|NGUYỄN HỮU DŨNG 21/08/2010 17:37 (GMT + 7)
TTCT - Sinh ra trong
gia đình cải lương có tiếng, anh nối nghiệp đấng sinh thành như một lẽ tự nhiên.
Bước vào đời ngược xuôi theo gánh hát ở xứ miệt vườn khi mới tròn 15 tuổi, anh
bất ngờ đổ gục sau một tai nạn. Cây đàn vỡ tan, toàn thân tê liệt sau một đêm
diễn về. Tấm màn nhung dường như khép lại vĩnh viễn...
Anh Dũng dùng những ngón tay yếu ớt, xanh gầy của mình đánh đàn, hòa âm để kiếm sống và chia sẻ với đời - Ảnh: Thế Anh |
Vừa hòa âm, lâu lâu anh
Dũng phải dừng tay để thông ống dẫn nước tiểu - Ảnh: Thế Anh
Nhiều lần anh muốn tìm đến cái chết, nhưng
vì các em, vì tiếng nhạc mà anh cố giằng co với tử thần. Gắng gượng dậy, anh
tập từng cử động nhỏ của ngón tay, rồi mày mò học vi tính. Từ một người toàn
thân tê liệt, anh đã gượng dậy và gầy dựng được một phòng hòa âm để nuôi sống
bản thân. Phòng hòa âm của anh không chỉ đáp ứng nhiều ca sĩ trong nước mà còn
gia công cho nhiều hãng băng đĩa nhạc của người Việt ở hải ngoại... Cái tên
Nguyễn Hữu Dũng ngày càng nhiều người biết hơn trong làng âm nhạc, như một ví
dụ điển hình về nghị lực sống.
Phòng hòa âm đặc biệt
Căn phòng bé như hộp quẹt, chưa đến 3m2
chỉ đủ đặt cái giường, một dàn máy móc và một lối nhỏ cho chiếc xe lăn lui tới.
Chủ nhân của phòng hòa âm này là một người không thể làm chủ được việc vệ sinh
cá nhân, nhưng lại thuần thục từng loại nhạc cụ. Chính trên chiếc xe lăn này,
trong căn phòng chật hẹp này, hàng ngàn bản nhạc đã được chủ nhân của nó phối
âm trong cơn đau đớn của thể xác và sự lạc quan của tâm hồn.
Trong câu chuyện về đời mình, anh ít khi
nói những chuyện buồn, nếu có nhắc đến thì luôn với thái độ lạc quan, xem như
một nốt trầm cần thiết trong bản nhạc cuộc đời. Anh luôn cười dù cơn đau hành
hạ, dù cho dòng máu phóng khoáng của người nghệ sĩ bị bó buộc trong căn phòng
chật hẹp. Những lúc muốn thoát ra khỏi cảnh bí bức đó, anh chỉ biết thả hồn
theo những nốt nhạc, cất cao tiếng ca trong căn phòng chật chội.
Bi kịch của đời anh xảy ra cách đây đúng
10 năm. Anh kể: “Hôm đó là ngày 27-7-2000. Khi sân khấu vừa hạ màn thì tôi vội
vã về nhà, chỉ còn cách nhà khoảng 2km nữa thì bất ngờ tôi bị té, xe tải phía
sau lướt tới. Tôi chỉ kịp thấy ánh đèn pha thẳng vào người rồi ngất lịm đi. Mấy
hôm sau tỉnh dậy, bác sĩ cho biết tôi bị xe tải đụng gãy cổ. Mọi người không
hiểu vì sao thương tích nặng thế mà tôi vẫn còn sống!
Trải qua hàng loạt cuộc phẫu thuật, nhiều
lần bác sĩ lắc đầu tuyệt vọng, nhưng không hiểu sao tôi vẫn vượt qua được. Lúc
đó, tôi bắt đầu láng máng hiểu ra rằng tôi chưa thể chết được là vì còn nợ cuộc
đời này nhiều lắm! Tôi phải nằm viện suốt sáu năm liền, tay chân bất động, lưng
bắt đầu lở loét. Cũng nhờ tình thương của những nghệ sĩ đồng nghiệp của cha mẹ,
bạn bè của tôi nên tôi mới đủ tinh thần và vật chất để vượt qua cơn nguy khốn.
Trở về nhà với tấm thân tê liệt, tôi chán nản lắm.
Nhưng nghĩ đến những người thân xung
quanh, đến khán giả, đến sân khấu... tôi lại gắng gượng sống. Hằng ngày tôi nhờ
người thân mở những bản nhạc ưa thích cho tôi nghe rồi tập cử động từng ngón
tay một. Tôi quyết phải gượng dậy để trả ơn cuộc đời. Kiên trì hơn hai năm tập
luyện, tôi bắt đầu ngồi dậy được, những ngón tay cử động được đôi chút.
Nhờ sự giúp đỡ của nhạc sĩ Thái An và bạn
bè, tôi sắm được một dàn vi tính và những thiết bị hòa âm. Kiên trì tập luyện
và vượt qua đau đớn, những ngón tay của tôi ngày càng linh hoạt hơn. Lúc đầu,
mất 4-5 ngày tôi mới phối xong một bản nhạc. Bây giờ thì chỉ trong một ngày là
tôi có thể phối xong một bản nhạc rồi. Ngày đầu, tôi chỉ nghĩ làm cho vui, chủ
yếu phối nhạc cho nhà thờ, nhà chùa và các chương trình ca nhạc từ thiện.
Thấy tôi làm được, nhiều ca sĩ trong nước
đến đặt hàng, rồi đến lượt các hãng ca nhạc của người Việt ở hải ngoại cũng tìm
đến. Tôi vui vì đã tự nuôi được bản thân, vui vì tiếng nhạc của mình đã vượt ra
khỏi cái phòng hòa âm bé nhỏ này, vượt đại dương đến với người Việt năm châu.
Mà không chỉ thế, tôi tin có ngày tôi sẽ tự đứng dậy được, được cầm micro hát
trên sân khấu. Tôi chưa bao giờ tuyệt vọng vì tôi biết quanh mình đời vẫn còn
nhiều niềm vui...”.
Nói rồi anh mở một bản nhạc vừa mới hòa
âm xong, ngồi hát hồn nhiên như cây cỏ...
Bi kịch của một gia đình
nghệ sĩ
“Âm nhạc là người tình trăm năm, là người thầy, là bác
sĩ và là người mẹ vĩ đại của đời tôi. Chính âm nhạc đã giúp tôi đứng dậy, đưa
tâm hồn thoát khỏi nghĩ suy tăm tối. Tôi mang ơn những nốt nhạc, đó là lý do
tôi ráng gượng dậy để mở một phòng hòa âm. Ơn trời, tôi vẫn có thể dùng những
nốt nhạc để chia sẻ với đời”.
|
Nguyễn Hữu Dũng là con
thứ ba của gia đình nghệ sĩ cải lương Hoàng Sương và Ngọc Kim trong đoàn cải
lương Út Trà Ôn vang bóng một thời. Khi còn nhỏ, do khó nuôi nên gia đình đặt
cho anh một cái tên “xấu xí” là Mót. Cũng chính vì thế mà ở xóm người ta thường
gọi nhà anh là phòng hòa âm của nghệ sĩ Mót. Thừa hưởng dòng máu ca hát, năm 15
tuổi anh đã rày đây mai đó cùng gánh hát của cha mẹ khắp các tỉnh miền Tây kiếm
sống.
Khi đứa con trai đầu vừa biết đánh trống
thì người cha đổ bệnh sau nhiều năm lang thang mang tiếng hát mua vui cho đời.
Năm anh 16 tuổi thì cha mất, để lại một mình người mẹ và ba đứa con thơ dại.
Thấy mẹ vất vả, nghề hát lại lắm bấp bênh
nên anh bỏ đoàn để theo học nghề đàn mong kiếm được nhiều tiền hơn phụ mẹ nuôi
em. Khi những gánh hát trở nên ế ẩm thì mẹ con anh bồng bế nhau lên sống qua
ngày giữa Sài Gòn xa lạ.
Anh nhớ lại: “Nhiều lúc nhà hết gạo, mấy
đứa em khóc lả vì đói nhưng cũng phải ráng đợi đến khuya khi mẹ đi hát về mới
có tiền đong gạo nấu cháo ăn dằn bụng. Vậy mà mẹ vẫn không bỏ nghề hát, mẹ nói
rằng mẹ phải hát để nơi chín suối cha không buồn. Còn tôi vừa phải đi đàn, đi
hát ở quán nhậu, tiệc sinh nhật để phụ tiền học cho em. Cứ thế, mẹ con tôi bồng
bế nhau ở trọ từ quận này đến quận khác, nhưng hằng đêm vẫn cười tươi dưới ánh
đèn sân khấu để mua vui cho khán giả. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người
nghệ sĩ mà mẹ tôi và chính tôi không thể nào bỏ được dù có đói khổ đến mức
nào...
Đến năm 1991, tình cờ mẹ tôi trúng được
tờ vé số. Vay mượn thêm bạn bè, mẹ mua căn nhà rộng chỉ 1,5m, dài 10m trong con
hẻm Trần Văn Đang (phường 9, quận 3, TP.HCM) này đây. Những tưởng từ nay mẹ con
được ấm cúng trong căn nhà chật hẹp này, ai dè một năm sau thì mẹ tôi bệnh nặng
rồi qua đời.
Chỉ còn mình tôi lo cho hai đứa em còn
nhỏ. Nhiều lần tôi tính bỏ nghề để lo cho em, nhưng cứ nhớ lời mẹ dặn trước lúc
nhắm mắt là tôi không thể nào bỏ cái nghiệp ca hát được. Mẹ dặn rằng đã theo
nghiệp ca hát rồi thì phải sống trọn tâm, trọn đời với nó. Vì không phải ai cũng
được trời ban cho tài đàn hát, mà cái trời cho là để chia sẻ với đời chứ không
phải giữ riêng cho mình...”.
Những ngày gian khó của ba đứa trẻ mồ côi
cũng qua đi. Những tưởng cuộc đời sẽ cho họ những ngày tháng êm ả không ngờ tai
nạn ập đến, một lần nữa cái xui rủi vẫn bám lấy gia đình nghệ sĩ nghèo này. Dù
vậy, anh Dũng vẫn thảnh thơi khi nghĩ về số phận của gia đình mình: “Nếu được
chọn lựa lần nữa, tôi và cha mẹ tôi vẫn chọn nghiệp cầm ca, bởi đó là máu thịt
của gia đình tôi, là thứ duy nhất mà chúng tôi có thể sẻ chia với đời...”.
“Phần lớn những người khách đặt hàng anh Dũng phối âm đều
hài lòng về cách thức làm việc cũng như chất lượng sản phẩm. Mặc dù không
được học nhạc lý một cách căn bản, nhưng bù lại anh có đôi tai rất tốt, một
niềm đam mê âm nhạc tột độ nên sản phẩm của anh luôn có hồn, có dấu ấn riêng.
Điều đáng quý ở Dũng là khi nhận làm, anh không bao giờ
lấy sự khiếm khuyết của bản thân ra để bào chữa cho những hạn chế về chuyên
môn. Tôi đã chứng kiến những ngày đầu tập luyện của anh, dù đau đớn và gian
khổ đến mấy cũng chưa một lần nghe anh than vãn. Ngược lại, đến với anh chỉ
có tiếng cười và những nốt nhạc vui vẻ. Là khách hàng lâu năm của anh Dũng,
tôi hiểu rằng ngoài tác dụng của vật lý trị liệu thì chính âm nhạc, sự vận
động hết trí não vào công việc và niềm lạc quan đã giúp anh có được như ngày
hôm nay”.
|
THẾ ANH