#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

NỐT TRẦM CỦA ĐỜI NGHỆ SĨ

NHT. Cách đây mấy năm, đọc bài này trên báo (Tuổi Trẻ), tôi nhận ra người quen. Đây là Mót của nhóm nhỏ mấy anh em nhạc sĩ Công Giáo chúng tôi. Vội đem khoe với Thông ( nhạc sĩ Thế Thông). Hồi đó mình chưa biết sử dụng blog, cũng chẳng biết blog là gì, nên chỉ biết có tờ báo in mua ở sạp về.  Hôm qua Thông gửi cho nghe sáng tác mới của Thông về Xuân" Chúa là Mùa Xuân",có lời giới thiệu là bài này do Most Nguyễn xung phong hát với sự phụ họa của ca đoàn Sao Mai. Thật là một sự kết hợp thân tình vô cùng dễ thương. Tôi nhớ đến người thanh niên hiền lành có nước da trắng muốt xanh xao , khuôn mặt tròn bầu bĩnh, lên xuống xe lăn đều có bạn bè bồng bế, lần đầu mình quen cậu tại cafe Phượng Các, và nhớ đến bài báo đã trao cho Thế Thông cất giữ. Nay có blog, lẽ nào không giới thiệu chàng nghệ sĩ đặc biệt này với các bạn năm châu bốn biển nhỉ ? Cám ơn Thế Thông đã cung cấp ngược lại cho NHT'  link bài báo năm ấy nhé. HT.

 |NGUYỄN HỮU DŨNG 21/08/2010 17:37 (GMT + 7)

TTCT - Sinh ra trong gia đình cải lương có tiếng, anh nối nghiệp đấng sinh thành như một lẽ tự nhiên. Bước vào đời ngược xuôi theo gánh hát ở xứ miệt vườn khi mới tròn 15 tuổi, anh bất ngờ đổ gục sau một tai nạn. Cây đàn vỡ tan, toàn thân tê liệt sau một đêm diễn về. Tấm màn nhung dường như khép lại vĩnh viễn...
Anh Dũng dùng những ngón tay yếu ớt, xanh gầy của mình đánh đàn, hòa âm để kiếm sống và chia sẻ với đời - Ảnh: Thế Anh

Vừa hòa âm, lâu lâu anh Dũng phải dừng tay để thông ống dẫn nước tiểu - Ảnh: Thế  Anh

Nhiều lần anh muốn tìm đến cái chết, nhưng vì các em, vì tiếng nhạc mà anh cố giằng co với tử thần. Gắng gượng dậy, anh tập từng cử động nhỏ của ngón tay, rồi mày mò học vi tính. Từ một người toàn thân tê liệt, anh đã gượng dậy và gầy dựng được một phòng hòa âm để nuôi sống bản thân. Phòng hòa âm của anh không chỉ đáp ứng nhiều ca sĩ trong nước mà còn gia công cho nhiều hãng băng đĩa nhạc của người Việt ở hải ngoại... Cái tên Nguyễn Hữu Dũng ngày càng nhiều người biết hơn trong làng âm nhạc, như một ví dụ điển hình về nghị lực sống.

