#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cha Hậu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cha Hậu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

GIÁ MÀ


GIÁ MÀ
 Lm. PIÔ NGÔ PHÚC HẬU
BGCN/TGPSG 8/2013

Mình trở lại thăm Giáo xứ Yên Tập để ôn lại những kỷ niệm của đầu thập niên 50, thế kỷ XX. Mình đi tìm cây gáo ở đầu dốc nhà xứ: không còn một dấu vết. Mình chạy xuống vườn để tìm những cây bưởi và những cây sấu: chỉ còn lác đác vài cây. Nhà xứ thì thay đổi toàn diện. Óc tưởng tượng của mình bị lạc hướng… Buồn tình, mình chạy ra nhà thờ. Đứng ở cuối nhà thờ, nhìn con dốc đang lao xuống theo triền đồi, rồi mất hút sau các bụi rậm. Chẳng biết con dốc đi về đâu, mình phóng tầm nhìn về cánh đồng trải rộng giữa hai giáo xứ: Yên Tập và Tạ Xá. Nối kết hai giáo xứ là một con đường. Nhìn thấy con đường, mình sực nhớ lại chuyện xưa. Chuyện cảm động vô cùng khiến mình đứng ngẩn ngơ, quên cả không gian và thời gian.

****
            Sáng hôm ấy, sau khi cởi vội vàng bộ áo lễ. Cha cố Thịnh ra đứng trước cửa nhà mặc áo. Hai tay khoanh thật chặt, vai so, cổ rụt, run run. Cơn sốt chưa dứt. Cha cố đang phân vân không biết có nên về nhà xứ ngay để đọc kinh cám ơn sau lễ, thì… một người đàn ông vội vàng đi tới, ông khoanh tay, cúi đầu thân thưa:
-         Con xin mời cha đi kẻ liệt ạ.
-         Kẻ liệt ở Gò Lau hả?
-         Thưa cha không. Kẻ liệt ở Đồng Cạn.
-         Giêsu Maria, lạy Chúa tôi. Xa thế! Tôi đang bị sốt rét. Nhưng mà phải đi. Không đi thì có tội. Về nhà xứ chờ tôi…
 Ăn vội vàng bữa sáng xong, mình sách túi kẻ liệt lẽo đẽo đi theo Cha Cố. Cha Cố khoanh tay đi trước, còn mình và người đón kẻ liệt thì im lặng đi theo sau. Ba cha con cuốc bộ hơn hai tiếng đồng hồ thì tới Ro Lục. Cha Cố vào nhà thờ lấy Mình Thánh rồi đi Đồng Cạn. Mới đi được tám cây số mà hai chân mình đã nhão ra rồi. Bây giờ còn phải lội bộ chín cây số nữa. Eo ơi! May quá. Cha Cố xoa đầu mình bảo: “Mày không phải đi. Cho mày vào nhà xứ chờ.” Sung sướng quá chừng! Nhưng bỗng thấy tủi tủi vì Cha Cố vẫn cứ khoanh tay mà đi.
 Không phải đi Đồng Cạn, tức là không phải lội bộ đi và lội bộ về, vị chi là 18 cây số. Sướng thì có sướng, nhưng buồn thì nhiều hơn sướng. Cứ đi ra đi vào ngong ngóng chờ, chả biết làm gì. Thời giờ chờ dài như vô tận.
 Một giờ trưa Cha Cố mới về tới. Bà bếp bưng vội lên một bát cháo hành để Cha Cố giải cảm. Vừa thổi phù phù, vừa húp sụp sụp, Cha Cố cảm thấy thoải mái. Mồ hôi vã ra. Thế là yên tâm rồi. Đang sung sướng vì thấy cơn sốt đã rút lui, thì… lại có một người đàn ông lom khom cúi đầu.
 -         Mời cha đi kẻ liệt ạ.
-         Kẻ liệt ở Suối hả?
-         Vâng ạ.
-         Đi ngay bây giờ. Đi ba cây số, về ba cây số, kịp ăn cơm bốn giờ chiều.
 Cha Cố ra nhà thờ lấy Mình Thánh, rồi vội vã ra đi. Đi không khoanh tay như ban sáng. Mà rảo bước thật nhanh. Hai cánh tay vung vẩy, ra vẻ ta đây. Mình vội vã đuổi theo. Cha Cố quay lại bảo: “Mày ở nhà”. Buồn và tủi. Lủi thủi quay về. Chỉ biết chờ và chờ.
 Đúng bốn giờ chiều thì Cha Cố về tới nhà. Chưa kịp rửa mặt thì bà bếp đã bưng mâm cơm lên. Cơm sốt canh nóng. Chưa ăn nước dãi đã tứa ra. Cha Cố ngồi nhóp nhép một mình, thưởng thức một bữa cơm ngon. Ngon vì quá đói, ngon vì cơn sốt đã bỏ chạy, ngon vì sức khỏe đã tạm phục hồi.
 Mâm cơm vừa bưng xuống, đĩa chuối tráng miệng vừa bưng lên, thì… một người đàn ông lại khúm núm đi vào.
 -         Con lạy cha, xin mời cha đi kẻ liệt ạ.
-         Kẻ liệt Gò Dài phải không?
-         Vâng ạ.
-         Lại phải về Yên Tập rồi mới đi Gò Dài. Mười cây số. Phải đi ngay kẻo tối.
Ông trùm, bà quản, bà bếp nhao nhao lên:
-         Cha đừng về Yên Tập bây giờ. Cha vẫn còn bệnh. Mai hẵng về.
-         Ừ… “nhân can như thần gián”. Mai về sớm cũng còn kịp. Chúa chẳng bắt tội mình đâu.
 Sáng sớm hôm sau, cha con ăn vội nắm xôi, rồi lên đường, vừa đi vừa xỉa răng. Cha thì sải bước. Con thì chạy lúp xúp. Toát mồ hôi. Rát bàn chân.
 Vừa tới cổng nhà bệnh nhân thì… ba, bốn người đàn bà xồn xồn lao ra, ngã lăn đùng dưới chân Cha Cố, người sau đè lên người trước. Người nào cũng gào lên: “Mẹ con chết rồi, cha ơi là cha ơi”.
Cha Cố đứng lặng người, lấy tay đấm ngực…
 Bà cụ già giữ đạo suốt đời mà khi chết không được “ăn mày” các phép. Một nỗi đau xót bao trùm toàn bộ đại gia tộc. Con cháu cứ lăn ra mà khóc, cứ ngã chồng đống lên nhau mà gào lên: “Cha ơi là cha ơi! Mẹ chúng con, bà chúng con chết mà không được chịu phép xức dầu, không được rước của ăn đàng. Ới cha ơi là cha ơi!”.
