#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồi ký. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồi ký. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

TÔI THƯỜNG RA VÔ KHÁM CHÍ HÒA

Đi theo đường hầm này để đến bực thang vòng vo dẫn lên lầu.
Lớp dạy chữ cho thiếu nhi phạm pháp nằm ở tầng  Hai.

Tôi đã thường ra vô khám Chí Hòa.
Đó là thời gian từ cuối năm 1974 sang đầu năm 1975, tôi nhận bài sai sếp Nhất cử vào Chí Hòa dạy học cho trẻ con trong khám. Đó là  một lớp gồm các Thiếu Nhi Phạm Pháp, chính xác hơn là mỗi tuần hai buổi đều đặn tôi vào dạy chữ cho một đám con nít chuyên ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp. Vì hằng ngày chúng bận làm các việc đó nên không có thời giờ đi đến trường lớp với các bạn cùng tuổi. Sau một thời gian hành nghề thì chúng gặp hạn, gặp xui, gặp cảnh sát, bị bắt bỏ vào đây. Trong nhà tù có khoảng 50 trẻ như thế, tôi vào để cầm tay từng cháu dạy tô, đồ, viết , dạy cho các cháu đọc chữ Quốc ngữ, học làm toán Cộng Trừ. Đứa lớn nhất chỉ 12, bé nhất có cu cậu lên 9.
Vài buổi đầu vào lớp, khi các thiếu nhi phạm pháp đang cắm cúi xuống trang vở để tập viết hoặc làm toán, tôi thường kín đáo ngắm từng đứa, có ý tò mò xem đầu chúng có giống đầu trâu và mặt chúng có giống mặt ngựa không.
Nhiều lần như thế là tôi đã nhận diện được từng khuôn mặt học trò của tôi và thuộc tên từng đứa.
Thậm chí tôi còn có thể nhớ bàn tay một vài bé có ghẻ ở  ngón nào.
Hầu như tất cả chúng nó đều ghẻ, ghẻ kinh ! Mùi ghẻ toát ra từ cơ thể lũ trẻ bao gồm các thứ hoi hoi, tanh tanh, lờ lợ, giống như mùi mủ và máu ở những bệnh nhân phong, nhưng cô quánh hơn, nồng hơn, vì chỗ ở tù túng hơn. Buổi đầu vào lớp tôi muốn ọe. Buổi tiếp theo nhờ nhìn vào những đôi mắt thơ ngây , tôi quên được mùi nhà tù. Đến buổi thứ ba thì cô trò bắt đầu trò chuyện. Tôi vẫn luôn là một cô giáo trẻ ngây thơ ở tuổi đôi mươi lần đầu tiếp xúc với những khốn cùng của xã hội. Mặc dù rất muốn tìm hiểu tất cả cuộc đời các cháu để tìm cách giúp các cháu sống tốt hơn chứ không hẳn là dạy chữ, sợ ban giám đốc khiển trách, tôi chỉ dám len lén hỏi thăm riêng từng trường hợp phạm pháp, mỗi khi cúi xuống trang vở trắng, giả vờ chỉ dạy cháu.
Khi nhìn vào mắt chúng, tôi biết chúng luôn trả lời những câu tôi hỏi một cách rất thật thà.Vả lại, có vẻ chúng cũng mến tôi vì nơi tôi có sự  trắc ẩn, gần gũi chúng.
Chúng không ngờ được là trong lòng, tôi coi chúng như cháu, như em tôi vậy, làm sao tôi có thể xa lánh chúng được. Thực sự là chúng đáng được yêu thương hơn trẻ con ngoài xã hội, những trẻ đang được cha mẹ bao bọc đầm ấm. Tôi yêu chúng.
Tôi đã có một bảng thống kê như sau :
Bé nam nhiều hơn bé nữ.
Thông thường tội chúng là giựt đồ ngoài bến xe, chợ búa, cửa hàng đông người qua lại.
Đa số là con nhà nghèo hoặc mồ côi.
Hầu hết là ...khôi ngô, xinh xắn và ...bẩn thỉu.
100% là có đôi mắt đẹp, đôi mắt của thiên thần.Những thiên thần có ghẻ.
Bạn sẽ thắc mắc rằng sao bảo yêu chúng mà không làm gì cho chúng ?
Bạn ơi, mỗi lần vào lớp là tôi có dịp tỏ lòng yêu thương các cháu qua việc dạy các cháu học đó chứ. Tôi còn dự tính nhiều điều có ích cho chúng nữa , nhưng một ngày kia, ...
Một ngày đáng nhớ, tôi phải xa tất cả các chúng trong khoảnh khắc.Đó là vào một ngày cuối tháng Tư, tôi ở nhà, nghe radio đọc tin quân quản chế độ mới tiếp thu khám Chí Hòa.
Khi ấy, tôi chắp tay cầu cho các cháu của tôi an toàn, bình an và gặp may mắn trên đường đời.
Điều nguyện xin lúc này là cho các trò bé nhỏ của tôi  gặp được người thân và ...hết ghẻ.
Dĩ nhiên, vẫn phải nghèo như cô.
Ai biết được ! Có thể là bây giờ, đâu đó nơi ngoại quốc, những khuôn mặt trẻ thơ bé bỏng tôi gặp và yêu trong khám Chí Hòa năm xưa, nay đã có những em đang trở thành những người Việt Nam tha hương với tài năng, đức độ rạng danh giống nòi...Mong thay !

