#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

CPCĐ.04. CA VIÊN


CA VIÊN 

Mở skype, ba chúng tôi bước vào “quán”, vừa nhâm nhi tách cà phê ai nấy tự pha tại bếp nhà mình mang lên trước máy, vừa bắt đầu vào chuyện, luận tiếp hồi 04 , vẫn chuyện chung, chuyện ca đoàn, chuyện muôn thuở của dân Ca đoàn. Chứ nói chuyện gì cho hào hứng bây giờ, nếu không là chuyện ca đoàn? Đúng là lý lẽ của dân Ca đoàn.
Trước hết, một khách nhận xét : Xem ra dân Ca đoàn có một hạn chế rất dễ nhận ra, đó là quanh năm suốt tháng chỉ bo bo ôm lấy cái tập thể bé nhỏ của mình, mà quên mất rằng còn có nhiều cách phục vụ khác cũng hữu ích, cũng nên làm, dĩ nhiên, nếu cho rằng đi hát ca đoàn là phục vụ.Quanh ta còn có biết bao  người đang âm thầm với những lý tưởng phục vụ, bằng nhiều cách khác nhau, biết bao nhiêu gương hy sinh khác đòi hỏi sự từ bỏ to lớn, hoặc nhỏ bé nhưng triền miên, dai dẳng chẳng thở than. Không hề nhẹ nhàng như ta đi hát ca đoàn. Sá gì cái sự vất vả  của một anh Ca viên!
Đó là không hề đả động tới vấn đề là  mỗi người  có bổn phận phải truyền giáo. Công tác làm vườn nho được trao cho mỗi người, từng người, mọi người, vậy thì anh đi hát ca đoàn cũng đâu tránh khỏi. Chưa bắt anh xông pha nơi tuyến đầu, chưa đòi anh cầm súng, cũng chẳng cầm cuốc, cầm cày gì sất, chỉ xin anh mở miệng hát thôi, hát cho  đúng nốt, hát cho tròn vành rõ chữ, hòa giọng vào được với tập thể, thế là được, thế là tốt.
Nói vậy chứ không phải vậy. “Vào ca đoàn” không dễ.
Con người cầu toàn nói thế. Cứ cho là phải thế , thì sao ?
Thì khó thật đấy.
Khi bước chân vào một Ca đoàn, trước hết bao giờ bạn cũng cảm thấy có chút ngại ngùng, nói ít nghe nhiều, hát lén dợm im. Không dám cho ai nghe giọng oanh thánh thót của mình. Không sao đâu, ai mới vào cũng thế. Tham dự đều đặn một thời gian ngắn, bạn sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới này. Bạn sẽ phải để ý từng tí những động tác của người tập hát, và điều đầu tiên là bạn phải mở miệng ra mà hát giống người bên cạnh. Ngang trái ở chỗ, bạn càng có chất giọng đặc biệt Trời cho nổi bật bao nhiêu thì bạn càng được khuyên là hát nhỏ thôi, bớt tiếng đi. Chẳng ai ghen tị với bạn vì giọng bạn cao rõ lồ lộ ra đấy, hay khỏe cực hơn người, đơn giản là bạn đang “lòi”. Hát hợp ca phải đều tiếng, không để người nghe phân biệt được chất giọng của từng thành viên trong ca đoàn. Cho nên, ai hát hay thì xin mời sô-lô, đến khi hòa vào bè thì người ấy lại phải nén mình cho giọng tan vào với bạn hát kế bên. Một cô chuyên được chọn hát mấy câu sô-lô tâm sự :
-“ Hồi đầu, buổi tập hát nào em cũng bị la. Muốn im luôn.
Không được im. Nếu im thì ở nhà cho rồi. Cho nên ráng lên, hòa đồng vào giọng hát của người bên cạnh. Ấy là nói bạn e dè, nhút nhát, chưa quen. Mươi buổi, hoặc chậm là vài tháng thôi, và nếu bạn có đôi tai nghe nhạc tốt , bạn sẽ bắt rất nhanh, từ đó, đam mê hát Phụng Vụ sẽ giúp bạn tiến bộ không ngờ trong giọng hát .
Đặt trường hợp bạn vào Ca đoàn trong tình trạng lạ nước lạ cái, không quen ai, thích thì vào, xin hoan nghênh bạn. Thật thú vị khi được đón nhận bạn vào hát. Ca đoàn là của mọi người, không phân biệt tuổi tác, tôn giáo, nhưng “ai yêu em bé thì làm được thôi”, một bài hát thiếu nhi có câu đó. “Em bé Thánh ca” cũng vậy.Rất nhiều ca đoàn mà ca viên là các bác trai bác gái hết sức nhiệt tình chăm chỉ. Hầu như xứ nào cũng có ít là một Ca đoàn dạng này : Ca đoàn các Bà Mẹ Công Giáo, ca đoàn Hiền Mẫu, ca đoàn Hồn Hoang ( là hoàng hôn, là xế chiều đó). Tôi lại biết có gia đình Tân tòng kia, cả ba chị em đều đi hát Ca đoàn, chuyên cần và bền bỉ. Nay có lẽ họ đã có đến hơn 30 năm thâm niên trong ca đoàn.  Cúc, Tuyến, Phước nhỉ! Ngày xưa, ca đoàn tôi có Phước Tồn, Minh Tính,Tuyết Nguyễn..  là người ngoại đạo. Lòng mê hát Ca đoàn còn giúp cho bạn có thể sắp xếp được thời giờ, công việc để đi tập hát hàng tuần, không nghỉ buổi nào, đi đúng giờ và tập nghiêm túc, không đùa giỡn, nói chuyện, cố gắng nghe câu hát mẫu và bắt mình phải thuộc bài hát.
Xem ra hát ca đoàn cũng không đến nỗi nào quá sức . Thú vị là khác.
Có khi nhận được nhiều hơn, so với sự cố gắng của ta.
Từ khi vào Ca đoàn, bạn có thấy mình tham dự Thánh Lễ sốt sắng hơn không ? Bạn có cảm thấy  hãnh diện khi được đứng hát trong Ca đoàn không ? Bạn có thêm tình thân hữu chứ ? Và cuộc sống có ý nghĩa hơn ? Hay ít ra bạn cũng hay hát hơn, chả thích ư ?
Một trong ba chúng tôi dợm đặt bạn vào tình thế “Cụ” ( cựu”, ca viên lâu năm) sớm quá, bằng mấy câu ám khói tiêu cực :
- Sống lâu lên lão làng, nhiều ca viên cũ ỷ biết nhiều bài  cứ đi tập hát trễ,  bỏ bê giờ tập bè.
Tôi bảo từ từ, miệng tiên tri xin đừng vội vã. Trông chị bạn tôi kia kìa, sinh hoạt Ca đoàn hơn 40 năm nay, không bỏ một buổi tập nào. Việc Hát ca ngợi Chúa đã ăn sâu vào máu thịt chị ấy, như là máu thịt của chị ấy rồi, bỏ một buổi tập hát ,  bứt rứt không chịu được. Vào trễ tí thì tiếc lấy tiếc để, cúi đầu xin lỗi. Có vì công ăn việc làm phải tạm rời xa ca đoàn thì ở xa mà cứ ngóng nhìn đồng hồ, đến đúng giờ quen thuộc là trong lòng xốn xang : Giờ này ca đoàn  bắt đầu tập đây, giờ này mọi người tập xong rồi đây..Nhớ Ca đoàn như nhớ người yêu. Những Ca Viên kỳ cựu đó tôi xin gõ chữ Hoa để ghi công họ. Không có họ, làm sao có Ca đoàn ? Không có họ, làm sao có những gương sáng ? Không có họ Thánh Lễ bớt lửa đi nhiều và không có họ, Ca trưởng quơ tay làm gì ? Một hình ảnh dễ thương là ví các ca viên trong ca đoàn như hình ảnh các thiên thần trong bài Thánh ca “Nửa đêm…”của Cha Phaolồ Đạt :
“Thiên thần sang láng chầu quanh, tấu nhạc rập ràng, đàn hát xướng ca”.
Nhắc đến Ca Viên, tôi xin nghiêng mình nể phục và xin gửi tặng những Anh,Chị, Em đang phục vụ trong các Ca đoàn mấy vần thơ của Thi hào Rabindranath Tagore , đọc lên nghe sung sướng tận cùng khi ta đã từng đứng trong ca triều, cùng ca đoàn dâng cao tiếng hát ngợi khen, ca tụng Chúa :

Lúc Người ban lệnh cất lời ca, tôi thấy tim mình như rạn nứt, vì hãnh diện khôn cùng.
Ngước nhìn mặt mắt tôi ứa lệ.
Trong tôi lỗi điệu đục khàn bỗng dưng biến thành hòa khúc dịu êm.
Như chim háo hức băng qua biển cả, lòng đê mê giang cánh bay xa.
Tôi biết lời mình ca làm người vui thích, và cũng hiểu chỉ khi khoác áo ca công mới đến trước người.
Lời tôi ca vươn cánh rộng dài bay đến vuốt nhẹ bàn chân trước kia dám nào ước mơ chạm tới.
Say nhừ vì nguồn vui ca hát, quên bẵng thân mình, tôi gọi người là bạn, Thượng Đế của lòng tôi.
                                                      R. TAGORE
                              (Trích Lời dâng, khúc số 2, bản dịch Đỗ Khánh Hoan)

Thời thanh xuân thơ thới, yêu tư tưởng của ngài Thi hào Ấn Độ  này đến độ tôi mua sơn nâu cà phê sữa về , nắn nót, âu yếm kẻ tên TAGORE lên khung chiếc xe đạp mini trắng nhỏ bé dễ thương của mình làm của riêng. Đề-can thiên hạ là Martin, là Lucy, là Tabor, còn xe của tôi là …Tagore.
Trở lại chuyện Ca viên một chút trước khi tạm biệt hai cái bản mặt khó nhìn trên màn hình của skype (trong đó có tôi), ông kia dí sát mặt vào, nói vội như trối trăng trước khi hấp hối:
-         Ai có bạn trai, bạn gái  rủ rê vô Ca đoàn thì đừng từ chối nhé !Vô đi, vui lắm.
  Nói ngay, trong Ca đoàn ổng hồi nào tới giờ, chờ hoài chưa có được một đám cưới nào mà người bè Nam lấy người bè Nữ. Toàn lấy người đâu á . Sao chồng gần hông lấy, đi  lấy chồng xa ? Em gái đưa lưỡi lam cứa vô “con tiêm” mấy anh quê nhà hoài, đau chịu sao xiết, vui trở lại sao nổi.  “Con sáo” trước khi “sang sông” còn véo von ca sảng : “Tìm một con đường, tìm một lối đi….”
Và….Ca đoàn mất đi một người….
Ca viên của tôi !!!

Không có nhận xét nào: