NGÀY 3 THÁNG 9.2014
Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014
CHÚA THẤU SUỐT MỌI SỰ
Chính Chúa phơi bày những ý định trong thâm tâm con người.
“..người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều,
là phải chứng tỏ lòng trung thành.
Ðối với tôi, dù có bị anh em hay tòa đời xét xử,
tôi cũng chẳng coi là gì. .
Ðấng xét xử tôi chính là Chúa.
Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn,
trước ngày Chúa đến.
Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối,
và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người”
(2Cr. 4, 1-5)
Lạy Chúa là Đấng thấu biết mọi sự,
chằng ai che dấu được Chúa,
chẳng ai luồn lách tránh được nhan Ngài.
rồi đây sự thật được phơi bày,
mọi ấn khuất sẽ ra sáng tỏ,
mọi xét xử sẽ thật công minh.
Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dcct.
Thứ sáu sau CN XXII TN.
NGUỒN : (tại đây)
ht. Cám ơn cha Thành đã nói dùm tâm tư những người ngay lành. Xét thấy sự làm thinh lâu dài của chúng tôi bao ngày tháng qua, nay cũng có kết quả. Kết quả ấy, những người tự chọc mắt họ cho mù hoặc lấy mấy tờ đô la che kín mặt thì họ chẳng thể thấy được, nhưng chúng tôi, những QUẢN LÝ TRUNG THÀNH VÌ LÒNG MẾN thì đã nhận ra rõ ràng. Vì thế, chúng tôi vui mừng trong Chúa mà xướng to lên Lời trong bài đọc 2 Cr.4,1-5 trên và cũng cùng thưa với Chúa lời cầu nguyện như cha Thành đã viết trên http://www.conggiaovietnam.net . Một câu, ngắn mà sâu :
Lạy Chúa là Đấng thấu biết mọi sự,
chằng ai che dấu được Chúa,
chẳng ai luồn lách tránh được nhan Ngài.
rồi đây sự thật được phơi bày,
mọi ấn khuất sẽ ra sáng tỏ,
mọi xét xử sẽ thật công minh.
BĐD.CMCVN.
(kỷ niệm ngày vợ chồng Ba Búa Long&Tuyết Long ( California) thuê luật sư Chiêu Minh gửi giấy dọa kiện BĐD.CMCVN. ra tòa, sau khi họ đã làm việc với Sr.Loan dòng MC - trích nội dung thông báo dọa của luật sư-).
TIN MÙA TRUNG THU NĂM NAY
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VÀ "PHÉP LẠ BÁNH TRUNG THU"
CHO TÙ NHÂN HỒNG KÔNG
Tờ báo NCR (National Catholic Reporter) mới đây đặt một câu hỏi:
"Phải làm gì khi bạn cần tới 10.000 bánh trung thu mà lại cần thật gấp rút?"
Câu trả lời là: "Hãy viết thư cho Đức Giáo Hoàng!"
Sự thực thì Đức Giáo Hoàng khó nghèo của chúng ta đã không cung cấp tất cả 10.000 chiếc bánh trung thu đâu, nhưng nghĩa cử của Ngài đã tạo ra một 'phép lạ' giống như xưa khi Chúa Giêsu làm phép lạ cho 5 cái bánh và 2 con cá để nuôi 5000 người đàn ông, chưa kể đàn bà và con trẻ.
Có người cho rằng phép lạ đích thực của 'hiện tượng bánh hoá ra nhiều' của Chúa xẩy ra được, chính vì cử chỉ tượng trưng của Ngài đã khuyến khích 'tinh thần san sẻ' giữa những người "có" và người "không có" trong đám đông.
Chúng ta không dám "lạm bàn" về phép lạ của Chúa vì làm như vậy là hoài nghi về quyền năng siêu nhiên của Thiên Chúa. Tuy nhiên "Phép lạ bánh trung thu" mới đây nếu có thể gọi được là "phép lạ", thì rõ ràng đã xẩy ra bởi vì tấm gương "san sẻ" cho người nghèo của Đức Thánh Cha.
Đức Hồng Y Joseph Zen, 81 tuổi, giám mục về hưu của Hồng Kông, từ 4 năm nay vẫn làm việc mục vụ để chăm sóc tù nhân, những người cải huấn, cai nghiện, phục hồi chức năng của Hồng Kông.
Ngài thường mua bánh trung thu mỗi năm cho nơi Ngài tới thăm, vì phong tục ở đây là tìm về gia đình trong ngày tết trung thu để có thể chia sẻ những tấm bánh với những người có mặt và không quên để dành những lát bánh cho những người vắng mặt cũng như những người quá cố.
Cho nên, theo Đức Hồng Y Zen, thì tấm bánh trung thu mang một ý nghĩa rất đặt biệt về niềm vui gia đình, về đoàn tụ và hạnh phúc. Tặng bánh trung thu cho tù nhân là một nghĩa cử đem lại nguồn an ủi và hy vọng cho họ.
Năm nay, Đức Hồng Y Zen ước vọng có được 10.500 chiếc bánh để tặng cho tất cả mọi tù nhân vào dịp Tết Trung Thu, ngày 19 tháng 9 tới đây. Biết rằng Đức Phanxicô là một người đầy lòng thương xót, Đức Hồng Y Zen nói với AsiaNews, "Tôi đoán rằng Ngài cũng sẽ quan tâm đến việc tặng bánh trung thu cho các tù nhân ở đây." Ngài đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng.
Đức Hồng Y đã đoán đúng. Ngài nhận được hồi âm vào ngày 7 tháng 8 của Đức Giáo Hoàng như sau: "Thưa Đức Hồng Y quí mến, tôi sẵn sàng tham gia việc tặng bánh trung thu cho các anh chị em của chúng ta trong các nhà tù của Hồng Kông, Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta ở ngưỡng cửa Thiên Đàng. Chúc mừng Tết Trung Thu! Thân ái ban phép lành, PP Phanxicô."
Đức Hồng Y Zen đã nắm bắt lấy cơ hội, Ngài đã in nhiều tấm thiệp với lời hồi âm của ĐGH (dịch ra hán văn) và gửi cho những giáo hữu ở Hồng Kông xin họ hãy noi gương ĐTC.
Chỉ khoảng 2 tuẩn lễ, tiền quyên góp ào ạt đổ về, lên tới 170,000 đôla HK (22,000 USD), đủ để mua bánh cho mọi tù nhân.
Vào đầu tháng Chín, Đức Hồng Y Zen cho biết, "Tôi đã gửi cho Đức Thánh Cha một hộp bánh Trung Thu và chúc lễ hội đến Ngài." Đó là một hộp bánh nhân hạt sen có 2 lòng đỏ trứng muối.
Ngài cho biết thêm "Khi tôi đến thăm các tù nhân vào cuối tháng Tám, họ nhắc nhở tôi về bánh trung thu," Ngài mỉm cười. "Tôi chắc chắn rằng họ đã biết việc Đức Thánh Cha Phanxicô hổ trợ sự kiện này, vì họ thường theo dõi tin tức trên các báo."
Câu chuyện vui đã không ngừng ở đây, nhiều nhà thờ và tổ chức dân sự cũng đã noi gương ĐTC, quyên góp bánh trung thu và phân phối đến những người cao tuổi sống một mình và đến các gia đình có thu nhập thấp.
Niềm vui lễ hội đang lan rộng tới tất cả mọi người.
Chúc mừng Trung Thu
Têrêsa Thu Lan
http://vietcatholic.net/
CHUYỆN CHIẾC BÌNH NỨT
CHUYỆN MINH HỌA :
LÀM ĐẸP
Có một câu chuyện kể với tựa đề ‘Chiếc thùng bị thủng’ như sau: Một người kia có hai chiếc thùng lớn để gánh nước. Một trong hai chiếc thùng ấy bị thủng. Vì thế, khi gánh từ giếng về, nước trong thùng chỉ còn một nửa. Chiếc thùng còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc thùng bị thủng cứ luôn áy náy vì đã không chu toàn nhiệm vụ.
Một ngày kia, chiếc thùng bị thủng mới thưa với ông chủ : - Tôi thật sự xấu hổ về mình, tôi muốn xin lỗi ông !
Ông chủ ngạc nhiên hỏi lại :
- Nhưng ngươi xấu hổ về chuyện gì ?
Chiếc thùng buồn bã trả lời :
- Chỉ vì cái lỗ thủng trên thân tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức của ông!
Đến đây thì ông chủ ôn tồn bảo :
- Không đâu, ngươi cứ yên tâm. Mỗi khi đi từ giếng về nhà, ngươi hãy chú ý nhìn xem những luống hoa bên vệ đường. Quả thật, dọc theo bên đường là những luống hoa thật rực rỡ.
Chiếc thùng bị thủng cảm thấy vui vẻ hơn được một lúc, nhưng rồi về đến nhà, nó vẫn chỉ còn được một nửa thùng nước. Chiếc thùng lại thấy ân hận :
- Tôi xin lỗi ông!
Ông chủ lại hỏi :
- Ơ hay, thế ngươi không nhận ra rằng hoa chỉ mọc ở bên này đường, phía của ngươi thôi sao? Ta đã biết được cái lỗ thủng của ngươi và ta đã tận dụng nó. Ta đã gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phía bên ngươi, và trong những năm qua, chính ngươi không ngờ mình đã tưới cho chúng được tốt tươi. Ta đã hái những đóa hoa để trang hoàng cho căn nhà. Nếu không có ngươi, căn nhà của ta đâu có được tươi mát và duyên dáng như thế này !
