Vạn sự khởi đầu nan có lẽ là câu nói hầu như đúng trong mọi trường hợp. Con đường kiến tạo đức tin bắt đầu bằng một chữ “không” cũng lắm gian nan. Bốn mươi năm trước nếu có người hỏi tôi Đức Mẹ là ai thì tôi xin đành chịu, ngoại trừ hình ảnh mang máng về một người Phụ Nữ với khuôn mặt hiền lành nhân hậu và đôi bàn tay dịu dàng giang ra phía trước dường như đang ban bố một điều gì. Năm ấy là năm chót của tôi ở bậc tiểu học, trường tôi có tổ chức một cuộc du ngoạn từ Ninh Hòa đến biển Đại Lãnh và chuyến về đã ghé lại tham quan một ngôi giáo đường ở một vùng quê hẻo lánh. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào Nhà Chúa và “thấy” được tượng Đức Mẹ, ngoài ra thì chẳng biết gì hơn.
Năm tháng dần trôi, từ một cậu bé học sinh tiểu học trở thành một thanh niên theo dòng đời đưa đẩy vào sinh sống ở Saigon. Buổi gặp gỡ đầu tiên “nhẹ nhàng” với Chúa, với Mẹ Maria ngày ấy đã thản nhiên phôi pha theo… thời gian. Nhưng đó chỉ là thời gian đối với tôi, còn thời gian của Chúa thì Ngài vẫn âm thầm không bỏ rơi cái duyên nhỏ bé mà tôi được hạnh ngộ với Ngài và đã khởi đầu chữ “Đạo” cho tôi bằng cơ hội làm quen với một người bạn gái có “Đạo” rất là “gốc”. Tôi đơn sơ học chữ yêu bằng cách tập tễnh đi lễ, chịu khó quỳ gối ở các nhà thờ, vụng về làm dấu thánh giá bằng tay trái rồi đến tay phải, và cố lắng nghe những bài giảng kinh thánh mà đối với tôi lúc ấy thật khó hiểu bởi lẽ tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình cả hai bên nội ngoại hoàn toàn không biết gì về “Đạo”, nếu không muốn nói là có thành kiến.
Dần dần trước ngưỡng cửa hôn nhân, thử thách đầu tiên là tôi phải vào Đạo. Tôi đón nhận những cặp mắt hờ hững, lạnh lùng từ thân nhân họ hàng khiến nhiều lúc cảm thấy rất bối rối tưởng như là bỏ cuộc. Thành thật mà nói động lực tôi phấn đấu khi ấy không phải là đức tin vì đức tin của tôi còn rất lõm bõm, tôi chỉ biết một điều là trong cuộc sống lứa đôi, nếu vợ chồng không có cùng một niềm tin thì rất khó tạo dựng được hạnh phúc thật sự.
Trong khi đối diện với nhiều khó khăn không hiểu sao tôi thường nhớ đến Đức Mẹ, nhớ đến đôi bàn tay giang rộng của Ngài. Tôi cố học thuộc kinh Kính Mừng và ngày ngày lâm râm “tập” cầu nguyện. Càng cầu nguyện cảm giác xa lạ lần đầu nhìn tượng Mẹ từ thuở bé dường như không còn nữa, trái lại mỗi ngày một gần gũi hơn với Mẹ và cảm thấy chuyện “cầu xin” Mẹ cũng không có gì khó cho lắm. Kết quả đầu tiên tôi có được, chính thân mẫu của tôi là người đứng ra bênh vực và cho phép tôi vào Đạo, mặc dù mẹ tôi biết rất rõ tôi là con trai một trong gia đình và vai trò thờ cúng, phụng tự từ đường theo quan niệm xưa rất khắt khe.
Trở thành Kitô hữu không phải là đức tin có ngay từ trên trời rơi xuống. Tôi chưa bao giờ dám tự xưng là mình vững đức tin. Điều cảm nghiệm khác lạ trong tôi là đời sống Đạo của tôi từ đấy lúc nào cũng có Đức Mẹ đồng hành. Câu hát “Mẹ nguồn cậy trông chưa thấy ai xin Mẹ về không…” dường như lúc nào cũng đúng với tôi. Tôi chưa bao giờ về không mỗi lần cầu xin Mẹ bởi vì những giỏ quà mà Mẹ đã ban cho tôi không phải chỉ có hạnh phúc như ý mà còn có cả… đau khổ không như ý. Với hạnh phúc thì tôi cám ơn Mẹ đã ban phát cho tôi niềm vui thực tế trong cuộc sống, còn với đau khổ thì tuy không phải dễ chấp nhận nhưng tôi cũng luôn cám ơn Mẹ vì nếu không có đau khổ thì làm sao tôi có dịp thấu hiểu và cảm nhận được những tâm tình cực thánh: tâm tình cầu nguyện của Chúa Giêsu ở Vườn Cây Dầu để xin vượt thoát khỏi chén đắng, tâm tình tha thứ tuyệt đối của Chúa Giêsu khi trút hơi thở cuối cùng, tâm tình hai chữ Xin Vâng vô điều kiện của Đức Mẹ khi được Thiên Thần truyền tin, tâm tình lo lắng của Đức Mẹ khi lạc Chúa Giêsu trong đền thánh, và nhất là tâm tình thống thiết của một Người Mẹ đón nhận ôm xác Con mình bị đóng đinh và hạ xuống từ cây Thập Giá…
Khi viết những dòng chữ này thì cũng là lúc tôi đang thực hiện chuyến đi về nước Ý. Tôi cũng không ngờ từ một cậu bé không biết gì về Đức Mẹ rồi trở thành người có Đạo và được Mẹ “dẫn dắt” đến thăm Mẹ ở nhiều nơi. Ngày còn bé bước vào ngôi nhà thờ ở vùng quê hẻo lánh, lần đầu tiên nhìn bức tượng Đức Mẹ bé nhỏ đơn sơ tôi nào biết hôm nay có được nhiều ơn đến thăm những bức tượng Đức Mẹ lừng danh trên thế giới. Từ tượng Đức Mẹ Sầu Bi của Michelangelo trong Tòa Thánh đến tượng Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa ở ngôi nhà thờ cổ Pantheon, từ tượng Đức Mẹ Mân Côi ân cần trao xâu chuỗi cho thánh Đa Minh trong nhà thờ Chính Tòa ở thành phố Florence đến tượng Đức Mẹ Ban Ơn với khuôn mặt đầy bao dung trong ngôi thánh đường ở thành Venice... đâu đâu không phải chỉ riêng tôi mà khách thập phương khắp nơi cùng về chiêm ngắm đông vô số kể. Giữa chốn đông đúc đó tôi chợt nhận ra thân phận con người thật nhỏ bé nhưng đôi mắt của Mẹ thì lúc nào cũng nhìn thấy và tôi vô cùng cảm kích vì Mẹ đã cho tôi cũng như nhiều người khác có cơ hội như hôm nay.
Hơn thế nữa mấy ngày sau lênh đênh trên chiếc cruise ship “Navigator of The Sea”, tàu ghé qua vài nước khác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Như thêm một đặc ân của Đức Mẹ, mặc dù không hề biết trước cũng như không hề có chuẩn bị nhưng chúng tôi đã tháp tùng được với đoàn người đi thăm viếng Nhà Của Đức Mẹ (House Of Virgin Mary), một ngôi nhà nhỏ bằng gạch và đá nằm trên đỉnh ngọn núi Bulbul thuộc tỉnh Kusadasi. Trong nhà chỉ có hai gian thật nhỏ và đơn sơ, là nơi mà Thánh Gioan đã đưa Đức Mẹ về chăm sóc qua lời trăn trối của Chúa Giêsu trước khi Người trút hơi thở cuối cùng trên cây Thập Giá. Bên cạnh ngôi nhà cổ của Đức Mẹ là một khán đài bằng gỗ với những hàng ghế sơn trắng, chính nơi này cố Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ II và đương kim Đức Giáo Hoàng Benedict từng về đây dâng thánh lễ. Đúng là đất Thánh thì tỏa khí Thiêng, khi đến đây dường như lòng ai cũng bồi hồi ngổn ngang với nhiều cảm xúc. Không hiểu sao tôi cũng lúng túng quên cả cầu nguyện cho chính bản thân mình, chỉ mỗi nhớ cảm tạ và cảm tạ Mẹ liên hồi vì Mẹ đã cho tôi được diễm phúc bước vào Ngôi Nhà Thánh của Mẹ.
Từ một chữ “không” cho đến nhiều chữ “có” mà Mẹ đã ban cho, thật tình tôi cũng chẳng biết giải thích như thế nào về niềm tin yêu của mình đối với Đức Mẹ. Tôi chỉ ngầm hiểu qua cảm nghiệm trong cuộc sống. Nếu bây giờ có người hỏi tôi Đức Mẹ là ai thì ngoài việc trả lời một cách thuộc lòng “Đức Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa”, tôi cũng sẽ nói thêm với tấm lòng trang trọng và qua những cái “thấy” trong thực tế của cuộc đời, rằng Đức Mẹ là người Phụ Nữ nhân lành nhất trong các người phụ nữ, Ngài là chỗ trú ẩn an toàn nhất khi chúng ta bị sự dữ và tội lỗi tấn công, Ngài sẽ ban phát những gì chúng ta yêu thích nhất khi chúng ta thành tâm cầu nguyện, và quan trọng hơn hết Ngài là chiếc cầu, là gạch nối và là người có uy tín nhất, quyền lực nhất để cầu bầu cho chúng ta trước Nhan Thánh Chúa, giống như khi có những điều chúng ta ngập ngừng không dám xin thẳng với Chúa, nhưng nếu nhờ đến sự can thiệp của Mẹ, chúng ta sẽ đạt được kết quả còn hơn là mong đợi.
Lê Lai