Phòng hòa âm đặc biệt
Căn phòng bé như hộp quẹt, chưa đến 3m2 chỉ đủ đặt cái giường, một dàn máy móc và một lối nhỏ cho chiếc xe lăn lui tới. Chủ nhân của phòng hòa âm này là một người không thể làm chủ được việc vệ sinh cá nhân, nhưng lại thuần thục từng loại nhạc cụ. Chính trên chiếc xe lăn này, trong căn phòng chật hẹp này, hàng ngàn bản nhạc đã được chủ nhân của nó phối âm trong cơn đau đớn của thể xác và sự lạc quan của tâm hồn.
Trong câu chuyện về đời mình, anh ít khi nói những chuyện buồn, nếu có nhắc đến thì luôn với thái độ lạc quan, xem như một nốt trầm cần thiết trong bản nhạc cuộc đời. Anh luôn cười dù cơn đau hành hạ, dù cho dòng máu phóng khoáng của người nghệ sĩ bị bó buộc trong căn phòng chật hẹp. Những lúc muốn thoát ra khỏi cảnh bí bức đó, anh chỉ biết thả hồn theo những nốt nhạc, cất cao tiếng ca trong căn phòng chật chội.
Bi kịch của đời anh xảy ra cách đây đúng 10 năm. Anh kể: “Hôm đó là ngày 27-7-2000. Khi sân khấu vừa hạ màn thì tôi vội vã về nhà, chỉ còn cách nhà khoảng 2km nữa thì bất ngờ tôi bị té, xe tải phía sau lướt tới. Tôi chỉ kịp thấy ánh đèn pha thẳng vào người rồi ngất lịm đi. Mấy hôm sau tỉnh dậy, bác sĩ cho biết tôi bị xe tải đụng gãy cổ. Mọi người không hiểu vì sao thương tích nặng thế mà tôi vẫn còn sống!
Trải qua hàng loạt cuộc phẫu thuật, nhiều lần bác sĩ lắc đầu tuyệt vọng, nhưng không hiểu sao tôi vẫn vượt qua được. Lúc đó, tôi bắt đầu láng máng hiểu ra rằng tôi chưa thể chết được là vì còn nợ cuộc đời này nhiều lắm! Tôi phải nằm viện suốt sáu năm liền, tay chân bất động, lưng bắt đầu lở loét. Cũng nhờ tình thương của những nghệ sĩ đồng nghiệp của cha mẹ, bạn bè của tôi nên tôi mới đủ tinh thần và vật chất để vượt qua cơn nguy khốn. Trở về nhà với tấm thân tê liệt, tôi chán nản lắm.
Nhưng nghĩ đến những người thân xung quanh, đến khán giả, đến sân khấu... tôi lại gắng gượng sống. Hằng ngày tôi nhờ người thân mở những bản nhạc ưa thích cho tôi nghe rồi tập cử động từng ngón tay một. Tôi quyết phải gượng dậy để trả ơn cuộc đời. Kiên trì hơn hai năm tập luyện, tôi bắt đầu ngồi dậy được, những ngón tay cử động được đôi chút.
Nhờ sự giúp đỡ của nhạc sĩ Thái An và bạn bè, tôi sắm được một dàn vi tính và những thiết bị hòa âm. Kiên trì tập luyện và vượt qua đau đớn, những ngón tay của tôi ngày càng linh hoạt hơn. Lúc đầu, mất 4-5 ngày tôi mới phối xong một bản nhạc. Bây giờ thì chỉ trong một ngày là tôi có thể phối xong một bản nhạc rồi. Ngày đầu, tôi chỉ nghĩ làm cho vui, chủ yếu phối nhạc cho nhà thờ, nhà chùa và các chương trình ca nhạc từ thiện.
Thấy tôi làm được, nhiều ca sĩ trong nước đến đặt hàng, rồi đến lượt các hãng ca nhạc của người Việt ở hải ngoại cũng tìm đến. Tôi vui vì đã tự nuôi được bản thân, vui vì tiếng nhạc của mình đã vượt ra khỏi cái phòng hòa âm bé nhỏ này, vượt đại dương đến với người Việt năm châu. Mà không chỉ thế, tôi tin có ngày tôi sẽ tự đứng dậy được, được cầm micro hát trên sân khấu. Tôi chưa bao giờ tuyệt vọng vì tôi biết quanh mình đời vẫn còn nhiều niềm vui...”.
Nói rồi anh mở một bản nhạc vừa mới hòa âm xong, ngồi hát hồn nhiên như cây cỏ...
Bi kịch của một gia đình  nghệ sĩ
“Âm nhạc là người tình trăm năm, là người thầy, là bác sĩ và là người mẹ vĩ đại của đời tôi. Chính âm nhạc đã giúp tôi đứng dậy, đưa tâm hồn thoát khỏi nghĩ suy tăm tối. Tôi mang ơn những nốt nhạc, đó là lý do tôi ráng gượng dậy để mở một phòng hòa âm. Ơn trời, tôi vẫn có thể dùng những nốt nhạc để chia sẻ với đời”.
Nguyễn Hữu Dũng là con thứ ba của gia đình nghệ sĩ cải lương Hoàng Sương và Ngọc Kim trong đoàn cải lương Út Trà Ôn vang bóng một thời. Khi còn nhỏ, do khó nuôi nên gia đình đặt cho anh một cái tên “xấu xí” là Mót. Cũng chính vì thế mà ở xóm người ta thường gọi nhà anh là phòng hòa âm của nghệ sĩ Mót. Thừa hưởng dòng máu ca hát, năm 15 tuổi anh đã rày đây mai đó cùng gánh hát của cha mẹ khắp các tỉnh miền Tây kiếm sống.
Khi đứa con trai đầu vừa biết đánh trống thì người cha đổ bệnh sau nhiều năm lang thang mang tiếng hát mua vui cho đời. Năm anh 16 tuổi thì cha mất, để lại một mình người mẹ và ba đứa con thơ dại.
Thấy mẹ vất vả, nghề hát lại lắm bấp bênh nên anh bỏ đoàn để theo học nghề đàn mong kiếm được nhiều tiền hơn phụ mẹ nuôi em. Khi những gánh hát trở nên ế ẩm thì mẹ con anh bồng bế nhau lên sống qua ngày giữa Sài Gòn xa lạ.
Anh nhớ lại: “Nhiều lúc nhà hết gạo, mấy đứa em khóc lả vì đói nhưng cũng phải ráng đợi đến khuya khi mẹ đi hát về mới có tiền đong gạo nấu cháo ăn dằn bụng. Vậy mà mẹ vẫn không bỏ nghề hát, mẹ nói rằng mẹ phải hát để nơi chín suối cha không buồn. Còn tôi vừa phải đi đàn, đi hát ở quán nhậu, tiệc sinh nhật để phụ tiền học cho em. Cứ thế, mẹ con tôi bồng bế nhau ở trọ từ quận này đến quận khác, nhưng hằng đêm vẫn cười tươi dưới ánh đèn sân khấu để mua vui cho khán giả. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ mà mẹ tôi và chính tôi không thể nào bỏ được dù có đói khổ đến mức nào...
Đến năm 1991, tình cờ mẹ tôi trúng được tờ vé số. Vay mượn thêm bạn bè, mẹ mua căn nhà rộng chỉ 1,5m, dài 10m trong con hẻm Trần Văn Đang (phường 9, quận 3, TP.HCM) này đây. Những tưởng từ nay mẹ con được ấm cúng trong căn nhà chật hẹp này, ai dè một năm sau thì mẹ tôi bệnh nặng rồi qua đời.
Chỉ còn mình tôi lo cho hai đứa em còn nhỏ. Nhiều lần tôi tính bỏ nghề để lo cho em, nhưng cứ nhớ lời mẹ dặn trước lúc nhắm mắt là tôi không thể nào bỏ cái nghiệp ca hát được. Mẹ dặn rằng đã theo nghiệp ca hát rồi thì phải sống trọn tâm, trọn đời với nó. Vì không phải ai cũng được trời ban cho tài đàn hát, mà cái trời cho là để chia sẻ với đời chứ không phải giữ riêng cho mình...”.
Những ngày gian khó của ba đứa trẻ mồ côi cũng qua đi. Những tưởng cuộc đời sẽ cho họ những ngày tháng êm ả không ngờ tai nạn ập đến, một lần nữa cái xui rủi vẫn bám lấy gia đình nghệ sĩ nghèo này. Dù vậy, anh Dũng vẫn thảnh thơi khi nghĩ về số phận của gia đình mình: “Nếu được chọn lựa lần nữa, tôi và cha mẹ tôi vẫn chọn nghiệp cầm ca, bởi đó là máu thịt của gia đình tôi, là thứ duy nhất mà chúng tôi có thể sẻ chia với đời...”.
“Phần lớn những người khách đặt hàng anh Dũng phối âm đều hài lòng về cách thức làm việc cũng như chất lượng sản phẩm. Mặc dù không được học nhạc lý một cách căn bản, nhưng bù lại anh có đôi tai rất tốt, một niềm đam mê âm nhạc tột độ nên sản phẩm của anh luôn có hồn, có dấu ấn riêng.
Điều đáng quý ở Dũng là khi nhận làm, anh không bao giờ lấy sự khiếm khuyết của bản thân ra để bào chữa cho những hạn chế về chuyên môn. Tôi đã chứng kiến những ngày đầu tập luyện của anh, dù đau đớn và gian khổ đến mấy cũng chưa một lần nghe anh than vãn. Ngược lại, đến với anh chỉ có tiếng cười và những nốt nhạc vui vẻ. Là khách hàng lâu năm của anh Dũng, tôi hiểu rằng ngoài tác dụng của vật lý trị liệu thì chính âm nhạc, sự vận động hết trí não vào công việc và niềm lạc quan đã giúp anh có được như ngày hôm nay”.
Anh LƯƠNG THANH BÌNH
(một khách phối âm của anh Dũng)
THẾ ANH

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

ĐAU QUÁ!


TÀU CỘNG VỪA CƯỚP BÓC 

VỪA CHỬI MẮNG KHINH MIỆT VIỆT NAM

Đọc bài báo dưới đây của bọn Trung cộng mà uất ức đến nghẹn lòng. Chúng nó được cướp, được ăn rồi còn được thỏa sức mắng nhiếc khinh miệt chúng ta. Trong khi các loại tàu cướp của chúng đang hoành hành trên biển Đông, báo chí của chúng chửi bới hăm dọa chúng ta thì tàu chiến của chúng lại được trải thảm đỏ rước vào tận cảng Sài Gòn. Nhân dân Việt Nam muôn đời sẽ không bao giờ quên được tội ác của những kẻ mở đường cho giặc Tàu cộng vào xâm chiếm biển Đông như thế này.

Ba tàu chiến Trung cộng cập cảng Saigon
Còn báo chí Trung cộng viết bài như sau:


BÁO CHÍ VIỆT NAM NÓI MỘT LƯỢNG LỚN TÀU CÁ TRUNG QUỐC XÔNG VÀO NAM HẢI [i]