Ông chủ đã sửa chữa khuyết điểm của chiếc thùng bị thủng rất là tế nhị và tài tình. Thay vì đem hàn lại lỗ thủng hoặc bỏ hẳn chiếc thùng đi, ông lại sử dụng nó vào hai nhiệm vụ, vừa gánh nước vừa tưới hoa. Điều này đã khiến nó không còn áy náy, mà trái lại, càng thêm hãnh diện vì đã đem lại lợi ích cho chủ nó.
SƯU TẦM
Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014
Ý NGHĨA CÂY CẦU
Tại một học viện quân sự, ngày kia huấn luyện viên ra đề tài cho các sĩ quan hãy vẽ một chiếc cầu. Cả lớp đều hiểu đó là một chiếc cầu được thiết kế cho mục đích quân sự, trừ ra một chàng sĩ quan có ý kiến khác hẳn. Anh đặt chiếc cầu trong bối cảnh thơ mộng của một ngọn núi, dưới ngọn núi là dòng sông mà hai bên bờ là những thảm cỏ xanh. Nổi bật nhất là hai cậu bé đang đứng trên cầu để câu cá. Huấn luyện viên không chấp thuận bài làm của anh và ra lệnh cho anh phải loại bỏ hai cậu bé. Thế là anh liền chuyển hai cậu bé xuống thảm cỏ xanh, nhưng huấn luyện viên càng tỏ ra tức tối, buộc anh không được để lại hình ảnh hai cậu bé trong bản vẽ. Cuối cùng anh vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ xanh của bờ sông. Anh muốn nói cho huấn luyện viên biết rằng mình đã chôn hai cậu bé trong hai ngôi mộ đó.
Với tâm hồn nghệ sĩ hoàn toàn khác biệt với mục tiêu quân sự, anh quan niệm chiếc cầu được xây là để nối liền hai bờ sông hầu giúp con người qua lại mà liên hệ được với nhau. Thiếu sự đi lại của con người, chiếc cầu không những trở nên vô nghĩa, mà còn tượng trưng cho sự chết chóc xảy ra giữa con người với nhau.
Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014
KHẨU NGHIỆP
ht. Khi chưa theo đạo Công Giáo, ba mẹ tôi và chị em chúng tôi vẫn thường đi chùa và là những Phật tử siêng năng kinh kệ. Bên ngọai tôi đạo Phật. Tuần rồi, nghe tin dì tôi bị ngã rồi mất trí nhớ, tôi vội đến thăm. Dì là em út của mẹ tôi. Cả tuần nay dì tôi không đi chùa được nên nét mặt vừa xanh vừa sầu. Chú tôi kể lể : Chú đã nói với dì rằng ngày xưa tôi thương yêu bà thế nào thì bây giờ bà ốm đau tôi vẫn thương yêu bà bằng tình yêu ấy. Tôi nghe lời chú tôi nói mà cảm động.
Rồi chú tôi buồn buồn, hạ giọng : Dì mày chỉ khổ ở cái khẩu nghiệp. Tôi lại lan man suy nghĩ về hai chữ khẩu nghiệp trong câu nói của chú tôi. Đạo Phật bàn gì về khẩu nghiệp ? Khẩu nghiệp là gì ?
Và sau đó, về search trên mạng , tôi có ngay lời giảng sau đây :
KHẨU NGHIỆP
“Là con Phật, nếu không nói được những gì Phật nói, hãy im lặng như chánh pháp, đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác, và nếu không làm được những gì Phật làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức, đừng vọng động làm những điều thương tổn đến tha nhân”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma
và một câu chuyện rất hay của đạo Phật :
CHUYỆN về KHẨU NGHIỆP
Trong chùa, có một anh câm. Không ai nhớ anh ta đến chùa từ bao giờ, vả lại cũng không mấy người để ý đến anh ta. Anh ta lo mấy sào vườn ở sau chùa, lúc thì trồng rau, lúc thì trồng đậu, làm việc rất là siêng năng. Lúc rảnh, anh ta vào bếp giã gạo và vào những ngày sóc vọng, chùa đông khách, anh ta giúp việc dưới bếp, và rửa bát ở bờ ao cạnh bếp.
Vì anh ta câm, nên chẳng ai nói với anh và nếu có việc cần nói thì phải ra hiệu. Hết việc, tối nào anh cũng quanh quẩn ở trên chánh điện, quét dọn, lau chùi, và mỗi năm vào kỳ Kết hạ, mỗi lúc có khóa giảng thì anh ta cầm chổi đứng gần cửa phòng hội, ra vẻ đang quét nhà, nhưng thật ra là nghe giảng kinh ...
Một ngày kia, không thấy anh, vị tri sự bước vào căn phòng nhỏ xíu của anh ở góc vườn, lúc đó mới biết rằng anh câm bị đau, sốt nặng không dậy được. Vị tri sự trình Tổ và mọi người thấy Tổ vào thăm anh câm. Ngài ngồi với anh rất lâu và khi Ngài trở về phòng, nét mặt trang nghiêm của Ngài thoáng vẻ hân hoan.
Từ hôm ấy, chú tiểu ngày hai ba lần mang cháo vào cho anh câm và Tổ mỗi khi xuống thăm thì ngồi cả giờ, mọi người cho rằng anh câm có phúc, được Tổ thương và nếu có mệnh hệ nào thì được Ngài độ cho.
Vào đúng giờ Ngọ hôm đó, người ta thấy Tổ chậm rãi bước ra khỏi phòng anh câm và khi Tổ nhận thấy mọi người chắp tay vây quanh thì Tổ nói rất ngắn: “Ngài đã viên tịch rồi”.
Ai ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên: Tổ gọi anh câm cuốc vườn là Ngài! Tổ là một thiền sư đạo hạnh nổi tiếng không những trong vùng, mà ngay cả ở chốn kinh kỳ xa xôi nữa. Nhưng không ai dám hỏi Tổ cả.
Cho đến khi làm lễ hoả thiêu xong, bài vị của anh câm đã được đặt trên chùa, và khóa cầu siêu thường lệ chấm dứt, mọi người được nghe Tổ nói như sau:
“Thật ra, vị chấp tác làm vườn ở chùa ta là một vị tăng, không những là một vị tăng ở kiếp này, mà là từ kiếp trước. Kiếp trước, Ngài tu hành tinh tấn, nhưng Ngài vẫn tái sinh làm kiếp người, chưa lên được cõi trên vì nghiệp của Ngài còn nặng. Kiếp này, Ngài lại tu nữa, và do ta giúp đỡ, Ngài biết rằng Ngài chưa xóa được khẩu nghiệp. Vì thế Ngài phát nguyện tu tịnh khẩu nghiệp. Ngài tịnh khẩu, ai cũng tưởng là Ngài câm. Đến nay thân, khẩu, ý của Ngài đều đã thanh tịnh nên Ngài đã ngộ, vì thế ta mới nói rằng Ngài tịch diệt. Bàn thờ Ngài ở kia, có thể bỏ đi được, nhưng thôi hãy cứ để đấy, không phải là để cúng Ngài, mà chính là để nêu cái gương tu hành cho mọi người.”
Người nghe chuyện, ai ai cũng yên lặng cúi đầu, nghiền ngẫm về sự tu hành. Từ ngày đó, trong chùa, không ai bảo ai, người ta chỉ nói vừa đủ, những mong đến lúc nào đó tịnh được khẩu nghiệp, thoát khỏi sinh tử luân hồi như vị bồ-tát đóng vai anh câm làm việc sau chùa.
Nguồn : (tại đây)
Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014
THÁNH GIÁO HOÀNG GRÊGÔRIÔ CẢ
Ngày 03/09: Thánh Grêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh
THÁNH GIÁO HOÀNG GRÊGÔRIÔ CẢ
MẪU GƯƠNG CỦA CÁC CHỦ CHĂN
VÀ GIỚI LÃNH ĐẠO XÃ HỘI
1. Đôi dòng tiểu sử
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả. Để hiểu về cuộc đời của vị thánh được mọi người yêu mến này, thiết tưởng không có gì tốt hơn là chúng ta hãy lắng nghe bài chia sẻ của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI gần đây.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với hơn 2000 tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 03-9 tại dinh thự nghỉ mát Castel Gandolfo của ngài, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cầu mong cho mọi người đặc biệt là các chủ chăn trong Giáo Hội cũng các như giới chức lãnh đạo trong xã hội, biết noi gương khiêm nhường phục vụcủa thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả, Tiến sĩ Hội Thánh.
Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: "Anh chị em thân mến, hôm nay mùng 3 tháng 9, Lịch phụng vụ Rôma kỷ niệm thánh Grêgôriô Cả, Giáo hoàng Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài sinh khoảng năm 540 và qua đời năm 604. Đây là gương mặt đặc biệt, hầu như duy nhất của một con người phải được coi như là mẫu mực cho các chủ chăn cũng như các giới lãnh đạo cuộc sống công cộng. Thật thế, Đức Grêgôriô Cả trước hết đã là đô trưởng rồi đến Giám mục Rôma. Khi là quan của triều đình, ngài đã chứng tỏ mình là người có một khả năng đặc biệt về hành chánh và sự vẹn toàn luân lý đạo đức, đến độ mới chỉ có 30 tuổi mà ngài đã giữ chức vụ dân sự cao nhất thời bấy giờ là quan đô trưởng thành phố. Dù vậy, trong thâm tâm, ngài vẫn chỉ nghĩ tới ơn gọi viện tu của ngài. Khi thân phụ qua đời năm 574, ngài bắt đầu sống đời viện tu. Luật dòng Bênêđictô đã trở thành cơ cấu chi phối toàn bộ cuộc sống của ngài. Cả khi được Đức Giáo hoàng đề cử đi làm đặc sứ tại Đông Phương ở Constantinople, ngài vẫn cũng giữ cung cách sống của một tu sĩ viện tu, đơn sơ và khó nghèo.
Khi được triệu vời về lại Roma, mặc dù đang sống đời tu sĩ, ngài đã là cộng sự viên thân tín của Đức Giáo hoàng Pelagio II và khi Đức Giáo hoàng này qua đời vì bệnh dịch hạch, Đức Grêgôriô đã được mọi người tung hô ngài như người kế vị. Ngày 3 tháng 11 năm 590, trong khung cảnh trang nghiêm của thánh đường thánh Phêrô, Grêgôriô đã chính thức được bầu chọn làm giáo hoàng. Ngài tìm mọi cách tránh né chức vụ đó, nhưng sau cùng phải chấp nhận và buồn lòng rời tu viện, để tận hiến cho cộng đoàn, với ý thức là mình phải chu toàn một bổn phận và chỉ là một "tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa". Ngài đã viết trong Luật Mục vụ như sau: "Thật sẽ không phải là khiếm tốn thục sự, khi một người hiểu rằng mình có bổn phận hướng dẫn ngài khác do ý muốn của Thiên Chúa, mà lại vẫn khinh chê nhiệm vụ cao cả đó"(Regola pastorale, I,6). Với sự nhìn xa trông rộng có tính cách ngôn sứ đó, Đức Giáo hoàng Grêgôriô đã trực giác được, nhờ sức mạnh quy tụ và nâng cao luân lý của Kitô giáo mà một nền văn hóa mới đã hình thành, một gia tài đang nảy sinh từ sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Rôma và các dân tộc khác vẫn thường bị coi là “dân man rợ”.
Tiếp tục bài huấn dụ về gương mặt của Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả, Đức Thánh cha Bênêđictô XVI nói: "Dù là một người có một sức khỏe yếu kém, nhưng thể chất luân lý của ngài luôn mạnh mẽ, nên thánh Grêgôriô Cả đã có được các hoạt động mục vụ và dân sự sâu đậm. Ngài đã để lại nhiều thư từ, bài giảng tuyệt diệu và một cuốn chú giải sách ông Gióp, các sáng tác về cuộc đời thánh Bênêđictô, ngoài ra còn có các văn bản phụng vụ và việc cải cách thánh ca, được mang chính tên của ngài. Đó là bình ca "Grêgôrianô".
Trong các tác phầm ngài để lại, phải công nhận tác phẩm nổi tiếng nhất của thánh nhân, chắc chắn vẫn là cuốn "Luật Mục vụ" như đã nhắc đến trên đây. Đối với hàng giáo sĩ, tác phẩm này rất quan trọng y như Luật của thánh Bênêđictô đối với các tu sĩ thời Trung Cổ". Và Đức Thánh Cha tóm gọn ý chính của tác phẩm đó như sau: "Cuộc sống của một người chăn dắt các linh hồn phải là một hoà hợp quân bình giữa sự chiêm niệm và hoạt động, được linh hoạt bởi tình yêu thương, để đạt tới một đỉnh cao nhất, khi biết cúi xuống trên các đau đớn sâu thẳm của người khác. Khả năng cúi xuống trên sự bần cùng đối với người khác là thước đo sức mạnh của lòng hăng say hướng tới tha nhân" (II, 5).
Các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticanô II đã lấy hứng từ những giáo huấn luôn luôn thời sự này của thánh nhân để vạch ra hình ảnh của vị chủ chăn cho thời đại của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Trinh Nữ Maria để cho các chủ chăn của Giáo Hội và các các vị hữu trách các cơ cấu dân sự biết noi theo gương sống của thánh Grêgôriô Cả.
Vâng! Trên đây là lời chia sẻ rất thâm sâu về cuộc đời của Đức Thánh Giáo Hoàng Grêgoriô Cả.
2. Một vài Phép lạ còn được ghi nhận
Tuy quyền cao chức trọng, nhưng Đức Grêgôriô vẫn một niềm khiêm tốn. Ngài thường ngồi ăn với kẻ nghèo hèn và thường rửa chân cho họ. Một ngày kia, Ngài cầm bình nước đến rửa tay cho một người. Bỗng nhiên Ngài thấy họ biến đâu mất. Đến đêm, Chúa Giêsu hiện ra nói với Ngài rằng: “Người mà con đã tiếp hôm qua, đó là chính ta đấy”.
Lòng thương người của thánh Grêgôriô không đóng khung trong bốn bức tường của điện Vatican, nhưng còn lan tràn khắp nước Ý và tỏa rộng khắp năm châu. Ngày nay mỗi khi đọc những bức thư của Đức Grêgôriô ai cũng nhận thấy lòng thương yêu vô lượng của vị cha chung đối với người túng thiếu và bệnh tật? Chứng kiến đời sống khắc khổ và những cử chỉ bác ái của đức Grêgôriô, nhiều nhân vật trí thức và những người lạc giáo đã ăn năn trở lại. Đời sống thánh thiện của ngài đã thành ngọn đèn hướng dẫn muôn người. Nghiên cứu đời sống và hoàn cảnh xã hội, thời Đức Gregoriô, nhiều sử gia phải hạ bút kết luận bằng bốn chữ “Hoàng kim thời đại”.
Một ngày kia, Đức Thánh Cha cỡi ngựa ra ngoài thành. Bỗng nhiên thấy ngựa bất kham như muốn vật ngã mình xuống đất. Nhưng Thiên Chúa thông minh vô cùng đã cho ngài biết âm mưu của bọn pháp sư. Ngài giơ tay làm dấu thánh giá, tức thì quỉ sợ hãi la hét ầm ỹ rồi trốn ra khỏi ngựa. Chứng kiến phép lạ này, các pháp sư đều đồng tâm hối cải và xin thụ giáo. Sau một thời gian học tập, chính bàn tay khả kính và đầy lòng thương yêu của ngài đã rửa tội cho các hối nhân. Với tấm lòng nhân từ của người cha, và lòng quảng đại vô biên, ngài luôn mở rộng cửa lòng tiếp đón hết mọi hạng người.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014
CON RẮN CẮN CÁI CƯA
Đêm nọ, có một con rắn bò vào xưởng mộc kiếm ăn.
Chủ xưởng mộc này vốn khá bừa bộn, thế nên trên sàn rải rác các thứ dụng cụ, trong đó có một cái cưa.
Con rắn bò lòng vòng trong xưởng. Nó vô tình trườn qua cái cưa và bị ăn một vết cắt nhỏ.
Con rắn ngay lập tức cho rằng cái cưa đã tấn công mình. Cáu tiết, nó quay lại và cắn thật mạnh vào cái cưa. Phát cắn ấy khiến miệng nó bật cả máu.
Con rắn lại càng thêm nổi xung lên. Cái thứ đồ xám xịt này là gì mà dám làm tổn thương nó? Nó tiếp tục tấn công, không ngừng không nghỉ. Được một hồi, cả cưa be bét máu
Con rắn thấy vậy làm ra vẻ bằng lòng lắm. Cái cưa lúc này trong như đã “chết rồi.” Thế là rắn ta hí hửng bò đi.
Sáng hôm sau, người thợ mộc đến mở cửa xưởng. Vừa kéo cửa ra, ông vội bật lùi lại. Bên trong xưởng là một cái xác rắn hôi thối, bâu đầy ruồi bọ. Có vẻ nó chết do mất máu.
st.
Nguồn : (tại đây)
Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014
VỀ BÊN CHÂN CHÚA
Với một từ "bạn", theo tôi, chúng ta chỉ nên bàn về mặt tốt đẹp, đừng với nghĩa xấu. Đã xấu với nhau ắt không còn phải là bạn nữa.
Như vậy, bạn, có nghĩa là người tốt, cư xử tốt, nói năng tốt, thái độ tốt, hành động tốt.
Hôm qua tôi đã phải tiếp chuyện một người, trước đây tôi vốn coi là bạn.
Nay, trong dịp gặp gỡ này,
người ấy đã mạnh mẽ nói xấu một người thứ 3 vắng mặt.
Người ấy đã xúi tôi làm một điều ngu xuẩn, hèn nhát.
Người ấy đã chê bai tôi vì tôi đã không phân bua, để bị hiểu lầm.
Người ấy đã phê bình tôi quá thật thà để bị bạn bè lừa.
Người ấy đã dàn cảnh cho tôi làm chứng dối.
Và còn hơn thế nữa,
người ấy đã đại diện cho sự dữ để cám dỗ tôi làm mất lòng Chúa.
Quý vị nghĩ xem, người này khuyên tôi từ bỏ thánh giá, nhận lấy vinh vang, an nhàn, được mọi người nghĩ tốt vì đã chịu lụy đồng tiền. "Tội gì phải khổ !", đó, người này đã nói vậy.
