Nhân ngày giỗ đầu -15.3.2014- kính nhớ cụ Phạm Đình Khiêm
Đăng ngày: 18.03.2014
________________________________________
VRNs(18.3.2014) – Sài Gòn – Có những người trời phú cho khả năng gợi ta nhớ, và liên tưởng rất nhiều điều. Cụ Phạm Đình Khiêm là một người như thế đối với tôi. Nếu chỉ có nhớ và liên tưởng suông có lẽ tôi chẳng nói làm gì, hay chỉ ghi lại cho riêng mình, nhưng như St.Exupéry viết “ cái cốt yếu là cái vô hình, cái không thấy được” (l’essentiel est invisible). Cụ Khiêm gợi nhớ, mà từ cái nhớ ấy lại như cảm thụ cái không thấy được, cái vô hình. Tôi may mắn có mặt ở tu viện Kỳ Đồng, Sài Gòn, đúng ngày lễ giỗ đầu cho cụ, và được tham dự thánh lễ cùng với gia đình và rất đông những người đã quen biết cụ. Nhớ cụ ngày trước viết rất nhiều bài cho tôi đăng lên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tôi xin có mấy hàng này để lễ cụ trong ngày giỗ đầu.
Những năm cuối đời cụ ở Sài Gòn, tôi sống cách xa ở miền Bắc, vậy mà cái miền Bắc ấy lại gợi nhớ cho tôi không chỉ về cụ, mà đến cả từng mảng rộng trong đời sống Giáo Hội. Tôi nói đến cái không thấy được, cái vô hình là vì vậy. Chẳng hạn tôi về thành phố quê hương Nam Định. Ngôi nhà thờ nhỏ bé và những cơ sở từ xa xưa còn lại. Nối tôi với một quá khứ mà tôi không được chứng kiến, có Đức Cha Lê Đắc Trọng và Cha Chu Văn Minh, nay cũng là giám mục phụ tá Hà Nội kế vị Đức Cha Trọng. Qua hai đấng ấy, tôi như được đi ngược thời gian lên đến thời cụ Khiêm còn thanh niên.
Cụ Phạm Đình Khiêm bên bàn làm việc khi còn sống |
Nhưng có Nhân định mà cũng có Thiên định. Và Nhân định thì không thể thắng Thiên. Cha Cao hay anh Khiêm có những ước mơ đang dậy men. Nhưng thế chiến thứ hai nổ ra, quân Nhật vào Đông Dương, rồi Nhật với Pháp gờm nhau. Pháp núng thế động viên quần trừ bị. Cha Cao còn trong độ tuổi cũng phải gia nhập quân ngũ, cấp bậc thiếu úy. Lúc ấy thì những lực lượng cách mạng Việt Nam cũng đang hình thành. Trong một hoàn cảnh bí mật cha Cao đã bị thủ tiêu không tìm thấy xác vào năm 1943. Xét ra, Cha Cao cũng phải thành hạt giống gieo xuống lòng đất, như bao nhiêu hạt giống khác vô danh…
Về qua Nam Định, tôi lại nghĩ đến những hoài bão của thế hệ xa xưa ấy. Bảo là đứt gánh giữa đường cũng được. Nhưng nói vậy mà không phải vậy, vẫn có một cái gì truyền nối. Trước khi cha Cao thảm tử một năm, Phạm Đình Khiêm đã thành chủ bút của bán Nguyệt san Thanh Niên, và chèo chống được đến năm 1945 thì biến thành Thanh niên chuyên san và đã có tác phẩm đầu tay “Hành Động xã hội của Giáo Hội qua các thời đại và ở Việt Nam”, tựa của cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, thuộc viện Pháp Quốc Viễn Đông Bác cổ, xuất bản ở Nam Định năm 1945. Rõ ràng đây là kết quả của những năm tháng miệt mài bên cố Cao. Nó nói lên phần đóng góp của giáo hội cho xã hội và dân tộc. Nó là chứng tích của một thời tuổi trẻ hăng say tha thiết.