QUÂN VIỆT NAM KHÔNG HỀ DÁM RA TAY

12.12.2012
Người dịch:  XYZ
Trong bối cảnh rắc rối xảy ra liên tiếp ở Nam Hải, tâm lý cảnh giác của Việt Nam đối với những hành động của Trung Quốc ở Nam Hải luôn căng thẳng. Theo tin từ báo chí Việt Nam, thiếu tướng Lê Văn Cương[ii] , nguyên Viện trưởng “Viện nghiên cứu chiến lược” Bộ Công an Việt Nam ngày hôm trước đã rêu rao rằng, để kiểm soát Nam Hải, Trung Quốc nay mai sẽ dựa vào lực lượng tàu cá nhiều hơn để hành động ở Nam Hải, điều này sẽ “gây trở ngại thêm cho chủ quyền lãnh hải của Việt Nam”.
Theo “Vietnamnet” ngày 10.12, Lê Văn Cương khi trả lời phỏng vấn gần đây đã nói, ông ta không cảm thấy ngạc nhiên trước việc tàu cá Trung Quốc cắt đứt cáp tàu thăm dò của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, cùng việc cho phép các cơ quan biên phòng công an khám xét tàu nước ngoài đi vào vùng biển Nam Hải bất hợp pháp mà tỉnh Hải Nam Trung Quốc vừa ban bố mới đây.      
Ông ta cho rằng, để có thể vừa “làm chủ” được Nam Hải, lại vừa không làm rách mất chiếc “mặt nạ hòa bình”, Trung Quốc sẽ dựa vào lực lượng tàu cá nhiều hơn để hành động ở Nam Hải, nay mai sẽ huy động hàng vạn tàu cá đến Nam Hải, đặc biệt là vùng thềm lục địa Nam Hải cùng “vùng đặc quyền kinh tế” của các nước khác.  
Đây là một cách làm mà Trung Quốc dựa vào lực lượng tự thân để “uy hiếp” người khác. Trung Quốc có thể dựa vào đó để vẫn “độc quyền” các vùng đặc quyền kinh tế mà không cần sử dụng vũ lực, đồng thời đoạt được “tài nguyên của các nước khác trong đó có Việt Nam”.   
 “Trong mấy năm tới đây, Trung Quốc còn sẽ phát triển theo hướng này”. Lê Văn Cương nói. 
1
Hàng vạn tàu cá Quảng Đông ra biển đánh cá
2
Tàu cá 725 băng băng tiến vào Nam Hải đánh cá
Bài báo nói, tàu cá Trung Quốc thường xuyên tiến vào Nam Hải với quy mô lớn, còn những chiếc tàu cá bé nhỏ của Việt Nam thì không thể đối chọi được, ngay cả trên “vùng biển Việt Nam” cũng không ngoại lệ. 
Lê Văn Cương còn cho biết, gần đây có chuyên gia Nhật Bản nói với ông ta, ngay đến một nước lớn như Nhật Bản mà cũng còn phải lo về tàu cá Trung Quốc. Nhật Bản không dám huy động tàu quân sự, bởi vì lo ngại điều đó sẽ khiến cho Trung Quốc cáo buộc Nhật Bản sử dụng tàu quân sự để tấn công tàu cá dân dụng.
Về điều này, Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Lực lượng cảnh sát biển hiện nay của Việt Nam vẫn còn rất yếu, lực lượng kiểm soát nghề cá còn chưa được thành lập. 
Ở Việt Nam, kiểu buộc tội vô căn cứ và thái độ cứng rắn đối với những hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình giống như Lê Văn Cương không hề hiếm gặp. Một vài thành phố tại Việt Nam mấy hôm trước còn xảy ra hoạt động biểu tình chống Trung Quốc, phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đã có với Nam Hải.  
Trong thực tế, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa[iii] cùng vùng biển phụ cận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nhiều lần phản hồi lại trước cái gọi là sự phản đối của Việt Nam.
3
Tàu cá Trung Quốc sẵn sàng xuất phát
4
Tàu cá Trung Quốc tiến vào Nam Hải với sự hộ tống của tàu cảnh sát biển
Ngày 6.12, trước việc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam mới đây cáo buộc tàu cá Trung Quốc cắt đứt cáp tàu thăm dò của mình, Hồng Lỗi nói, cách nói của Việt Nam không đúng với sự thật, vùng biển mà Việt Nam nói là nằm ở vùng biển chồng lấn do hai nước chủ trương, nằm giữa đảo Hải Nam Trung Quốc với phần đất liền Việt Nam ở phía ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, còn tàu cá Trung Quốc thì đang tiến hành hoạt động sản xuất đánh bắt ngư nghiệp bình thường trong vùng biển này, đồng thời đã bị tàu phía Việt Nam đuổi đi vô cớ.
Trong phản hồi về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam, Hồng Lỗi nêu rõ, bất cứ hành động nào làm loang rộng và phức tạp thêm sự tranh chấp Nam Hải cũng đều không nên khuyến khích và hỗ trợ. Phía Trung Quốc yêu cầu phía Việt Nam áp dụng các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ một cách thiết thực sự an toàn và quyền lợi hợp  pháp của các công dân và cơ quan Trung Quốc ở Trung Quốc.
Tàu cá Trung Quốc đến quần đảo Nam Sa:  Thu hoạch cá lớn ở đất cực nam Trung Quốc thật tuyệt vời
Vào 17 giờ ngày 11.5,  chúng tôi bắt đầu lên tàu. Chuyến đi Nam Hải lần thứ 3 của chúng tôi bắt đầu.  Trong chuyến đi đến quần đảo Nam Sa lần này, chúng tôi phải mất 3 ngày 3 đêm mới tới.  
Chúng tôi ngồi trên chiếc tàu vỏ sắt loại 150 tấn, tàu 150 tấn trên đất liền được xem là một vật khổng lồ, nhưng khi ở trên biển lại chẳng khác gì một chiếc lá liễu. Và rồi, cuộc sống rung lắc đã bắt đầu. 17 ngày sau khi trở lại bờ, tôi ngủ trên giường vẫn còn cứ cảm thấy lắc lư. 
Trong khoảng thời gian 3 ngày, tàu chúng tôi đi ra hướng bãi Vạn An, cách xa bờ biển Việt Nam khoảng 70 hải lý, ở đó là bãi cá tây nam ở cực nam của Trung Quốc. Vào ngày thứ hai đi ra Tam Á, các container vận chuyển hàng hóa trên biển nhiều dần lên, lớn nhất ước tính khoảng 10 tấn. Theo hướng đông-tây ở 11 vĩ độ bắc hẳn là đường thủy quốc tế, các tàu du lịch, tàu khí tự nhiên, tàu chở khách lớn, tàu container thường xuất hiện ở  hai bên tàu chúng tôi.
Vào buổi tối ngày thứ ba, chúng tôi đã đến phạm vi khoảng 8 độ vĩ độ Bắc và 108 độ kinh độ Tây. Lưới cá đầu tiên của chúng tôi bắt đầu thả lưới tại đây. Thật thú vị là,  ánh đèn của tàu đánh bắt đã hút cá heo đển. Cá heo là loài cá không được ngư dân chào đón nhất, bởi chúng đến để ăn cá, cho nên cá heo mà kéo tới thì có nghĩa là thu hoạch cá sẽ không lớn.  
Vào khoảng 3 giờ đêm, nhiếp ảnh gia dưới nước Ngô Lập Tân của chúng tôi đánh thức tôi dậy khi đang say sưa, khẽ bảo tôi chạy ra đuôi tàu để xem. Tôi liền dậy chạy tới nhìn, có đến mười mấy con cá heo đang bắt cá trên mặt biển dưới ánh sáng đèn. Cá heo bơi đến hầu như không có tiếng động. Tôi và Ngô Lập Tân, còn có cả mấy trợ thủ lặn, ngồi ở phía đuôi tàu nhìn những con vật dễ thương nô đùa trước mặt mình. Tất cả chúng tôi đều im lặng, chỉ sợ các thuyền viên bị đánh thức, chỉ sợ họ thả lưới đánh bắt những con vật đáng yêu ấy mất. Thực ra cá heo là loài động vật rất thông minh, sau đó tôi còn một lần nữa được nhìn thấy chú cá heo bị mắc lưới đã nhảy qua mép lưới để trở lại biển khi các thuyền viên cất lưới.  
5

6
Cá chuồn bên tàu chúng tôi trên đường hành trình
Không phải tàu cá nào cũng thả lưới. Ở độ sâu khoảng 150 m dưới biển, ngư dân thả câu để câu cá, và thường là câu được cá lớn, lớn nhất có trọng lượng tới hơn 200 kg, loại này rất thường gặp. Chú cá đầu tiên của chúng tôi là do cậu con trai của trưởng tàu câu được, đó là một con cá ngừ răng chó nặng 85 kg. Đêm đó, chúng tôi ngồi trên tàu chốc chốc lại nghe vọng lại những tiếng reo mừng  hết cỡ, bởi liên tục có những chú cá lớn được câu lên, lần nào mọi người cũng hoan hô.
Khi đến Vĩnh Thự Tiêu[iv], trưởng tàu Lương cứ nhất định tặng cho các binh lính sĩ quan đóng quân trên đảo những con cá ngừ, mực ống … mà tàu chúng tôi đánh được, tặng tất cả những con to nhất ngon nhất. Trưởng tàu nói: “Ngư dân chúng tôi đánh bắt cá ở Nam Hải, quân đội là sự bảo đảm an toàn lớn nhất cho ngư dân chúng tôi.  Mỗi khi nhìn thấy quân hạm của chúng ta, chúng tôi đều rất vững lòng. Cho nên, lần nào đánh cá ở đây cũng đều tặng cá cho binh lính sĩ quan trên đảo”. 
Các binh lính sĩ quan đóng quân trên Vĩnh Thự Tiêu lần nào cũng tặng lại một vài món quà cho ngư dân đã cho cá, lần này là đồ hộp các màu, cánh gà rán đóng hộp, cá rán đóng hộp, còn có cả rau xanh đóng hộp các màu. 
 Nước ở Nam Hải có thể nhìn sâu tới trên 30m, cá, tàu chìm thỉnh thoảng lại xuất hiện trước mắt chúng tôi. Độ sâu lặn của chúng tôi phần lớn là không chế ở khoảng 30m, có cảm giác mình chẳng khác gì một chú cá bơi trong cung điện thủy tinh vậy. Nước ở Nam Hải lóng lánh, trong suốt giống như thủy tinh. 
 Ở Nam Hải của chúng ta, thực tế binh lính sĩ quan đại lục chúng ta chỉ đóng quân trên có 7 rạn san hô, lần lượt là Vĩnh Thự Tiêu, Hoa Dương Tiêu[v], Xích Qua Tiêu[vi], Đông Môn Tiêu[vii], Nam Huân Tiêu[viii], Mỹ Tế Tiêu[ix], Chư Bích Tiêu[x], cộng thêm đảo Thái Bình[xi] do Đài Loan đóng quân tổng cộng là 8.   
Cuộc hành trình 17 ngày đã cho chúng tôi biết được rằng, trong thời gian hơn nửa tháng, Việt Nam đã nổ súng vào tàu cá, ngư dân của chúng ta ở Việt Nam, tàu chiến Philippines đã nổ súng vào tàu cá, ngư dân của chúng ta, tàu chiến Indonesia đã bắt giữ tàu cá, ngư dân của chúng ta. Tàu ngư chính của chúng ta đã tới vùng biển xảy ra sự việc để đón đầu ngăn chặn những hành vi này, buộc họ phải phóng thích những tàu thuyền và ngư dân đã bị bắt giữ.  
Nam Hải đã là lãnh thổ của chúng ta, thì chúng ta khỏi cần phải sợ ai!
7
Đêm đến cá heo bắt cá dưới ánh đèn của chúng tôi
8
Có cá heo trong lưới nên bị ít đi rất nhiều, chiếc lưới to này một lần đánh được nhiều nhất là 30 000kg cá
9
Cá bị mắc lưới
10
Phân loại bảo quản cá đã đánh bắt
11
Các thuyền viên phân công rõ ràng, ai làm việc nấy
12
Tàu cá Trung Quốc đến quần đảo Nam Sa
13
14
Cá lớn chúng tôi câu được
15
Cá lớn mà những người dạy lặn của tôi là A Phi và A Phong câu được, họ vui mừng quá đỗi
16
Cá mặt trăng, cá đầu chùy…câu được
17
18
Cá mặt trăng, cá đầu chùy…câu được
19
20
Vĩnh Thự Tiêu có bưu điện cực nam của Trung Quốc
21
 Vĩnh Thự Tiêu có một vườn rau, còn có cả một cánh đồng Hà Nam, tôi may mắn được chụp ảnh người Hà Nam này
22
Xích Qua Tiêu, Anh Hùng Tiêu[xii] của chúng ta
23
Xích Qua Tiêu, Anh Hùng Tiêu của chúng ta
24
Tôi cùng người bạn lặn tới chiếc tàu chìm
25
Tôi cùng người bạn lặn tới chiếc tàu chìm
26
Đứng chụp ảnh trước chiếc bánh đà khổng lồ của một tàu mắc cạn
27
28
Chim đẻ trứng sinh con ở phía dưới boong bánh đà mắc cạn
29
Ở Tây Sa[xiii], Trung Sa, Nam Sa của Trung Quốc thường xuyên nhìn thấy tàu cá Việt Nam đánh bắt mực ống như thế này, khi chúng tôi quay về thấy có một tàu cá Việt Nam ở cách xa một khoảng chưa bằng cảng Đàm Môn
30
31
32
33
Tàu chiến của mấy tiểu quốc xung quanh Nam Hải ngăn chặn sự tác nghiệp của ngư dân nước ta, lại còn bắt giữ tàu cá, ngư dân của chúng ta. Xông lên trước lúc này lại là tàu ngư chính của chúng ta
Nguồn: junshi.xilu.com
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2013

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

HÈN HẠ KHIẾP NHƯỢC

Trương Duy Nhất
le-dinh-chinh-300x193Hôm nay 6/1/2013, các báo đồng loạt đưa tin cải táng hài cốt Lê Đình Chinh, người anh hùng liệt sĩ  đầu tiên trong cuộc chiến biên giới Việt- Trung 1979. Điều kỳ lạ là hầu hết các báo đều không dám nhắc đến cái tên kẻ thù của cuộc chiến tàn khốc bi thương đó. Duy nhất một tờ Thanh Niên(có lẽ do lọt sàng)  đã nêu được đích danh tên kẻ thù- đó là “quân xâm lược Trung Quốc”.
Chưa có thời nào bi hề và nhục nhã thế. Thủ tướng thì phải gọi trại ra là “đồng chí X”. Tàu của bọn cướp biển thì phải gọi là “tàu lạ”. Kẻ thù xâm lược tàn phá quê hương, bắn chết Lê Đình Chinh và hàng vạn đồng đội của anh trong cuộc chiến Việt- Trung 35 năm trước thì không dám gọi thẳng tên mà phải bóng gió xa xôi ám chỉ bằng những cách chung chung khôi hài như: “quân xâm lược từ bên kia biên giới”, “những tên côn đồ từ bên kia biên giới”.
Đến mức mấy chữ “quân Trung Quốc” khắc trên tấm bia ghi chiến tích của quân đội Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 cũng bị đục nát như bằng chứng cho sự khiếp nhược đã tới mức không thể diễn tả bằng lời:
Xin đừng ngụy biện bằng những “mười sáu chữ vàng” với “bốn tốt”. Hà Nội, Điện Biên, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên… trên khắp nước Việt này vẫn còn nhiều chứng tích của các cuộc chiến tranh Việt- Pháp, Việt- Mỹ, những dòng chữ  khắc ghi “tội ác thực dân Pháp, đế quốc Mỹ”…  vẫn còn đầy ra đấy. Có ai đục bỏ đâu, có “mười sáu chữ vàng” với “bốn tốt” đâu mà tình hữu nghị Việt- Pháp, Việt- Mỹ vẫn nồng thắm. Thậm chí  bao thế hệ người Pháp người Mỹ còn thích tìm đến những nơi chốn đó, thắp hương quỳ lạy và cảm thấy yêu cái nước Việt này hơn.
Thế nhưng tại sao cái chữ “quân Trung Quốc xâm lược” lại phải đục bỏ. Đến mức người dân biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo cũng bị đàn áp, bắt giam. Đến cái tên kẻ thù xâm lược bắn giết đồng bào mình cũng không dám gọi tên. Húy kỵ đến hèn hạ, tránh né đến khiếp nhược như thế nhưng tại sao quan hệ Việt- Trung vẫn chẳng lúc nào yên.
35 năm nằm im trong lòng đất, liệt sĩ anh hùng Lê Đình Chinh và hàng vạn đồng đội của anh đã ngã xuống, thấm máu vùng biên cương kia, có ngờ được rằng hôm nay tổ quốc của các anh lại không dám gọi thẳng cái tên kẻ thù đã nã đạn vào đầu các anh ngày ấy.
Đọc những dòng tin trên báo hôm nay, có ai nhận ra mình đã khóc, nước mắt sót cay? Có ai phải nghiến răng bóp chặt tay thành nắm đấm căm giận…
Không có sự hèn hạ nào hèn hạ bằng. Không có sự khiếp nhược nào khiếp nhược đến thế.

CHUYỆN PHIM BUỒN

NHT. Phin buồn đang chiếu tại Việt Nam:

LÚ BÁ TƯ, TAM ANH CHIẾN LỮ BỐ

Trong bảy năm làm tể tướng, anh Ba ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng, cho tay chân nắm giữ hết các chức vụ quan trọng của triều đình từ đó anh thao túng triều ca, vơ vét của cải thiên hạ về làm của riêng nhiều như núi, tay chân núp bóng tung hoành không coi trời đất ra gì, gây ra bao cảnh tang thương, làm thiệt hại kinh tế đất nước một số tiền khổng lồ lên đến con số với 13 chữ số dài dằng dặt mà người dân thường không thể nào hiểu được. 13349030000000000000....

Anh Lú xuất thân là anh giáo, ngày ngày tụng thuộc lòng kinh điển giáo điều rồi lặp lại không sai một chữ để đi lên lớp thiên hạ...cho dzui chứ chẳng ai buồn nghe vì kinh điển ấy đã bị chính các anh vất vào sọt rác từ lâu rồi. Tuy có hơi lú lẫn đôi chút nhưng nhờ hiền lành nên anh được trao giữ ngai vàng.
Từ phương Nam ra, có anh Tư, được dư luận cho là trong sạch vì không có tật đụng gì ăn nấy, hoặc có ăn thì cũng ăn đôi chút, không quá tham lam, được phong phó vương, phẩm trật đứng hàng thứ hai nhưng quyền lực chẳng có gì.
AnhTư và anh Lú thật ra chẳng ưa gì nhau- chuyện tất yếu của một triều đình độc tài chẳng ai ưa được ai - nhưng thấy anh Ba làm quá, gây ra biết bao tai tiếng và tổn thất, dân tình ta thán lên đến tận trời xanh, có nguy cơ đưa đến sụp đổ triều đình, nên hai anh kết hợp lại với nhau bàn mưu ra nghị quyết Vô Tư tổng quy động lực lượng toàn triều đình tổ chức cuộc tổng tiến công hạ bệ anh Ba.
Bằng cách làm ngơ cho mỗi quan từ trung ương đến địa phương làm bậy kiếm ăn một ít, để ai cũng có chút quyền lợi và có ít tì vết, anh Ba qua đó khống chế và nắm hầu hết quan lại. Thế lực của anh Ba vì thế rất lớn làm nội công của anh Ba vốn đã thâm hậu nay càng thâm hậu hơn. "Song anh" Tư- Lú cùng rút kiếm xuất chiêu tấn công ào ạt vào Ba bằng những đường gươm sát thủ. Thế nhưng Ba kiêu ngạo đứng yên nhìn "song anh" bằng cặp mắt mang hình đồng chí với cái nhếch môi khinh bỉ đầy tính đảng và tính giai cấp. Tưởng như hai đường gươm của song anh Tư -Lú lướt tới cắt phăng cổ và bổ đôi đầu Ba ra. Nhưng không, chỉ thấy Ba rùng mình một cái, da của Ba từ cổ trở lên bổng dưng dày lên như da cá sấu và cứng như thép Vi na tập đoàn. Hai nhát gươm của song anh chạm vào nghe keng keng hai tiếng rợn người rồi dội ngược trở ra làm hổ khẩu của song anh tóe máu. Nghe đồn rằng môn võ Thiết Diện Bì Công ấy anh Ba học được từ phương Bắc khi anh qua chầu bên ấy trước vài ngày xảy ra trận chiến và ngay lúc đang chiến đấu thì có thầy từ bên ấy qua núp sau lưng hỗ trợ.
Anh Lú vốn là người mềm yếu, chịu đau không nỗi bật miệng khóc thét lên một tiếng bi thương, nước mắt tuôn ra xối xả. Anh Tư rán chịu đau, phi thân một mạch về tận sào huyệt của mình ở phương Nam mới lấy lại được tinh thần, uất ức trong lòng bùng ra, rút gươm ra vung chém loạn xạ vào không khí, dân gian gọi là chém gió, miệng hét to lên : Chết mày này, thằng Ít Xì, thằng It Xì, thằng It Xì...Qua đó anh tạo ra một công án với ẩn số toán học X đầy bí hiểm nhưng toàn dân ai cũng biết đó là ai rồi, chỉ có hai anh  giả vờ không biết để đỡ xấu hổ vì đã thua xiểng liểng trong trận "Song Anh chiến Lữ Bố".
Anh Lú sau một thời gian thì hoàn hồn, vốn là người thuộc làu kinh sử nên nhớ lại tích xưa của mẫu quốc là phải  "Tam Anh chiến Lữ Bố" mới đúng bài, bèn vời anh Tư đến bàn thảo.
- Tớ thấy theo tích xưa của thiên triều, phải tam anh mới chiến được Lữ Bố. Ta mới có song anh nên thua là đúng rồi. Bây giờ phải tìm ở đâu ra một "anh" nữa.
Nghe anh Lú nói xong, anh Tư vỗ đùi đánh đét một tiếng, phấn khởi nói:
- Có rồi. "Anh" ấy đang luyện võ dưới chân Hải Vân Sơn, tung hoành ngang dọc, làm vua một cõi ở Trung phần với 72 đường Hải Vân Kiếm pháp. Có "anh" đó ra là mình đủ bộ tam sên.... ủa quên bộ "tam anh".
Anh Lú tỏ ra boăn khoăn:
- Cậu Bá ấy tớ biết, đang thèm muốn một chức vương trong triều đình, bao lần ra nhưng chưa được. Nhưng theo tích xưa, tớ là văn nhân nên đóng vai Lưu Bị, cậu có vóc dáng cao ráo, mặt tuy hơi đen vì rỗ nhưng lòng lại đỏ và thẳng ruột ngựa nên đóng vai Quan Công. Còn cậu ấy không có gì giống Trương Phi cả, e rằng đóng vai đó không ổn với tích xưa.
- Cậu ấy cũng có chút giống Trương Phi là rất hung hăng, thêm vào nữa là lòng dạ lại như Tào A Man, có vậy mới ra trị được Lữ Bố. Ta đừng có giáo điều quá, linh động sửa lại tích xưa một tý, phong đại nó lên làm Triệu Tử Long cho nó sướng, rồi triệu nó ra hợp lại với hai ta làm thành một "tam anh". Tam anh mà chiến Lữ Bố thì ắt thành công.
Đang luyện kiếm dưới chân núi Hải Vân, bổng nghe được tin vui từ triều đình truyền tới, anh Bá vui sướng râm ran, ước mơ bao lâu nay đã thành hiện thực, phen này tước vương sẽ cầm chắc trong tay, không vụt đi ở phút tám chín như các lần trước nữa. Như có một nguồn năng lượng bất ngờ truyền vào, anh Bá bừng bừng khí thế, vận công phi thân phóng vút lên đỉnh Hải Vân Sơn. Vừa lên tới đỉnh, anh đã trụ chân đứng nhìn về Bắc phương với đôi mắt cũng mang hình đồng chí, rồi bất thần vung đao ra chém tới tấp vào sương mù và mây gió, miệng hô vang khẩu quyết: Hốt, hốt, hốt hết! Bét, bét, bét hết! Nhốt, nhốt, nhốt hết!
Tuy mới chém gió vậy thôi, nhưng 72 đường của Hải Vân kiếm pháp uy lực kinh hồn tạo ra sự vang động khắp bốn phương tám hướng làm cho dân tình lâu nay quá tuyệt vọng và chán ngán đám tham quan ô trọc triều đình cũng hồ hởi phấn khởi hò reo ăn theo khắp mọi nơi.
Đang nằm ưỡn bụng thụ hưởng sau chiến thắng vang trời , anh Ba Lữ Bố bổng dưng nghe tiếng động lạ vang vọng đến từ Trung phần, bèn quát hỏi cận thần:
- Cái gì nó cù vào mông ta làm ta nhột nhột mất ngủ dzậy?
- Thưa anh, đó là thằng Bá nhãi ranh được hai anh kia tâng bốc đưa ra triều ca để hợp thành tam anh nhằm chiến với anh đó. Hắn phấn khởi quá nên la hét vang trời gây ra sự ồn ào ...
- Thế chúng mày đâu hết, không phi thân vào đó xuất vài chiêu dằn mặt cho ta. Nhớ là tử huyệt của hắn nằm chỗ cái bụng. Thằng nào mà không ăn, đã ăn vào thì bụng phình to lên nên lòi ra khuyết điểm. Cứ nhắm vào đó mà xuất chiêu thì chắc thắng.
Lũ lâu la bèn bay vào Hải Vân Sơn. Trong lúc anh Bá đang phấn khích múa kiếm la hét, chúng bất thần tung chiêu Hàm Mô Công húc mạnh vào bụng anh Bá...
Khà khà, chuyện tới đó xin tạm dừng lại như xi nê. Chưa biết sẽ ra sao về sau. Anh Bá có thực sự có 72 đường tuyệt kỹ Hải Vân Kiếm Pháp đầy uy lực để hóa giải độc chiêu Hàm Mô Công, hay là cũng giống như 72 đường Tịch Tà Kiếm Phổ của nhà họ Lâm, chỉ là hư danh dùng để chém gió?
Liệu anh Bá có vượt qua được đòn tấn công phủ đầu vào bụng, ra được chốn triều ca để tụ hợp với anh Lú và anh Tư tạo thành "Tam anh Lú Bá Tư", chiến đấu chống lại anh Ba Lữ Bố đầy quyền lực hay không, đón đọc hồi sau sẽ rõ. (còn nữa)
Tới luôn :