Ôi, trời ! Thế mà là bạn à ?
Khi tiếp xúc với người này, tôi cảm nghiệm thấm thía Lời Chúa trong bài Phúc Âm chính ngày :
"Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?" (Mt 16,26)
Nghe Lời Chúa, hiểu và thấm Lời Chúa, đó là nhờ Ơn Thánh Thần.
Tạ ơn Chúa Thánh Linh đã ban cho con của ăn thiêng liêng là Hồng Ân hiểu được Lời Ngài, thật không gì vui sướng hơn. Và con muốn dùng Lời Ngài làm bửu bối để nói với ma quỉ rằng : "Hỡi satan, hãy xéo đi !"
Rồi tôi lặng thinh, về bên chân Chúa, NGƯỜI BẠN TUYỆT THÁNH của tôi.
ÁN OAN
Ảnh minh họa cho bài |
ht. Bạn có bao giờ suy nghĩ về một án oan dành cho ai đó, do bởi cái lưỡi làm chứng gian của bạn không ?
Một trong những nguyên nhân chính gây ra các bản “án oan nghiệt” đời thường như thế là: tách sự việc ra khỏi ngữ cảnh lớn hơn của nó. Khi ta lấy một chi tiết nhỏ trong một câu chuyện để giải thích cho toàn bộ câu chuyện thì ta có nguy cơ vướng vào hiểu lầm và gây ra tai hại. Những gì ta nhìn thấy hay nghe được có thể chỉ là một mẩu thông tin nhỏ xíu, một chi tiết không đáng kể trong một câu chuyện lớn hơn nhiều. Tầm nhìn, lỗ tai con người rất giới hạn. Nhiều khi, đàng sau những gì ta thấy ta nghe còn có cả một hoàn cảnh phức tạp. Chưa hiểu thấu hoàn cảnh ấy mà đưa ra đánh giá sẽ dễ dẫn đến oan khiên đáng tiếc, bất công đáng trách, hậu quả đáng buồn.
Gốc rễ của cách ứng xử nhiều sai sót này nằm ở một chữ “thiếu”: thiếu thông tin về bức tranh tổng thể của câu chuyện mà lại chủ quan vội vàng đưa ra nhận định; thiếu bình tĩnh, kiên nhẫn, lắng nghe cho hết mọi khía cạnh; thiếu lạc quan vào bản chất tốt đẹp của con người, trong đó có chính bản thân; thiếu khiêm nhường về sự giới hạn trong kiến thức của mình, nhưng lại cho mình là biết chuyện, rồi tự lấy quyền xét xử người khác; thiếu hiểu biết về bản thân mỗi khi có nỗi sợ trong lòng (lúc ấy người ta hay có khuynh hướng phóng chiếu nỗi sợ ấy ra bên ngoài lên tha nhân để tạo một cảm giác an ổn nào đó cho tâm lí mình, đây là một dạng của “suy bụng ta ra bụng người”); thiếu quân bình trong cái nhìn về con người (dễ dẫn đến tình trạng tập trung vào điều mình không thích nơi người khác thay vì ưu tiên nhìn điểm tốt đẹp nơi họ trước, vạch lá tìm sâu thì hay bị sầu tim); thiếu cái nhìn tích cực của Chúa, bởi khi con mắt tâm hồn tối tăm thì tất yếu sẽ khó nhận ra ánh sáng nơi tha nhân và dễ dàng lên án họ;…
YYYYYYY
Có một người đã từng gây ra ‘án oan’ khi ông truy lùng bắt bớ những người mang tên là Kitô hữu. Đó là Phao-lô. Lúc ấy ông cũng vội vàng kết luận và kết án họ khi chưa hiểu toàn bộ câu chuyện của họ liên quan đến Đức Giêsu. Phao-lô sau này đã viết: “Xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người.” (1Cr 4:5)
Còn Đức Giêsu, Đấng duy nhất có khả năng thấu suốt mọi bí ẩn của tâm hồn, thì dạy rõ ràng: “Anh em đừng xét đoán người khác.” (Mt 7:1; Lc 6:37; Ga 7:24)
Giuse Tuấn Việt, O.Carm.
(trích ÁN OAN trong Only 3 minutes)
Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014
ĐIỀU RĂN THỨ 8
ht. Bài Phúc âm CN. hôm nay đặt trọng tâm vào việc từ bỏ thế gian để được sự sống muôn đời, cùng với kết quả hứa ban cho những gì người ta đã làm ở đời này :" Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm" (Mt 16,27) , suy rồi chợt rùng mình khi nghĩ đến những dối trá, gian xảo lòai người phạm ở đời này. Một người bạn đã kể cho tôi nghe chuyện quả báo nhãn tiền ngay ở đời này dành cho một ông kia ở DM., đã làm chứng gian, chứng dối, không biết mà làm chứng là có biết. Thật khủng khiếp !
Vậy, đang khi chuẩn bị áo mũ xênh xang ra tòa làm chứng gian cho người lành, bà con ta là con cái Chúa, hãy cùng nhau ôn lại bài Giáo Lý này nhé!
CHỚ LÀM CHỨNG DỐI
(tại đây)
Ta hãy xem bài Kinh Thánh thuật lại chuyện loài người từ nguyên thủy đã bị Satan gieo vào lòng tinh thần gian trá thế nào :
Trích sách Khởi Nguyên, ch.3
Rắn là vật tinh ranh, xảo trá hơn mọi dã thú Thiên Chúa đã làm ra. Nó đến với bà Eva và nói :
- Hẳn Thiên Chúa đã phán : Các ngươi không được ăn cây nào trong vườn cả. (Dĩ nhiên là nó có ý gieo sự ngờ vực về lòng tốt của Thiên Chúa vào lòng bà).
Ngay tình, bà cứ thực đáp :
- Đâu có ! Mọi quả cây trong vườn, chúng tôi được ăn cả, chỉ trừ quả cây ởgiữa vườn, thì Thiên Chúa phán : “Các ngươi chớ có ăn, kẻo chết uổng mạng. (Đó là Thiên Chúa thương chúng tôi, sợ chúng tôi phải chết vì ăn quả độc ấy).
Nhưng rắn (tức là thần tăm tối, độc ác) chỉ đợi có thế, nên hắn chộp lấy câu ấy mà đưa ý độc vào :
- Chết ư ? Chết thế nào được ? Quả nhiên, Thiên Chúa biết ngày nào các người ăn nó, mắt các người sẽ mở ra và các người sẽ nên như những Thiên Chúa khác, biết lành, biết dữ. Do đó, Thiên Chúa mới cấm.
Quả nhiên, người đàn bà mắc mưu gian của Rắn. Bà nghĩ : Thiên Chúa sợ con người bằng Thiên Chúa. Bà mới nhìn lên cây, quả cây ăn chắc phải ngon, mà nhìn thì thật sướng con mắt. Bà nghĩ nó đáng quí thực, cây ấy ăn vào thì sẽ được tinh khôn. Thế là bà đã hái quả ấy mà ăn và cũng đã trao cho chồng bảo chồng ăn nữa. Và thế là tai họa xảy ra. Họ đã bị Rắn phỉnh gạt. Mắt họ mở ra, nhưng thay vì thấy mình được bằng Thiên Chúa, thì chỉ thấy mình trần trụi (nghèo nàn đi, mất mọi cái tốt đẹp Thiên Chúa ban cho). Rồi khi Thiên Chúa đến để trò chuyện vào buổi hoàng hôn êm ả, gió thanh bình hiu hiu thổi, thì ông bà sợ quá chạy đi núp mình khuất mắt Thiên Chúa, che giấu sự nghèo nàn, trần trụi của mình. Nhưng Thiên Chúa đã gọi cả hai ra, trách phạt đích đáng.
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Satan đã dùng mấy lời khéo léo gài bẫy bà Eva, hắn rất tài tình trong chiến thuật phỉnh gạt này, để đạt mục đích tối tăm : phá đổ hạnh phúc của ông bà tổ tông và của cả nhân loại. Thật khủng khiếp thay ! Chỉ một vài lời nói mà có sức phá hủy cả một công trình tạo dựng tốt đẹp của Thiên Chúa ! Nhưng không phải bao giờ nó cũng phá hủy ! Vậy, ta hãy suy nghĩ về cái khả năng tốt đẹp là lời nói mà Thiên Chúa đã ban cho ta. Ta có thể lái về đàng tốt là xây dựng, an ủi, thông cảm ; về đàng xấu là phá đổ, lường gạt, gây đau khổ...
1/ Điều trước tiên : Lời nói là một ân huệ của Thiên Chúa ! Có bao giờ bạn nghĩ thế chưa ? Và có bao giờ bạn cám ơn Thiên Chúa đã ban cho bạn lời nói, và không bị câm ? Chắc có lần ta thấy hai người đang như trò chuyện, nhưng lại có những cử chỉ kỳ quặc : hai tay họ liên tục làm những dấu hiệu kỳ lạ và nhanh, nét mặt họ cau lại, lúc lại trợn trừng cách khó nhọc, làm ta tưởng họ đang cãi nhau... Lại gần, ta không nghe thấy một âm thanh nào cả ! Đó là hai người câm ! Tội nghiệp : họ đang cố gắng rất cực khổ dùng những dấu hiệu bàn tay, nét mặt, để nói những câu chuyện không lời. Nhưng thật là vô cùng khó khăn, cực nhọc : vì làm sao diễn tả được tất cả những gì họ cảm, họ nghĩ, họ ước ao... bằng 5 ngón tay và những cử chỉ nghèo nàn ấy ?
