#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tạp bút. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tạp bút. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

NỖI SỢ ĐÁNG THƯƠNG


NỖI SỢ ĐÁNG THƯƠNG

Tôi bước vào nhà thờ, tìm chỗ ngồi ẩn khuất để cầm lòng cầm trí cùng mọi người đọc kinh trước Lễ.
Vừa ổn định vị trí, tôi toan rút tràng hạt trong áo ra, thì nhận ra từ đâu xuất hiện một phụ nữ tiến đến ngồi sát bên mình.
Chị nói nhỏ gì đó, tôi gật đầu cho qua vì trong nhà thờ không nên trò chuyện. Chị nói tiếp, giọng rõ ràng hơn :
- " Em cố gắng về sớm đi Lễ, vất vả quá chị ạ ".
A, mình đang gặp người "gốc Quảng Ninh"(*) đây, thật chán ! Thôi thì cũng tội nghiệp, tôi lại gật đầu, như một lời cảm thông.
Tiếng cô lại thì thào bên tai tôi :
-" Chị biết không, em khổ lắm !".
Bằng câu ta thán ấy, người phụ nữ xa lạ ngồi bên tôi mở đầu một chuỗi tâm sự não nề nói về cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc của chị ấy. Chị kể trong sụt sùi, nghẹn ngào, nức nở. Màn độc thoại (tôi cho là thế, vì chỉ có chị , tôi không nói gì) của chị kéo dài trọn năm mươi kinh Mân Côi của cộng đoàn. Trong tôi, thói ích kỷ khó chịu nổi lên vì thấy mình bị làm phiền. Tôi chỉ muốn chị ta im đi , nhưng khi thoáng liếc nhìn, tôi bắt gặp bên cạnh tôi, một khuôn mặt đầm đìa nước mắt, lại chạnh lòng, im nghe : nào chồng đánh, nhà chồng chửi, đuổi ra khỏi cửa ....
-" Chẳng lẽ em phải chết đi họ mới hả dạ sao chị ?".
Ôi , nghe mệt quá !
Tôi, một con chiên ngoan đạo, cảm thấy vì cái tâm sự của chị ta mà mình đã bị cướp đi năm mùa Mừng tốt lành thánh thiện, nên nhấp nhỏm tìm cớ để trốn đi. Thật may là sát giờ Lễ, giáo dân nhanh chóng ùa vào rất đông. Và trong lúc người ta lao xao, chộn rộn tìm chỗ trong nhà thờ, tôi đã có cơ hội đứng lên, tránh xa người thân cận đau khổ kia.
 Và tôi đã được toại nguyện.
Hôm sau, trong bài giảng Lễ, vị chủ tế kể lại một kỷ niệm giúp xứ của ông : Ngày nọ, cha thấy có một đứa bé cứ lảng vảng trước cửa nhà xứ. Nó đi qua, đi lại, nhiều lần, như muốn vào mà không dám vào.
Sau đó, nhà dân có đám tang, cha được biết đó là đám của đứa bé. Nó  có vấn đề không giải quyết được .  Nó đã tự tử . Chết rồi !
Phải chi khi đó cha gọi nó vào hỏi han, khuyên nhủ, biết đâu !!!
Tôi nghe như chuyện đó kể cho riêng mình.
Ngày hôm qua, sao tôi lại lạnh lùng vô cảm với người chị em đau khổ ấy ? Sao tôi lại trốn tránh một dịp để yêu thương ? Sao tôi không học vui với người vui, khóc với người khóc  ?
 Trong lòng tôi vấn vương hoài khuôn mặt xinh đẹp chan hòa lệ thảm của chị . Và rồi trong lòng áy náy, lo âu, sợ hãi một điều gì đó rất xấu xảy đến cho chị !  Ôi, người phụ nữ xa lạ, làm sao tôi có thể gặp lại chị ? "Phải chờ trăm năm" sao ?