 Cha Cố Thịnh đứng lặng như một pho tượng, hai mắt nhắm nghiền, để nghe tiếng lương tâm đang gào thét, đang cắn xé và đang cào nát linh hồn. Cha Cố thầm xin Chúa cho núi đồi đè xuống trên mình, để đền tội, tội lợi dụng câu ngạn ngữ: “nhân can như thần gián” để lách luật, để trốn bổn phận, khiến một bà cụ già phải chết như người ngoại. Để đền cái tội to đùng này, Cha Cố quyết định phá luật : Dâng một Thánh lễ tại gia cho bà cụ, mà không hề xin phép bề trên.
 Sau cái Thánh lễ phá luật để đền tội này, lương tâm mục tử vẫn không buông tha Cha Cố Thịnh. Nó cứ gào thét, nó cứ cắn xé triền miên từ năm này qua năm khác. Lâu lâu Cha Cố lại đay nghiến câu ngạn ngữ: “nhân can như thần gián” và nguyền rủa nó như một thằng quỷ cám dỗ.
 Hình ảnh Cha Cố Thịnh ăn năn sám hối khắc sâu vào trong tâm khảm của mình, khiến mình cảm phục Cha Cố quá sức. Mình không ngần ngại so sánh ngài với Cha Thánh Gioan Maria Vianney. Mình thề với lương tâm là sau này khi làm linh mục, mình cũng sẽ chăm sóc giáo dân y như thế.
 Bây giờ mình đã là linh mục, còn Cha Cố thì đã về bên kia thế giới. Mình lãnh chức linh mục đã được 49 năm. Còn Cha Cố thì đã lãnh phần thưởng Nước Trời được 37 năm. Cả hai thời gian đều quá dài. Nhưng hình ảnh một linh mục ăn năn sám hối vẫn hiện ra trên màn ảnh ký ức của mình: rõ mồn một, từng nét và từng nét.
 ·                Một linh mục đang lên cơn sốt mà can đảm vừa khoanh tay vừa đi bộ 33 cây số để xức dầu và trao Mình Thánh Chúa cho hai kẻ liệt sống trong vùng núi đồi heo hút của miền cực bắc của tỉnh Phú Thọ.
·                Ngày hôm trước đã đi bộ 33 cây số, đôi chân chưa hết mỏi thì sáng hôm sau lại lội bộ thêm 10 cây số nữa. Cũng chỉ vì lại có thêm một kẻ liệt.
·                Một linh mục đang mặc cảm tội lỗi triền miên, vì đã không đi kẻ liệt ngay khi được mời, để rồi kẻ liệt phải chịu chết mà không được ăn mày các Bí tích cuối cùng. Công luận không phiền trách. Ai cũng cho rắng sự chậm trễ ấy của linh mục là rất hợp tình và rất hợp lý. Ai cũng an ủi, ai cũng bênh vực. Kệ. Linh mục cứ nhắm mắt để thấy lương tâm dầy vò và cắn xé linh hồn mình. Đau khổ một mình. Không muốn được chia sẻ. Không muốn được tha thứ…
 Hồi ức về Cha Cố Thịnh khiến mình cảm động đến rơi lệ. Thương mến vô vàn! Xót xa ngàn trùng! Nhưng sau những phút thương xót, mình lại bắt đầu thắc mắc. Thắc mắc đủ thứ rồi bắt đầu thốt lên: “Giá mà Cha Cố cũng yêu thương lương dân như thế!”.
 + Thời ấy là thời tiền Vaticanô II, trong nhà thờ ngày nào cũng đọc kinh cầu nguyện với Thánh Phanxicô Xaviê, trong kinh có một câu cực sốc: “Người ngoại sa xuống đầy rẫy Hỏa Ngục thì ô danh Chúa tôi là dường nào…”. Nếu tin người ngoại phải sa Hỏa Ngục nhiều như thế, thì tại sao không nôn nóng cứu vớt, không bức xúc loan báo Tin Mừng? Tại sao? Tại sao?
 Giá mà Cha Cố Thịnh hằng ngày băn khoăn, hằng ngày cắn rứt lương tâm, vì người ngoại chưa được biết Chúa, thì tuyệt vời biết bao nhiêu. Yêu thương giáo dân đến thế mà lơ là với lương dân đến thế. Tại sao? Tại sao?
 + Mình hồi tưởng về thời thơ ấu. Trước khi vào chủng viện, mình đã trả bài hết bốn phần của cuốn sách bổn. Đặc biệt là phần thứ bốn: Phần thứ bốn dạy về những việc bổn đạo phải làm hằng ngày. Dạy rất chi li, dạy rất kỹ lưỡng, từ việc thức dậy tức thì phải làm thế nào, cho tới việc khuyên mẹ mới đẻ đừng để bé nằm với mình… Thế nhưng, tuyệt nhiên không có một câu nào dạy về việc loan báo Tin Mừng.
 + Bây giờ mình nhớ lại bản báo cáo thiêng liêng của các cha ngày xưa. Báo cáo số người bỏ Phục Sinh, số người rước lễ, số lần đi kẻ liệt, số trẻ em được rửa tội… Không thấy mục báo cáo về số lương dân trong vùng. Sau Vaticanô II, Giáo Hội Ấn Độ hạ quyết tâm dành 50% linh mục cho giáo dân và 50% linh mục cho lương dân. Ở Việt nam thì chưa thấy.
 + Mình đi dự lễ nhậm chức quản xứ của một số anh em linh mục. Mình thấy có nhiều nghi thức cảm động gây ấn tượng: nào là mở đóng cửa nhà tạm, bước lên tòa giảng, ngồi vào tòa xá giải, xuống cuối nhà thờ giật chuông, đóng-mở cửa chính của nhà thờ. Đó là xứ vụ của cha xứ: cử hành bí tích, dạy dỗ tín đồ… Nhưng không hề có nghi thức nào nhắc nhở cha xứ phải loan báo Tin Mừng cho lương dân. Đức Gioan Phaolô II coi sứ vụ loan báo Tin Mừng cho lương dân là sứ vụ hàng đầu của linh mục. Thế mà sứ vụ ấy lại không được nói đến trong nghi thức nhậm chức của cha quản xứ. Đáng tiếc lắm thay!
 Ôi! giá mà Cha Cố thịnh của tôi để cho lương tâm cắn xé linh hồn mình vì mình đã để cho biết bao người lương dân nhắm mắt lìa đời, mà vẫn chưa biết Chúa là Cha.
 Ôi! giá mà cuốn sách bổn thời ấy dạy giáo dân rằng: “truyền giáo là bản chất của Giáo Hội”.
 Ôi! Giá mà hôm nay trong nghi thức nhậm chức của cha quản xứ có một cử chỉ nhắc nhở đặc biệt về sứ mạng loan báo Tin Mừng cho lương dân.
 Ôi! Giá mà… giá mà!

KIÊNG THỊT VÀ ĂN THỊT



 Kiêng thịt và ăn chay
 Lm. Pio NGÔ PHÚC HẬU 
--------------------------------------------------
Cái Rắn, ngày 28-3-1997
Mình vừa vứt bỏ cây tăm, thì có người hỏi từ phía sau lưng
- Đã tới 12 giờ chưa, ông cố ?
- Chi vậy ?
- Để con đánh kẻng cho người ta ăn cơm trưa.
- Tại sao vậy ?
- Hôm nay là ngày ăn chay, phải đánh chuông mới được ăn cơm.
- Luật nào vậy ?
- Biết đâu à !
Sau nghi thức suy tôn Thánh Gía, mình mở cuộc điều tra về tục lệ ăn chay ở đây. Các ông già, bà già đua nhau khoe trí nhớ của mình.
- Sáng :  nhịn; 12 giờ :  nghe chuông nhật một thì ăn cơm. Trưa ăn no. Tối ăn đói.
- Ăn một miếng thịt heo bằng lóng tay cái, thì mắc tội trọng. Được ăn loài có máu lạnh như ếch, lươn, kỳ đà, cá, tôm.
- Các loại chim thì được ăn cò, quắm, thằng bè.
- Được ăn vịt lộn, vì vịt lộn được kể là trứng. Khi con vịt con chui ra khỏi vỏ trứng mới kể là con vịt và cấm không được ăn…
Để khen thưởng trí nhớ sắc sảo của bà con, mình tặng họ một câu chuyện, câu chuyện của đời mình.
Năm 1945 mình đi tu làm chú tiểu tại nhà xứ Vĩnh Lộc, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Thứ Tư lễ Tro năm 1946, mình thấy các thầy kẻ giảng tập trung về nhà xứ rất đông :   thầy Nhã, thầy Tài, thầy Viêm… Nhà xứ vui như lễ hội. Cha già cố phấn khởi chưa từng thấy.
- Các cậu xuống ao kéo lưới bắt cá mè làm gỏi đãi các thầy một bữa…
- Vâng ạ. Xin cha già cho phép chúng con đi lấy quần đùi đã ạ.
- Cho chúng mày làm ông Adong, không cần che chúm gì hết… Bằng quả ớt chứ gì.
Chúng mình nhảy tùm xuống ao, gạt bèo, giăng lưới, đập nước. Vọc nước, quậy bùn là thú vui của tụi mình. Một thú vui được chấp thuận, được khích lệ :  Sướng ơi là sướng !
Bữa cơm chay hôm ấy trở thành bữa cơm thịnh soạn nhất trong năm. Cha già cố và các thầy ăn uống phủ phê. Còn tụi mình thì không thích ăn và cũng không được phép ăn. Trẻ con không ăn gỏi cá bao giờ. Đùa giỡn thì sướng hơn.
Kể xong câu chuyện. Không thấy ai thắc mắc gì. Ai nấy đều cười vui vẻ. Ai cũng biết rằng luật chỉ cấm ăn thịt, chứ không cấm ăn cá. Không ai phát giác ra rằng ăn gỏi cá, một món ăn thịnh soạn nhất như thế là vi phạm tinh thần luật một cách trầm trọng, là nhân danh luật để vi phạm luật. Mình lấy sách lễ Rôma đọc lại lời nguyện nhập lễ, để thấy mục đích của việc ăn chay, kiêng thịt.
“Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay, hãm mình để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằngbiết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần”.
Mình đọc thêm lời Tiền tụng Mùa Chay III.
“Cha muốn chúng con dùng việc hãm mình để cảm tạ Cha. Nhờ đó, chúng con là những người tội lỗi, giảm bớt được tính kiêu căng và khi giúp nuôi dưỡng những người thiếu thốn, chúng con biết noi theo lòng nhân hậu của Cha”.
Như vậy rõ ràng mục tiêu của việc ăn chay kiêng thịt chỉ là: rèn luyện ý chí, nhờ việc khắc khổ trong vấn đề ăn uống và tiêu xài, để đương đầu và thắng các chước cám dỗ, đồng thời có thêm tiền bạc giúp đỡ người nghèo.
