên thuốc bổ là THA THỨ, HÒA GIẢI ngay những xích mích đã xảy ra trong ngày.
Bác Sĩ Giêsu còn nhờ Y Sĩ Điều Dưỡng Maria giúp tư vấn cho tôi về nhà tự làm món ăn TINH THẦN, giúp quân bình lại cách sống : 
Để chuẩn bị, lấy toàn thể 12 tháng đem rửa sạch những mùi cay đắng, thù oán, rồi để cho ráo nước. Tuần tự cắt mỗi tháng ra 28, 30, 31 phần nho nhỏ, sửa soạn mỗi ngày một lần ( đừng làm hết một lần ). Sau đó, hãy trộn đều mỗi ngày với: một chút ĐỨC TIN, một chút KIÊN NHẪN, một chút CAN ĐẢM, một chút CỐ GẮNG, thêm vào: một chút HY VỌNG, một chút TRUNG THÀNH, một chút KHIÊM NHƯỜNG, đem xay nhỏ tất cả với lời CẦU NGUYỆN 10 GIỚI RĂN, rồi đem ướp với các gia vị: LẠC QUAN, TIN TƯỞNG và một chút HÀI HƯỚC. Xong xuôi, đổ tất cả vào nồi YÊU THƯƠNG, nấu thật kỹ với lửa VUI MỪNG. 
Đến khi hoàn tất, dọn ra mâm, mời cả gia đình cùng ngồi vào bàn, dâng một lời nguyện TẠ ƠN, rồi múc ra ăn với NỤ CƯỜI và lòng VỊ THA.

(Trích EPHATA 614)

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

SỐNG VỚI NHAU THẾ NÀO ?

ht. : Cám ơn Anh Đào đã gửi bài này cho ht'.
 Ht. chuyển tặng lại Sr NN., chắc cũng hợp với ý của Anh Đào ?

Tôi hỏi đất: đất sống với nhau thế nào?
Đất trả lời: chúng tôi làm nền móng cho nhau
Tôi hỏi nước: nước sống với nhau thế nào?
Nước trả lời: chúng tôi hoà lẫn vào nhau
Tôi hỏi gió: gió sống với nhau thế nào?
Gió trả lời: chúng tôi nâng cánh cho nhau
Tôi hỏi mây: mây sống với nhau thế nào?
Mây trả lời: chúng tôi tan biến vào nhau
Tôi hỏi cỏ: cỏ sống với nhau thế nào?
Cỏ trả lời: chúng tôi hoà quyện và
réo rắt bên nhau
Tôi hỏi cây: cây sống với nhau thế nào?
Cây trả lời: chúng tôi che chở và
leo quấn cho nhau
Tôi hỏi người: người sống với nhau
thế nào?
Không ai trả lời
Không ai trả lời
Không ai nói gì cả
Vì người còn đang bận giận hờn và
chà đạp lên nhau
Vì người còn chôn chặt nụ cười và
không cùng chia sẻ
Vì người còn nghi kị và
 mưu chước lẫn nhau
Vì người còn nặng nỗi thương đau
Vì người còn quên cách yêu nhau
Vì người còn chưa biết được rằng
sự sống
vốn rất mau... tàn lụi...

(sưu tầm)

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

NHÌN LÊN


Vì sao tôi khổ ? 
Vì tôi đã không nhìn lên Đấng đã chịu đau khổ đến chết vì tôi.


Vì sao tôi không muốn khổ ?
Vì tôi chưa hiểu câu Vinh quang của ta là Thánh Giá Đức Kitô.


Vì sao tôi sợ khổ ?
Vì tôi chưa cảm nếm được ý nghĩa của Thánh Giá Chúa trao cho tôi .


Vì sao tôi rên xiết khi đau khổ ?
Vì tôi quên mất hình ảnh trên đồi xưa .


Vì sao tôi không sẵn lòng chịu chết ?
Vì tôi không ngắm kỹ cảnh Đức Bà Maria ôm xác Con Chí Thánh .


Vì sao tôi ủ rũ, úa tàn trong đau khổ ?
Vì tôi không NHÌN LÊN.

Đấng Cứu chuộc loài người đã nhìn lên 
và Người sẽ kéo tất cả chúng ta lên.

Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa.


MÓN QUÀ CHO RIÊNG MỖI NGƯỜI



Khi con chim còn sống, nó ăn kiến.
Khi chim chết, kiến ăn nó.
Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào,
Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này.
Bạn có thế đầy quyền lực ngày hôm nay,
Nhưng đừng quên rằng,
Thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn.
Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm,
Nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây.
Hãy là người tốt và làm những điều tốt.
Thử nghĩ mà xem,
Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý,
Nhưng sao chúng ta lại không xử dụng nó theo đúng ý của Ngài:

1-Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước,vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.
2-Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.
3-Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.
4-Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãi, vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.
5-Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.