Sau đó chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Nhóm trẻ Nam Định tứ tán. Không còn là điểm hội tụ, thì nhóm Nam Định lại có mặt rải rác ở nhiều nơi trong nước, như Phạm Hân Quynh bấy giờ đã là chủng sinh Xuân Bích ở Hà Nội, còn Phạm Đình Khiêm thì di cư sang Hưng Yên. Gia đình ghi lại “về Hưng Yên với hành trang duy nhất: một cái cặp đựng quyển sách tiếng pháp Ma Mère (Mẹ tôi) để có thể ghé đâu dựng đó”. Thì ra ham viết, ham truyền thông đến thế! Không thấy ghi thêm chi tiết xem tay trắng như vậy thì làm thế nào tục bản tờThanh Niên ngay từ tháng 10.1946. Thế là đã chí cốt với cái nghiệp viết báo đạo rồi, (còn cuốn Mẹ tôi của cha Schrijvers CSsR thì đã xuất bản ở Huế lần đầu 1949).
Từ đó về sau liên tục thấy Phạm Đình Khiêm hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Năm 1948 đồng sáng lập nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ với Đỗ Sinh Tứ ở Hà Nội. Cuối 1949, lại vào Sài Gòn chủ trương báo Phụng Sự cùng với Phạm Đình Tân. Năm 1950 Đức Giáo Hoàng Pio XII mở năm thánh và công bố tín điều Đức Mẹ hồn xác về trời. Nghe nói năm đó ngài cũng chứng kiến lại phép lạ Mặt Trời Fatima trong hoa viên Vatican.
Phạm Đình Khiêm được diễm phúc có mặt ở Roma để mừng Năm Thánh. Từ đó ông củng cố và tăng cường lòng sùng kính đặc biệt với Đức Mẹ và sứ điệp Fatima, một kiểu sùng kính dạt dào đã quyện vào ông suốt đời. Nhưng dù thế nào cũng không quên cái nghiệp báo chí. Sau Roma ông lưu lại Paris học hỏi với một số cơ quan báo chí Công giáo Pháp thời ấy đang phong phú. Về nước ông gia nhập Việt tấn xã làm phóng viên Pháp ngữ, phóng sự chiến trường, sát cảnh với những nhà báo quốc tế của AFP, Le Figaro, Paris Match, Reuters, AP. Từ 1954 cho đến 1975 ông là công chức trong ngành báo chí.
Chính trong thời kỳ này, sự gắn bó với Đức tin và Giáo hội khiến cho ông hoàn thành được một số tác phẩm nguyên cứu và chuyên đề có giá trị. Năm 1958, ông cho ra cuốn “Minh Đức Vương Thái Phi”, tiểu sử bà Thái Phi của chúa Nguyễn Hoàng. Năm 1959, đến lượt “Người chứng thứ nhất” khảo cứu về vị tử đạo tiên khởi Đàng trong, Andre Phú Yên (1625 – 1644). Năm 1961, ông cùng với Nguyễn Khắc Xuyên và Andre Marillier soạn tác phẩm “Giáo sĩ Đắc lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên” trong đó in lại trọn cuốn “Phép giảng tám ngày – Cathechismus” của Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ). Ngoài ra ông còn những biên khảo chuyên đề như: “Từ Đèo Cả đến sông Gianh – theo dấu hai bà Ngọc Liên-Ngọc Đỉnh” (Văn Hóa nguyệt san 9.1959). “Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII(Khảo cổ tập san 1.1961). “Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII dưới mắt Giáo sĩ Đắc Lộ” (khảo cổ tập san 2.1961). “Une grande page d’histoire oubliée du Vietnam… (Sài Gòn 1974), nghiên cứu về lịch sử ngoại giao giữa triều đình Huế và triều đình Dudong (Thái Lan).