LÚ BÁ TƯ, TAM ANH CHIẾN LỮ BỐ - kỳ 2

Lại nói về anh Bá đang phấn khởi vận hết công lực triển khai Hải Vân Kiếm Pháp trên đỉnh Hải Vân Sơn  chém gió về phương Bắc để thị uy thì bị đám lâu la của Lữ Bố bất ngờ tấn công mãnh liệt vào nhược huyệt ở phần bụng bằng đòn độc Hàm Mô Công vô cùng hung hiểm, khó thể nào tránh thoát.


Thế nhưng, anh Bá đường đường là bậc võ công danh lừng, oai trấn một vùng trời đất Trung phần thì đâu có dễ dàng bị đám lâu la lằng nhằng nầy hạ thủ được. Bá chỉ cần hoành kiếm lại chọt thẳng ra theo chiêu thứ 9 trong Hải Vân Kiếm Pháp, gọi là Quảng Cãi Trực Phang thì cái đầu Hàm Mô Công của gã lâu la chỉ có thể chạm nhẹ vào nhược huyệt của Bá sau khi đã giảm tốc vì đi xuyên qua lưỡi kiếm của Bá.
Nhưng kiếm của Bá đã nhanh, mà đầu của Bá còn nhanh hơn. Bá chớp nhoáng nghĩ ra ngay: Thằng nầy tuy là lâu la tiểu tốt nhưng dù sao trên danh nghĩa cũng là vâng mệnh triều đình vào hạch tội ta, ta không thể vì chút nóng giận mà ra tay hạ độc thủ.
Cùng với suy nghĩ, Bá thu kiếm lại, trụ tấn, ưỡn bụng ra hứng đòn. Binh một tiếng vang tai nhoáng óc, xếp lâu la triều đình dội ngược ra sau rồi té phịch xuống đất, mặt xanh như đít nhái, ôm đầu thở đứt khúc.
Còn Bá văng bắn ra khỏi đỉnh núi rồi rơi vào vực thẳm của Hải Vân Sơn.
Không. Xuống đến lưng chừng vực, Bá lộn người tung chân đạp mạnh vào vách núi rồi dùng Vân Phong Phi Yến (chiêu thứ 70 trong Hải Vân Kiếm Pháp) bay một mạch về dinh phủ bên bờ Hàn Giang.
Không kịp nghỉ ngơi, Bá gọi ngay đệ tử Văn Cũng Đấu ra bảo:
- Ta chưa kịp ra chốn triều ca để bình tham quan cứu "ấu" chúa thì chúng đã cử lâu la đến tộn vào bụng ta. Tuy chúng là lâu la nhưng danh nghĩa là vâng mệnh triều đình nên ta phải nghiến răng bấm bụng giả bộ hứng một đòn rồi phi về đây. Tuy nhiên thằng Lữ Bố ấy sẽ tiếp tục sai lâu la vào truy kích ta đến tận nơi này. Đường đường như ta đây không thể hạ mình giao đấu với chúng được. Ta phải để dành sức ra đấu với chủ của chúng...Ngươi thay ta ra đáp lễ chúng.
Nghe nói đến đó, Văn Cũng Đấu rụng rời bủn rủn cả chân tay, mặt mày xanh lét, giọng run run thưa:
- Em..Em...là Văn...là Văn mà làm reng em chiến được...
Bá trừng mắt:
- Ông là Văn nhưng tên ông là Cũng Đấu. Hơn nữa ông được ta cất nhắc lên làm quan đầu phủ mà những lúc như thế này không ra chiến đấu thay ta thì còn ai chiến đấu hả ông kia?
Văn Cũng Đấu càng run hơn:
- Chúng nó là mệnh quan của tể tướng cử về còn em tuy núp dưới bóng anh lồng lộng nhưng cũng chỉ là một quan phủ hèn mọn thì làm sao dám chống lại lệnh triều đình. Chết em, chết em...
- Ông làm cái chi mà ông sợ rứa hử ông? Có chết thì cũng rán ra chiến một trận cho ta. Có ta đứng sau yểm trợ không méc chi phải sợ. Chừ nghe ta bày nè. Phải thế này nè, phải làm ri nè, phải...phải...phải...
Nghe một chặp, Văn Cũng Đấu lấy dần lại tinh thần thì cũng vừa lúc tên đầu đảng lâu la triều đình phi thân đến trước cửa phủ. Tên này tuy bị anh Bá dùng bụng đẩy ngã ngửa ra sau, dộng bàn tọa xuống đá rắn thốn lên đến đỉnh đầu, kinh mạch chấn động nhưng thấy đối thủ văng ra khỏi đỉnh núi rồi dông mất, tưởng mình là bên thắng cuộc nên phấn khởi, nhanh chóng phục hồi chân khí, vận công phi thân về tận sào huyệt của Bá để tiếp tục truy kích. Hắn đứng trước cửa phủ la to:
- Bớ Bá tặc ra đây nghe hạch tội và chịu sự trừng phạt của triều đình.
Không thấy anh Bá đâu, chỉ thấy quan phủ Văn Cũng Đấu dùng dằng bước ra. Quan Đấu tuy đã được lên giây cót, bề ngoài tỏ vẻ bình tâm nhưng trong bụng vẫn rối như tơ vò. Quan biết phen nầy mình làm phận ruồi muỗi giữa hai con trâu và bò đang húc nhau. "Không nghe theo anh Bá thì sẽ tiêu với anh Bá, mà nghe theo anh Bá thì chết với anh Ba. Ta vừa mới lên chức, ai ăn mà ta phải chịu vậy hở trời? Nhưng anh Ba thì ở xa, còn anh Bá thì đứng ngay sau đít...Thôi thế thì cũng phải đành thôi".
Vừa nghĩ như vậy, quan Đấu bèn hắng giọng cố lên gân cãi:
- Tội chi mà tội. Không có tội thì méc chi phải chịu trừng phạt hỉ?
Nghe những lời ngạo mạn đầy tính Quảng như vậy, mệnh quan triều đình nổi cơn giận phừng phừng hét lên:
