#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

CHUYỆN CUỐI NĂM



Bỏ bẵng mấy cái Tết, năm nay nhà lại bày ra gói bánh chưng. Địa điểm : nhà Sáu Đào. Ngày giờ gói bánh : Thứ Năm, 20.1 Tây, nhằm Hai Sáu Ta. Dàn nhân sự : Huy động cả một đội ngũ chuyên viên hùng hậu, vừa nhận người khéo tay hay làm vừa nhận cả kẻ vụng tay hay ăn, không kể tuổi tác, nói chung là cả họ.
Bà Cố và lũ trẻ con không được việc, vui thích mở Karaoke ca hát om sòm, còn đòi nhuộm tóc chơi Xuân. Hạng tầm tầm không thể đến sớm vì còn phải đi làm, công ty chưa cho nghỉ, thành ra bậc hưu trí vất vả nhất. Đây nói riêng về vụ gói bánh. Nếp đậu đã chuẩn bị sớm. 12 kí nếp Hương dự định nấu 10 cặp,còn dư gói thêm mấy cái bánh tét chơi. Lá dong và lạt giao cho Tuyết Súy mua ngay đầu hẻm nhà thờ An Tôn, gần nhà nó. Lựa lá cho đẹp, hai lọai, lọai to và lọai bé. Bảng phân công ghi ai mua lá người ấy rửa lá luôn, có Uốt  phụ việc. Lá  vác lên tận vòi nước trên sân thượng mà rửa. Rửa từng lá bằng khăn sạch, mặt này rồi mặt kia. Lạt  mềm buộc chặt, ngâm từ tối hôm trước. Gạo, đậu vo ba nước, ngâm từ khuya.
Hôm nay là ngày gói bánh. Năm giờ sáng, Phượng Què dậy vo lại gạo, đậu, thay nước cho khỏi chua, đựng trong rá cho róc nước, đọan  chạy đi mua thịt chợ sớm.
Chợ về, thịt thơm, rửa sạch, cắt miếng nào miếng ấy to tổ chảng, rồi ướp các thứ, giả bộ làm cô phụ trách  chương trình nấu nướng  :
- “Chúng ta cho một chút muối, một chút tiêu, một chút hạt nêm.Chúng ta dùng hai tay trộn thịt cho gia vị thấm đều, nhớ đeo găng tay.Chúng ta thử cúi sát mặt vào miếng thịt mà ngửi xem có thơm không.
Quay qua gạo. Giờ là khâu nêm muối. Bà đòi làm, các cô không cho, bảo mợ không làm được. Hôm nọ bà đòi làm kiệu, chưa xong đã mệt vật ra, bỏ cả cơm . Khâu mặn nhạt này lại cần lưu để sang năm cứ thế mà làm. Tư Ve Chai liền tham gia, quay “phin”  Phượng Què  nấu ăn trên tivi, nói giọng Nam bộ :
-         Chúng ta đong gạo như thế này”.
-         “Tao nhớ ngày xưa mợ đong từng bát. Mợ cứ cho muối vào tay rồi xoa lên mặt gạo í ”.
-         “Thì đây, một gáo  này cũng được chứ gì. Chúng ta múc 1 muỗng cà phê muối.Được chưa ?”
-          “Miệng nói một muỗng mà tay lại múc thêm 1 chút nữa là sao. Được rồi đấy.Nhạt còn hơn mặn.Bánh nhạt còn ăn được với các món khác”.
-         “Chúng ta xóc gạo cho đều muối. Nào chúng ta cúi mặt xuống rá  gạo, thè lưỡi ra nếm vài hạt nếp xem có tí vị mặn là được.
       Xong mẻ nào chúng ta nhớ chứa vào một cái nồi to, để riêng ra .
      Chúng ta lại đong gạo…Thôi Uốt nó đến rồi, chị làm tiếp đi để tụi em bắt đầu gói cho nhanh”.
Hướng dẫn làm bếp thế này thật có một không hai.
Mình thân phận chưa bao giờ gói bánh cho nên phải làm nốt việc nêm muối vào gạo, xong thì bê lên nhà cho chúng gói. Vừa múc muối vừa tâm niệm : Nhạt còn hơn mặn (con người làm việc có “tâm” đến thế).

Trên nhà, Sáu đã trải một tấm bạt lớn, chiếm hết diện tích phòng khách,  để bày đồ nghề gói bánh : Lá, lạt, gạo, đậu, thịt.  Hai chậu lá dong xanh ngắt, các chiếc lá được  úp xuống cho róc nước, kèm theo khăn lau khô mặt lá trước khi cắt. Lá, lạt chia ra cho hai người gói hai khuôn cùng một lúc . Nhà có 4 cái khuôn, 2 to 2 bé. Hai chuyên viên chính thức là Phượng và Uốt sử dụng 2 cái khuôn to. Bắt đầu : Tuyết Súy cắt lá. Phải đo, cắt từng cái theo mẫu. Phượng, Uốt đặt lá vào khuôn, Action !