Để viết tác phẩm về bà Minh Đức Vương Thái Phi và André Phú Yên, khoảng những năm 1958, 1960 ông đã đi nghiên cứu khảo sát thực địa và phát hiện di tích hai thành cổ Phú Yên và Quảng Nam thế kỉ XVII. Trên kia tôi có cảm nghĩ rằng ông Phạm Đình Khiêm gợi cho ta rất nhiều điều, không chỉ những điều thuộc thời đại ta mà cả những điều chìm sâu trong quá khứ. Không có những chuyến đi điền dã và rất nhiều công trình liên lạc tìm tòi tài liệu, hình ảnh từ nước ngoài: Rôma, Paris, Áo Môn, Lisboa… đúc kết thành tác phẩm của ông, đã mấy người trong chúng ta nghe nói đến bà Minh Đức Vương Thái Phi hay công chúa Ngọc Liên? Công của ông không phải chỉ là gợi lại quá khứ với những biến cố thô mộc. Công của ông là làm cho ta cảm thấy trong cái quá khứ mù mịt biệt tăm ấy, bỗng bật lên những lời cầu nguyện giống như ta, bà Minh Đức hay bà Ngọc Liên cùng với ta chung một lời kinh Lạy Cha, một lời kinh Tin Kính. Ta không còn chiêm ngắm những bức tượng cổ, nhưng nghe thấy một nhịp thở tâm hồn, ta biết rằng vẫn có đấy một sự sống vĩ đại lưu truyền. Quá khứ không chết. Quá khứ vẫn là một mạch nước ngầm. Cũng vậy, cuốn “Giáo sĩ Đắc Lộ” cho ta như sống lại tinh thần và ngôn ngữ của vị thừa sai từ 300 năm trước ở Thăng Long Kẻ Chợ.
Tôi không có ý nói chỉ có mấy tác phẩm đó của ông, bởi trước ông, đồng thời với ông và sau ông vẫn còn nhiều công trình nghiên cứu về những đề tài ấy và còn cần có thêm nữa, nhưng phải công nhận là ông đã có công phổ biến cho bạn đọc Công Giáo những kiến thức mà chúng ta coi như không phải nhu yếu với đức tin, và do đó dễ bỏ qua, dễ quên nếu có biết, nhưng nghĩ lại đó là những nét phong phú thuộc về mầu nhiệm Hội Thánh không công, như thư Do Thái viết: “Anh em đã đến với linh hồn những người công chính, đã được nên hoàn thiện” (Dt 12,23)
(Còn nữa)
Lm. Máthêu Vũ Khởi Phụng
Nhân ngày giỗ đầu -15.3.2014- kính nhớ cụ Phạm Đình Khiêm (2) (tt)
Đăng ngày: 22.03.2014 , Mục: - Tin nổi bật, Bình Luận
________________________________________
Nhân ngày giỗ đầu -15.3.2014- kính nhớ cụ Phạm Đình Khiêm (1)
VRNs (22.3.2014) – Sài Gòn – Năm 2002, tôi chuyển về làm việc ở Sài Gòn. Từ đó có nhiều dịp gặp và giao tiếp với ông Khiêm. Trước đó chỉ biết ông qua sách báo.
Âu cũng là một thứ duyên tiền định, ngôi nhà của ông Phạm Đình Khiêm nằm trong một con hẻm yên tĩnh gần lề đường Hiền Vương. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần thì lại quan hệ nhiều đến những người vào thời điểm khởi đầu của Kitô giáo Đàng Trong, như bà Minh Đức, như thầy giảng Andrê Phú Yên. Và địa chỉ của Ông thuộc giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ông làm Chủ tịch hội đồng Giáo xứ nhiều năm liền. Tôi thì không làm việc Giáo xứ nhưng làm bên tòa soạn nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Liên tiếp từ 1968 đến 1975 ông giữ mục “Máu đào minh chứng”, giới thiệu tiểu sử của các Chân phước tử đạo Việt Nam. Sở trưởng của ông vẫn là ôn lại, giúp ta hình dung lại và hiệp thông với quá khứ của Hội thánh.