- Tên mọn quan nầy ỷ thế ai mà dám cả gan cãi lại ta? Mày có biết...phản biện lại ta là chống lại triều đình hay không? Mày muốn tám tám thì tau cho mầy còng số tám.
Y quát chưa xong đã vận công, vung đao chém tới tấp một hơi vào 16 nhược huyệt của quan Đấu. Mỗi nhát chém là một chiêu thức hiểm độc, uy lực cực mạnh với số thành công lực phát ra từ vài chục đến vài trăm tỷ cho mỗi nhát chém. Theo thống kê, tổng số thành công lực mà mệnh quan triều đình vừa tung ra tấn cống phủ đầu lên đến 3 ngàn 400 tỷ. (tỷ là đơn vị đo thành công lực)
Thấy uy lực tấn công của đối phương vô cùng kinh hồn, Văn Cũng Đấu, tuy trong lòng run sợ nhưng đã được anh Bá bày vẽ cho từ trước nên vẫn bình tỉnh xuất chiêu chống lại.
 Đấu dùng Vân Ba Hư Bộ để lạng lách né tránh đồng thời vung kiếm xuất chiêu Quảng Cải Trực Phang, phang ra những cú chọt vào mặt đối phương để hóa giải những nhát đao cực mạnh. 34 ngàn tỷ thành công lực từ những nhát đao của mệnh quan triều đình bị Văn Cũng Đấu hóa giải thành con số không to tướng. Tiếng vỗ tay hoan hô rào rào vang lên khắp mọi nơi. Té ra lúc Đấu đang chiến, thì Bá đã cho mời 700 cơ quan ngôn luận của cả nước về làm khán giả.
Chỉ mang vào có 16 chiêu để tấn công nhưng không khuất phục được đối phương, mệnh quan triều đình hết bài. Không còn cách nào khác, quan đành hậm hực phi thân về phương Bắc để báo cáo với anh Ba.
Mới ra chiêu đã thắng được mệnh quan triều đình, Văn Cũng Đấu lại không một chút phấn khởi. Ngược lại, tay chân Đấu rụng rời, buông thỏng kiếm xuống, cúi gầm mặt thở dài. Quan biết rằng mình đã nghe theo anh Bá làm một chuyện động trời chưa từng xảy ra trong lịch sử võ lâm kiếm ký kể từ khi Giáo cướp được chính quyền: Quan phủ hèn mọn mà dám ngang nhiên chống lại quan tể tướng đầu triều. Mà chống lại ngay trước hàng chục triệu cử tọa gián tiếp qua 700 cơ quan ngôn luận mới kinh khiếp chứ.
Chuyện tày đình nầy thì không thể nào xảy ra, trừ khi phải tính chuyện ly khai... làm loạn. Mà ly khai làm loạn kiểu nầy thì chỉ có gan trời như Bá đại ca mới tính đến chuyện dám hay không chứ đừng nói chi đến Văn Cũng Đấu đang muốn phấn đấu đi lên kiếm chút... mà tội nghiệp.
Số phận của Văn Cũng Đấu ra sao trước trận lôi đình sắp nổ ra của anh Ba Lữ Bố...đón đọc hồi sau sẽ rõ như ban ngày.
HNC ( tại đây )

MAI PHIẾN DÂNG CHA DIỆP

NHT: Nhà thơ khiếm thị MAI PHIẾN, một người con thảo của Cha PHANXICÔ TRƯƠNG BỬU DIỆP từ phương xa đã gói ghém  tâm tình dâng Cha vào bài thơ sau đây, cùng với ước muốn chia sẻ với độc giả qua NHT '. Rất hân hạnh khi được tác giả tin cậy, vậy khi nhận được bài thơ này gửi qua e-mail, tôi vội vào vườn, xới đất trồng ngay bông hoa mới, bông hoa có tên là CHA, tác giả Mai Phiến. Mong rằng lại làm cho Mai Phiến "xúc động đến lặng người"  một lần nữa như Anh tâm sự trong e-mail khi biết được trong mùa Noel vừa qua, bài thơ Đêm Cực Thánh của mình đã có Cung Thương phổ nhạc đăng trên NHT '. 
Cuộc phù du trôi nổi có đôi niềm vui bất ngờ đó mà !


Chân dung Lm.PHANXICÔ Trương Bửu Diệp

 KÍNH DÂNG CHA PHANXICÔ TRƯƠNG BỬU-DIỆP
CHA
       Cha đã đến như ơn lành đã đến
            Cha đã đi theo đôi cánh thiên-thần
            Cha đã về dưới ánh-sáng Hồng-ân
                             Cha cầu-nguyện do quyền-năng Thiên-chúa    
                     Cha nằm xuống bởi quê-hương khói lửa
                 Cha đứng lên làm nhân-chứng đức tin
                             Cha hoàn-thành Thánh chức bậc chăn-chiên
           Cha lấy máu mình tô hồng Sử Đạo
             Cha là Cha đàn con Lương lẫn Giáo
            Cha hết lòng quyết bảo-vệ đàn con
            Cha hy-sinh để mãi được sống còn
                           Cha thương mến những mảnh đời khốn khó
      Cha an-ủi bao tâm hồn sầu khổ
             Cha chữa lành mọi bệnh tật ốm đau
                 Cha lắng nghe từng mỗi tiếng kêu cầu
               Cha tuyên-xưng một tình yêu bất-diệt
           Cha là Phanxicô Trương Bửu Diệp
                        Lạy Thiên-chúa xin nâng Ngài lên Thánh.
                                                                    