*****************

Bẵng đi một thời gian, hôm qua, tôi nhận được tin nhắn từ một cô bạn trẻ khác.
Tin nhắn đầy ắp khổ đau tuyệt vọng, không chịu đựng nổi, không lối thoát. Bạn ấy luôn nghe trong đầu có tiếng  thúc giục phải chết đi mới yên.
Tôi thật lo lắng, bàn hỏi cha xứ, người ta như thế, như thế, mình phải làm sao ? Tôi vẫn nghĩ, còn ai có thể vào cuộc, dẫn dắt tinh thần cho giáo dân những lúc gặp khó khăn, nếu không phải là  các linh mục ?
Cha bảo tôi đồng hành với bạn ấy.
Nghe xong chưng hửng ! Bởi biết mình ngọng nghịu, vô cảm, vô duyên, giúp bạn sao đây ? Thầm trách, sao nghe báo cáo có chiên non bị nạn, người chăn chiên tốt lành lại thờ ơ , bán cái ? Rủi mà chiên bị bắt đem đi, cha tính sao ?  Cha không nhớ chuyện đứa bé tự tử sao ?
Cả ngàn lẻ một cái " sao xẹt " xui tôi  né tránh những chuyện bao đồng như thế này.
Rồi trong một thoáng u sầu vu vơ, tôi nhớ đến chị tôi.
Nhiều năm trước , chị tôi sống bên Hoa Kỳ, cô đơn và bệnh tật.  Không người thân chăm sóc, chia sẻ. Nỗi buồn đau, nhung nhớ gia đình lớn dần thành căn bệnh homesick phổ biến trong cộng đồng người Việt lúc bấy giờ. Vào một đêm buồn, chị tôi đã tự kết liễu cuộc đời bằng nhiều viên thuốc tàn nhẫn....
Phải chi có ai trong chị em chúng tôi ở bên cạnh chị ủi an, chia sẻ...Tôi không quên chuyện chị tôi. Không bao giờ.
Liên tưởng về người thân như thế làm tôi sợ hãi khi nghĩ về cô bạn trẻ vừa gửi tin nhắn.  Cho dù cô không chịu trải lòng, cho dù cha xứ làm ngơ, cho dù tôi kém cỏi trong giao tiếp, tôi cũng còn có một "trái tim bằng thịt" chứ !
Tôi gạt bỏ ngay lập tức ý nghĩ trách cứ cha xứ.
Rằng : Tại sao mình có thể ngồi yên đó mà đòi người khác phải làm việc ? Tại sao một giáo dân, như tôi, lại đổ mọi trách nhiệm cho các chủ chăn ? Tại sao tôi không quảng đại một chút, nghĩ đến những bận rộn mục vụ hàng ngày của một linh mục, từ sáng sớm cho đến tối mịt, và có những đêm khuya đang ngon giấc thì bị lôi dậy đi giúp các linh hồn ? Linh mục là những người cần ăn ngủ bình thường như tôi  thôi, nhưng lại có một lý tưởng dành trọn cuộc đời phục vụ mọi người,(trong đó có tôi và những người thân của tôi). Vậy tại sao tôi không phụ giúp các vị, khi có thể ?
Tại sao ? Tại sao ?
Hình như trên đầu tôi đang lấp lánh rơi những vì "sao lạ" !
Tôi như được nên mới, thấy tỉnh táo hơn .
Vậy phải vâng lời, lên đường đồng hành với bạn thôi ! Hành trang nào, đi đâu, làm gì , không biết ! Tôi chỉ biết mình đang ôm một nỗi sợ đáng thương : Sợ sự xấu, sự dữ . Đồng thời mình cũng đang ôm một sứ vụ thiêng liêng là Yêu thương. Yêu thương đâu chỉ dành riêng ai. Yêu thương còn là luật truyền.
Tôi không muốn ai phải rơi vào cảnh tang thương tồi tệ như chị tôi. Tôi muốn mọi người tránh xa được sự dữ.
Tôi muốn mọi người được hạnh phúc, yên vui.
Ở đâu đó có một câu nói làm mềm lòng tôi tự bao giờ  :
"Nếu một ngày nào đó bạn đau buồn và muốn khóc, hãy gọi cho tôi. Tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười, nhưng có thể tôi sẽ khóc cùng bạn". 
Xin cám ơn người đã nhắc nhở !
Tôi muốn yêu thương, bởi chắc chắn chúng ta không thể rời xa nhau :
" Xa xa, khi nghe chuông ngân đưa,
hồn ai ra đi thiên thu,
là chuông buông ngân cung tiễn đưa
muôn hồn linh trong thế giới ".
( Lời bài hát  Không ai là một hòn đảo, thơ John Donne, nhạc Joan Whiteney & Alex Kramer , lời Việt  HT.)
Thắp nến lên, cầu nguyện cho ai đó ....đang bế tắc trong cuộc sống.
Chúa là Cha nhân ái, sẽ dạy con cái Người cách yêu thương, yêu thương anh em và yêu chính mình.Người không muốn một ai trong chúng ta phải hư mất. Tôi tin vào Lời ấy.
Nỗi sợ của tôi giờ không còn đáng thương nữa, nó dễ thương biết bao !

Anne du Saint Esprit Nguyễn


_______________________________________________
(*)  Ý nói người hay than thở .

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

SỢ MẤT CHÚA


Ngôi nhà nằm trên đường đi đến nhà thờ Thánh Mẫu từ hôm nào đã trưng hang đá Bêlem ra ngay trước nhà, 
bên ngòai hàng rào và cổng nhà,
như cảnh trang trí chung cho cộng đồng.
Người bộ hành qua lại có thể sờ, nắm, nhấc những chú chiên cừu be bé được đặt nằm rải rác quanh bộ ba Tượng Thánh Gia. 
Cả ba Đấng Giêsu Maria và Giuse cũng hiện diện suốt ngày đêm trong trung tâm hang đá.
Giả như
một sớm mai nào thức dậy,
chủ nhà thấy mất một nhân vật  nào đó của bộ tượng Bêlem, trong đêm vắng, kẻ nào đã lấy trộm đi,
thì sao nhỉ ?
Mất Đức Mẹ, mất thánh Giuse chẳng hạn.
Mất Chúa chẳng hạn. Buồn quá chớ ! Có khi tức giận quá chớ, trộm gì trộm tượng !
Nhưng nếu sợ mất Chúa mà cất Chúa đi, ai chiêm ngắm Chúa ?
Tinh thần truyền giáo nằm ở chỗ nào ? Ở chỗ này :
Chúa không chỉ là cỗ tượng thạch cao. 
Đáng lẽ ra người Công Giáo như tôi phải trưng Chúa ra thanh thiên bạch nhật.
Chúa của tôi đâu ? 
ht.

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

TÍ XÍU ĐỒNG CẢM


Cha Pio Ngô Phúc Hậu kể chuyện một cha già đi xức dầu bệnh nhân, người bệnh chết đi mang theo lòng óan thù. Cha già thất vọng trở về, gục đầu buồn bã, hình ảnh  ngư phủ từ biển trở về tay không. 
Mới đây mình cũng đã làm vuột khỏi lưới một "bà cá", than với cha Hậu buồn quá! 
Mấy hôm sau lại gặp chuyện buồn gấp bội, buồn muốn đau. Đó là có người cho mình biết con cá tươi hồng, rắn rỏi, quẫy tưng trong lòng thuyền, hôm nào đánh nó về cả làng chài xúm ra bãi xem, trầm trồ khen con này to nhể, hôm nay, hình như nó có...mùi.
Nghề chài lưới sợ nhất cá ươn.
Ai chẳng sợ cá ươn. Cá ươn thì phải vứt  bỏ thôi.
Ngẫm chuyện này để xin có tí xíu tâm sự bé nhỏ đồng cảm với các nhà Truyền giáo khi gặp phải tình huống giảng đạo cho người ta mà người ta  mắng cho, chửi cho, còn đỡ được. Đây"nó" theo đạo cho ngon cho tốt một thời gian rồi sau đó nó quậy bằng ba : Nó vòi tiền, nó lừa đảo, nó ba hoa, biệt phái... Giờ nó đã được lòng các sơ các cha, nó là chiên yêu dấu, chiên gương mẫu, đạo gốc cũng phải nhìn nó mà soi, ai nói e lại bị mang tiếng xấu là ganh tị, dèm pha. Thôi đành dặn nhau đề phòng.
Đỡ được không, đau chứ ! 
Viết cho cha Hậu : Đau quá ! 
Mong sao chuyện không đúng như vậy. Mong sao mang cá vẫn tươi hồng.

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

XIN THUA !


Ngày còn bé, trò chơi cuộn chiếu  rất được chúng tôi ưa chuộng mà tôi thường là đứa bày têu cho các em. Anh tôi lớn hẳn nên không tham gia, còn lại mấy đứa con gái hễ hô hào ê bây giờ tụi mình chơi cuộn chiếu đi là thế nào lũ em tôi cũng nhẩy cẫng reo hò khoái chí, chui ra chui vào hào hứng cho đến khi nghe tiếng mẹ quát tháo ầm ĩ thôi thôi ra ngay bụi bậm lắm rồi lại kêu ngứa.
Bây giờ hồi tưởng những trò chơi ngày thơ ấu, tôi vẫn thương sao cái vụ chui vào nằm trong chiếc chiếu cuộn vòng, bên chèn gối bên dựa tường dựa tủ, thi đua chui vào chui ra đứa nào không làm đổ chiếu đứa ấy cứ được tiếp tục chui. Chơi một lúc thì chán, rồi khi chán thì hè nhau đổ người một cái, nhà chiếu đổ nghiêng theo, chị em thú vị  lăn đùng ra cười khanh khách . Lại dựng, lại xô đổ, mấy bận chị  càu nhàu phải dựng lại nhà , lũ em giả vờ sợ, sau đó lại "vũ như cẩn" đua nhau nghịch phá. 
Giờ làm người lớn, có khi tôi vẫn chui chiếu như vậy, có lúc như chơi đùa, có lúc như thi đua !
Một lần cảm thấy vui mừng khi nhận được những hình ảnh thành tựu tốt đẹp, hạnh phúc của gia đình bạn gửi cho, tôi thầm nghĩ mình thua. Một ngày nào đó hãnh diện với bằng Tốt Nghiệp vang danh của bạn, tôi thầm nghĩ, mình lại thua .
Được cái nết, tôi không bao giờ buồn tủi vì thua, trái lại, luôn cảm thấy vui cùng niềm vui của bạn. Chui chiếu là trò vui, chui vào, chui ra, cho em chui qua em ra sau chót. Em xin thua !
Đó không phải tôi không vươn tới, không mong sống, không tích cực, không nhiệt huyết. Có chứ, có thi đua, nhưng tôi thi đua theo kiểu ...của tôi. Đó là tôi thích  trở nên thua-kém-người.
Niềm vui êm đềm, nhẹ nhàng biết bao khi được làm người thua kém. 
Bạn có đồng cảm với tôi không  nhỉ ?

Một thành tựu của Bạn hữu. Chúc mừng NS. Vũ Đình Ân.

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

ĐI ĂN GIỖ CÓ QUÀ


Tối hôm qua Giỗ năm thứ 8 Bác Ninh-thời Thầy Hải Linh-, Bố của Tuấn, Tú, Thắng. Mình cùng Kiều sang nhà Thắng ăn Giỗ. Vì Kiều mắc đọc kinh kính Đức Mẹ Fatima,13.10 ở khu nên hai chị em sang trễ, bàn đã đầy anh em, trong đó vẫn có mặt mấy ca trưởng-ca viên  thân quen : Bố con Tân-Duy, Hoài, Hưng, Duy, Thành, Công,Tú , Trí...
Rượu hôm nay là rượu Đậu Nành. Thêm bia lon, ai không uống rượu thì uống bia. Mình chọn men Đậu Nành trong vắt, nghe tên thì hiền lành trắng trẻo mà uống vô cũng lừ lừ . Mồi là Cầy Tơ, Kiều sang mua thêm Rựa Mận Củ Chuối (mình  viết vậy có đúng không các chị nội trợ chuyên nấu đồ nhậu cho các đức ông chồng ?) mềm như bún, đen như mắm ruốc đun lâu. Món Rựa Mận này ở cửa hàng Mộc  Bảy Hiền đây, không ngon bằng nhà mình làm, không đẹp bằng. Ngày xưa hồi Ba mình còn sống, mẹ mình nấu Giả Cầy, Rưa Mận cho ông Cụ nhậu với bạn, Rưa Mậu mẹ nấu màu tím rịm ngon tuyệt vời, Giả Cầy thì con cái chen nhau chan cơm ăn, may mà mẹ luôn nấu dư dả cho cả nhà . 
Giữa bữa, Thắng tuyên bố : Hôm nay đi ăn Giỗ còn có quà mang về nha ! Ấy là báo tin cho chị Triều, mình đấy. Thắng vào nhà mang cái metronome này ra , vừa đi vừa tìm cái khăn lau bụi cho nó. Mình đón lấy món quà, cảm động thằng em có tình . Công bảo có năm chục ngàn đó cô Triều. Ô ! Sao mới toanh tà lòanh thế này ? Xem như  cu Công nói đùa cho vui, mà nói thật thì cũng chả ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới, là vì mình không nhắm đắt rẻ, mà quý là quý cái tình trong món quà. 
Mình hỏi sử dụng thế nào, không biết, mấy gã cười khen chị gái đơn sơ thật thà.
Thế gian này lạ thật, không biết thì nói không biết, có nói có không nói không mà mấy em !
Cám ơn Thắng, hôm nay chị rất vui vì đi ăn Giỗ còn được ôm quà về. 
Từ mai là cố đàn cho nhịp nhàng với toong toong toong !
ht.

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

ĐÔI DÉP


Đứa bé nhìn đôi dép mới trên kệ hàng ở chợ bằng đôi mắt thèm thuồng.
Rồi nhìn xuống đôi chân nhỏ của mình đang đi đôi dép cũ và bẩn, trông đến thảm hại.
Nó chạy về nhà, lấy kéo cắt phăng chiếc quai dép nó đang đi và cho mẹ biết sự thể.
Mẹ nó hỏi :
- Vậy bây giờ con muốn gì ?
- Con muốn mua dép mới.
Người mẹ bệnh tật  nhỏ nhẹ bảo :
- Mẹ sẽ mua dép mới cho con, nhưng là mai, vì hôm nay mẹ lỡ mua thuốc hết tiền. Mẹ sẽ nhịn thuốc, lấy tiền mua dép cho con.
Đứa bé mếu máo, xệch miệng !....
Đến đây, tôi không hiểu đứa bé đang thương mẹ nó hay nó thương chính nó !
Thì để ngỏ vậy......
ht.

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

NGỐ LÊN TỈNH


Hai ngố vui quá .
Vượt lên chính mình ( nói cho nó oai ý mà ) hai ngố đã làm một chuyến từ quê ra tỉnh .
Để có chuyến đi để đời này hai ngố đã phải lên kế hoạch ,suy nghĩ nhiều ngày ,thăm dò thời tiết ......!!!!!!
Thật ra ,điều hai ngố trăn trở nó rất bình thường và đơn giản nếu rơi vào bất cứ ai .nhưng với hai ngố là cả một vấn đề vì ........hai ngố đều rất ngố à không có người hơi ngố thôi nhờ thế mới dắt được ngố kia .
Bàn tính lên kế hoạch ,rồi triển khai ( hehehe ) nói cho nó oai ( hahaha )
Chuyện gì tới nó sẽ tới ,ơn Chúa thương mà cũng nhờ người hơi hơi ngố còn suy nghĩ được mà lo toan mọi sự ,( từ việc xe cộ đến hành trang lên đường đều nhờ vào người hơi hơi ngố lo toan tất tần tật )
Hành trang gọi là thế ,nhưng cũng chỉ là 2 bịch chôm chôm và mấy quả sầu chung hihihi gọi là quà quê ( cám ơn người hơi hơi ngố đã lo cho )
Khi đến nơi ,đúng hẹn đã có Chị ra đón ,vui quá thích quá ,cuộc hội ngộ đầy cảm xúc và yêu thương ,
Xin được kể ra vài điều thú vị mà ngố nhận thấy lạ ( này nhé vào nhà xí luôn là hai người ,minh và một người nữa giống mình ,mình làm gì nó làm đấy ,đây là cách làm cho mình khỏi buồn vì có người đồng hành chăng !!!???)

Còn nữa ở trên cao nhà luôn đóng cửa nhưng lúc nào cũng mát ,có khi phát rét ,tìm quạt máy giảm tốc mà không thấy đâu Chị chủ nhà hiểu ý với tay lên cao khỏi đầu một tí là ok !!!???



Cuộc vui nào cũng có hồi kết thúc ,ôi không kể hết được bùi ngùi lắm ..........#
Lại nói đến chuyển vế .
Khi đi người hơi hơi ngố có nói ,đi vầy nhưng lúc về yên trí rồi không phải lo nữa .
Ôi không ,đủ mọi loại từ sách đọc sách hát ,đến những món đồ từ đất thánh cũng được ưu ái đem chia sẻ .
Chưa hết ,những bọc quần áo những chai nước mắm ,2 thùng sữa ,cùng nhiều thứ và mỗi ngố có thêm cái giỏ mới . 
Bao nhiêu ưu ái các Bác các Chị dành cho ,hai ngố xin nhận hết ....hihihi
HAI NGỐ xin cám ơn.
Hai ngố cũng không quên cám ơn các Anh Chị thành viên trong gia đình đã cho hai ngố những tình cảm ấm áp và những bữa ăn ngon.
Hai ngố xin cám ơn,
Xin Chúa chúc lành cho chúng con

HAI NGỐ

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

SA MẠC NỞ HOA


ht. Từ ....đó, nhiều khi tôi có cảm tưởng hồn tôi là một bãi sa mạc hoang vu, cát và đá, núi và vực. Một hôm, nhen nhúm từ đâu, theo làn gió thỏang, một cánh hoa vàng rơi nhẹ vào lòng. Hai tay tôi nâng niu nó, bé nhỏ và lạ lùng, đơn sơ và độc nhất. Tôi quyết giữ lấy làm của riêng, ép vào trang vở trắng. Mơ ngày mai, phép lạ của Chúa sẽ biến trang vở nở đầy hoa xinh.....
Lạy Chúa, thấp hèn nhỏ bé con đây, dám xin Chúa thương đôi khi ban niềm an ủi cho con được niềm vui tỏ tường giữa cuộc đời vui thì  li ti như hoa cỏ, buồn cứ mênh mang như sa mạc.....
Và khi ấy, con sẽ hát vang lời Thánh ca mùa Vọng : " Vui lên anh em, hãy vui trong Chúa Trời, cố sao cho cuộc đời thắm một niềm vui".







Hai loại hoa họ xương rồng này cho người ta thấy rõ nhất sự sống tồn tại khắp nơi và trong mọi hoàn cảnh -
Ảnh: Guy Tal
 

NGẮM ĐÁ


ht. Cuộc sống giờ đây như ta đi trên bãi đá. Nhặt một viên đá lên, ngắm nhìn, nâng niu hay ném bỏ. Quẳng xuống đất hay quăng vào ai đó. Lạy Chúa, con dâng lời hối lỗi, xin Chúa tha thứ, có những  lần con đã cầm đá ném vào anh chị em con.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã sống trọn vẹn cuộc Vượt Qua của Chúa, xin cho con biết sống cuộc “vượt qua” mỗi ngày trong đời con:
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhọc nhằn của thân xác.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn trong đời sống thiêng liêng.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…
Chính vì Chúa đã phục sinh, xin ban cho con sức mạnh và ơn can đảm để “vượt qua”, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa Giêsu Phục Sinh, luôn gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui. Amen

(Tổng hợp từ R. Veritas)