Tác phẩm Người Chứng Thứ Nhất, cụ Phạm Đình Khiêm viết về Thầy giảng Anrde Phú Yên
Sự cộng tác bị bỏ dở năm 1975. Cách mạng đến, tôi là người đứng ra làm cái việc rất không đáng phấn khởi là ghi dấu chấm hết cho tờ nguyệt san đã sống được 46 năm. Ông Phạm Đình Khiêm thì nặng nợ hơn nhiều. Ông phải đi tập trung cải tạo ở trại Cẩm Thủy tận biên giới Việt-Lào trong tỉnh Thanh Hóa.
Tôi nhớ lại mấy năm trước ông đã từng tha thiết và tận tâm tận lực biết bao nhiêu tổ chức rước Đức Mẹ Fatima thánh du Miền Nam Việt Nam. Ý cầu nguyện chính là cầu xin cho chiến tranh chấm dứt và xin Đức Mẹ chặn bước chân của người anh em Cộng sản: “Trái Tim Mẹ sẽ thắng”. Nhưng đường lối của Chúa chẳng mấy khi giống với mơ ước của con người. Chiến tranh thì ơn trên cho chấm dứt, nhưng bước chân của người anh em Cộng sản thì Chúa đưa vào tận Sài Gòn luôn. Thông cảm được quá với nỗi buồn ê chề của ông Khiêm. Cái kham khổ, thiếu thốn, nặng nề cực nhọc về phần xác trong trại tập trung đã đành, nhưng những thói quen tinh thần, một sự quân bình nào đó đã đạt tới trong xã hội cũ cũng mất đi. Tự nhiên bật ra ngoài cái khung ấy, hỏi sao không hụt hẫng?
Nhưng mất gì thì mất, đức tin vẫn là cái còn lại. Mà đức tin từ thời Abraham đến giờ vẫn có những lúc chuyển vào tâm hồn tín hữu một tiếng gọi “Hãy ra khỏi nhà cha ngươi, và đi…”. Đi đâu? Không thấy nói rõ: “Đi đến xứ ta sẽ chỉ cho”(St 12,1). Abraham đi tìm một miền đất hứa. Đối với ông Khiêm, đất hứa là khi nào “Trái tim Mẹ thắng” mặc dù Mẹ thắng kiểu gì thì con cái khó hình dung. Trong khi chờ đợi thì cứ phải như Abraham, “dỡ lều rồi lại dựng lều” (St 12,9)…
Tháng 10 năm 1979, ông Khiêm lại “dỡ lều” rời khỏi trại Cẩm Thủy. Người như ông, viết nhiều, quan hệ nhiều với báo chí cả đạo lẫn đời, ngày 30/04/1975 lại đang giữ chức Giám đốc báo chí phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, vậy mà chỉ học tập cải tạo có bốn năm là ngắn đấy. Hơn nữa, ông lại được trả tự do đúng ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi. Ông cảm nhận đó như một điềm lạ. Ông trở về với gia đình trong căn nhà gần đường Hiền Vương nay đã mang tên cách mạng là đường Võ Thị Sáu. Thì thế gian vẫn đi đường của thế gian, nhưng ông cảm thấy trong tháng Mân Côi ấy như thoáng một nụ cười ung dung đầy an ủi của Đức Mẹ. Còn Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng vui mừng đón người cũ trở về, sớm chiều lại sum họp ấm cùng trong ngôi đền ở đường Kỳ Đồng.