Như vậy rõ ràng là cha già cố của mình đã đánh mất toàn bộ tinh thần ăn chay kiêng thịt bằng bữa gỏi cá năm ấy. Nhưng nói cho cùng thì cha già cố của mình cũng vô tội. Vậy ai là người có lỗi trong vụ vi phạm luật pháp này ? Phải quy trách nhiệm cho ông làm luật. Cái lối trình bày hình thức luật mà quên tinh thần luật ấy, mình đã hấp thụ ngay trong lớp thần học. Chính thầy mình đã dạy rằng : ăn vịt lộn ngày kiêng thịt là không vi phạm luật, vì vịt lộn khi còn ở trong trứng, thì chỉ là trứng, chứ không phải là vịt. Khi trình bày cái vỏ luật, thầy mình đã quên không tham chiếu tinh thần luật, nên đã lạc xa mục tiêu của luật.
Nghĩ lại chuyện xưa, mình mắc cỡ quá chừng. Từ nay mình sẽ nói với anh chị em dự tòng, tân tòng và cả đạo dòng một cách giản dị rằng :
“Ngày kiêng thịt, thì ăn khem khổ. Ngày ăn chay, thì ăn ít thôi. Thắng cái thèm và cái đói để thắng cái yếu đuối. Trong những ngày ấy, chỉ nên ăn rau mà thôi. Ăn khem khổ như thế sẽ dành ra được chút tiền để san sẻ cho người nghèo”.
Tuyệt nhiên mình không nhắc gì đến chuyện ăn vịt lộn không phải là ăn thịt vịt; ăn lươn um, ếch chiên bơ… không lỗi luật kiêng thịt. Mình trả lại tất cả những thứ đó cho thầy. Những thứ đó không thể là hành trang của người truyền giáo. Rườm rà đến chịu không nổi !  Kềnh càng đến đi không được !  Phức tạp đến lầm đường lạc lối !

Cái Rắn, ngày 20-2-1999

 Hôm nay khách Sàigòn đổ xuống Cái Rắn như đi trẩy hội. Hai vỏ lãi lớn nuốt tối đa mà chỉ được sáu mươi khách. Còn hai chục khách nữa đứng xớ rớ… chờ ba vỏ lãi nhỏ.  Sân nhà thờ đầy người. Bệnh nhân chờ bác sĩ và nha sĩ. Trẻ em chờ hội chợ và quà bánh. Kẻ qua người lại tấp nập. Bác sĩ Nghĩa nghiêm trang và thủng thỉnh như ông thiên triều đi … Cha Lộc có cặp mắt hấp háy, hấp háy như muốn đùa với cả thế gian. Thầy Nhiên có cặp môi mấp máy, mấp máy như đang bứt rứt trước một ẩn số khó giải trình… Khách nào cũng đói mèm vì hôm qua là ngày chay và đêm qua là đêm ngủ không tròn giấc.
Bữa cơm trưa chỉ thịnh soạn ở mức dưới trung bình, nhưng lại được khách chiếu cố tận tình. Đói bụng thì cơm nguội trở thành yến xào. Vừa ăn vừa tưởng nhớ ngày chay vừa qua mà xót xa trong lòng :
- Hôm qua ăn chay, đói run cả chân tay.
- Đúng là có ma quỷ cám dỗ thật. Bữa chay tối nào đồ ăn cũng chẳng ra gì, mà miệng thì ăn gì cũng thấy ngon, cứ muốn ăn mãi cho đến mất chay thì thôi.
- Hồi tôi học ở chủng viện Sàigòn, bữa chay tối thường chỉ có rau muốn luộc chấm mắm giằm hột vịt. Bình thường thì ăn hai đĩa, bữa chay tối chỉ ăn một đĩa. Nhưng ma quỷ cám dỗ nên làm bộ rưới nước mắm thật nhiều, để phải lấy thêm cơm cho bớt mặn. Rồi làm bộ bới cơm hơi lố, để rưới thêm nước mắm cho vừa miệng… Cuối cùng thì một đĩa thành một đĩa phết chín mươi chín. Vừa đủ để lương tâm không bị cắn rứt ?  Đúng là trò hề.

Cà Mau, ngày …
Hôm nay Đức cha xuống cấm phòng với hạt Minh Hải. Mình tâm sự với ngài.
- Thưa Đức cha, con thấy cái luật kiêng thịt lỉnh kỉnh và khôi hài quá à !  Ăn một miếng thịt heo thì có tội nặng, còn ăn một lẫu lươn thì không có tội !  Tại sao lại cho ăn thịt loài có máu lạnh ?
- Luật này rất phù hợp đối với tây phương. Ở bên đó mà không có thịt, thì bữa cơm trở nên khắc khổ liền.
-Thưa Đức cha, ở bên Tây, người công giáo còn kiêng thịt không ?
- Chung chung thì họ lơ là. Nhưng có nhiều nơi Nhà Nước vẫn cấm bán thịt vào các ngày thứ Sáu. Không phải vì họ giữ luật đạo, mà vì đó là quyền lợi của nghiệp đoàn bán cá.
- Con đề nghị điều chỉnh lại luật kiêng thịt và ăn chay để đạt được mục tiêu Giáo hội đề ra cho mùa chay.

(Trích NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO)

BIA ÔM

BIA ÔM
LM.Pio NGÔ PHÚC HẬU
----------------------------------------------------------------------------
EM.
Tôi gặp Em ở quán bia ôm. Tôi không biết Em. Em không biết tôi. Tôi thấy Em khóc thảm thiết, khóc như mưa. Tôi suy nghĩ mông lung về Em.
1.
Tôi nhấc máy điện thoại.
- Nhà thờ Bảo Lộc tôi nghe.
- Anh Tám ơi!
- Ơi!
- Có người mời Em đi bia ôm. Em nhận lời, với điều kiện phải có anh Tám cùng đi.
- Có những ai?
- Anh Hai Điện, anh Út Văn, anh Tám và em.
- Nếu có anh Út Văn, thì mình đồng ý. Mình rủ thêm cha phó cho mạnh phe ta.
Năm tay chơi tập trung ở nhà xứ Quản Long, Anh Hai Điện tình nguyện làm khổ chủ, tuyên bố như ông tướng:
- Tôi bao hết, nên tôi có quyền ra lệnh:
+ Một: không được xưng hô cha chú với các tiếp viên. Phải xưng hô anh em theo kiểu du lịch.
+ Hai: Tôi biểu ôm thì ôm. Tôi biểu hôn, thì hôn. Rõ chưa?
- Rõ! Ai nấy đều cười hề hề theo kiểu phá đám.
2.
Đây không phải là quán bia ôm, mà là nhà hàng bia ôm: rộng rãi, sang trọng. Anh Hai Điện cười với cô tiếp viên, rồi ra lệnh cho ông Giám Đốc đang đi xuống cầu thang:
- Ê! Kiếm cho tao một phòng riêng ở trên lầu nghe mày!
- Hết trơn rồi! Để em biểu tụi nó dọn ở dưới này cũng được, miễn là kín đáo và ấm áp thì thôi.
Hai bàn vuông nối với nhau một cách nhuần nhuyễn thành một bàn chữ nhật. Chỉ có năm thực khách, nhưng mười cái ghế được xếp đều đặn y như thuộc lòng. Bình phong vây xung quanh Ấm. Ba ông linh mục ngồi trên ba cái ghế nối liền nhau, nối liền với anh Út Văn.
- Ê! Không được ngồi vậy, anh Hai Điện ra lệnh:
- Thôi, cha cố linh thiêng lắm, không như chúng mình đâu, anh Út Văn dang tay bao bọc ba ông linh mục, y như gà mẹ ủ con dưới cánh.
Tôi ghi điểm thầm trong bụng: 1 – 0 !
Bỗng Em xuất hiện. Em mặc áo dài trắng, trong trắng như một thư sinh. Tóc thề óng ả chảy xuống phủ ngang lưng. Em xếp ly lên bàn, cười duyên với từng thực khách. Rất khiêm tốn. Rất e lệ. Em đến ngồi ngay ngắn bên anh Hai Điện. Anh Hai Điện  vuốt tóc cho Em, nâng bàn tay Em, đếm từng ngón tay thon thả. Trìu mến. Trân trọng.
- Này cháu, cháu tên gì? Anh Út Văn phá đám (tôi lại thầm ghi điểm: 2 - 0)
- Cháu tên Thủy.
- Cháu có đạo không?
- (Em lấy dấu thánh giá một cách trang trọng thay cho câu trả lời).
- À, cháu theo đạo Thiên Chúa. Thế cháu có biết ai đây không?
- Cháu hổng biết.
- Cha sở của cháu đấy.
Em sửng sốt. Hai hàng nước mắt đổ xuống tồm tộp. Em khóc như mưa, mưa bất ngờ.
- Con xin lỗi cha. Con chỉ đi lễ vài lần, nhưng đứng ngoài, nên con không biết cha.
Trận bia ôm đã biến thành bữa cơm gia đình, trong đó Em là đứa con được yêu thương nhất. Tôi mỉm cười nhìn anh Hai Điện đang đực mặt ra và lại âm thầm ghi điểm: 3 – 0 .
3.
Tôi hỏi chị hậu cần:
- Con có biết Thủy không?
- Biết hết trơn.
- Nó ở họ đạo nào vậy?
- Nó ở trên Hậu Giang xuống. Tụi nó có cả một băng lận, lộn xộn lắm. Ở đó thì chỉ có thế, rồi dẫn nhau đi chỗ khác…Con chỉ biết nấu bếp. Ai muốn làm gì thì làm…
EM.
Bây giờ em còn ở đó hay không? Tôi không biết. Nhưng hình ảnh của Em vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi:
* Em mặc áo dài trắng. Khiêm tốn. E lệ.
* EM ngồi rất nết na. Vạt áo dài phủ lên hai đường đùi khép kín. Tóc thề buông thả, xoá hết đường nét khiêu gợi.
* Em lấy dấu thánh giá một cách hồn nhiên. Em tuyên xưng niềm tin một cách dạn dĩ.
* Em khóc nức nở. Em khóc bất ngờ. không phải Em khóc, nhưng là lương tâm của Em khóc…
Em không còn là thiên thần, nhưng thiên thần tính vẫn còn trong Em. Em chưa rơi xuống vực thẳm, nhưng vực thẳm đang mời Em…
            Thanh niêm nam nữ từ nông thôn đang đổ về thành phố. Ai nấy đều muốn có tiền để sống tư lập…, để sống hơn cái kiếp lạc hậu của nông thôn. Làm gì ở thành phố thì không ai biết, nhưng chắc chắn một điều là mỗi lần từ thành phố trở về thăm quê, thì được hàng trăm cặp mắt dòm ngó một cách thèm thuồng. Chỉ thế thôi cũng đủ sướng rồi. Những đứa con có hiếu thì sửa nhà cho cha mẹ, mua xe đạp cho em đi học. Tiền mồ hôi nước mắt, hay tiền bán đức hạnh? Ai mà biết. Nhưng đồng tiền hấp dẫn như có ma lực. Tôi không có ý kiến gì về dòng thác lũ này. Nó là quy luật của lịch sử, không ai cản chân nó được.
EM.
Em đi làm để kiếm tiền. Đó là quyền của Em, quyền của công dân, quyền của con người. Nhưng Em làm tôi hồi hộp quá. Tôi van Em: hãy dừng lại ngay; hãy lùi bước thật lẹ…Em hãy làm bất cứ việc nào để có tiền, nhưng đừng đánh mất thiên thần tính đang gào khóc trong Em.
(Trích VIẾT CHO EM)


MỜI NHỮNG CÁNH TAY


NHT' : Cha Pio Ngô Phúc Hậu gửi thư cho người quen ở Saigon, nhờ tìm và cung cấp ý tưởng cho cha viết tác phẩm mới về Truyền Giáo. Người quen cha lại chuyển thư cha cho HT 'email, miệng dặn dò nhớ giúp cha.
Vậy mình xin đăng cả 2 bức thư lên blog, hy vọng có nhiều độc giả quý mến công cuộc truyền giáo của cha Pio Ngô Phúc Hậu, sẽ giúp cha có nhiều ý tưởng cho sách mới. Sách mới sẽ ra cũng là phương tiện giúp cho chính quý vị , những  vị trí thức hay các nhà suy tưởng ngoài Công Giáo  và cả những con chiên Chúa còn những băn khoăn mơ hồ có cơ hội hiểu biết hơn về Đạo, thỏa mãn được những thắc mắc , bất bình... và tường thuật lại cho thân quyến, bạn bè.
Mình cũng sẽ copy thêm một số bài viết về chủ đề Truyền Giáo rất ngộ nghĩnh của cha Ngô Phúc Hậu lên blog này. Kính mời quý khách thăm NHT' đón đọc.
Về những ý tưởng muốn trình bày thắc mắc với cha Hậu, xin quý độc giả gửi về email :
Hải Triều : trieuthanhca@gmail.com
Rất mong có nhiều cánh tay nối dài công cuộc truyền giáo với cha Hậu.
Vì thị lực cha nay có giảm sút, cha không sử dụng email, tất cả Thư Đến này sẽ được cô Cẩm Tú in ra giấy, gửi tới Sơn Tây cho cha bằng đường bưu điện .
Kính báo.
File đính kèm CCF08062013.pdf

ĐI LANG THANG

ĐI LANG THANG
*LM Piô Ngô Phúc Hậu
Sơn Tây 25.02.2012

Hôm nay mình dành trọn buổi sáng để đi dạo. đi dạo để tạo sức cho đôi chân già nua. Đi dạo để thấy phía sau lưng của thi xã Sơn Tây, một thị xã đang hãnh diện vì mới được sáp nhập vào Hà Nội thủ đô của tổ quốc. Đi để may ra vớ được thời cơ mở một giáo điểm mới.
Giã từ phố Lê Lợi sầm uất, mình leo lên đê sông Hồng. đứng trên đê cao, để ngắm dòng sông – chả thấy dòng sông đâu. Chỉ thấy bãi cát và sương mù. Đi trên đê cao thấy mình cao hơn nóc nhà người ta. Lòng nhẹ lâng lâng, quên thế sự thăng trầm.
Mình đi, đi mãi về hướng Nam mải mê ngắm cảnh làng mạc với ruộng vườn và ao chuôm, mình quên hẳn bản thân. Chỉ còn thấy quê hương yêu dấu. yêu quá là yêu! Yêu con bò đang vô tư đứng giữa đường, nghếch mõm nhìn trời, bất chấp tiếng còi ô tô đang kêu inh ỏi. yêu con ngang trống đang khệnh khạng đuổi theo con ngang mái vừa bé vừa nhanh. Yêu cây đa cổ thụ đang lấy chùm rễ phụ ôm lấy một cá miếu cổ, sợ nó lùi dần vào quên lãng. Yêu bà cụ răng đen chít khăn mỏ quạ đang cười tươi với một cháu gái mặc đẹp như nàng công chúa…
Trời rét căm căm. Mưa bui bui. Hạt mưa nhỏ như nước đái muỗi, không đủ sức rơi xuống đất đành bay theo gió bấc. Rét quá, mình phải khoanh tay mà đi. So vai, rụt cổ, khúm núm y như đưa con gái đang ăn vụng bị mẹ bắt quả tang. Người người người khoanh tay. Người người khúm núm. Mùa rét miền Bắc là thế. Mưa phùn gió bấc là vậy. Buồn cười…
Mình đang đắc chí với câu “mùa đông là mùa lễ phép, là mùa khúm núm”, thì bỗng cụt hứng! một luồng gió lạnh buốt từ dưới sông thổi lên quật vào mặt tuồn vào cổ, luồn qua nách, lách vào mọi ngõ ngách của thân thể. Mình thôi khoanh tay, để lấy hai bàn tay bịt mặt. lạnh buốt xương sống, tê buốt hai chân.
Chẳng còn hứng thú gì để ngắm cảnh, mình đành dừng bước để thủ thế. Hai đường đùi khép khít khịt. hai bàn tay bịt chặt lấy mặt. Nhưng vẫn để hở một kẻ nhỏ, để thấy xe cộ lác đác vụt qua, để may ra gặp được một tình người ấm áp…
Bỗng thấy một ông già từ đàng xa đi tới. tay phải cầm roi tre, vừa đi vừa quất, y như một người vô công rỗi nghề. Râu bạc trắng, ngắn tủn và lưa thưa, mẫu người không cầu toàn. Mình thôi bịt mặt, chăm chắm nhìn ông. Ông dứng lại, chăm chắm nhìn mình. Mình toe miệng cười. Ông toét miệng đáp lễ. Mình vội vã chạy đến với ông. Hai bàn tay xoắn lấy nhau. Mình đon đả hỏi:
-         Bác đi đâu đấy?
-         Tôi đi chăn bò. Mới buộc nó vào nọc ở đàng kia. Tính về nhà nghỉ một tí.
-         Nhà bác ở xa không?
-         Ngay đàng kia kìa.
-         Năm nay bác thọ bao nhiêu?
-         Bảy mươi hai rồi.
-         Thế là bác thua tôi bốn tuổi. tôi bảy mươi sáu rồi.
-         Tôi thua thì tôi xin làm em.
-         Làm em thì phải ăn thêm vác nặng. còn tôi làm anh thì…đóng đanh vào đit.
Hai người cùng cười hể hả, y như bạn thân từ thuở thơ ấu. Chưa quen mà đã thân, mình dấn tới:
-         Bác cho tôi theo về thăm nhà được không?
-         Thế thì hân hạnh quá.
Hai ông già băng qua đường, xuống dốc đê, vừa đi vừa nhảy bậc y như hai thằng trẻ con. Từ chân đê về đến nhà ông chăn bò không tới 100m. Căn nhà gỗ ba gian cũ kỹ. Trang trí nội thất vừa chật chội vừa rườm rà, y như bà già đang níu kéo sắc đẹp một cách vô vọng.
 Sau một tuần trà, hai ông già thi nhau dốc bầu tâm sự, mình mở màn:
-         bác tên là gì nhỉ?
-         Em tên là Châu (tên tác giả đặt, không phải tên thật).
-         Tại sao bác bảy mươi hai tuổi rồi mà còn lanh lẹ thế? Răng còn nguyên, mắt còn tinh, tai còn thính. Chỉ có cổ thì…như có dây leo…
-         Em mồ côi cả cha lẫn mẹ, được Đến Và đem về nuôi, ai cũng bảo em sống được đến ba mươi lăm tuổi là cùng. Thế mà năm kia em mừng thất tuần rồi đấy.
-         Nhắm chừng bác sống tới một trăm không?
-         Sống chết là do trời định, có ai biết được đâu? Thế còn bác thì nhà ở đâu?
-         Nhà tôi ở trong Nam. Tôi di cư vào Nam năm 1954. sau ba mươi bảy năm tha phương cầu thực, bây giờ lá rụng về cội. Cội ở 70 Lê Lợi, Sơn Tây.
-         Thế còn vợ con thì thế nào?
-         Không vợ, không con. Cu ki chùi lủi. vì thế hôm nay mới rảnh mà đi lang thang. Nhờ đi lang thang mới gặp bác ở đây. Nhờ gặp nhau mà biết nhau và kết nghĩa anh em.
-         70 Lê Lợi là chỗ nào nhỉ ?
-         Là nhà thờ Sơn Tây.
-         Thế thì em biết. Em đến đó hôm có đám tang ông giám mục. Thế bác đi tu ha?
-         Ừ. Tôi là linh mục. Nhưng nghỉ hưu rồi. sở thích của tôi là truyền giáo. Nếu bác muốn tìm hiểu về đạo Công giáo thì tôi nói hết cho mà nghe.
-         Đạo nào tôi cũng quý. Nếu được thì bác đến nhà tôi, dạy đạo cho tôi.
-         Sẵn sàng. Để rồi chúng mình tính sau. Bây giờ tôi phải về, vì sắp tới giờ cơm. Chúng tôi ăn cơm tập thể. Mai mốt tôi sẽ tặng bác một cuốn sách do tôi viết. Bác đọc sẽ thấy tôi là ai và đạo Công giáo là gì… Thôi chào bác nhá.
-         Anh về. Nhớ trở lại thăm em nhá.
 Hai ông già bắt tay nhau, vỗ vai nhau, cười với nhau, níu kéo nhau. Có vẻ thân thương lắm, may mà không có ai trông thấy. Nếu có ai thấy thì bia miệng lại dèm pha: “Già mà chơi trống bỏi. Già mà như trẻ con”.
 Sáng nay mình lấy một cuốn Nhật Ký Truyền Giáo và một cuốn Viết Cho em bỏ vào túi sách, nhẩn nha đến bậc cầu thang, xuống văn phòng, bảo chú tu sinh:
 -         Con lấy xe máy chở cha đi dạo một tiếng đồng hồ.
Xe chạy với tốc độ 40km/h. gió thổi vù vù. Lạnh quá! Mình giấu mặt sau lưng chú tu sinh để tránh gió. Gió lạnh không quất vào mặt được, thì lại vuốt hai đường đùi. Đùi tê cóng, mình phải lấy hai bàn tay mà xoa. Hai đùi ấm lên. Nhưng hai mu bàn tay lại lạnh buốt. đúng là tránh hùm phải hạm. Buồn cười. đời là vậy.
 Sau mười phút. Mình đã đứng trong sân nhà ông Châu. Căn nhà gỗ ba gian: cửa đóng im lìm. Căn nhà dưới: cửa mở kiểu e thẹn. Mình la to:
 -         Ông Châu có ở nhà không?
-         Có! (Giọng the thé của đàn bà). Ông ơi! Về mau đi, có khách hỏi thăm ông đấy!
 Ông Châu từ bên nhà đứa con cả, vội vã chạy về. Hai vợ chồng mừng qua đua nhau nói tíu tít, nói oang oang. Chồng nói nhiều, vợ nói nhiều hơn. Cuối cùng chồng ngồi yên để cho vợ nói một mình.
 Bà khen chồng: “Ông nhà tôi lành lắm. từ ngày lấy nhau đến bây giờ, tôi chưa hề nghe ông ấy nói ‘Đ…M…’ bao giờ”.
 Bà khoe con: “Con cái nhà tôi đứa nào cũng có công ăn việc làm. Chỉ có đứa con gái thì nghèo. Chồng nó gặp khó khăn phải bán nhà bán cửa, ra Hà Nội làm mướn. Không đến nỗi thiếu ăn nhưng không dư dả được. Mà…nó có một đứa con học giỏi lắm. Tôi dặn nó phải học thật giỏi để được lên tivi… Con nhà tôi không biết nói tục, đứa nào chửi tục thì tôi bảo: dù anh hay em cũng được vả vào mồm nó”.
 Bà tôn vinh ông thân sinh: “Ông cụ sinh ra chúng tôi dạy chúng tôi phải giúp đỡ xóm giềng. Ai không có cơm ăn, thì cho người ta một bát gạo. Ai hỏi vay, thì cho vay. Không được từ chối..”.
 Bà tự khen mình: “Tôi nhớ mãi lời dạy của ông cụ. Thấy ai nghèo, tôi cũng giúp đỡ. Có những người xấu vay mà không trả. Tôi cũng bỏ qua luôn…”.
 Thấy bà già nối muốn cụt hơi, mình ra tay tế độ. Mình vỗ vai bà già:
-         Bà ơi, bây giờ bà cho tôi phỏng vấn nhá. Tôi không phải là nhà báo, nhưng tôi cũng có viết lai rai.
-         Bác muốn phỏng vấn cái gì?
-         Bà có bốn đứa con, vậy mỗi đứa bà chùi đít cho nó bao nhiêu lần?
-         Tôi chả nhớ đâu.
-         Tôi tính rồi. Mỗi đứa con được mẹ chùi đít ít nhất là 1.500 lần. Mẹ chùi đít cho con nhiều như thế, mà con thì chưa chùi cho mẹ được một lần nào. Thế mới thấy: công cha mẹ thì qua nhiều, mà con cái đáp đền chẳng có bao nhiêu.
-         Có chứ. Tôi được chùi đít cho ông cụ tôi nhiều lần. Những ngày cuối đời, cụ nằm một chỗ, tôi phải lo hết, từ thay quần áo cho tới lau chùi…
-         Bà hiếu thảo với cha mẹ: tốt quá. Nhưng còn người cha nữa mà chưa thấy bà hiếu thảo.
-         Tôi có một cha một mẹ thôi. Còn cha mẹ nào nữa?
-         Ông Trời là người cha cao nhất. Chúng ta vừa phải thờ cha mẹ, vừa phải thờ ông Trời nữa. Tôi là linh mục truyền giáo, tôi chỉ mơ ước được thấy bà thờ Trời, gọi Ông Trời là cha. Bà đã hiếu thảo với cha mẹ, bà đã yêu thương những người nghèo, bà đã làm đúng ý trời đấy. Tôi đề nghị với bà là, mỗi sáng bà chắp tay lạy Trời nhưng phải gọi Ông Trời là cha: “Lạy ông Trời là cha của con”. Khi nào rảnh tôi sẽ đến đây nói chuyện ông Trời là cha cho bà nghe.
-         Thế bác là linh mục hả? Vâng con xin mời cha đến dạy con về đạo. Con đội ơn cha.
-         Rồi, tôi về nhá. Tôi sẽ trở lại thăm hai bác hoài hoài.
 Mình ra về, lòng vui phơi phới. Vui quá, quên cả mưa phùn, quên cả gió bấc. Mình thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Chúa biến gia đình này thành gia đình Lyđia, con đầu lòng của giáo đoàn Philipphê”.
PIO NGÔ PHÚC HẬU
 Trích BGCN, TGP SG số tháng 5.2012
 NGUỒN : (tại đây)