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

KỶ NIỆM DẠY HỌC

(ảnh minh họa)

Sống trên đời ai cũng phải có nghề mưu sinh, mình thì hình như là không, không biết theo nghề gì, không biết làm nghề gì, không biết thích nghề gì.
Nhờ trời cho ở vào bên "thua cuộc" nên hồi đó mình biết được mấy nghề : Dệt chiếu, móc áo, móc khăn, làm bánh, đồ xôi, dạy học nữa, dạy tiếng Việt cho người không biết chữ và dạy tiếng Anh cho các quý bà chờ chồng bảo lãnh đi Mỹ. Tất cả những nghề đó mình đều hiền lành cặm cụi làm mà không biết đến đồng lương vì bằng cách này cách khác, người lãnh lương không phải là ta, hoặc hoặc nai lưng lao động rồi hợp tác xã không trả tiền công, hoặc hợp tác xã không có tiền trả công, hoặc lãnh lương về nộp cho mẹ hết. Nói tóm lại là từ năm 1975, cuộc đời dân ta sống ngày nào biết ngày đó. Mình như mọi người.
Hồi đó có hai chuyện, là hai lần mình hành nghề dạy học trong tình cảnh rất lạ và ngộ.
Chuyện thứ nhất :
Dạy chữ cho bác chủ tiệm Giò chả Lan Hương nổi tiếng chợ Ông Tạ.
Bấy giờ ông Tạ còn sống, chợ Ông Tạ cũ vẫn còn, cửa hàng giò chả Lan Hương ở trong chợ, khoảng cuối dong thứ ba. Bà Lan Hương người phốp pháp, phương phi, trắng trẻo. Không nhớ ai đã giới thiệu cô giáo trẻ này tới dạy chữ cho bà. Mỗi lần mình đến, bác học với vở bút nghiêm chỉnh. Bác gò chữ cẩn thận, học đánh vần kiên nhẫn, tưởng như một học trò ở tuổi nhi đồng chứ không phải là một bác gái năm mươi bắt đầu khai tâm a,b,c, tuy nhiên bác học rồi quên, không nhớ lâu. Được cô giáo có tính về hùa, trò lười thì cô cũng lười, không hề có một thứ luật nào ép buộc. Vì thế có nhiều lần đến dạy bác Lan Hương học nhưng hầu hết thời giờ là hai bác cháu nói chuyện chơi, chính là nghe bác kể chuyện nhà bác cách thân tình. Mình chẳng nhớ một chuyện gì hết, ngoại trừ chuyện cháu Nội của bác chết năm lên Bốn.
Một lần, bác dẫn mình vào nhà trong, cho xem bàn thờ cháu Nội của bác. Trời đất ! Bàn thờ lớn lắm, đàn ra hết nửa căn nhà, bày biện đủ các thứ : nhang đèn hoa quả trái trăng. Đèn thắp sáng trưng liên tục ngày đêm. Cháu bé trong di ảnh rất đẹp trai, khôi ngô tuấn tú, thương lắm, cháu mới mất đây thôi. Bác Lan Hương kể hôm ấy bố cháu mua cho cháu cây cà rem. Cháu đang ăn  kem thì mắt trợn ngược, lăn ra không biết gì nữa, rồi đi . Chỉ có thể hiểu là cháu bị nghẹn miếng kem, không thở được, thế thôi. Thật tội nghiệp! Bà Lan Hương nói cháu bà rất linh, bà lập bàn thờ và hằng ngày làm người phục vụ chăm sóc bàn thờ di ảnh.