Thời gian qua với bao nhiêu chìm nổi, bà con ở Giáo xứ đã quen gọi là cụ Khiêm. Không còn báo Đức Mẹ Hằng Cứu giúp để tôi được nhận bài hằng tháng của cụ, nhưng cũng không thiếu gì dịp được gặp cụ vì vẫn chung nhau một Giáo xứ, một nhà thờ. Nhớ về những năm đó, ấn tượng sâu đậm cụ Khiêm để lại cho tôi là do những lúc niềm vui nơi cụ bộc lộ. Cuộc sống tất nhiên không thể tránh khỏi những khó khăn, căng thẳng, lo lắng nhưng chính những lúc vui mừng hạnh phúc ấy cho tôi nhìn thấy như một dung mạo tinh thần. Tôi xin kể lại đây một vài thời điểm mừng vui đó.
Một trong những niềm vui lớn của cụ Khiêm tôi được chứng kiến đó là quá trình đồng hành với thi sĩ Bàng Bá Lân đến với đức tin vào Chúa. Cụ thường nói cho tôi nghe về lòng thành tín của cụ Bàng Bá Lân khi cụ Lân làm bài thơ “Cầu Nguyện” ở Bình Triệu:
“Từng nghe nói Mẹ ban nhiều phép lạ
Con đến đây cầu xin được ơn trên” hoặc
“Tê-rê-sa tôi rất cám ơn người
Đã cho tôi một nhân sinh triết lí
Không tham vọng sống thu mình nhỏ bé…”
Cụ Khiêm xuýt xoa: “Một Hàn Mạc Tử thứ hai”. Lần này thì tôi cho là cụ nói hơi quá. Tôi không dám phủ nhận tài thơ của cụ Lân, nhưng tôi nghĩ cao điểm thơ ca của cụ Bàng đã nằm lại ở nông thôn ngoài Bắc từ thời tiền chiến. Không hiểu sao đến bây giờ tôi vẫn nhớ một bài thơ đã thuộc lòng từ thời tiểu học về cảnh đêm trăng vắng lặng:
“Ông lão nằm chơi ở giữa sân
Tầu cau lấp loáng ánh trăng ngân
Thằng cu đứng vịn bên thành chõng
Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân”
Hình như thế giới tinh thần của cụ Bàng nằm trong cái bình lặng bát ngát đó, ở đấy có hồn cốt của một thế giới nông thôn và một thời. Nông thôn Miền Bắc thì hiện nay vẫn còn đó, nhưng từ thời cảm hứng của cụ Bàng đến nay quá nhiều chiến tranh bom đạn, quá nhiều đảo lộn xã hội và tâm linh đã nối tiếp nhau, rồi nông thôn cơ giới hóa, ô nhiễm, rồi lòng người với những lo toan, bận bịu, tư lợi, bất công, duy vật,… khiến cho ông lão nằm chơi dưới ánh trăng kia đã cùng với nhà thơ đi vào cái cốt yếu không nhìn thấy được, đó là tinh hoa thầm lặng của một thời. Và khi cụ Bàng Bá Lân đem cái tinh hoa tồn tại và đã trở nên vô hình ấy đến với chị Thánh Têrêsa hay Đức Mẹ Bình Triệu thì cụ đã đi vào cái cốt yếu mà không bận tâm nhiếu đến thi tứ hay thi pháp. Và đến đó thì Hàn Mạc Tử hay cụ Lân, cụ Khiêm cũng chia nhau một niềm vui, và tôi đồng cảm được với niếm vui đó.
Năm 1988, cụ Bàng Bá Lân qua đời, cụ Khiêm tổ chức thánh lễ cầu hồn rất trịnh trọng. Cụ mời nhiều vị trong giới văn nghệ sĩ lão thành đến dự. Lâu rồi tôi không nhớ được danh tính của các vị nhưng biết chắc có nhiều vị tên tuổi từ thời tiền chiến. Cụ nhờ tôi chia sẻ lời Chúa trong thánh lễ đó. Tôi cứ thành thực nói lên những suy nghĩ của mình, rồi tôi mang cả những trưa hè, lẫn những đêm trăng, cả tiếng sáo diều, tiếng chày giã gạo,.. vào bài giảng. Cụ Khiêm có vẻ tâm đắc. Cuối lễ, người bạn văn rất thân của cụ Khiêm là cụ Võ Long Tê tươi cười bảo tôi “Ông làm thần học về các thực tại trần thế đấy phải không?” Như thói quen của các cụ đồng tuế, cụ Võ Long Tê nói nguyên văn bằng tiếng Pháp “Théologie des réalites terrestres”.