Vì thế, ta thường thấy những người câm rất hung dữ, nóng nảy, nếu không thì ngấm ngầm xa lánh mọi người, càng ngày càng chôn vùi kiếp người trong cô đơn, bị loại xa xã hội loài người...
So sánh với họ, ta thật có phúc và giàu có : sống mà nói được, đó là một sinh thú trên đời. Thường ta coi là chuyện bình thường, kỳ thực, đó là một ơn huệ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dựng nên ta : điều ấy đã rõ. Nhưng Ngài không chỉ dựng nên ta câm nín, như con vật thông minh mà thôi (như con chó trong nhà). Kinh Thánh bảo : Ngài yêu thương và dựng ta “theo hình ảnh của Ngài”, tức là phú cho ta khả năng suy nghĩ, trái tim yêu thương và lời nói để phô diễn những tư tưởng và tâm tình dào dạt trong lòng. Có lời nói, chúng ta được truyện trò thú vị, dốc bầu tâm sự cho vơi nỗi sầu, cười đùa cho vui càng thêm vui...
Lời nói thật là một khả năng tuyệt vời, là của báu mà bạn có được, nó làm bạn hạnh phúc. Chẳng may, ngày nào bạn bị câm, bạn sẽ thấy vô cùng bất hạnh, vô cùng cô độc, và chán sống. Vậy bạn hãy tạ ơn Chúa !
2/ Điều thứ hai : Lời nói cũng là một nghĩa vụ : Ta cám ơn Chúa đã ban cho ta lời nói. Cách biết ơn tốt nhất là sử dụng nó đúng như ý muốn của Chúa. Vậy Ngài muốn sao ?
Không chỉ muốn ta nói năng, biểu lộ tư tưởng và tình cảm để vui sống, mà còn muốn rằng : nhờ truyền thông cho nhau những ý tưởng và tâm tình, kiến thức, ao ước, quyết định..., ta được học hiểu Chúa hơn mà thông hiệp với chính Chúa và thông hiệp với anh chị em đồng loại. Thế nghĩa là nhờ lời nói, ta nhận ra được Chúa yêu thương ta, ta kết hiệp với Ngài, rồi nhờ lời nói, ta nói làm sao để an ủi, xây dựng, phục vụ, giúp ích mọi bề cho anh em mình...
Buồn thay ! Tội tổ tông truyền đã làm cho sự cởi mở, chân thành của ta với đồng loại bị phá hủy, xáo trộn. Thay vì thông hiệp, yêu thương, ta gieo hận thù, chia rẽ ; thay vì phục vụ, ta lường gạt, lừa dối... Cứ xem truyện Kinh Thánh kể trên kia đủ thấy : Sau khi sa ngã theo lời dụ dỗ phỉnh phờ của “Cha sự láo khoét” (Phúc Âm Ga 8.44), thì ông Ađam đổ tội cho bà Eva, bà Eva không biết trút tội cho ai, liều tố cáo con rắn... Lời nói nay trở ngược mũi giáo : thay vì đem phúc, nay gieo họa, gây tang tóc, đổ vỡ, chiến tranh, đau đớn, buồn tủi..., đến nỗi Thánh Giacôbê phải than : “Lưỡi là lửa,... là tàn lửa nhỏ, thế mà đốt cháy cả đám rừng lớn... Chính hỏa ngục đã nhóm lên” (Gc 3.5-6).
3/ Điều thứ ba : Nghĩa vụ phải chân thật trong lời nói cũng như cách cư xử : Thời đại ta, hình như ăn gian, nói dối, lường gạt... đã tới mức trầm trọng, tràn ngập cả mọi tầng lớp trong xã hội... Và tai hại nhất là người ta coi đấy như một sự kiện tự nhiên..., thôi đành chấp nhận vậy. Không được ! Người Kitô hữu không thể có thái độ buông xuôi như vậy ! Hay chúng ta không còn tin rằng Chúa phép tắc vô cùng ? Rằng Chúa quyền phép có thể biến đổi xấu nên tốt ? Vậy ta hãy cầu xin, đồng thời phải hành động, dù một phần nhỏ bé, tùy sức ta. Có người đã nói : “Thà đốt lên một ngọn đèn nhỏ, còn hơn chỉ ngồi mà nguyền rủa bóng tối”. Vậy mỗi người trong chúng ta hãy bắt đầu thắp lên một ngọn đèn nhỏ trong gia đình đã, nghĩa là ta hãy học tập và dạy cả cho con em ta ngay thẳng và thật thà trong lời nói cũng như cách cư xử. Để góp phần vào việc này, xin đưa thêm vài suy nghĩ và thực hành :
a/ Chức vụ của lời nói là phụng sự chân lý : lời nói chỉ đạt tới tất cả vẻ cao đẹp của chức năng nó - như ý Chúa muốn - khi nó cống hiến đúng như sự thật. Cũng như chiếc đồng hồ mà không chạy đúng giờ, lúc nhanh, lúc chậm, lúc chết... Ra ngoài phố, người ta hỏi : mấy giờ rồi, ta nhìn vào đồng hồ, nó chết queo rồi ! Ôi quê quá ! Nếu sửa mãi không được, thì ta chỉ còn đem bán lạc xoong... Cũng vậy, khi lời nói và cung cách cư xử của ta không đi đúng sự thật, nghĩa là đúng như ta nghĩ trong lòng, và đúng như chân lý của Chúa, thì lúc ấy, ta đã làm hỏng dụng cụ Chúa ban là lời nói, ta đã phản bội chức vụ của lời nói. Và Chúa Giêsu đã dạy : “Lời nói của các ngươi phải là có thì nói có, không thì nói không, còn ngoài ra là do từ ác thần mà nói ra” (Mt 5.37). Lại có lời khác rằng : “Ta bảo các ngươi : mọi lời hư từ người ta nói ra, người ta sẽ phải trả lẽ ngày phán xét. Vì bởi lời ngươi nói, ngươi sẽ được trắng án, và bởi lời ngươi nói, ngươi sẽ bị kết án” (Mt 12.36-37).
Mặc dầu xã hội bên ngoài có điêu ngoa, điên đảo đến đâu, người Kitô hữu và gia đình Kitô hữu cứ đi cho đúng đường Chúa dạy.
b/ Không những thế, ta còn phải huấn luyện cho con em ta ngay từ nhỏ : “Bé không vin, cả gẫy cành”, tục ngữ đã nói thế. Trẻ con tự bẩm chất rất hồn nhiên và ngay thẳng, có thế nào nó tỏ ra thể ấy. Vì thế, đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ ! Lúc còn nhỏ, trí óc trẻ con chưa học ở người lớn cách lừa lọc, dối gạt, bóp méo... Nó như chiếc ống kính thu hình, có sao, in vào như vậy. Do đó, ngay từ nhỏ, giúp cho con em in vào trí óc, thành tập quán ngay thật. Nhưng có một nhận xét tâm lý đáng lưu ý ở đây : chính vì khả năng trí óc trẻ con còn hạn hẹp, nên có đôi khi nó chưa có thể nhìn đúng những sự việc xảy ra, lại chưa có đủ trí nhớ chính xác để nói lại cho đúng, và khi nói ra, chưa đủ lão luyện để diễn tả cho đúng, thiếu ngôn ngữ, hoặc nhất là vì tưởng tượng của trẻ vô cùng phong phú và sống động (nó có thể thưởng tượng cái ghế nó đang ngồi rung rinh là con ngựa đang phi...), thế là điều nó nói ra không hoàn toàn đúng, ta có cảm tưởng nó nói dối, nói sai sự thật và trừng phạt.
Phụ huynh thiếu hiểu biết về điểm tâm lý, sẽ gây ra hậu quả tai hại là làm mất sự tin cậy, cởi mở của con em..., chúng cảm thấy lạc hướng, mất an toàn, vì thấy tại sao mình nói như mình hiểu, lại bị trừng phạt, đánh mắng... Và rồi, vì cảm thấy nói như lòng cảm nghĩ, thì bị phụ huynh đánh mắng, nó sẽ học cách nói dối, nói khác cái nó nghĩ để chiều lòng người lớn, thế là nó đâm mất ngay thẳng và thật thà. Học sinh cũng vậy, chúng nói dối thường là vì lo âu trước hình phạt, hoặc vì thấy thầy, cô không tin cậy vào chúng...
Bởi vậy, ở điểm này, phụ huynh phải kiên nhẫn và biết thông cảm với những khuyết điểm tâm lý non yếu của chúng, và hướng dẫn từ từ : với tuổi lớn dần, khả năng trí óc phát triển của chúng sẽ biết gạn lọc đâu là sự thật, đâu là sự tưởng tượng. Khi khả năng diễn tả, ngôn từ giàu có hơn, chúng sẽ nói trúng hơn. Vậy, điều cần nhất là phụ huynh đừng vội gán tội nói dối, điêu ngoa cho chúng, mà hãy biết thông cảm và uốn nắn từ từ, chỉ cho chúng thấy phải nói thế nào cho chỉnh... Làm như vậy, con em sẽ biết ơn cha mẹ, cha mẹ sẽ sung sướng vì được con cái tin cậy, cởi mở với mình. Mà chỉ giáo dục được, khi con cái tin cậy và cởi mở. Lòng chúng mà một lần khép kín hẳn lại, thì ta giáo dục mấy, dạy dỗ mấy cũng vô ích, chỉ trợt ra ngoài, hay đụng vào một cánh cửa đóng kín.
c/ Một điều cũng rất quan hệ là tránh gương xấu. Ai cũng biết : con em coi người lớn, cách riêng cha mẹ, là gương mẫu, nó nhìn theo mà học cách sống làm người. Tục ngữ có câu : Cha nào con nấy, Hổ phụ sinh hổ tử. Nó như tờ giấy trắng, như ống kính thu hình, có sao ghi vậy và làm theo. Nhưng có điều quái gở - đây là một sự yếu đuối do nguyên tội truyền lại - là học cái tốt thì ít, học cái xấu, cái dở thì nhiều và rất mau. Xem thế, gương xấu của cha mẹ, anh chị lớn cứ hàng ngày treo trước mắt nó thật nguy hại biết chừng nào ! Không ngờ, bao cha mẹ đã toàn chỉ đường dối trá, lường gạt cho con em mình ! Chắc nhiều bậc phụ huynh quên trách nhiệm trước tòa phán xét của Chúa về các gương xấu. Chúa chúng ta đã cảnh cáo mạnh mẽ: “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong các kẻ nhỏ này, thì thà nó bị khoanh cối đá vào cổ rồi nhận chìm đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian vì những cớ vấp phạm. Tất nhiên không thể tránh việc có gương xấu, song khốn cho kẻ làm dịp gây gương xấu và vấp phạm...” (Mt 18.6-7).
Ngược lại, chúng tôi xác tín rằng : dù ngoài xã hội có đầy dẫy gương xấu về gian dối, nếu trong gia đình, cha mẹ đã nhờ ơn Chúa và biết lấy lời Chúa mà uốn nắn con cách khéo léo, để tâm hồn nó nhiễm tính ngay thẳng, thật thà, thì ảnh hưởng xã hội không thể lung lay tâm hồn nó được, hay nếu có, cũng chỉ phần nào thôi !
đ/ Trong số những ảnh hưởng xấu bên ngoài, phải kể đến phim ảnh, báo chí, truyền hình, sách truyện... Vì trục lợi vô lương tâm, người ta đã cho ra đời những văn hóa phẩm, trong đó trình bày sự gian xảo, dối trá, lường gạt, căm thù, tranh cãi như những phương thế hữu hiệu và rất tự nhiên để dành quyền lợi, để mưu sinh, để có tiền tiêu xài, để làm giàu... Cha mẹ có lòng muốn con em mình nên người thật thà, thì sẽ lưu tâm chỉnh đốn cách khéo léo những sự trình bày sai lệch đó. Cấm con em đọc mọi sách báo, xem mọi phim ảnh là điều không thể làm được... Vậy, tốt hơn cả là hướng dẫn chúng xem và đọc sao cho khỏi bị tổn hại. Hẳn ta còn nhớ ví dụ : cá vàng sống trong bồn nước hư thối, cứ sống mãi, thở hít trong đó, tất nó sẽ nhiễm bệnh. Vậy phải giải độc nước ấy đi, tức là chỉ dẫn cho con em biết học cái tốt, trừ cái xấu trình bày trong các văn hóa phẩm nói trên.
Trong công cuộc trường kỳ giáo hóa, cha mẹ phải kiên nhẫn làm thường xuyên, chứ không chỉ lâu lâu mới la om xòm vài câu là đủ bổn phận. Chúng ta quá bận bịu trăm công ngàn việc, đúng vậy, song nếu ta thương con cái thật lòng và muốn nó hạnh phúc, ta phải cố gắng thôi. Trong cuộc giáo hóa, phụ huynh không những phải kiên nhẫn - điều rất cần ! - mà còn phải nhẹ nhàng, êm ái, có chừng mực, đầy thông cảm và yêu thương, gây nơi con tình cảm tin cậy, nhất là phải khuyến khích con làm điều thật thà, ngay thẳng, một thành công nhỏ của chúng, ta cũng nên khen thưởng, khích lệ. Chớ nóng nảy, đánh mắng làm chúng thấy nặng nề và đâm khiếp đảm, tuyệt vọng và chai lỳ. Chúng là cây non mà, sao lại đối xử với chúng ngang tầm với mình, đòi chúng phải có ngay những tâm tình mà chính mình phải mất cả đời mới tập được ! Kinh Thánh đã dạy : “Hỡi các người làm cha, đừng gắt gao làm hẫn chí uất hận con cái, kẻo chúng đâm tuyệt vọng” (Cl 3.21).
Trong giờ cầu nguyện và học Lời Chúa tại gia đình này, ta hãy cùng nhau xin Chúa chúc lành cho công cuộc giáo dục của ta, cũng xin Chúa ban ơn cho cả chúng ta - những phụ huynh và người trưởng thành - được biết dùng lời nói của mình cho đúng ý Chúa.
Tích truyện
Ông chủ kia một hôm sai đầy tớ ra chợ :
- Hãy mua cái gì ngon nhất về cho ta uống rượu !
Người đầy tớ đi chợ, mua cái lưỡi heo, về xào lăn thật ngon đem lên. Ông chủ ăn khen ngon. Lần sau, ông lại sai đi chợ, nhưng mua món gì dở nhất. Người đầy tớ cũng lại mua lưỡi heo. Ông chủ ăn xong, ngạc nhiên hỏi :- Tại sao lần trước, ta sai ngươi mua đồ ăn ngon nhất, ngươi cũng mua cái lưỡi, lần này mua đồ dở nhất cũng là cái lưỡi ?
- Thưa ông chủ, đúng thế, vì cái gì tốt lành cũng do cái lưỡi, mà cái gì xấu xa người ta nói ra cũng do cái lưỡi.
(Trích Giáo Lý Khơi nguồn Đặc Sủng Thánh Linh Công Giáo)
***
(ht. Thành thật xin lỗi vì hôm qua ht. đăng sai tên giáo xứ, là ĐH. thay vì DM). Thư kể như sau :
mariatt@ :
Dưới quê em, Giáo xứ Đức Huy cũng có một vụ giống như CMCVN của mình, em sẽ kể cho mọi người nghe để các Chị đọc và cùng suy gẫm.
>Có một người con trong giáo xứ Đức Huy tặng và bán rẻ cho Cha một mảnh đất để cha mở chợ, (ngày xưa chưa có sổ đỏ, giấy tờ chỉ là viết tay mà thôi) Cha có hứa sẽ cho Ông một chỗ trong Chợ nhưng sau đó Cha xứ lại không mở chợ nữa... Nhà Ông đó vẫn ở đó. Bây giờ Cha chính xứ đã chết, không có di chúc gì cả. Đất để trống, Ông muốn lấy lại mảnh đất đó. Nhưng Ông không thể làm gì trên mảnh đất đó được người dân cho là đất của Cha của giáo xứ nên phá mỗi khi Ông đó trồng cây gì. Ông đem đi kiện khắp mọi nơi, từ HÀ Nội, Đến TPHCM nhưng chẳng có kết quả gì hết. Mới đây em cũng nghe nói Ông đem thư kiện ra ngoài tòa giám mục Xuân Lộc nữa, nhưng rồi Ông cũng chưa can tâm.
> Mọi người nói là nếu Cha kiện, và giáo xứ kiện thì chắc chắn Ông đó thua và bắt buộc phải ra khỏi mảnh đất đó. Nhưng với Cha xứ thì luật dòng và luật tôn giáo Cha không thưa kiện gì hết. Ông kiện Cha, Khi được mời hầu tòa thì Cha hầu tòa. Cha chỉ mong là ông nghĩ lại và hoán cải thôi.
>
>Có giống CMCVN mình không các chị. Gửi tới luật sư biện hộ cho anh Chị Tuyết Long là hãy về giáo xứ Đức Huy để học hỏi thêm kinh nghiệm về vụ kiện.... có lẽ sẽ có ích cho quí vị. Em sẽ mượn Cha quyển sách về vụ kiện, em sẽ scan và gửi cho các chị đọc cho tường tận sau nhé.
|
Cha cố Đinh Xuân Hiên Ngài đã được người ta vừa bán vừa tặng miếng đất và Ngài có ý mở chợ ,nhưng vi không được phép của chính quyền nên thôi,sau khi Ngài mất người ta đã đòi lại nhưng con chiên trong GX không chịu,người hiến tặng đã đi kiện......(nói xấu Cha Cố và bêu xấu GXĐH ) Cha Xứ đương nhiệm thảo ra một số tài liệu để mọi người trong GX đều được biết đọc và cầu nguyện.
Nhà người hiến đất này cũng có một người con làm LM,cũng tai tiếng sao đó ,không may vị LM này bị tai nạn chết trong thời điểm đó người ta bảo QUẢ BÁO.
Tất nhiên chúng ta không được quyền xét đoán,nhưng chúng ta cũng nên nhìn vào sự việc xảy ra để cảnh tỉnh mình.
(trích emails cc. cho ht.)
Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014
AI NẤY XỨNG VIỆC HỌ LÀM ( Mt 16,27)
Chúa Nhật Tuần XXII Mùa Thường Niên Năm A
Bấm nghe Lời Chúa Hôm Nay :
MP3 (tại đây)
BÀI ĐỌC I: Gr 20, 7-9
"Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ được tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói, tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày. Tôi đã nói rằng: "Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9
Đáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao Chúa (c. 2b).
1) Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước! - Đáp.
2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài. - Đáp.
3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con; con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ. - Đáp.
4) Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 12, 1-2
"Anh em hãy tiến thân làm của lễ sống động".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm. Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo. Đó là lời Chúa.
HALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b
Halleluia, Halleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Halleluia.
PHÚC ÂM: Mt 16, 21-27
"Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".
Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm".
Đó là lời Chúa.
ht. Chúc Bạn tham dự sốt sắng Thánh Lễ này vào ngày mai .
ĐOÁN XEM NÓ ĐƯỢC LÀM BẰNG GÌ ?
Đoán xem ba hình ảnh đầu tiên được làm bằng vật dụng gì ..?
Bạn đã đoán ra là làm bằng đồ gì chưa ạ ? Mời Bạn xem tiếp !
Bạn sẽ không thể tưởng tượng ra khi thọat nhìn bức ảnh dưới đây.
Nó đã được thực hiện như thế nào?
Tại Sydney, Australia – Với 3604 tách cà phê, người ta đã lót thành chân dung Mona Melissa.
Điều này đã được thực hiện bằng cách thêm số lượng khác nhau của sữa vào 3604 tách cà phê để hình thành những cấp bậc khác nhau cho sắc độ của bức chân dung trên.
10 LÝ DO CHỊU ĐAU KHỔ
Horatio G. Spafford là một luật sư giỏi ở Chicago hồi thập niên 1800 và là bạn của nhà truyền giáo Dwight L. Moody. Luật sư Spafford được kính trọng và tốt lành, nhưng ông vẫn không tránh khỏi những lúc khổ đau.
Trước hết, ông mất đứa con trai vì chứng ban đỏ (scarlet fever). Rồi vốn đầu tư làm ăn cũng bị thua lỗ. Không lâu sau đó, 4 cô con gái của ông chết trong một vụ đắm tàu ở Đại Tây Dương, chỉ còn bà vợ Anna của ông sống sót nhờ bám vào chiếc phao rồi được cứu.
Tại sao bi kịch xảy ra với người tốt? Luật sư Spafford không thể hiểu, nhưng rồi ông vẫn vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Mọi người có thể tôn vinh Thiên Chúa ngay cả trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời. Theo Kinh Thánh, đây là 10 lý do để chúng ta chịu đau khổ :
1. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta phạm tội. Chẳng có ai công chính (Rm 3:10), nghĩa là ai cũng là tội nhân (Rm 3:23). Những người không có đức tin thì sống biệt lập với Chúa, còn những người có đức tin thì trải nghiệm từng khoảnh khắc, từng ngày, từng mùa... về niềm tin vào Thiên Chúa. Quy luật tâm linh được tạo ra để triệt tiêu tội lỗi trong đời sống của tín hữu, quy luật này nghiêm khắc, kể cả cái chết: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết. Giả như chúng ta tự xét mình, thì chúng ta đã không bị xét xử. Nhưng khi Chúa xét xử là Người sửa dạy chúng ta, để chúng ta khỏi bị kết án cùng với thế gian” (1 Cr 11:29-32).
2. Chúng ta chịu đau khổ vì người khác phạm tội. Vợ chồng và con cái chịu đau khổ vì bị lạm dụng. Công dân chịu đau khổ vì chính quyền tham những. Satan xúi giục vua Đa-vít thống kê dân số Ít-ra-en, và có 470.000 người chịu hậu quả (2 Mcb 10:20). Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết không phải vì lỗi của Ngài mà vì tội lỗi của nhân loại.
3. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta sống trong thế giới tội lỗi. Tai nạn và tai họa xảy ra, mỗi năm có hàng triệu người chết. Thánh Phaolô nói rằng “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8:22). Đó là hậu quả của tội lỗi.
4. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta được tự do chọn lựa. Quyền năng Thiên Chúa và khả năng của con người là hai sự thật trong Kinh Thánh. Chúng ta không là robot, chúng ta có thể chọn lựa vì Thiên Chúa cho chúng ta quyền tự do. Đôi khi sự chọn lựa của chúng ta gây đau khổ – cho mình và cho người khác. Randy Alcorn viết: “Nếu Thiên Chúa tước hết vũ khí và ngăn chặn các tài xế say xỉn, thế giới này sẽ không là thế giới thật để con người chọn lựa… Trong một thế giới như vậy, người ta sẽ chết mà không có nhu cầu, chỉ thấy mình ở Địa ngục”.
5. Chúng ta chịu đau khổ vì sự sống đời đời. Thế giới này không là nhà của chúng ta, chúng ta chỉ là khách vãng lai. Chúng ta là công dân Nước Trời. Thánh Phaolô nói: “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất” (Dt 11:13). Chính đau khổ ngăn cản chúng ta bám víu vào thế gian này, vì thế gian sẽ qua đi.
6. Chúng ta chịu đau khổ để không gặp điều tệ hại hơn. Đau khổ làm cho chúng ta tập trung vào nguyên nhân, để cố gắng sửa đổi trước khi tệ hại hơn. Cơn sốt dẫn chúng ta tới bác sĩ, tại đây chúng ta được chẩn đoán và chữa trị. Ở mức lớn hơn, đau khổ cho chúng ta biết có gì đó bất ổn, và dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu. Bóng tối, đau khổ, cô đơn, lo buồn... Mọi thứ đó giúp chúng ta nắm bắt thực tế cuộc sống, giúp chúng ta cần đến Chúa.
7. Chúng ta chịu đau khổ để thông phần đau khổ với Đức Kitô và nên giống Ngài. Thánh Phaolô nói: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11). Nhờ kinh nghiệm đau khổ mà chúng ta có thể an ủi người khác khi họ chịu đau khổ. Khi chúng ta chịu đau khổ là chúng ta được nên giống Đức Kitô. Thánh Phaolô phân tích: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4:17).
8. Chúng ta chịu đau khổ để tôn vinh Thiên Chúa. Chúa Giêsu động viên chúng ta nếu chúng ta chịu đau khổ vì danh Ngài: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:10-11). Ngài cảnh báo rằng thế gian sẽ ghét chúng ta vì họ đã ghét Ngài trước (Ga 15:18). Trong thư gởi giáo đoàn Do Thái, chương 11, có người nhờ đức tin mà được chúc lành bằng của cải và thành công, có người lại được chúc lành bằng đau khổ và cái chết. Thiên Chúa không phân loại các anh hùng đức tin này tùy trường hợp của họ, Ngài chỉ tôn vinh họ vì vững mạnh đức tin. Nếu các Kitô hữu có cuộc sống thoải mái thì sẽ làm cho Phúc Âm hấp dẫn vì các lý do sai lệch.
9. Chúng ta chịu đau khổ để trưởng thành tâm linh. Chúa Giêsu là Đấng hoàn hảo, vậy mà Ngài còn phải chịu đau khổ để học được đức vâng phục. Thánh Phaolô cho biết: “Nhờ Chúa, tôi rất vui mừng vì cuối cùng thấy tình cảm của anh em đối với tôi lại thắm thiết. Tình cảm đó vẫn sống động, nhưng anh em chỉ thiếu dịp tỏ ra. Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4:10-13). Thánh Phaolô xác định: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr 12).
10. Chúng ta chịu đau khổ để hy vọng vinh quang Nước Trời. Kh 21:4 nói: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” Thánh Phaolô nói: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8:18).
Có nhiều lý do để chúng ta chịu đau khổ, đôi khi khó nhận biết chính xác. Như trường hợp Thánh Gióp, ông không bao giờ biết việc đánh cược của Satan với Thiên Chúa. Nhưng đây là sự thật:
Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi đau khổ của chúng ta.
Thiên Chúa vẫn hiện hữu ở bên chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ.
Thiên Chúa luôn hành động với chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ.
Nếu Thiên Chúa muốn chúng ta biết lý do, Ngài sẽ nói với chúng ta (qua Kinh Thánh hoặc cách nào đó).
Thiên Chúa tác động qua cái ác và đau khổ để sinh ra điều tốt, loại bỏ điều xấu mà Satan và kẻ xấu có thể làm cho chúng ta.
Ngày nào cũng có đau khổ, nhưng hãy nghĩ về hạnh phúc vĩnh hằng ở Nước Trời mai sau. Randy Alcorn viết: “Số phận của chúng ta không lệ thuộc vào những người kiện cáo, hoặc những chính trị gia, luật sư, giáo viên, huấn luyện viên, sĩ quan quân đội, hoặc chủ nhân. Họ có thể chống lại chúng ta – và Thiên Chúa hoàn toàn có thể chuyển những điều xấu thành điều tốt nhất cho chúng ta”.