Nhà nào làm nghề giò chả thường giàu, bác Lan Hương cũng vậy.
Mỗi tháng bác đều trả học phí, mình mang về đưa hết cho mẹ. Thời ấy, chợ chẳng có gì để mua, cả nước đều nghèo, nhưng có được mối dạy kèm tại gia ổn định thế này thì thật may mắn cho mình, còn hơn bao người lam lũ khác.
Một lần bác xin nghỉ học buổi tới. Bác nói bao giờ học lại bác sẽ nhờ người báo, hồi ấy chưa có điện thoại .
Kể từ đó, hai bác cháu xa nhau mãi mãi, vì cho tới giờ vẫn không có tin tức "xin học lại" của bác giò chả Lan Hương. Đó là thời người miền Nam bán tất cả để âm thầm đi vượt biên. Không biết người học trò lớn tuổi dễ mến của mình giờ ở đâu ? Nếu ai biết bác giò chả Lan Hương đã qua đời xin cho mình tên Thánh của bác.
Và không biết nếu bác Lan Hương đi vượt biên thì ai coi sóc bàn thờ cháu Nội của bác nhỉ !
ht.
''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''
ảnh minh họa
Chuyện thứ hai :
Dạy Bổ túc văn hóa cho công an.
Bấy giờ có đợt các giáo viên đi học tập. Tại một dịp học tập chung với các đồng nghiệp gồm cả Hiệu Trưởng, Hiệu Phó, giáo viên , văn phòng ....mình vào nhóm thầy H., hiệu trưởng. Thầy rất thích xem những tấm ảnh mình vẽ chơi.
Sau đó vài năm, ai dè thầy nhớ mình khi trường mở lớp Bổ Túc Văn Hóa ( BTVH) thiếu giáo viên môn Sinh Vật, cần vẽ vời.
Thầy mời mình dạy môn ấy cho lớp gồm mấy chục người lớn, toàn công an, cán bộ quận.
Mình cũng dạy các anh em ấy bình thường như vẫn vào các lớp trẻ em khác. Không một ý tưởng kỳ thị nào len lỏi vào. Cô giáo thật ngây thơ hồn nhiên ! Hồi đó, khổ mấy thì khổ,  người trong Nam không hề có ai biết tới bốn chữ " thế lực thù địch " đâu.(Bây giờ biết rồi!).
Mình đạp xe đến lớp dạy như vậy cũng được vài tháng.
Cho đến một hôm, ấy thì cho đến một hôm, việc gì phải đến sẽ đến.
Mình nghỉ dạy lớp BTVH này không có gì  phàn nàn, hiểu là không thích hợp, thế thôi.
Cô giáo muôn đời vẫn hồn nhiên ngây thơ.
Ai đời "trên" lại chấp nhận cho một người Công Giáo làm giáo viên dạy học cho công an bao giờ !
Không biết hồi đó thầy H. có bị vạ lây không ! Cũng không biết bây giờ gia đình thầy ở đâu ?
Mình nhớ thầy cô có con gái tên Hiền.
Ai biết về thầy cựu Hiệu trưởng trên đây làm ơn cho mình biết tin nhé.
ht.
'''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