Nhìn lên đồng hồ, nửa tiếng mà hai người gói chưa xong hai cái bánh chưng. Cặp đầu tiên bao giờ cũng lâu như thế, mấy lại mấy năm nay nhà mình không gói, phải từ từ nhớ lại. Họ phân bua như thế. Tới cặp thứ hai trông khá hơn lại nhanh hơn, hết có 15 phút .
Dù vậy, ngồi nhìn cũng nóng,Tư bèn nhào vô, lấy cái khuôn nhỏ thực tập:
Cầm cái lá nho, à quên, cái lá dong, ngắm nghía , gấp lên gấp xuống mãi mới đúng. 
Lớp gạo, nhấn cho chặt bốn góc.Lớp đậu, rải gọn vào giữa bánh,che gạo đi.Một cục thịt to đặt vào chính giữa. Lại đậu lên trên thịt, gạo lên trên đậu, nhấn cho chặt bốn góc.Tụi nó cười, bảo “nhân sao vật vậy”. Tư nghĩ bụng  cái bánh chưng đầu tiên trong đời mình trông không đến nỗi nào, hy vọng tràn trề, bèn cột sợi lạt làm dấu bánh này tao làm. Tuyết Súy  bắt chước,cũng lấy khuôn tập gói. Mợ bảo thế là sang năm nhà mình ai cũng biết gói bánh.
Gói bánh chưng không dễ. Quan trọng nhất là đặt đúng được hai cái lá đầu tiên vào khuôn, sao cho lật lên, các đường phải đi thẳng tới các góc. Đẹp xấu, đúng sai  là ở cái…đít bánh. Suốt buổi, Tuyết Súy gói được  đúng 1 cái, Tư được đúng một cái, khuôn nhỏ.
Vừa cắt lá, gói bánh, vừa nói chuyện, Tuyết Súy bảo chị gọi cho em lúc em đang ngồi lựa lá, em nhớ chuyện Xã Trưởng chị kể, nên cứ thấy lá lớn là kêu đ.m. lớn quá, lá nhỏ hô đ.m. nhỏ quá. Hồi xong ,cất điện thọai, nhìn lên thấy hai thằng nhỏ bán lá cứ chằm chằm nhìn em : Một người phụ nữ trung niên, trông không đến nỗi nào mà mở miệng ra là…. Hai nhỏ tưởng Giang hồ đi mua lá. Cả nhà cười há há há.
Ra là có chuyện Xã Trưởng miền quê cả đời không biết xài micro. Tới Lễ lớn,ông phải phát biểu giữa quần chúng. Đám thanh niên hướng dẫn : Chú dùng micro người ta mới nghe. Vầy nè, chú cứ ghé miệng vô cái cục này mà nói, để sát miệng, ai ở xa cũng nghe rõ . Xã Trưởng bước lên lễ đài , tay cầm micro, dí sát vào miệng, nghe hơi thở phì phò, khóai, cất giọng oang oang, hồ hởi phấn khởi  chào :
 -“ Kính thưa các đồng chí , đ.m. lớn quá”.
 Tụi thanh niên chỉnh máy bên trong hết hồn, đưa tay giảm nút volume tức khắc. Xã ngó vô, yên tâm, ngó ra nói tiếp:
 -“Kính thưa các đồng chí, đ.m. nhỏ quá”.
Tuyết Súy nhiễm chuyện, ngồi lựa lá dong buột miệng chêm mấy tiếng ấy vô nghe giang hồ dữ dội !
Xong chuyện Giang hồ mua lá, bỗng hết gạo. Thôi rồi, vậy là tính lộn . Làm sao mà 12 ký nếp gói được những hai chục chiếc bánh ? Thịt thừa, đậu thừa, lá thừa, lạt cũng thừa. Chỉ có nếp là thiếu.
 Tổng cộng được có 18 chiếc bánh to cùng nhỏ.


 Ngòai sân lửa đã nổi lên, nhiêu cũng phải nấu thôi.
Tính cho đến lúc nước sôi là phải tròn 12 tiếng.
Những chiếc bánh gói công phu, vuông vức, được xếp vào nồi. Đáy nồi được đệm bằng một ít cọng dong, lá dong cắt nhỏ. Nước đổ ngập bánh. 3 giờ chiều thì nước trong nồi bắt đầu sôi, phải cho sôi đều. Ngày xưa đun củi, phải ngồi canh, rụt củi, chăm lửa,châm nước, có cái thú hơn bây giờ người ta  dùng  than tổ ong, sạch sẽ, đều lửa nhưng …rảnh quá, chán. 


Những lưỡi lửa vươn lên từ trong bếp, mùi nhựa củi vàng, tro than vương vất nói lên nhiều điều, không gọn ghẽ, khuôn phép như than tổ ong. Tuy vậy, ngày Xuân gói bánh là  cớ để gia đình, anh chị em  tụ họp về gặp nhau trò chuyện. Karaoke ầm ĩ, mực nướng thơm xé sợi, trộn dầu oliu , từng lon Heineken mở ra. Mười một giờ còn rôm rả, con nít hôm nay không bị bắt đi ngủ sớm, đùa giỡn  một hồi rũ rượi tự động mẹ ơi, buồn ngủ quá hà.
Các chiến sĩ trẻ về khuya gục dần….gục dần….
Nhiều chấm…......................
Công lao dành tặng cho đội ngũ vớt bánh lúc 3 giờ  sáng.
Sáng hôm sau, tỉnh giấc, điều trước tiên phải làm là  đi tìm xem bánh để đâu.
Ôi, thành quả lao động của Tư ! Một chiếc bánh chưng nhỏ nhắn, xinh xắn,  có gắn dây lạt làm dấu được đặt ngay ngắn trên bàn để trao trả lại cho tác giả. Bên trên chiếc bánh ấy là ….một đống xôi nếp …khuyến mãi. Thì ra cái bánh Tư gói bị …lòi ruột. Thôi tự an ủi : Nhân sao vật vậy!  
Cái trên là Tư gói. Ăn thấy cũng ngon....
Chuyện cuối năm nếp tẻ
Bánh gói không chặt vừa Xuân đến
Lũ cháu nhỏ hả hê.

Không có nhận xét nào: