|
Nhóm bạn CMC ở Bãi Dâu. ĐỖ QUÝ chống nạnh, áo đen có hoa, đứng ngoài cùng, bên phải ảnh. |
NHT. Họp mặt năm ngoái, gặp lại CMC Đỗ Quý, bạn kê khai sơ yếu lý lịch là chồng chết, có 8 con ruột và nhiều con nuôi, đồng thời chỉ ngay một cậu thanh niên khá chững chạc đứng xớ rớ gần đấy: Con nuôi của Quý đó. Nghe bạn tâm sự nhiều hơn, tôi mới biết nhà Quý quả thật là một ngôi nhà đặc biệt. Không tin, mời bạn đọc người ta viết về Đỗ Quý, bạn "CMC"của tôi. Có 10 bài báo nói về Quý, tôi cũng hãnh diện post hết lên đây để khoe người phụ nữ nhân hậu từ tâm,có nụ cười đẹp nét khiêm nhường thành thật này là bạn mình .
Đây là một bài, trích (
(tại đây)
" Nếu tôi sợ lây bệnh Siđa thì chắc tôi đã không làm những việc này, mà nếu có lây cũng có sao đâu, gần 60 tuổi, sống mấy năm nữa chết là được rồi. Nhưng ngay cả đứa con trai út của tôi mới 17 tuổi, hằng ngày nó vẫn ăn ngủ cùng mấy người bệnh đó có thấy sao đâu..." ( lời chị Đỗ thị Quý)
Người mẹ và "đàn con HIV"
Khi tôi dẫn về nhà hai người mang bệnh cho ở chung, con tôi có đứa đã phản đối kịch liệt: "Mẹ buồn cười thật, nhà không ở thì cho mướn, tự nhiên đưa mấy đứa Sida về ở, rồi lỡ bị lây thì làm sao".
Bà Đỗ Thị Quý
"Nếu tôi sợ lây bệnh Sida thì chắc tôi đã không làm những việc này, mà nếu có lây thì cũng có sao đâu chứ, tôi gần 60 tuổi rồi, sống mấy năm nữa chết là được rồi. Nhưng ngay cả đứa con trai út của tôi mới 17 tuổi hằng ngày nó vẫn ăn ngủ cùng mấy người bệnh đó có thấy sao đâu…", bà Đỗ Thị Quý (khu phố 6, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi) chia sẻ khi chúng tôi hỏi về nỗi lo lây nhiễm bệnh khi hằng ngày bà vẫn tiếp xúc, chăm sóc cho những người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ.
Người đàn bà không sợ… căn bệnh thế kỷ
Chúng tôi đến thăm nhà bà Quý vào một sáng chủ nhật, căn nhà diện tích khá lớn nhưng trong nhà mọi vật dụng đều đơn giản, nổi bật là dãy giường tầng sơn màu trắng, ngay ngoài sân có mắc ba bốn chiếc võng, một bàn ghế đá, mọi người đang ngồi uống nước, chuyện trò khá rôm rả.
Mới nhìn vào ai cũng thấy căn nhà bình thường như bao căn nhà khác ở thị trấn Củ Chi này nhưng chắc sẽ không ít người bất ngờ khi biết rằng ngoài bà Quý (56 tuổi) và cậu con trai út thì sáu, bảy người còn lại đều mang căn bệnh chết người được bà Quý đưa về nhà mình nuôi dưỡng với sự thương yêu đùm bọc hết lòng, tất cả họ dù ở nhiều lứa tuổi nhưng đều gọi bà Quý là mẹ xưng con một cách rất thân thương.
Trên đường tìm đến nhà bà Quý, trong đầu chúng tôi luôn không khỏi thắc mắc, điều gì đã khiến cho người đàn bà này mạnh dạn đưa về nhà mình nuôi dưỡng, chăm sóc những người bệnh mà hầu như ai nghe tới cũng có phần e sợ, hơn nữa bà lại còn để con ruột của mình sống chung với những người bệnh?