Chỉ nguyên một câu nói đó khiến tôi nhớ lại cả một thời, nhìn các cụ cao tuổi là đã thấy gợi lên cả một thời văn hóa mượt mà, êm đềm thời tiền chiến. Về mặt đạo cũng vậy. Đúng ra thì từ các thực tại trần thế, lúc nào mà chẳng có thể vươn lên thành thần học? Nhưng lối nói đó: “Théologie des réalites terrestres” là một lối nói thịnh hành đặc biệt vào cả chục năm phục hưng và đổi mới thần học sẽ đưa đến Công đồng Vatican II và thời sau đó. Những người như cụ Khiêm, cụ Tê đã sống và chịu ảnh hưởng cũa giai đoạn ấy, của diệu cảm ấy. Và trong một chừng mực nào đó thì cả tôi cũng vậy, mặc dù tôi thua kém các vị đến hai chục tuổi. Nhưng chính vì vậy mà thế hệ tôi là một gạch nối giữa thế hệ các cụ và giới trẻ về sau ít có kinh nghiệm sống động về một quá khứ còn chưa xa. Cuộc sống biến đổi nhanh quá, có nhiều điều thời trước thấy rất thấm thía mà nhiều bạn trẻ bây giờ lại tưởng như xa lạ. Đó cũng là một lý do khiến tôi viết những dòng này, vì tôi tin rằng dưới những đổi thay mới lạ, vẫn có một tính liên tục mà nếu phát hiện ra sẽ có cả một niềm vui.
Một niềm vui khác nữa của cụ Khiêm: ngày ấy chúng tôi có sáng kiến tổ chức một cuộc hành hương của các bà “ Mẹ bồng con”. Nhà Dòng chúng tôi có Thánh Gerardo Majella (1726 – 1755) có đặc sủng cứu giúp các bà mẹ mang thai và các thiếu nhi. Lễ mừng Ngài ngày 16/10 chúng tôi mời gọi các bà mẹ đang mang thai hoặc đang nuôi con dại cùng con mình kính viếng Thánh Gerardo và mừng lễ với nhau. Chị em hưởng ứng năm sau đông hơn năm trước. Suốt buổi lễ ấy nhà Thờ vang lên những tiếng líu lo chí chóe của các bé. Những bà con quen với bầu khí tĩnh lặng trầm mặc thường ngày thì có hơi bị chia trí. Nhiều người khác lại rất vui. Cụ Khiêm thuộc phía những người rất vui, lúc thường cụ là người rất nghiêm túc, thấy nghi lễ nhà thờ có điều gì cụ coi là sai quy chuẩn, sớm muộn cụ cũng sẽ góp ý kín đáo nhưng thẳng thắn để yêu cầu sửa đổi. Riêng đối với cái hồn nhiên của bọn nhỏ cụ lại rất cảm thông, có ai tỏ ý hơi phiền lòng vì bọn nhỏ cứ như chim vỡ tổ, cụ lại tươi cười gạt đi “Kệ chúng nó! Cứ để chúng nó tự nhiên thế”
Ngày xưa Chúa Giêsu cũng muốn đón lấy trẻ con như thế. Chúa còn bảo nước trời là của những ai giống như chúng nữa kia. Nghe như giữa vị học giả nghiêm cẩn, trẻ thơ măng sữa và lời Tin mừng là một hợp âm. Tôi cũng vui lây.
Năm 1993, cụ Khiêm đi hành hương các đền thánh Châu Âu. Trọng điểm của chuyến đi này là hôm cụ được tham dự thánh lễ của Đức Châu Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong nhà nguyện riêng của Ngài ở Vatican. Trong dịp này cụ đã dâng kính Đức Thánh Cha một số tác phẩm đã biên dịch của cụ, trong đó có cuốn “Người chứng thứ nhất”, cùng với thỉnh nguyện thư xin tôn phong chân phước cho Andre Phú Yên. Chín năm sau, cụ còn có dịp đi Roma và được diện kiến Đức Gioan Phaolo một lần nữa.
Sau này cụ sẽ nhắc tới “cuộc hạnh ngô ngàn năm một thủa” với Đức Gioan Phaolo. Từ lần đầu cụ Khiêm đến Roma thời Đức Pio XII, trên dưới 50 năm đã qua. Trong một nửa thế kỉ đó, bao nhiêu là biến cố thăng trầm, đảo lộn đã xảy ra trong đạo ngoài đời, trên thế giới và ở Việt Nam. Cuộc sống riêng của cụ cũng chìm nổi giữa những đổi thay ấy. Ta có thể hình dung được những ưu tư trăn trở, vui buồn, hy vọng, thất vọng của cụ thời chiến rồi thời bình, thời có một chút tự do tư bản rồi thời xã hội chủ nghĩa, những vấn nạn của cụ về ý thức hệ, những lúc như khai thông, như bế tắc. Từ quá trình đó mà giáp mặt với nhân dáng phi thường, nhân dáng khổng lồ của vị Giáo Hoàng người Ba lan vào thời điểm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, chắc chắn phải để lại trong lòng cụ nhiều âm hưởng vào những năm cuối đời.
Một niềm vui nữa cho cụ Khiêm: Năm thánh 2000 mừng thiên niên kỷ mới, ước mơ lâu năm của cụ đã thành hiện thực: ngày 5 tháng 3 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã tôn phong người tín hữu thanh niên Việt Nam thế kỷ XVII là Andre Phú Yên lên hàng chân phước. Vị tử đạo đầu tiên của Hội Thánh ở Đàng Trong lại được tôn phong rất chậm so với 117 vị hiển Thánh khác của Việt Nam. Chẳng biết những cơn hoạn nạn không thiếu phần bị tráng của dòng Tên cả trong đạo lẫn ngoài đời từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII có phải là một nguyên nhân của sự chậm trễ này chăng?. Dù thế nào thì những giấy tờ, sách vở của những thừa sai tiên phong kia vẫn còn lưu trữ trong lòng Hội Thánh. Và trong Hội Thánh vẫn có những người miệt mài với những trang sử cũ, đem đối chiếu với các tài liệu đương thời. Trong số những người miệt mài đó có cụ Phạm Đình Khiêm. Đó là những người đã góp phần làm cho Andre Phú Yên sống mãi trong lòng dân Chúa.
Dịp lễ phong chân phước này cụ Phạm Đình Khiêm đã viết một bức thư nghe nói là “ rất tình cảm” gửi về dòng Tên ở Roma, nơi còn giữ di cốt (thủ cấp) của chân phước Andre Phú Yên. Thư đáp lễ gửi cụ Khiêm của ban thỉnh nguyện các vụ án phong Thánh của dòng Tên cho ta cảm nhận được tình hiệp thông của cụ với Hội Thánh:
Thưa Giáo sư kính mến,
“Bức thư thân thương của cụ đã đến với chúng tôi liền sau hôm mừng lễ tôn phong cho chân phước Andre Phú Yên thân yêu.
Chúng tôi cảm nhận được cụ đã ở gần chúng tôi bao nhiêu và đã hòa mình tới mức nào trong biến cố lớn cho toàn thể Giáo hội Việt Nam, đặc biệt cho những ai đã có thể cộng tác với chúng tôi để đạt tới thành tựu hạnh phúc này. Chính cụ là một người chúng tôi phải thọ ơn. Chúng tôi xin cụ biết cho rằng chúng tôi luôn nhớ cụ kể cả trong những năm tháng sau này khi chúng tôi không còn được cơ hội trao đổi thư tín với cụ…”
Xin tạm ngưng câu chuyện về những vui mừng của cụ Khiêm. Tôi không dám cho là mình biết nhiều về những vui buồn trong đời cụ. Nhưng những niềm vui mà tôi được chia sẻ trên đây quả thật đã phản ánh chiều sâu tâm hồn cụ.