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ OnceDelivered.net)
http://conggiao.info/index.aspx
Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014
NGƯỜI THỨ BA
Người thứ ba (Mt 25, 14-30)
Đó chính là vấn đề của người thứ ba trong dụ ngôn. Dụ ngôn nói nhiều nhất về trường hợp này, bởi vì hoàn cảnh của người này phù hợp với tất mọi người chúng ta ở chiều sâu, không chỉ trong ý thức nhưng nhất là trong vô thức. Bởi vì một cách khách quan có sự khác biệt nhiều ít, nhưng cảm nhận của chúng về điều mình có và điều mình là luôn luôn là ít và là ít nhất. Và khi chúng ta rầu rĩ về mình, đó chính là lúc chúng ta đang ghen tị với người khác và tất yếu chúng ta sẽ kêu trách Thiên Chúa, là Đấng Tạo Dựng, khởi đi hình ảnh lệch lạc về Người: tại sao Chúa ban cho con có bao nhiêu đó, tại sao Chúa “bất công”, tại sao Chúa hà khắc như vậy…?
Chúng ta nên cảm thông với người thứ ba, vì anh chỉ có một nén thôi. Tuy nhiên, anh phải bình an với sự khác biệt này, cho dù là rất khó, vì đây là sự khác biệt thua thiệt. Anh phải vượt qua và mọi người cần giúp anh vượt qua thử thách này. Trong xã hội và có khi ngay ở bên cạnh hay chung quanh chúng ta, có rất nhiều người ở trong tình trạng này. Chính chúng ta được mời gọi xác tín với tâm tình tri ân cảm tạ bản thân mình như thế đó là một ơn huệ và chúng ta có sứ mạng giúp người khác có cùng một xác tín như vậy. Và người khác có khi là chính anh em hay chị em của chúng ta trong gia đình hay trong cộng đoàn.
Người thứ ba trong dụ ngôn có hình ảnh méo mó về điều mình có, nên tất yếu có hình ảnh méo mó về người chủ, và chắc chắc có hình ảnh méo mó về người khác nữa: “tại sao anh lại may mắn hơn tôi?” Thái độ tự ti, mặc cảm, hành động co cụm, yếm thế, lãng phí là những hệ quả tất yếu. Và cuối cùng anh trở thành nạn nhân của chính hình ảnh méo mó mà anh có về người chủ: anh nghĩ người chủ hà khắc, sự hà khắc ập xuống trên anh. Điều này có nghĩa là, khi mình nghĩ xấu và sai về người khác, thì cái xấu và cái sai đã hành hạ mình rồi, từ sâu thẳm tự bên trong.
Giuse Nguyễn văn Lộc
MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI SỐNG
Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 17 tháng Tám, 1999, một trong những trận động đất kinh hoàng nhất đã xảy ra trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Nó đã san bằng hàng trăm công trình kiến trúc và làm thiệt mạng hàng ngàn người.
Khi động đất xảy ra, một kế toán viên 40 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ là Yuksel Er vừa mới đi ra từ phòng vệ sinh ở lầu ba trong khu chung cư sáu tầng lầu.
Bỗng dưng, mọi thứ bắt đầu quay cuồng. Chính ông cũng lảo đảo và bị rơi vào dòng thác cuốn của đồ vật. Trong 45 giây tiếp đó tai ông như điếc vì tiếng động mạnh.
Và rồi, bỗng dưng mọi sự im lặng một cách ghê sợ.
Khi Yuksel tỉnh dậy, ông thấy mình bị kẹt dưới đống gạch vụn trong một vùng thật tối.
Trong khoảng cách nhỏ bé đó, ông không thể nào cựa quậy được, chỉ có thể nằm yên ở đó.
Trên mình ông và chung quanh ông là những vụn vỡ của tòa chung cư sáu tầng lầu.
Lúc đầu ông tưởng là tận thế. Nhưng khi nghe thấy tiếng rên rỉ ở xa xa, ông biết là một điều gì khác đã xảy ra.
Trong bốn ngày liền, ông không ăn uống gì. Ông dùng thời giờ để cầu nguyện, suy nghĩ về đời sống và tự hỏi đời sống sau khi chết sẽ như thế nào.
Lúc đầu, ông còn la lớn kêu cứu. Nhưng thấy vô ích ông im lặng dưỡng sức.
Ông bắt đầu nhớ đến gia đình, và nhất là đứa con trai 13 tuổi mà ông vừa mới la rầy nó chỉ vài giờ trước trận động đất - vì nó cứ dành máy computer của gia đình để chơi "game".
Sau đó vào ngày thứ tư, khoảng một giờ sáng, ông nghe có tiếng gọi quen thuộc. Chỉ trong vài phút, ông nhận ra tiếng của đứa cháu và thằng con 13 tuổi. Chúng đào xới đống vụn để lôi ông lên.
Khi đứa con trai lôi được ông ra khỏi đống gạch vụn, điều đầu tiên nó nói là, "Bố ơi, con sẽ không bao giờ làm bố giận nữa." Ông Yuksel trả lời, "Bây giờ thì không còn quan trọng nữa, vì bây giờ mọi sự sẽ khác biệt."
Sau này, khi ở trong bệnh viện, Yuksel nói với gia đình và bạn hữu: "Đây là cuộc đời thứ hai của tôi. Tôi sẽ cố gắng tận dụng cuộc đời ấy." Và rồi ông khóc. Giống như tiếng khóc carry-cross của đứa bé mới lọt lòng mẹ.
Trước trận động đất, Yuksel sống với những ưu tiên và mục đích, không khác gì những ưu tiên và mục đích của chúng ta. Sau cảm nghiệm ấy, các ưu tiên và mục đích của ông thay đổi cách đáng kể.
Điều này đưa chúng ta đến bài Phúc Âm hôm nay. Trong bài Chúa Giêsu nói rằng, "Nếu ai trong các con muốn đến với Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá của con và theo Thầy."
Ở đó chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ về sự ngu dại khi giành được thế gian nhưng đánh mất điều quan trọng nhất trong tất cả: là sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Sau cùng, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu nói: "Con Người sẽ thưởng cho họ tùy theo hành động của họ."
Hãy trở về với câu chuyện của Yuksel. Khởi đầu tưởng rằng là một thập giá nặng nề, nhưng sau cùng lại là một phước lành lớn lao.
Nó đã dạy cho ông và thúc giục ông sống thời gian còn lại theo một phương cách xứng hợp với Chúa, và với suy nghĩ của Thiên Chúa chứ không phải của Satan.
Cũng giống như trận động đất đã thay đổi cuộc đời ông Yuksel, bài Phúc Âm hôm nay cũng nhắm đến một kết quả tương tự cho chúng ta - tối thiểu cho một số người trong chúng ta. Có lẽ, như Phêrô, lối suy nghĩ về đời sống của chúng ta trở nên nguy hiểm hơn và càng giống với kiểu cách suy nghĩ của Satan hơn là của Thiên Chúa.
Có lẽ, giống như Phêrô, chúng ta đang mất dần ý nghĩa của đời sống. Một đời sống không hoàn toàn vì vui thú và không muốn tránh càng nhiều thập giá càng tốt.
Đúng ra, đó là một đời sống để được phần thưởng là sự sống đời đời. Đó là lối sống trong những năm còn lại của chúng ta ở đời này để giúp chúng ta gặt được phần thưởng là sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Rõ rệt hơn nữa là vác thập giá hằng ngày của chúng ta và chấp nhận các thập giá ấy trong tinh thần mà Chúa Giêsu đã chấp nhận thập giá của Người.
Và đây là phần đáng kể. Một khi chúng ta bắt đầu sống như Chúa Giêsu đã dậy, chúng ta sẽ khám phá ra điều mà Yuksel đã tìm thấy.
Nó sẽ thay đổi mọi sự, và bỗng dưng, điều tưởng như một thập giá to lớn lại trở nên một ơn sủng lớn lao trong đời này và đời sau.
Hãy kết thúc với câu chuyện để nói lên điều chúng ta muốn nói:
Một vài năm trước đây, Gene Stallings đã huấn luyện đội banh trường đại học Alabama để thắng được 22 trận và được coi là trường đứng hạng hai về "football". Nhưng không phải biến cố này, mà là một biến cố khác, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời của ông. Đó là việc sinh hạ đứa con trai, Johnny.
Khi bác sĩ nói với ông Stallings rằng Johnny sẽ bị hội chứng Down (chậm phát triển) và có lẽ không sống lâu hơn bốn năm, ông đã ngất xỉu.
Ba mươi năm sau, Johnny vẫn còn sống. Nói về ảnh hưởng của Johnny trong cuộc đời, ông Stallings cho biết:
"Cháu rất đặc biệt! Tất cả sự yêu thương của cháu thì vô điều kiện. Cháu không đạt thành tích gì. Cháu hoàn toàn vị tha."
Trong rất nhiều dịp, ông Stallings tuyên bố rằng cho dù có thể đảo ngược mọi sự và bắt đầu lại với một đứa con không bị bệnh Down thì ông cũng không muốn như vậy. Ông nói, "Tôi cảm nhận được rất nhiều ơn lành."
Điều mà ông Stallings nghĩ rằng sẽ là một thập giá lớn lao trong đời thì lại trở nên một ơn sủng lớn lao-cả ở đời này và ngay cả ở đời sau.
Đây là Tin Mừng của Phúc Âm hôm nay. Đây là Tin Mừng mà chúng ta cử hành trong phụng vụ này.
Đó là Tin Mừng khi chúng ta vác thập giá của mình và theo Chúa Giêsu, có thể thay đổi cuộc đời chúng ta. Nhưng nó sẽ đem lại một bình an và phước lành mà chưa bao giờ chúng ta tưởng tượng ra hay hy vọng tới - và ngay cả dám mơ tưởng đến.
LM Mark Link, SJ
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)