HOÀI NIỆM CHA

Ba tôi thời trẻ (Hà Nội,1951).
Mai là ngày Giỗ Ba.
Mình mất cha lâu rồi nhưng hồi ức về người không bao giờ phai.
Cuộc đời Ba mình đáng lẽ ra vui vẻ,an hòa, sống lâu, tài giỏi , làm được nhiều việc.
Tại kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhà nghèo quá, Ba thèm cơm trắng không có, thiếu thịt, cá, mực tôm...thiếu đủ thứ dinh dưỡng, đâm ho lao, người đã cao lại càng thêm gầy gò lỏng khỏng.
Buồn vì chẳng còn thịt chó. Cây Còn của bà Thục đã đóng cửa.
Răng rụng hết, đi làm về Ba ngồi buồn, nhâm nhi với bơ đậu phộng, cho vào miệng mà nún.
Ba cũng thường nhắm rượu với quả Olive ngâm.
Ba không say sưa bao giờ, cách uống rượu của Ba , nhà gọi là nhắm rượu.
Mợ là người nếm rượu cho Ba. Hễ Mợ bằng lòng thì Ba ...ô kê.
Ba đâu phải là một người đàn ông chỉ có đi làm kiếm tiền về nuôi vợ con.
Hồi đó, mình còn bé, hay xem album gia đình, trong đó có nhiều tấm ảnh chụp Ba mặc đồ vét, đứng diễn thuyết trước một đám đông bạt ngàn, chỉ thấy đầu là đầu. Ba làm việc nơi này nơi kia, tiếp xúc người này người nọ.Vợ con thay đổi chỗ ở  xoành xoạch. Ba đi công tác ở đâu, chính phủ cấp nhà ở đó.
Mợ sinh chị lớn ở Thái Nguyên, anh kế ở Saigon, hai người này cách nhau một năm. Bảy năm sau ở Hà Nội, mợ sinh mình, đi Hải Phòng sinh thằng em, lên Đà Lạt sinh em nữa, xuống Saigon sinh thêm đứa con thứ sáu, trở lên Đơn Dương sinh gái út.Vị chi Cụ có 7 người con, mỗi đứa ra đời ở một nơi cách xa nhau, từ Bắc vô Nam, lên rừng xuống biển, từ quê ra phố, có hết.
Ba viết chữ rất đẹp, ngay ngắn, thẳng thắn, đứng đắn, khuôn khổ, có nét sổ đậm như font commerce.
Mấy đứa con, đứa nào cũng phải tập viết chữ đẹp. Trong nhà mình, không ai viết chữ xấu, nhưng mỗi người có một nét chữ khác nhau, nghĩa là có tập, nhưng không đứa nào bắt chước hay rập khuôn đứa nào.Nói chung, là con Ba phải viết chữ đẹp.
Vậy 75 làm sao khiến Ba mình buồn ? Đó là tại Ba mất việc ở nơi đang ưng ý, thuận lợi và thích hợp đó thôi.
Mọi công chức thời ấy đều như vậy. Ba mình là một secrétaire mẫn cán, lịch thiệp, chẳng làm gì nên tội cả, thế nhưng nỗi buồn thời cuộc đã phá tan tành mọi niềm vui, cho dù là niềm vui giản dị của một thường dân tử tế. Ba nhìn vợ con vất vả kiếm ăn Ba buồn. Chắc nhiều cái buồn khác nữa chớ !
Cố sống với chế độ mới. Ba phải cố sống. Được có 3 năm.
Rồi Ba bệnh, Ba mất. Ba đi vào sáng ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi.
A ha, Mẹ Mân Côi bảo con đi về đi, lo cho Ba con. Con ở với Mẹ chả bằng đâu.
Mình rời xa nhà Mẹ Mân Côi về năm trước, năm sau Ba mất.
Có hai cha ( cha Vũ Đình Trác, BT Dòng MC và cha Đinh văn Vãng, phụ tá) tới tận nhà dâng Lễ cho Ba.
Cha con ở bên nhau vỏn vẹn có hơn một năm trời.
Thế bài này mới có đoạn kể  mỗi chiều đi làm về, Ba nhâm nhi buồn với tí bơ đậu phộng, hoặc mấy quả olive ngâm.
Ôi, những năm cuối đời Ba tôi sao buồn thế ! Gia đình tôi bấy giờ sao buồn thế !
Tôi cứ thường phải cố quên đi......nhưng vì nhớ Ba, ngày nào mình cũng đi Lễ cầu cho Ba, cho chị, cho em, cho cháu.......
Mai lại đến ngày Giỗ Ba ...
ht.
7.10.1979: Cha Vãng làm phép xác cho Ba. Hai anh em ốm đói đứng thưa.

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

".. CHIỀU VỀ, CHIỀU..."

( từ doduyngoc.blog)
Thời học trò, niên khóa có thầy Bùi Ngọc Liên dạy Sử Địa, nhà gần, đường ngắn, mình xách cặp, đi bộ.
Nhà mình đầu đường, nhà thầy ở giữa, đi một đoạn nữa thì đến trường.
Hằng ngày hai buổi đi về, con bé nghiêm trang, hai tay ôm chặt cặp táp, áo dài trắng lướt thướt, đi qua nhà thầy.
Quý thầy Liên bao nhiêu thì bực con thầy bấy nhiêu.
Ngày nào mình đi ngang, cũng nghe bên trong nhà thầy có tiếng hát của con trai thầy vọng ra chòng ghẹo mình. Làm như con trai thầy Liên căn được giờ mình đi qua hay nó rình sẵn, không biết. Tức lắm, tức lắm thì thôi, nó hát bịa " đái đái"... gì ấy, ngày nào đi qua cũng nghe, có mỗi một câu hát ngắn, nhưng mình là con gái, sạch sẽ, kín đáo,, cho nên mình không chịu. Ngày nào cũng phải nghe, ngày nào cũng tức, vì rõ ràng họ ông ổng trêu mình mà mình không làm được gì  họ cả. Có làm gì là làm gì bây giờ, người ta bảo ơ kìa, tôi thích bài hát ấy thì tôi hát, mặc tôi, sao nào, "chiều" chứ Triều à, bâng quơ thế thôi, vô duyên vừa chứ. Làm gì nhau !
Mấy buổi tan trường bị con trai trêu ghẹo như thế, ức lắm mình mới dám mách mẹ, nghĩ rằng mẹ mình là người lớn sẽ chỉ cho mình cách đối xử thế nào với  con thầy mà không để cho thầy biết. Thầy biết thầy sẽ buồn. Mình sợ mợ lôi đến trước cửa nhà thầy Liên rồi bảo đây ông dạy con ông trước đi, ông xem con ông nó cứ chòng ghẹo con tôi, thì tội nghiệp cho thầy lắm, thầy nào biết chuyện.
Nhưng, không, mợ chỉ dặn hễ đi học ngang qua con trai, nó có trêu thì phải lặng im, đừng dại nói lại. Mình không trả lời, lần sau nó sẽ không trêu mình nữa.
Mình nghe lời mợ dặn, thành công !
May phúc là hồi đó mình biết vâng lời mẹ dạy, lấy nhu mì làm vẻ đẹp nữ tính, thân mẫu khả ái lại sành tâm lý, dạy con gái giống kiểu "chị Hạnh Dung"trên báo Phụ Nữ, chứ nếu không, phải người mẹ hung hăng, đem dữ dằn, sừng sổ, mắng vốn ra giải quyết vấn đề , thậm chí nếu mợ xắn tay áo lên, đứng trước cửa nhà thầy Liên ới này ới nọ, về sau làm sao có chuyện mợ được Bà Cố đức cha Bùi Tuần đỡ đầu cho.He he !
Sau khi bọn trung học mình rời bỏ mái trường xưa, từng lớp từng lớp, lớn dần, lớn dần, xa trường, xa thầy.
Dẫu nhà ba mẹ mình và nhà thầy cô vẫn cư ngụ trên cùng một con đường nhỏ, coi như láng giềng gần, nhưng mình phải đi học, nhiều năm không gặp lại thầy cũ.
Khi gặp lại thầy thì vui quá vui quá là vui, thầy vui, trò cũng vui, mình vẫn quý thầy, lại lom lom nhìn vào cái răng trong miệng thầy, lo lắng. Thầy thì vẫn hiền hậu, tốt lành, nhớ y nguyên Hải Triều, một hai trìu mến Triều thế nọ, Triều thế kia, xem ra thầy còn quý mình hơn hồi mình còn bé....vì bây giờ mình chơi với các con gái thầy mà.
Lại nhớ, nhà thầy Liên có người hay hát chòng mình :
" Chiều ơi, lúc chiều về chiều đái trong lu ".
Có vậy thôi mà ngày ấy tức phát khóc.

NHỚ CÁI RĂNG THẦY LIÊN


Hồi đó ở lớp Đệ Tứ, môn Sử-Địa chúng tôi học thầy Bùi Ngọc Liên.
Thầy Liên hiền lành, rất hiền lành, cả lớp thích thầy, thích luôn môn Sử dẫu khô khan, phải học bài.
Tôi rất thích nghe thầy Liên giảng, giọng thầy thong thả, nhẹ nhàng như bố đang kể chuyện ngày xưa cho các con nghe. Tôi rất thích nhìn miệng thầy. Khi thầy tẩn mẩn giảng bài, ở giữa miệng thầy có một cái răng cửa, nhỏ, trắng, dài, thẳng,độc lập, chòi ra khỏi hàm răng dưới, mọc đua vào phía trong, có lẽ nó bị chúng bạn hàm dưới hùa nhau chèn,ép, đẩy nó ra khỏi hàng. Trong hoàn cảnh ấy, cái răng bị đẩy đứng trơ giữa vòm miệng, trông rất ngộ nghĩnh, ấn tượng.
Chưa bao giờ cái lưỡi hay các răng khác va chạm vào cái răng đặc biệt này bởi nó di động theo hàm dưới. Thầy Liên nói tiếng Pháp như Tây, giảng bài rành rọt, gọi tên chúng tôi rõ ràng, không ngọng nghịu, vướng víu, như không hề có cái răng mọc đại. Kính quý thầy như bố mẹ, chúng tôi thường để ý, thì thầm bàn tán : có bao giờ cái răng nó rụng rồi thầy nuốt luôn vào bụng không nhỉ ? Cả lớp lo lắng. Không. Cái răng cứ ở đấy, giữa miệng thầy Liên, mãi cho đến khi chúng tôi đã lên Đại học hết, gặp lại thầy cũ, tôi vẫn thấy nó. Hồi đó, thấy vướng mắt, nhiều khi tụi tôi chỉ muốn hỏi thầy một câu là sao thầy không nhổ nó đi cho gọn, nhưng đã bảo quý thầy, lại kính nữa, đứa nào cũng ắng im nghe thầy giảng bài, mắt lom lom nhìn vào cái răng, trong lòng ái ngại, khôn dò. Riêng tôi, tôi cho rằng nhà thầy nghèo, không có tiền đi nhổ răng, ta nên im lặng đừng đả động đến nỗi đau thiếu thốn của thầy giáo mình. Để cái răng không thấy thầy kêu đau răng, nhưng hỏi sao thầy không nhổ nó đi, là bắt thầy nói ra rằng thầy không có tiền đi nha sĩ. Đấy là chạm vào nỗi đau của thầy giáo, bấy giờ tôi lý luận như thế.
Lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ chúng tôi rất yêu quý thầy Sử Địa Bùi Ngọc Liên.
Bây giờ thầy mất rồi, nhưng kể về thầy, đứa nào cũng bùi ngùi.
Đến sau, tôi còn được làm học trò của anh thầy, là cha Bùi Châu Thi.
Chị em tôi chơi với Phương, với Phi, hai cô con gái thầy.
Lớn lên tôi làm cô giáo, dạy cấp Hai, trong lớp có em Trình, con út của thầy.
Mẹ thầy Liên thì nhận làm mẹ Đỡ Đầu Thêm Sức cho mẹ tôi.
Khi theo Đạo, mới biết phải gọi bà là Bà Cố. Bà có con là cha Thi này, cha Tuần này, về sau cha Tuần lên Giám Mục. Thầy Liên khi gặp lại tôi thường hay  kể : Thầy bảo chú Tuần, thầy dặn chú Tuần...
Hôm ăn cơm tại tòa Tổng Giám Mục Huế, ngồi cạnh đức cha, ngắm kỹ ngài, tôi phải xuýt xoa, ôi, sao đức cha giống thầy Liên thế. Như hai giọt nước, giọt dỏ trước, giọt dỏ sau ! Cũng hiền lành, bé nhỏ, gầy guộc, quắt queo, đen quắm đen cúi, tóc quăn dợn sóng tự nhiên....
Có khác chăng, có lẽ chỉ ở ...cái răng.
HT.
Đức cha .Bùi Tuần , em của thầy Liên.

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

CON CU ĐẤT KỂ


(Bài liên quan)

Vớ được chuyện cha Trinh (Con Cu Đất)  kể, ngày xưa ở Tiểu chủng viện cha quậy như thế nào, mình đăng  cho bà con các loại Ex. đọc chơi, đua xem đứa nào phá hơn ông này kể tiếp. Không có Word ta đành chơi Photos, chữ hơi nhỏ nhưng không sợ tam sao thất bản, trách nhiệm thuộc về cha Trinh,chúng mình đọc. Cám ơn Cecilia Lọ Nghẹ từ Úc đã gửi những ảnh này về qua e-mail. "Người phàm" ở VN chẳng có cuốn này. Cảm tạ hồng ân quý ông EX-LURO SAIGON đã thực hiện một Kỷ yếu công phu.
HT


Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

NHỮNG CÁI TÊN KHÔNG QUÊN

1. Mr. Y PHÒ
Vì là con gái, ngày còn nhỏ tôi được mẹ chăm chút mái tóc. Từ những năm học Tiểu học, tôi đã có mái tóc thề qua ...mông, rất dài và cứ để xõa buông, quê mùa, hoang dã. Người gầy như cây sậy, mặt dài như quả xoài xanh, da ngăm khỏe, tôi trông giống một em bé người dân tộc trên cao nguyên và được một Lý Trưởng người dân tộc, hồi đó gọi là người Thượng, là bạn của ba tôi nhận làm con nuôi, chắc vì bác thấy tôi giống bác. Tên bác là Y Phò. Vậy từ năm học lớp Tư ( tức lớp Hai bây giờ) tôi được nhận làm con nuôi của bác Y Phò, dù cha mẹ tôi còn sống nguyên. Bác Y Phò chẳng nuôi tôi ngày nào, vì vợ chồng bác nghèo, nhưng cả nhà đều quả quyết, bác là cha nuôi của tôi. Riêng tôi không có ký ức gì về người cha nuôi ấy, ngoại trừ một cái tên quen thuộc dễ mến : Bác Y Phò. Nay, ở cùng độ tuổi ba tôi, có lẽ người cũng đã khuất núi.
Mỗi lần nhìn thấy một người dân tộc mặc khố, tôi thường nhớ đến cha nuôi của tôi. Lòng thấy thân thương, trìu mến,.....


2. Hoa CỨT LỢN
Con gái nuôi ông Y Phò được mẹ thường xuyên gội đầu cho bằng các thứ lá hoa hái ven đường hay mọc hoang cùng với cỏ cho trâu bò ăn. Cùng nấu nồi nước gội đầu, có khi nhiều thì cho tắm luôn, với ngải cứu, hương nhu, bồ kết, mẹ tôi còn ra cầu ao ngắt thêm một bó cỏ có hoa nho nhỏ màu tím nhè nhẹ, mùi thơm dìu dịu, mang cái tên rất ấn tượng không thể quên, đó là hoa Cứt Lợn. So với Hương Nhu, Cứt Lợn thua kém mọi mặt : không thơm sắc sảo, không đẹp bí ẩn, không sống lâu, không nổi tiếng, không mang tên duyên dáng dễ thương, nhất là không thể vào thơ vào nhạc được, nhưng ở trong ký ức của tôi êm đềm biết bao ! Người cao nguyên quá quen thuộc, gần gũi với hoa Cứt Lợn, nhưng kể từ khi xa núi rừng, xuống đô thị, tôi xài shampoo các loại và chưa bao giờ thấy ở đâu có loài hoa dại này.
Hoa Cứt Lợn
 Cho đến hôm ra khỏi núi Mẹ Tà Pao chừng một cây số, lúc xe hư phải xuống đứng bên đường chờ thợ sửa, sau bao nhiêu năm trời xa cách, tôi mới gặp lại "người xưa". Vẫn len lỏi giữa những thứ cỏ dại ven đường, hoa Cứt Lợn của tôi hết sức khiêm nhu, ẩn dật, không làm sao khiến nó nổi bật lên được giữa màu xanh miên man của cỏ, mặc dù màu tím của Cứt Lợn không phải là xấu.
Khi bất chợt nhận ra Cứt Lợn, lòng tôi lâng lâng nhớ thuở thiếu thời, con tim rung nhẹ những nhịp điệu hồn nhiên, thân ái...Cũng có thể, một ngày nào đó, tôi sẽ lấy nickname là Cứt Lợn, vì yêu nét khiêm nhường nhỏ bé của loài hoa đồng nội này.
Hôm ấy, tôi tha thẩn đi dọc suốt một đoạn đường dài tìm Cứt Lợn, hái về một bó hoa tím đầy. Chiều nay mình sẽ gội đầu với...Cứt Lợn , cho  tóc thơm mùi kỷ niệm.