Những năm sau này tôi ít có dịp gặp cụ Khiêm. Từ 2008 tôi đã chuyển ra Giáo xứ Thái Hà, Hà nội. Về những chuyện một mặt thì gay go, căng thẳng, nhưng mặt khác lại đầy hồng ân vì Chúa cho gặp và cảm thông sâu sắc với bao người gần xa không phân biệt lương giáo, tôi xin không nhắc lại đây làm gì. Chỉ xin nói rằng suốt những năm tháng ấy cụ Khiêm vẫn gửi cho chúng tôi những tín hiệu, tỏ rõ cụ vẫn theo dõi, cầu nguyện, hiệp thông với chúng tôi. Lâu lâu tôi có dịp về Sài gòn, thường được cụ hỏi thăm nồng nhiệt. Cụ đã già yếu đi nhiều, không tự mình đến nhà Thờ được nữa. Những dịp lễ tết, cụ cũng vẫn gửi thiệp, nhắn tin ra Hà Nội để hiệp thông. Nét chữ của cụ càng về sau càng méo mó không còn nhẹ nhàng bay bổng như xưa.
Cụ Phêrô Phạm Đình Khiêm qua đời lúc 15 giờ ngày 3 tháng 3 năm 2013, hưởng thọ 93 tuổi. Tôi rất tiếc không về được Sài gòn để tiễn đưa cụ. Nhưng năm nay, tôi được dự lễ giỗ đầu. Người đến dự thật đông, rất nhiều mái đầu bạc của những người đã thân thiết với cụ Khiêm không biết từ bao lâu. Riêng những người tôi có quan hệ cũng đã từng sinh hoạt với nhau đến 40 năm rồi. Nhưng bên cạnh những gương mặt đã già đi sau bấy nhiêu năm tháng, lại không thiếu những gương mặt trẻ của các thế hệ kế thừa. Hóa ra cụ Khiêm già cả, suốt đời hiền hòa khiêm tốn đã nối kết và tụ họp được nhiều người đến thế. Bầu khí thánh lễ ấm cúng, thân tình làm tôi nhớ lại khúc hát của Trịnh Công Sơn: “Tình ngỡ đã phôi pha, nhưng tình vẫn còn đầy; người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây”…
Lại nhớ đúng ngày này năm trước, đêm đã khuya, tôi đã đi nằm, chợt điện thoại reo. Tôi hơi lo ngại không hiểu có việc gì mà ai phải gọi mình giữa đêm khuya vắng lặng. Hóa ra từ đầu giây bên kia một người bạn từ nước ngoài nhắn tin: “đã có Giáo Hoàng mới, biết chưa?” Tôi bật dậy chạy qua phòng bên cạnh, mở đài CNN, thấy Đức Giáo Hoàng mới Phanxicô đang đứng trước biển người trên quảng trường Thánh Phêrô. Ngài có một cử chỉ độc đáo là cúi đầu sâu xin toàn thể Hội Thánh cầu nguyện cho mình, rồi sau đó Ngài mới chúc lành cho Roma và thế giới (Urbi et Orbi). Sự xuất hiện kể là rất đột ngột bất ngờ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Hội Thánh đúng vào ngày cụ Khiêm ra đi nhắc nhở tôi rằng cuộc đời nhỏ bé, giới hạn của mỗi tín hữu nằm trong sự sống vô tận mà luôn đổi mới của Chúa là Đấng hướng dẫn lịch sử.
Vũ Khởi Phụng, DCCT
(Bài do Gia đình Cố Học giả PĐK. cung cấp. ht. xin chân thành cảm ơn Quý Quyến)