Ngồi ngay bên bàn xỏ hột nút - công việc giản đơn hằng ngày của những người bệnh trong nhà, bà Quý nhỏ nhẹ cho biết về "cơ duyên" gắn bó với những người bệnh: "Thực sự cũng không phải do tôi có ý định này từ đầu, tất cả là vì tôi cũng đã từng có một người con trai bị nghiện ma túy và hồi đó tôi đã gửi con cho một mái ấm chăm sóc, tôi đến thăm con và thấy người ta chẳng phải người thân mà lại đối xử với con mình quá tốt, nó không ngồi ăn uống được, họ đã nâng con tôi dậy, đút cho nó ăn nữa…
Chứng kiến hình ảnh đó, tôi thực sự xúc động và cảm thấy rằng trên đời này vẫn còn rất nhiều người tốt… Khi tôi dẫn về nhà hai người mang bệnh cho ở chung, con tôi có đứa đã phản đối kịch liệt: "Mẹ buồn cười thật, nhà không ở thì cho mướn, tự nhiên đưa mấy đứa Sida về ở, rồi lỡ bị lây thì làm sao", đó là do tụi nó chưa hiểu hết về căn bệnh này nên mới lo sợ thế, nhưng sau đó khi đã hiểu ra thì chúng không còn phản đối nữa".
Có lẽ nếu không nghe, chứng kiến trực tiếp những lời bà nói và những hành động của bà với những người bệnh mà bà coi như con đẻ của mình, chắc nhiều người sẽ khó tin được. Bà nói về việc làm "bình thường" của mình một cách nhẹ tênh, chẳng lộ vẻ gì "khác thường" cả.
Khi nghe chúng tôi bày tỏ nỗi lo về nguy cơ có thể lây nhiễm, bà cười lớn rồi bảo rằng: "Mới đầu nhiều bệnh nhân vào nhà tôi ở quận 12, TP HCM, rất yếu, có đứa chỉ nặng vỏn vẹn ba mươi mấy ký, rồi có khi bị cả bệnh lao nữa, nhưng do nhà chật nên nhiều khi tôi phải nằm chung với tụi nó luôn - ba người nằm một cái nệm, song đến bây giờ tôi vẫn thấy mình khỏe mạnh bình thường, không bị lây nhiễm gì cả. Ngay như ở đây, quần áo của tôi và con trai tôi cũng đều giặt chung một máy giặt với mọi người trong nhà mà.
Trong quá trình chăm sóc người bệnh, tôi còn tự học một số kiến thức về nghề y, tự chích, bôi thuốc rồi chăm sóc ăn uống cho tụi nó. Bởi vậy mà nhiều người tuổi tác cũng không kém gì tôi bao nhiêu vẫn gọi tôi bằng mẹ xưng con. Lúc đầu thấy ngượng lắm nhưng rồi tình cảm thân thiết trong gia đình cứ ngày một lớn hơn khiến mọi người quen dần và đến bây giờ thì chẳng còn ai ngượng về việc xưng hô mẹ - con nữa".
Câu chuyện đời của những "người con đặc biệt"
Nhắc đến hoàn cảnh của những người con đặc biệt của mình, giọng bà Quý có vẻ trầm buồn hơn, đôi lúc thấy bà dường như cố kìm giữ những giọt nước mắt xúc động, cảm thương khi nói đến những đoạn đời thăng trầm của họ. "Những người ở đây (người lớn tuổi nhất cũng đã 60 tuổi - PV) chủ yếu bị bệnh do nghiện ma túy và quan hệ tình dục bừa bãi, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm sự riêng rất tội nghiệp, đứa thì vợ con bỏ, hay hoàn cảnh gia đình lộn xộn, người thì người thân không tin tưởng, kỳ thị, có người về tới nhà là bị người nhà theo dõi này kia… trong khi những người này họ rất nhạy cảm, chỉ một ánh nhìn kỳ thị hay sự đối xử không tế nhị sẽ khiến họ rất dễ tự ái, mặc cảm. Biết vậy nên mọi người trong nhà này sống với nhau thân thiết, vui vẻ còn hơn cả một gia đình, ai bị đau bệnh là mọi người đều động viên, chung tay an ủi, săn sóc".
Từ trong nhà đi ra, anh K. - người chuyên nấu ăn cho mọi người trong nhà, cất tiếng hỏi "mẹ Quý" cách nấu món canh cua rau đay vì anh không biết cách lọc cua đã xay. Bà cười bảo cứ chuẩn bị mọi thứ trước đi, chút xíu bà vào sẽ chỉ cách làm cho.
Anh K. năm nay 29 tuổi, phát hiện bị bệnh cách đây khoảng 3 năm, người khá gầy gò, trên tay vẫn còn rõ nét một vài đường xăm và vết sẹo nhỏ. "Lúc trước do buồn chuyện gia đình (ba mẹ ly hôn rồi hai người có hạnh phúc mới) nên tôi thường ăn nhậu suốt, rồi dính vào ma túy lúc nào không hay, bị nghiện kéo dài tới 5 năm, sau đó còn sống như vợ chồng cùng với một người phụ nữ lớn hơn tôi mấy tuổi (người này cũng mất cách nay khoảng hơn 1 tháng).
Thực sự đến bây giờ chúng tôi cũng không biết ai lây bệnh cho ai nữa vì cả hai đều bị bệnh này cả… Từ ngày được ở với mẹ Quý và mọi người trong nhà, tôi thấy vui và thoải mái lắm, nếu không được ở đây chắc tôi nghiện lại từ lâu hay có thể đã chết rồi cũng nên", anh K. mỉm cười nhìn mẹ Quý.
Nghe mọi người trong nhà nói chuyện rôm rả, từ chiếc lều tách biệt bên ngoài vườn, ông S. (60 tuổi) cũng đi vào ngồi chơi góp vào câu chuyện (riêng ông S. ở tách biệt vì ông ngại sẽ lây bệnh vảy nến cho mọi người). Mới nhìn ông chắc nhiều người phải e sợ vì khắp người ông bị vảy nến với rất nhiều đốm đỏ, đốm trắng… Cách đây gần hai chục năm ông S. cũng có một gia đình yên ấm cùng một đứa con gái dễ thương, hằng ngày ông đi dạy học và làm nhiều nghề khác để kiếm sống. Nhưng từ ngày vợ chồng ly hôn, ông ra ngoài mướn nhà trọ ở. Buồn chán, đau khổ, rồi có lần quan hệ với những người phụ nữ khác nhưng do hiểu biết nên ông đều dùng biện pháp bảo vệ.
Nhưng một ngày kia (năm 2005) ông bị bệnh đi khám ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ kêu ông đến nói riêng ông mới ngã ngửa, không tin vào tai mình nữa, ông về Viện Pasteur xét nghiệm thêm lần nữa thì mới biết chính xác là có bệnh… "Tôi uống thuốc ARV 6 năm nay rồi, bệnh cũng ổn định, nhưng vài năm gần đây tôi lại bị thêm bệnh vảy nến, nên nhiều lúc cũng thấy bi quan, chán nản lắm.
May mắn là ở đây, mẹ Quý cũng có chấm thuốc, mát-xa chữa trị cho tôi, giờ mới đỡ nhiều đó, chứ hồi trước nhìn thấy ghê lắm. Gia đình tôi ở quận Bình Thạnh, khi biết tôi bệnh, họ đã không nhìn tôi nữa, con gái tôi năm nay hai mấy tuổi rồi nhưng nó không hề biết tôi bị bệnh thế này, và tôi cũng chưa bao giờ dám lại gần nó…", ông vừa nói vừa cố kìm giữ những giọt nước mắt tủi phận.
Anh K. đang chuẩn bị bữa ăn
Chị X.Đ. vừa đi vá xe máy về cũng ra ngồi cùng mẹ Quý tiếp khách, thoảng nhìn chị giống như một người đàn ông thực thụ vì mái tóc hay quần áo hoàn toàn là của nam giới, chị trẻ hơn so với cái tuổi 48 của mình và không có vẻ gì của một người mang căn bệnh thế kỷ…
Theo lời của mẹ Quý thì X.Đ. đã dính vào ma túy ngay từ những năm 13, 14 tuổi, vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần, thời gian X.Đ. nghiện ma túy cũng phải hơn 10 năm, rồi sau đó còn bị bệnh lao nặng nên hồi mới vào đây X.Đ. chỉ nặng khoảng 39 kg nhưng đến giờ đã tăng lên 49 kg nhìn rất mạnh khỏe, hằng ngày X.Đ. là tài xế xe máy chuyên chở mẹ Quý đi đây đi đó.