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

QUYỀN

Ảnh Google Image
Riêng tư, thanh vắng, thinh lặng, suy nghĩ, đọc, sưu tầm, suy tư, rồi xét mình, kiểm điểm, ân hận có,  thoải mái có, thương, ghét, giận, buồn có , đó là quyền của bạn. Đó cũng là quyền của tôi.
Chẳng lẽ cùng là con người được Thượng Đế tạo dựng, ban tặng trí khôn, trí hiểu, chúng ta cản nhau quyền phát biểu ư ? Như thế thật bất công, trừ khi chúng ta chửi bậy, chửi đổng.
 Ai đó sử dụng hai mẫu tự tắt Đ.M. (có nghĩa chửi bậy) để bảo là "nói tiếng Đan Mạch".Tôi nhớ có người đã đề nghị chúng ta không nên dùng chữ như thế vì là xúc phạm đến người Đan Mạch. Tôi cho rằng đề nghị đó  đúng, vì chửi bậy, cách này cách khác, là thói xấu, dơ miệng. Ấy là không kể tới  lời nói vu khống, làm chứng gian, tội rành rành với Trời với người.
Còn chửi đổng là hèn.
Thế thôi, còn thì ai nấy cứ việc phát biểu. Ai thích gì thì cứ nói, tuy nhiên, mình phải luôn nhớ lời sách vở, người xưa dạy qua biết bao nhiêu câu Châm ngôn quý báu về Lời Nói. Mục này (tại đây), cho tôi răn tôi, không tặng  Bạn. Tôi ngại Bạn đã từng đọc, từng nghe và chúng chỉ trượt qua, như lời Bạn đã nói :
"Hanh dong cua ban, nhung con nguoi ban giao du, giai thich con nguoi va tinh cach cua ban, chu khong phai la nhung bai viet that hay, duoc copy tu nhung suy tu cua nguoi khac, nhung bai viet do toi da tung doc va cung da tung nghe nhieu trong cuoc doi roi, no chi truot qua thoi, chu khong de lai dau an, tru phi chinh ban va toi da tung trai nghem qua chinh cuoc song cua ban than minh. "Loi noi lung lay, guong bay moi loi cuon va moi lam cho nguoi khac TIN ban" Hay HANH DONG de chung minh con nguoi cua minh chu khong phai noi cho nhieu , viet cho hay ma chang lam gi ca. 
Một khi thích mới sưu tầm, từng trải nghiệm mới thấm thía. Vui thì giữ, chán thì bỏ. Bạn ơi, tôi không tốt sẵn như bạn, tôi phải sưu tầm để tự răn tôi. Tôi vẫn cố gắng hành động, cố gắng làm mỗi ngày đấy chứ, chỉ tại tôi yếu đuối, hay lỗi lầm thôi, Bạn hãy bằng lòng để cho tôi mượn những bài viết hay, những suy tư của người khác, v.v. để học hỏi và để sống tốt hơn chứ ? Cám ơn Bạn. "Cố gắng sống tốt hơn" là quyền chính đáng của bất cứ ai  Bạn ạ.

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

CẢM ƠN LỤC VÂN TIÊN


 M. thân mến,
Cậu đã làm Lục Vân Tiên cứu tớ trên đọan đường gặp kẻ xấu đó. Nguyệt Nga liễu yếu này xin đa tạ Vân Tiên chàng. Nghĩ lại mà cảm động, trong khi bao nhiêu người "Thôi thôi chẳng dám nói lâu, chạy đi cho khỏi kẻo âu tới mình"( Lục Vân Tiên, câu 113-114) thì cậu -quả là lúc ấy chỉ có một mình cậu dám ra mặt cứu tớ - lại ngang nhiên ra oai với bọn cướp đường ấy, mắng cho chúng nó một trận, đánh cho chúng nó tả tơi. Đúng là "Gặp chuột ra đàng, con mới nên danh" ( Lục Vân Tiên, câu 70). Ấy là Cụ Nguyễn Đình Chiểu bảo cậu như vậy. Nghe cứ như sấm tiên tri ấy nhể !
Nhắm vào cậu, tớ thích nhất đoạn này, trích ra đây tặng cậu :
Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân
Phong Lai mặt đỏ phừng phừng
Thằng nào lại dám lẫy lừng vào đây.
Trước gây việc dữ tại mày
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng
Vân Tiên tả đột hữu xung
Khác nào Triệu Tử mở vòng Ðương dang
Lâu la bốn phía vỡ tan
Ðều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay
Phong Lai trở chẳng kịp tay
Bị Tiên một gậy thác rừng thân vong
(trích Truyện Lục Vân Tiên -câu 125 tới 136)
Trên đời này ngày nay rất hiếm Lục Vân Tiên cậu ạ. Bởi vậy, cái thằng đầu đảng lâu la Đỗ Dự Phong Lai hàm hồ, tiểu nhân, hạ cấp ấy nó tưởng cậu là tầm thường, là yếu đuối tay chân, là lơ tơ mơ về trí não. Cứ xem những đường đao ( trong chuyện là cậu bẻ cây làm gậy) cao thượng,quân tử, tuyệt kỹ ( ý tớ là có giáo dục, đạo đức) cậu vung lên chắc chắn chúng phải khiếp sợ, còn tớ thì nể quá, phục quá, yêu cậu ...nuôn. Thế là thành chuyện Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga...tân thời.
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e. Tớ viết đôi giòng gửi lên blog ht', cậu có đọc được, tin cho tớ, hôm nào mát trời chúng mình hẹn gặp nhau ở chân cầu Bông. Nhớ mang theo áo gió, kẻo sương sa ấm đầu sổ mũi hắt hơi.
Kieunguyetnga2014@

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

MỘT LINH MỤC DỄ MẾN


Mỗi sáng sớm, cùng mọi người đến ngôi nhà nguyện nhỏ bé thân thương này, mình đều gặp gỡ vị  linh mục già chủ tế Thánh lễ, với mái tóc bạc phơ, dáng đi nhẹ nhàng chậm rãi, ung dung và lịch duyệt.
Cha dâng lễ sáng tại đây hình như cũng hơn 3 năm nay thì phải. Nghe một người quen của cha nói rằng được dâng lễ hằng ngày đối với cha là niềm vui, niềm hạnh phúc. 
Có lẽ chân cha yếu nên khi đến kinh Tin Kính thì cha ngồi vào ghế. Khi giảng, cha đứng tại chỗ làm lễ chứ không đi ra tòa giảng.
Cha có mặt trước lễ rất sớm, bao giờ mình lò mò vào tới cửa thì đã nhìn thấy cha ngồi ở băng ghế dài kế cuối. Sau lễ, cha luôn luôn trở về chỗ đó để chờ giáo dân tới xưng tội.
Người xưng tội sẽ quỳ ở ghế sau, xưng vọng lên qua vai phải của  cha, còn cha  ngồi yên trong tư thế như vậy để giải tội. Mình thì quỳ bên cạnh cha, quay mặt nhìn cha mà xưng tội. Tư thế quỳ trên nền lối đi trong nhà thờ kể là đau đầu gối nhưng phải chấp nhận như một hình thức đền tội cần hy sinh bỏ mình, nhưng thế lại nghe rõ cha dặn việc đền tội, vì cha nói nhỏ lắm, chắc cha sợ người khác nghe thấy tội mình xưng thú, họ chết giấc. He he !
Cũng hơn tuần nay không thấy cha tới dâng lễ , mãi đến ngày hôm kia, nghe chị Hiền làm giờ Thương Xót cầu nguyện rằng xin Chúa thương cho cha già của chúng con đi mổ mắt về được bình an, mới biết à thì ra cha phải đi bệnh viện giải phẫu mắt. Lời cầu nguyện của chị Hiền nói lên một tình cảm trìu mến dễ thương của  giáo hữu đối với  linh mục, nhất là đối với cha đây. 
Cha giảng giọng thong dong, êm ái, ngắn gọn mà chứa đựng những bài học đạo đức thực tế.
Mình rất ấn tượng ở tính cập nhật Internet của cha.
Sáng ngủ dậy, đi lễ là nghe cha già thông tin những gì đáng lưu tâm xảy ra trên mạng, ở Việt Nam, trên thế giới trong suốt thời gian tín hữu ngáy khò trên giường : Khói trắng Vatican, Đức Thánh cha Phanxico tham dự Đại hội giới trẻ tại Brazil, v.v. Kể cả chuyện các tài tử giai nhân, ca sĩ ... cũng được cha già dùng để làm đề tài nói về sự phù hoa của thế gian. Người nhớ từng tên họ, từng năm sinh năm mất, người ấy chết vì sao, cuộc đời phù phiếm, chóng qua thế nào .....
Cha già có một đầu óc tinh tường, sâu sắc và một lòng đạo đức nhẹ nhàng, ai cũng muốn thích nghe cha giảng. Gặp Nhạc sĩ bạn mình, LĐH. mới dọn về khu này, đi lễ.  Câu đầu tiên H. phát biểu là nghe cha già giảng rõ ra linh mục đạo đức. Một bài giảng của cha già giúp H. cảm hứng sáng tác mấy bản Thánh ca, H. nhỉ !
Sáng nay, lễ thứ hai đầu tuần gặp cha trở lại. 
Cha nói cám ơn Chúa, sau mổ mắt về, bác sĩ bắt kiêng cữ 10 ngày. Hôm  nay tôi rất vui mừng được gặp lại anh chị em. Dạ, con cũng rất vui mừng được gặp lại cha. Cha không đến nhà thờ này, con không biết phải đi đâu mà xưng tội.
 Cha già quả là dễ mến.Mình ước gì các cha trẻ cũng dễ mến như vậy.


Ảnh chụp ngày 19.3. cha già đã  thân thương tái ngộ cộng đoàn.Cha đang giải tội.

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

TUI TỦI....


Quốc Văn Giáo Khoa Thư (tại đây) , thời mình còn bé được học là một cuốn sách dạy trẻ rất hay. Đến nay già đầu mới nhận ra trong đấy tòan là những trang dạy làm người cho cả người lớn. Xin cám ơn quý Tác Giả đã sọan  những lời hay, ý đẹp, những câu chuyện xưa có tính giáo dục rất cao  giúp cho mọi người dùng để soi xét bản thân thật tuyệt.
Sáng nay, mình có dịp nhớ lại chuyện ông Lý Tích có trong cuốn này. 
Mở ra đọc lại, thấy tui tủi, rớm nước mắt....: 
Ông Lý Tích lớn tuổi rồi, râu tóc bạc phơ mà còn chu đáo việc nuôi người chị già. Chẳng may một hôm nấu cháo cho chị, vô ý để lửa bếp phụt lên làm cháy râu. Người chị thương quá, bảo cứ sai đầy tớ, việc gì em phải khổ thân vậy. Ông Lý Tích nói chị già em già, dẫu muốn nấu cháo cho chị ăn mãi, phỏng đã dễ mà được hay sao.
Đọc lại thấy cảm động quá ! 
Thời nay không có vậy đâu ! 

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

ĐUỔI THẲNG !


ht. Cách đây mấy tháng, ht. đã để Web nhà nước ở mục "Nhà bên", có ý so sánh nội dung với những nhà khác.
Ví như cả ngõ "đất lành chim đậu", nhà nào cũng có văn hóa cao, thật thà thương yêu giúp đỡ nhau, có một cha hàng xóm đại lọai tính tình sao sao đó, miệng lưỡi sao sao đó, khác hẳn với bà con trong tòan ngõ, thì để vậy cho nổi bật tình làng nghĩa xóm của ta lên, với lại lâu lâu dòm vô coi nhà đó có biết cải thiện chi không thì mừng cho nó, vậy vậy đó...
Sau một thời gian dài, chẳng bao giờ thấy nó sáng đèn. Có ai thèm vào đâu ! Trơ trẽn quá!
Thôi, hôm nay dứt khóat vô " Bố cục" gạt phăng cái địa chỉ này đi.
Ví như trong một ngõ, bên trái bên phải ai cũng tốt, nhà nào cũng cư xử biết điều, có nhà bà kia giàu nứt đố đổ vách, cứ đi lễ về là khoe khoang, phét lác, đạo đức giả, ích kỷ, còn ác nhơn ác đức nữa chứ. Rõ vừa kém cỏi vừa ỷ thế, ngày này qua tháng nọ, không hề có sự biết điều, khó lòng thay đổi lối sống. Không ưa nổi, hất văng bà ra khỏi ngõ. Đuổi rồi.
Kể từ nay trở đi,  sẽ không còn ai thấy bóng dáng bả trong xóm nhỏ này nữa. OKay ?
Ai muốn tìm bả cũng dễ thôi, vô Gúc-gồ ! Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, cứ việc, đây đuổi rồi !
Đuổi thẳng, một phát delete, đứt phăng cổ !

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

CHẢ TIN


Ốm một tuần, cả đời né nhà thương, cuối cùng cũng phải đi khám bệnh. 
Khám tổng quát, trừ 1 mục là rl. tiền đình, còn lại mục nào cũng được ghi là "bình thường", rõ ràng đầy đủ, mạch lạc bằng bàn phím computer chứ không phải chữ viết tay của bác sĩ mà sợ sai lầm.
Nhìn một dọc dài "bình thường", "bình thường", chợt tủm tỉm nhớ chuyện cười ở đâu đó :
Có anh chàng khỏe mạnh cũng đi khám tổng quát định kỳ như mình. Vừa liếc đọc kết quả xét nghiệm anh ta lăn quay ra ngất xỉu. Thì ra cũng một dọc dài chữ "bình thường" nhưng bác sĩ ghi tắt " bt".
Anh ta tưởng "bt" là "bó tay".
Quá tin, quá tin, thật tội nghiệp ! 
Mình thì ứ tin, ứ tin ! 
Khó tin, cứng tin, nhất là đối với phường giả trá, dối gian, tà vạy, nói mà không làm. Tới độ mấy hôm nay bao nhiêu người loan tin, báo chí nào cũng đăng cáo phó có ông tướng tên Ngọ đã từ trần, mình cũng chả tin.
Cầm cái lưới đập muỗi, dập một phát, tắt phụp niềm tin.

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

BIỆT PHÁI BIẾT NGƯỢNG


Hôm nay N. gửi cho tôi bản pdf Ave Maria của Giulio Caccini. Có đàn , lại có bản sheet tác phẩm mình ưa thích, còn gì hạnh phúc hơn ! Đối với tôi, thế là vui sướng lắm.
Cuộc sống đầy những quà tặng trao ban. Thiên Chúa yêu thương ta, mọi người xung quanh lo lắng, chăm sóc cho ta. Từ sớm mai cho đến chiều tà, thiên nhiên, tình người bao vây trìu mến ta. Còn ta, ta đã làm được gì đền đáp những ân tình ấy ? Hay là chỉ chằm chằm vơ vào ?
Rồi tự nhủ, ta nhận nhiều, vậy đã cho những gì ? Tôi  nhận ra bài học Chúa dạy tôi : Cần phải cho đi. Nhìn lại mới thấy mình thật ích kỷ, trước giờ hình như mình chả hề nghĩ đến chuyện phải cho đi, tòan ngồi đó, cầu mong : "Xin Chúa thương", "Xin Chúa ban.."."Ước gì !" với lại "Giá mà!"....
Từ hôm được C. tặng cây đàn piano, tôi vui quá, thích quá, sáng ra cứ tính tóan : Đã nhận rồi, hôm nay mình sẽ cho đi. Cho đi cái gì bây giờ ? 
Và tôi thực hành, như bạn biết đấy, tôi rất ...ngoan.
Sau mấy ngày, hôm nay tôi thử tạm tổng kết. Thì ra tôi chỉ tòan nhắm người tôi thích, tôi thương, tôi quý mà cho đi. Cho mà chỉ cho thân nhân thân thích, thôi rồi, như vậy hay ho gì !, Chúa đã nói : Người biệt phái cũng làm được như thế. 
Lạy Chúa,
con chính là một tên biệt phái, thật con đang xấu hổ với chính bản thân con.
Xin Chúa dạy con biết cách cho đi.
Cho nơi không biết mình là ai.
Cho nơi không mong đền trả.
Cho đi âm thầm, vô vị lợi, không biết tay mình cho đi những gì.
Chứ cho như con thế này ư , úp mặt vào cả hai lòng bàn tay không đủ che dấu sự ngượng thẹn.
Xấu quá Chúa ơi!

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

BUỒN ƠI SAO CÒN ĐÓ!


Qua Mồng - Đốt Tết - Hết Tết - Một cái Tết buồn.
Buồn từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. 
Buồn từ già sang trẻ, từ trẻ sang già.
Buồn từ ông sang bà, từ bà sang cháu.
Thế là đã qua đi một cái  Tết  hình như người Việt Nam chẳng còn ai mong muốn. 
Nó cứ vô duyên làm sao ấy. 
Vô duyên tới nỗi con nít được lì xì tờ tiền 2 đô "may mắn" chẳng hún hớn mừng.
 Bô lão dặn trước con cháu , chúng mày đừng chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, sống thế này khổ lắm. 
Hai vợ chồng, đứa con, nằm lăn ra nệm chơi với con sướng hơn em ạ, Tết ra đường chán chết !
Thầy cô đóng cửa, thôi chắc học trò chẳng buồn đến mình đâu, giả vờ vắng nhà cho chúng khỏi nghĩ ngợi.
Cô láng giềng nhái lời Duy Khánh hát, "Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, nhưng nếu không về mẹ càng vui hơn".
Sinh viên tụ tập tiến lên, đứa nào ăn nhiều khao cả phòng trọ một bữa. Tiền về quê thì hẻo, ở lại thì hết veo!
...................
Sáng nay, ba mẹ bắt đầu đi làm, con lại phải đến trường. 
Những người trẻ lại  bắt đầu vào công ty.....Lại kẹt xe ....
Chúc trễ - Dzô trễ - Chậm trễ - Vào việc trễ - Một cái "trễ" có lý !
Mẹ đi chợ đầu xuân, thở than có mớ rau bé tẹo lại tăng sáu nghìn.
Ông lụi hụi ngoài sân, nhặt từng cánh đào rụng, ngắt từng cành mai  khô, trầm ngâm suy tư, mặt buồn xuyên thế kỷ.
Xuân ơi, buồn thế này, đến làm chi !

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

XIN CHÚA THƯƠNG XÓT


Tôi có một người bạn.
Đó là một người luôn làm phiền lòng mọi người.
Đối với mọi người, bạn như một cái gai cần phải nhổ đi.
Đối với bác sĩ, bạn là một bệnh nhân bất khả trị.
Đối với những người đã từng yêu thương cưu mang bạn, bạn gieo sự sợ hãi cho họ, khiến họ ngày càng bảo nhau  lánh xa.
Đối với xã hội, bạn chỉ bầy trò phá hoại, gây rối loạn tai hại .
Người thân bạn đau khổ vô cùng.
Bạn nghĩ dùm xem, đây là loại người nào ?
Hầu hết đều bảo bạn tôi  bị tâm thần, không còn biết đâu là lẽ phải và sự tử tế.
Tôi thì vẫn coi bạn là bạn, một người bạn đau khổ, đáng thương, với điều kiện : Bạn là một con người.
Ý tôi muốn nói là người chứ không phải là ma quỉ.
Nếu là người bị quỉ ám, thì xin quyền năng Chúa ĐÁNH CHO ĐAU, để quỉ xuất ra ngòai bạn tôi mà không bao giờ trở lại phản công nữa. 
Xin Chúa chữa bạn con. 
Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa Ky-tô thương xót chúng con.

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

XIN ĐỪNG HÓA ĐÁ CON TIM


"Từ đá vô cảm – lạnh như đá, người thợ đá Non Nước đã thổi hồn cho các sản phẩm mỹ nghệ của mình. Công việc đầu tiên của người làm đá là khai thác nguồn đá. Từ nguồn đá Ngũ Hành Sơn, rồi khi có lệnh cấm khai thác tiếp, người làng nghề lặn lội ra tận Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, rồi Bình Định… đi tìm mua thêm đá, phát triển nghề làm đá. Mua trực tiếp từ người khai thác đá, mua của người kinh doanh đá, rồi nhập khẩu những loại đá có chất lượng cao của nhiều nước như Ấn Độ, Myanmar, các nước Trung Đông để chế tác theo yêu cầu của khách hàng. Mua đá theo khối, mua đá mềm theo kg. Để có đủ đá cần thiết không phải là dễ dàng. Người bắt đầu học nghề làm thợ là bắt tay vào làm công đoạn đầu tiên là xẻ đá và ra phôi. Người theo học nghề không kiên nhẫn và sáng ý thì khó thành thợ chính, mãi cứ làm hai công việc đơn giản của nghề này. Những tảng đá hàng tấn mang về được thợ cưa xẻ thành từng mảng nhỏ. Trên những tảng đá chất chồng, những người thợ bắt đầu tạo phôi. Để có một sản phẩm đá ra đời đúng ý tưởng, lại tiết kiệm được lượng đá, phải biết chọn hình dáng vốn có của đá phù hợp với sản phẩm. Người chọn đá phải là người có trí tưởng tượng về hình khối nghệ thuật phong phú, sáng tạo( trích Làng đá Non Nước)".
ht. : Đọc đoạn trên , trích từ một bài viết nói về công phu sáng tác trên đá của các điêu khắc gia mỹ nghệ, mình mới thấy tội nghiệp mấy tay thợ cưa đá trong ảnh dưới đây. Thật khổ khi phải vừa lao động vừa biết chắc mình sẽ mang bệnh vào người mà vẫn phải làm.  Ai đời trong khi mọi người xung quanh ăn mặc tử tế, ấm cúng, mà mình lại phải ra sức cưa đá , xẻ đá, bụi bay tứ tung, hít vào thế nào cũng lao phổi. Mà nào có phải vì mưu sinh cho cam. Thật đáng thương cho các chú ! Cái lệnh từ đâu sai các chú làm việc này thật ác độc, ngu si, cùng kế quá thể đấy.


 Thế rồi, sau đó nghe nói thành quả của các chú, tức tác phẩm ra lò như sau, ai nhìn vào cũng phải bật cười, trông giống cái bánh chưng hóa đá. Thế là Tết nhìn bánh chưng đá mà chúc nhau nhé. Thôi thì mình chỉ biết ước mong, cầu chúc : Ai ơi có hóa đá cái gì thì hóa, xin đừng hóa đá con tim :

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

TIỀN THẬT ĐÁNG SỢ


Trong khi theo dõi vụ án tham nhũng hiện đang xảy ra tràn lan trên các trang mạng và báo chí cả nước, tôi mang tâm trạng ngao ngán cực độ. Thử nghĩ xem, những đêm ngày này, khi người nghèo đặt mình xuống ngáy ngủ ngon lành, thì giấc ngủ của ông N. , ông Q., và còn ông kia ông nọ nữa có liên quan đến vụ án sẽ ra sao ? Tội nghiệp thay, đáng thương thay cho các ông ấy. Giá là tôi, thì sao nhỉ ! Sợ quá đi ! Tôi hình dung ra tiền bạc là một thứ ma quỉ kinh khiếp, nó cám dỗ lòai người không ngừng nghỉ và bằng đủ mọi thủ đọan để hạ gục nhân cách con người ta. 
Tôi gõ lên Google Image, search chữ Tiền, thấy ra rất nhiều hình ảnh khác nhau. Tiền có muôn mặt như thế. 
Có những tấm ảnh chụp người tung tiền đắc chí, người ngồi cười tươi trên đống tiền, người thỏa mãn với  tiền đính vào thân thể như áo quần.
Có tấm bảng trưng câu nói hiện đại tai hại của ai đó : " Theo đuổi con gái tốn nhiều tiền, vậy hãy theo đuổi  tiền con gái sẽ tự mò tới ".
Lại có những hình ảnh khác : Tiền cháy thành than, tiền tạo vòng xóay không cùng, tiền đem cân đong với trái tim lòng người, tiền được cột nơ, tiền đi đôi với còng số 8....
Nếu có ai đó cho rằng ra nghĩa địa mà suy về sự chết  rất hay, thì tôi góp ý thêm rằng nếu ai thèm tiền thì nhìn vào những tấm ảnh này cũng có nhiều tư tưởng.
Riêng tôi, bạn biết không , tôi rất sợ...trông thấy tiền.
Vì tôi yếu đuối. Nếu có tiền tôi sẽ tham. Có, sẽ muốn có hơn. Có nhiều, sẽ đòi có nữa.
Thôi thì xin cho rày hàng ngày dùng đủ, bạn nhỉ !
Tiền là một dạng nguy hiểm, những dòng chữ màu cam này nói lên điều đó. Xin hãy đề phòng !
Tiền rất nguy hiểm. Tiền thật đáng sợ.