3. Thằng ĐẠI
Cũng vào độ tuổi lên mười ngây thơ, có lần tôi đã đánh một thằng con trai và tên thằng này tôi không quên, vì nó đã bị tôi đánh oan. Nó tên là Đại. Thằng Đại vô danh,vô dáng vô dạng vô hình nhất bên nam, bởi vì học với nó cả niên khóa mà tôi chẳng có một ấn tượng nào về nó. Giá có gặp nó ngoài đường, tôi cũng không nhận ra thằng này học cùng lớp với mình. Ngày xưa, học sinh Tiểu học chúng tôi, hễ muốn trêu ghẹo bạn, có hai cách : Một là gọi tên bố mẹ đứa kia ra, tức thì đối phương tức điên lên. Nghe nó xướng tên bố tên mẹ mình là có thể hy sinh mạng sống, xông vào ẩu đả không ai can nổi. Cứ như bố mẹ mình bị người ta xỉ nhục không bằng. Cho nên trẻ con ngày xưa phải dấu kỹ tên cha tên mẹ, không cho đứa bạn nào biết, thân nhất cũng không, kẻo hòa thuận thì chả sao, lúc giận hờn vì giờ ra chơi mình không cho nó mút kem, nó lại lôi tên bố mẹ mình ra nói giữa trời cho mọi người biết hết thì tức lắm. Hai là ghép tên. Ghép phải là ghép tên của một bạn trai với một bạn gái, hai tên ghép lại phải thành  một từ kép, có nghĩa, ví dụ trêu thằng Quyết thì phải ghép với con Liệt, thành Quyết-Liệt, rồi hễ đối phương phản ứng thì mặt ta câng câng lên ơ tao nói quyết - liệt ...học bài chứ bộ. Nhưng khó ở chỗ con gái trong lớp không có đứa nào tên Liệt cho mình ghép với thằng Quyết. Khó lắm. Trò này chỉ trêu được bạn cùng lớp, biết nhau mới vui , tức mà vui (thỉnh thoảng  thầy cô cũng bị chúng tôi ngấm ngầm ghép đôi). Tất cả chúng tôi, đứa nào cũng vậy, hễ bị gán với một tên khác của bạn khác phái là  tức lắm, tức không thể tả. Cứ như hễ tụi nó ghép là đương nhiên mình với đứa kia phải thành ....vợ chồng. Đang đi học mà đã thành vợ chồng, eo ơi, kinh quá. Chả hiểu tại sao trẻ con thời xưa chúng tôi ngộ thật, có thế thôi cũng tức, nhưng trong trò này, nếu được ở vai quần chúng, đứa nào cũng khoái chí, miệng cang ra hô hào vô tội vạ.
Một lần, trong giờ ra chơi, tôi nghe chúng bạn kêu gào giữa sân : Triều-Đại, Triều- Đại, Triều-Đại...Một đám cả chục đứa bạn cùng lớp, chúng cứ hùa theo nhau hô hào liên hoàn tên tôi ghép với tên thằng nào. Thằng nào tên Đại ? Chả biết miệng đứa nào đầu têu. Càng vai phụ chúng càng hô to vì không ai có thể bắt lỗi chúng, mà đứa bày trò thì hòa lẫn vào đám đông. Có một thằng kia trông quen quen, đứng riêng, không hô hào như mấy đứa khác, mặt lại nghệch ra, miệng lại cứ tủm tà, tủm tỉm, nhìn phát ghét. Thì ra thằng này tên là  Đại.Tôi tức điên lên thật, vì hiểu chúng đang ghép đôi tôi với nó. Bạn học cùng lớp mà hôm nay, qua trò ghép đôi, tôi mới biết tên thằng Đại. Không biết làm thế nào để chống cự lũ chúng bạn cậy đông, tôi bèn tiến tới thằng Đại, dang tay đánh một cái thật mạnh vào đầu nó. Vừa đánh vừa hét tướng : Này thì Đại, này thì Đại. Tôi có ý cho lũ bạn biết rằng tôi với thằng Đại không có ...tình ý gì (mà có ai nói gì tôi đâu cơ chứ !). Thế mà với phản ứng mạnh ấy của tôi, không hiểu sao lũ chúng bạn im phăng phắc, không đứa nào dám hô thêm một tiếng, có lẽ chúng nể tôi học giỏi, luôn đứng Nhất lớp. Giải tán, cũng là lúc trống vào lớp. Thằng Đại bất ngờ bị tôi giáng cho một cú, cúi đầu chịu trận, không nói không rằng.
Sau này lớn lên, nghĩ lại chuyện này, tôi thấy tôi thật đáo để. Lại tội nghiệp thằng Đại. Bởi vậy, cho đến giờ tôi vẫn nhớ tên nó. Không thể nhớ mặt, nhưng tên thì nhớ : Nó là thằng Đại.
Đại ơi, mày nhận ra tao chưa ? Hải Triều, cùng lớp với mày năm Đệ Thất, trường Đơn Dương đây này. He he, đừng trả thù đòn xưa nghen cha nội, chuyện thời thơ ấu bỏ qua đi mày ! Tao bây giờ không còn sức đánh ai nữa đâu.
HT

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Trích HỒI KÝ ĐƠN PHƯƠNG


GHÉP MẢNH THỜI GIAN



Blogger : 
Nhà thơ Đơn Phương nhiều lần ái ngại không dám cho tôi đọc đoạn Hồi Ký này của anh, nhưng hôm nay được anh tặng nguyên quyển, khuyến mãi thêm câu :" Đừng buồn nghe ". Đọc xong, tôi thấy tội cho sự tử tế của anh, có gì phải buồn nào !