"Gia đình tôi trước kia ở Hóc Môn, rồi cũng có thời gian chuyển qua quận 12, hồi đó tôi cũng có "chơi" ma túy nhưng tính ra tôi đã bỏ được hơn 20 năm nay rồi. Thời gian mẹ tôi bị bệnh nằm liệt giường gần 2 năm trời khiến tôi rất buồn, một tháng phải lo tiền thuốc, chữa bệnh gần chục triệu đồng nên nhà cửa cứ bán dần hết, mọi chuyện cứ càng ngày đi vào ngõ cụt nên tôi đâm ra chán nản, suy sụp… Khoảng năm 2008, tôi cứ thấy người đau yếu, uống thuốc hoài không hết, đi khám bệnh người ta mới đề nghị tôi lên Viện Pasteur thử máu, kết quả là tôi dương tính với virus HIV…", chị X.Đ. kể lại.
Ở gia đình đặc biệt này, hoàn cảnh của anh N.H. (35 tuổi, ngụ quận 2) cũng khiến nhiều người không khỏi xúc động. Anh bị lây bệnh từ bên ngoài nhưng không biết nên đã về nhà truyền nhiễm cho người vợ của mình (vợ anh N.H. đã mất cách nay 4 năm), điều còn đau buồn hơn là sau đó đứa con gái của anh cũng mang trong người mầm bệnh chết chóc bị lây truyền từ người mẹ…
Ông S. và căn lều tách biệt
Mỗi người đều có một câu chuyện quá khứ không muốn hay ngại ngần khi kể lại, nhưng họ đã cùng được chia sẻ, thương yêu, nuôi dưỡng bởi một người mẹ đặc biệt có tấm lòng bao dung, nhân ái. "Điều tôi mong muốn là có thêm điều kiện để giúp cho những người bệnh này sống tốt, và trên hết là xã hội nên có cái nhìn thiện cảm, rộng mở hơn một chút nữa, bởi nếu ra ngoài đời những người này sẽ sống sao đây, vì thế để họ có một chỗ sống tập trung thì chắc chắn sẽ bớt cho xã hội nhiều chuyện phức tạp", bà Quý tâm sự mà như nhắn nhủ với chúng tôi.
Trên đường về, chúng tôi cứ nhớ văng vẳng câu nói của chị X.Đ.: "Ở đây vui như một gia đình hạnh phúc vì mọi người không hề có sự phân biệt đối xử. Có nhiều người hô hào này kia rồi nói HIV/AIDS có gì đâu mà phải sợ chứ, nhưng khi đối diện với thực tế lại hoàn toàn khác. Một số người đến đây còn không dám ngồi vào bàn ăn cùng chúng tôi nữa, nhưng nói thật nếu tôi ra quán, ăn uống bình thường, những người khác làm sao biết tôi bị bệnh được, họ cũng ngồi ăn cùng chắc họ bị lây hết hay sao".
Hiện gia đình này luôn nhận được nhiều sự trợ giúp từ nhiều người, nhiều tấm lòng hảo tâm… bên cạnh đó mọi người trong nhà còn có việc làm thêm để góp vào chăm lo cho mọi người trong nhà. Bà Quý cho biết: "Tiền chợ cũng không tốn nhiều lắm, một ngày khẩu phần ăn cho mỗi người cũng được khoảng hơn 10 ngàn, ngoài ra còn mì gói, trái cây này kia nữa. Công việc trong nhà thì mọi người chia nhau làm".
Vợ chồng bà Đỗ Thị Quý có tất cả 8 người con, chồng bà đã mất cách nay 8 năm. Hiện ngoài khu nhà nuôi người bệnh nhiễm HIV ở khu phố 6, thị trấn Củ Chi, thì căn nhà nhỏ ở quận 12 của bà Quý cũng được dùng để nuôi dưỡng những người bệnh này.
( Báo Mẹ yêu bé-15.11.2011)