(Sưu tầm)

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

ĐÂU XA !


Trên mạng có ai đó định nghĩa : Sống nội tâm là hay khóc thầm. Một dạng status của tuổi mới lớn, dễ thương, nhưng không hẳn là đúng. Bé ạ, bé cứ sống nội tâm, thầm lặng, nhiều suy tư,  nhưng việc gì phải khóc. Sống nội tâm đâu chỉ toàn đối diện với những buồn bã âu sầu và khóc làm gì cho phí lệ, đỏ mắt em xinh !
Cũng không hẳn cứ đóng cửa phòng lại, nhắm mắt, cúi đầu, thế là sống nội tâm. Đó chỉ là những phương tiện bên ngoài hỗ trợ . Điều cần thiết là ta bỏ qua, quên đi những băn khoăn, lo lắng, ham muốn, thèm khát. 
Lặng lẽ, bình an, thanh thản, thong dong tự tại tìm nơi vắng vẻ mà vui  như cuộc sống đẹp nhất là lúc hiện tại với ta đây.
Từ đó lắng nghe tiếng lòng ...
Chúa Thánh Thần sẽ nói đó !
"...thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần" (I Cr 6,17)
Nội tâm ta đẹp lắm. Ở trong đó ta trở nên phong phú, giàu sang, cao thượng. Đi vào nội tâm  ta tìm thấy những ý tưởng cao đẹp, gợi ý cho ta sống xứng đáng hơn.
Nơi nội tâm, tình yêu thương được nâng cao tuyệt đối, sự tôn trọng được đánh giá cao nhất và như thế mầm tha thứ dễ nảy sinh. Chính vì vậy mà để đi vào nội tâm, điều kiện bỏ mình khá gắt gao. Nhẹ mới bay được, tôi ơi !
Lạy Chúa, con tìm Chúa trong nội tâm con. Chúa ở chính trong lòng con, chứ đâu xa.
"Con nâng hồn lên tới Chúa, người nào trông cậy Chúa không hề phải thất vọng" (Tv. 24).
Và Samuel con đây tha thiết thưa: "Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe" (I Sam 3) .


Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

THẾ NÀO LÀ ĐẠO ĐỨC ?


Chút suy tư riêng về Ơn Đạo Đức, một trong Bảy Ơn Chúa Thánh Thần :
 Đọc kinh, lần hạt, đi chầu, đi Lễ, vào hội, tham gia việc từ thiện v.v.. Tất cả những việc ấy đều tốt, đều lành. 
Vậy Ơn Đạo Đức Chúa ban cho ta như thế nào mà đã làm các việc đó rồi, ta vẫn phải cầu xin cho được Ơn ấy ? Là bởi , theo mình nghĩ, nếu không xin Chúa ban cho Ơn Đạo Đức, tôi làm các việc đạo đức với một mục đích chẳng đạo đức, kết quả là "con số không". 
Thật thế, mắt nhắm lại, miệng lâm râm, tay lần hột, tay bố thí, chân đi khắp vùng sâu vùng xa phát chẩn, mà không có Ơn Chúa Thánh Thần,  không phải là đạo đức.
Lạy Chúa, con sợ con là kẻ đạo đức giả.
Đức Thánh Cha Phanxicô giảng rằng : “Ơn đạo đức đồng nghĩa với tinh thần đạo đức đích thực, với niềm tin tưởng của con thảo đối với Thiên Chúa, với khả năng cầu nguyện cùng Ngài bằng tình yêu và sự đơn thành đặc trưng của những người khiêm nhường trong lòng.” (bản dịch Phạm Xuân Khôi).
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban cho con Ơn Đạo Đức, để con bắt đầu mỗi ngày mới dưới ánh sáng Chúa, tình yêu Chúa, trong quan phòng dẫn dắt của Chúa và với trái tim dạt dào lửa mến Chúa. 
Xin Chúa cho con kết hợp với Chúa từng giây phút để mọi việc con làm, mọi điều con suy tưởng, mọi lời con nói đều hướng về Chúa và trong Chúa, con mới thấy được tha nhân là ai.
Xin Chúa thánh hóa lòng Đạo của con kẻo đời con ra vô ích, miệng con đầy than lửa  khi về chầu Nhan Thánh Chúa. Amen.