                                                    January 2013  -  MAI-PHIẾN

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

VẪN TỪ TẠP CHÍ CỘNG SẢN

( Tựa bài đăng do blogger)
Lại ngẫm chuyện chọn người đứng đầu
18:43' 2/1/2013
Tạp chí cộng sản  - Trong trời đất không gì quý bằng con người. Trong nhân quần không gì quý bằng hiền tài. Bởi, hiền tài là nguyên khí của quốc gia.
Theo thế, việc dùng người, nhất là người làm tướng, người đứng đầu tổ chức, quốc gia... được xếp vào một trong mấy việc hệ trọng và khó vào bậc nhất xưa nay ở đời. Ngẫm việc này, chợt lại nhớ tới dòng chữ khắc trên bia mộ một vị tổng thống ở phương Tây: “Nơi đây yên nghỉ một người tài biết dùng những người tài hơn mình”! Thế mới hay, trải suốt cổ kim, ngang dọc Đông Tây, việc dùng người đúng đắn là nỗi bận tâm và nan giải vào hàng thứ nhất trong muôn sự ở đời của mọi thời và mọi quốc gia.
Nhân chúng ta đang bàn và thực thi về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, tôi lại nhớ về ngày xưa về việc chọn người!
Có câu chuyện đối đáp đã lưu truyền trong dân gian suốt hơn 2.400 năm nay, ở một nước nọ. Rằng, một bữa, Văn Quân người đất Lỗi Dương, hỏi Mặc Tử: Có kẻ nói trung thần là người bắt cúi thì cúi, bắt ngẩng thì ngẩng, để thì im, gọi thì thưa, như thế có coi là trung thần và dùng họ được không? Mặc Tử cười đáp: Bắt cúi thì cúi, bắt ngẩng thì ngẩng, như thế khác gì cái bóng. Để thì im, gọi thì thưa, như thế khác gì tiếng vang. Nếu dùng những kẻ như cái bóng như tiếng vang ấy, phỏng được ích gì. Theo tôi đây, đã gọi là bậc trung thần thì khi vua có nhầm lẫn, phải liệu cách can ngăn mà đưa vào điều thiện. Khi mình có điều hay, phải tìm đường bày tỏ, mà không lộ ra ngoài; trên thì thành thực, một lòng một dạ với vua; dưới thì không a dua, vào bè kết đảng với ai. Những sự tốt lành, yên vui thì để phần vua hưởng; những điều oán trách, lo lắng thì một mình gánh chịu trước. Ai có được như thế, tôi mới cho là bậc trung thần và họ xứng đáng được tin cậy và ủy thác cho việc lớn trong thiên hạ.
Văn Quân cả phục và làm theo!
Chuyện ấy, lời ấy của Mặc Tử thật chí lý chí tình lắm thay!
Nhưng chạnh buồn rằng, lại từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim, nhìn và ngẫm, thấy lắm chuyện việc dùng người đáng phải trừ bỏ. Tỉ như điều sách Hoài Nam Tử ghi lại: Trong thiên hạ, có ba cái nguy: Đức ít mà được ân sủng nhiều, tài kém mà địa vị cao, thân không lập được công to mà bổng lộc lắm. Nhiều thời, người đứng đầu quốc gia đã phạm vào những điều cấm kỵ ấy, khiến cho bậc trung thần phải thất thế, kẻ hiền sĩ phải bó tay và đám loạn thần lên ngôi vênh vác, chà đạp những bậc trung thần. Quả báo không thể nào tránh nổi. Ấy là lúc lòng người ly tán, xã hội trầm luân, quốc gia điên đảo. Bao vương triều sụp đổ!
Nghĩ mà đau lòng thay! Bởi thế, ở nước ta, thời nào ông cha mình cũng dành những nỗi bận tâm bậc nhất trù tính chuyện dùng người, những mưu xã tắc muôn đời bền vững.
Nhớ thế kỷ thứ XI, dù chuyện đã kể mấy lần. Rằng, vào thời Lý, có vị Thái úy là Tô Hiến Thành. Ông tài đức vẹn toàn. Lúc ông nhuốm bạo bệnh, người ta thấy, có quan Tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm chầu chực hầu hạ, rất là “mẫn cán”, “tận tụy” (!). Ai cũng nghĩ, người ấy sẽ thay Tô Hiến Thành, khi ông khuất núi. Khi ông sắp lâm chung, bà Đỗ Thái hậu - mẹ vua Lý Cao Tôn - đến thăm và hỏi ông: Ai có thể thay ông được? Chẳng cần nghĩ, ông đáp ngay: Thưa Thái hậu! Là Trần Trung Tá. Bà chưa hết ngạc nhiên, ông tiếp: Nếu Thái hậu hỏi người cúc cung hầu hạ thì tôi xin cử Vũ Tán Đường, còn hỏi người làm tướng thì tôi phải tiến cử quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá.
Ngược thêm chút nữa, về thế kỷ thứ X. Đinh Tiên Hoàng lừng lẫy và lẫm liệt là thế, nhưng cuối đời, vì dùng bọn người Đỗ Thích, Đỗ Sơn một cách mù quáng nên nỗi thân nát nghiệp tan. Nhưng còn kịp may mắn để lại cho hậu thế một bài học dùng người thấm đẫm máu đào và nước mắt!
Trở xuôi tới thời Trần. Đây là thời kỳ được xếp vào hàng những thời thịnh trị nhất lịch sử nước nhà, với hào khí Đông A lừng lẫy. Và Trần Hưng Đạo được lưu truyền và ca tụng nhiều nhất trong việc dùng người. Lúc thường ngày, ông bỏ thù riêng, gạt hiềm cũ để cầu người mưu việc đại sự quốc gia. Ông giội nước cho Thượng tướng Trần Quang Khải tắm cốt bỏ hiềm xưa, những tỏ lòng mình trong sạch. Chuyện ấy còn truyền mãi với nhân gian. Khi lâm đại sự, ông thường khuyên các tướng: Thận trọng từ cái nhỏ, mưu trí ở việc lớn, quê mùa vì bỏ người hiền, mắc vạ vì ham lợi lộc, không tường tận vì ghét nghe kể lỗi mình, không sáng suốt bởi nghe lời gièm pha, không chắc chắn vì hay nhẹ dạ. Theo phương châm ấy, ông đối đãi hết lòng với người và hết sức khắc kỷ với mình. Và nhân gian còn nhớ mãi, dưới quyền Hưng Đạo Vương, kẻ nịnh hót gièm pha đâu thấy; người thích phỉnh nịnh phải tỉnh ngộ; kẻ tham lam, vị kỷ buộc nghiến răng lấy đó làm điều phải tự răn mình; bao bậc hiền tài, trang tướng tha hồ mở lòng giúp nước.
Thật là lẫm liệt lắm thay!
Tới thời hậu Lê. Dẫu bản thân mình bao bận thăng trầm, thậm chí về cuối đời, bị thất sủng và gánh họa tru di tam tộc, nhưng Nguyễn Trãi vẫn treo vằng vặc giữa nhân thế một vì sao Khuê. Ông từng nói với các vị quan đồng triều rằng: Yêu người gần vị tình riêng. Họ hàng thì người thấp cũng tôn quý, tiểu nhân mà người nịnh cũng tin dùng. Nhân mừng mà thưởng khen, nhân giận mà phạt giết. Người trung thực phải khóa miệng, kẻ lương thiện thì ngậm oan. Thế mà còn cứ kiêu ngạo, không sợ mệnh trời gieo họa lắm ư. Và, chẳng phải đợi lâu, lời tiên báo ấy đã thành ứng nghiệm với nhà Lê, như là quả báo.
Một quốc gia may mắn là một quốc gia có nhiều bậc hiền tài. Nhưng, để trở nên mạnh mẽ và trường tồn chỉ khi người ta biết trọng dụng con người, nhất là những bậc hiền tài ấy. Không nhìn thấy người hiền tài là mắc tội; tội to hơn là thấy người hiền tài mà không dùng họ; tội nặng hơn thế nữa là dùng mà không tin họ; thật là trọng tội nếu thấy họ mắc oan mà không bảo vệ được; nhưng cộng cả bốn tội ấy cũng không nặng và nguy ngập bằng tội đem cái mũ của bậc hiền tài đội lên đầu kẻ bất tài vô hạnh!
Ông cha ta từng luôn lấy đó làm răn!
Càng nhớ, càng nhìn, càng ngẫm lại càng hổ thẹn, thật không dám bàn thêm, khi thấy nhiều nơi ở ta, việc chọn người đứng đầu, người làm tướng không được kỹ càng như ông cha mình thuở trước./.
Nhị Lê