#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

BÀI THÁNH CA PHỤNG VỤ

Ban Hợp Xướng PIO X
ht. Khi ngồi Cafe Ca Đòan, nhiều lần mình nghe các bạn đặt ra những câu hỏi như : Những yếu tố nào  phân biệt một bài hát Đạo với một bài hát đời ? Hoặc, làm thế nào để nhận ra một bài Thánh ca khác với một bản tình ca ?Hoặc, than ôi, sao nghe bài này giống nhạc đời vậy, đây là Thánh ca đó sao ?
Xin mời các bạn tham khảo bài viết sau đây để thấy rằng rất dễ dàng để nhận ra đâu là một bài hát được nhạc sĩ sáng tác để Ca Tụng Thiên Chúa và các bậc Thánh nhân Công Giáo mà chúng ta vẫn gọi là  THÁNH CA  PHỤNG VỤ đấy. 
Chân thành cám ơn Nhạc Sĩ Antôn TIẾN LINH đã dành nhiều thời gian quý báu để viết cho mảnh vườn nhỏ ht. tác phẩm nghiên cứu về Thánh Ca Phụng vụ đáng trân trọng này. Trong thời buổi dường như Thánh Ca đang bị lạm phát, đến nỗi người ta có thể nói đùa rằng ra đường gặp nhạc sĩ Công giáo, thiết nghĩ, bài viết mang tính chuẩn mực nghiêm chỉnh sau đây của Nhạc Sĩ Antôn Tiến Linh cần thiết lắm thay ! :
BÀI THÁNH CA PHỤNG VỤ

Antôn TIẾN LINH
1. Trước hết, ta phải hiểu rằng Thánh nhạc là thành phần của Phụng vụ và phải theo những quy luật của Phụng vụ. Giữa Thánh nhạc và Phụng vụ có sự liên kết mật thiết không thể tách rời. Có thể nói, Thánh nhạc là hiền thê của Phụng vụ. Quả vậy, ai trong chúng ta cũng đều nhận thấy việc đàn hát trong Phụng vụ Thánh lễ tại các nhà thờ luôn là việc quan trọng và cần thiết. Nói đến đây, chúng ta phải giải nghĩa thế nào là Phụng vụ, thế nào là Thánh nhạc, rồi thêm vài ví dụ dẫn chứng… nó sẽ trở nên dài dòng không cần thiết, nên trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nói đến vài vấn đề của bài thánh ca Phụng vụ mà thôi
2. Khi học về lịch sử Phụng vụ, chúng ta thấy Phụng vụ Rô-ma khởi đi từ Phụng vụ Do thái. Trong bất cứ lễ nghi nào, Phụng vụ Do Thái cũng có phần Phụng vụ Lời Chúa, và cốt yếu ở ba việc:
-Một chức sắc đọc bài Kinh Thánh: Cựu ước, Tân ước, phù hợp với lễ ngày hôm đó, kèm theo lời giải thích khuyên răn của vị chủ tế.
-Cộng đồng tín hữu cùng nhau hát Thánh vịnh thích hợp xen kẽ vào các bài đọc.
-Sau cùng chủ tế thay mặt cộng đồng dâng lên Chúa lời nguyện xin ơn, tạ ơn…
3. Cho tới bây giờ, bất cứ lễ nghi nào của Phụng vụ Rô-ma như lễ truyền chức thánh, lễ an táng, lễ hôn phối… cũng đều có phần Phụng vụ Lời Chúa bao gồm ba yếu tố như vừa nói trên. Xem đó ta có thể nói được rằng, cốt yếu của việc ca hát trong Phụng vụ Rô-ma là hát Thánh vịnh, tiếng La tinh gọi là Psallere, người Pháp gọi là Psalmodier. 
4. Hát Thánh vịnh là đọc những câu Thánh vịnh bằng bằng theo một dấu nhạc nào đó, theo nguyên tắc là mở đầu câu Thánh vịnh thì lên giọng, vươn lên đến dấu nhạc trụ, cuối câu Thánh vịnh thì xuống giọng, nên trong môn học về các hình thể Thánh nhạc mới có câu nói rằng hát Thánh vịnh là hát mà không phải là hát, đọc nhưng không phải là đọc. Vì thế cũng có tác giả cho rằng muốn nói cho đúng nghĩa tiếng Việt thì ta phải gọi là Tụng kinh, vì vấn đề thuộc phạm vi giáo khoa cùng với một số luật trừ nên chúng tôi không thể giải thích hết trong bài viết này.
5. Từ xa xưa, thông thường khi người ta nói đến hát Thánh vịnh thì ai cũng hiểu là hát Thánh vịnh theo Bình ca (Cantus planus), mà hát Thánh vịnh theo Bình ca thì có rất nhiều cung điệu, chúng tôi không thể nêu ra hết các cung điệu ấy trong bài viết này mà có thể tạm nói rằng, các cung điệu ấy căn bản được dựa trên bốn Modus của Bình ca là Modus Protus, Modus Deuterus, Modus Tritus và Modus Tetrardus. Có những cung đơn giản và những cung hoa mỹ, có những cung thường và những cung trọng thể, nhưng tất cả phải dựa vào một kiểu cách như đã nói ở số 4. Sau đây là ví dụ 8 cung thường của Bình ca dùng để hát Thánh vịnh:


 6. Sau này trong nghi lễ có thêm phần Phụng vụ thánh thể, nên việc ca hát có thêm phần đa dạng và phong phú hơn, nghi thức cử hành thêm phần long trọng, sinh động và trang nghiêm…
Thế nào là bài thánh ca Phụng vụ?
7. Khi ta nói bài thánh ca Phụng vụ thì phải hiểu là bài thánh ca đó được phép sử dụng trong Phụng vụ, hay nói cách khác là các bài hát hoặc bài đàn được dùng trong thánh lễ của Hội thánh Công giáo. Nói rõ ràng hơn, các bài hát bài đàn này phải được sử dụng đúng vị trí của động tác Phụng vụ trong nghi lễ của Hội thánh, ví dụ thông thường bài hát đáp ca thì phải dùng sau bài đọc thứ nhất, bài hát dâng lễ thì phải dùng lúc vị chủ tế dâng bánh rượu… Còn nếu một bài thánh ca mà xét thấy không phù hợp với một vị trí tác động của Phụng vụ thì bài thánh ca ấy không phải là thánh ca Phụng vụ, ví dụ như các bài ca được dệt nhạc trên một số bản kinh được đọc nơi chốn gia đình hoặc dùng để đọc trong các buổi hội họp khác mang tính đạo đức, hay những bài ca được sáng tác với mục đích giáo dục đức tin…
8. Vậy khi ta nói đến bài thánh ca Phụng vụ thì việc trước hết ta phải tìm hiểu xem thánh ca Phụng vụ gồm có những loại bài gì, hoặc là những tác động Phụng vụ trong nghi lễ Công giáo đã được Hội thánh chỉ dạy phải dùng những bài thánh ca gì và thuộc loại nào cho xứng hợp…
9. Từ rất lâu rồi, trong các nghi thức thánh lễ được cử hành tại Giáo đô Rô-ma, người ta chỉ dùng các sách hát như Graduale Romanum, Graduale Simplex, Liber Usualis, và được coi là các sách hát chính thức của Hội thánh Công giáo toàn cầu, từ đó ta thấy Thánh nhạc trong Phụng vụ thì có các bài ca mang:
- Hình thể Cung Đọc (Tonus) được chia thành hai loại: cung sách, dùng để hát những bài Thánh thư, Tin Mừng... kể cả bài Thương khó. Cung nguyện, dùng để hát những lời nguyện trong thánh lễ, hay trong các lễ nghi Phụng vụ khác, kể cả kinh Lạy Cha và kinh Tiền tụng...
- Hình thể Đáp ca (Responsorium) dùng hát đáp ca sau bài đọc 1.
- Hình thể Đối ca (Antiphona) dùng cho nhập lễ, dâng lễ và hiệp lễ.
- Hình thể Vịnh ca (Hymnus) cho các bài ca chúc tụng.
- Hình thể Bộ lễ (Missa) cho các kinh Xin Chúa thương xót, Vinh danh, Tin kính, Thánh! Thánh! Thánh!, Lạy Chiên Thiên Chúa, kể cả bộ lễ cầu cho người quá cố.
- Hình thể Tụng kinh (Psalmodium) dùng cho tất cả các loại trên mà bình ca (cantus planus) là mẫu mực.
10. Ngoài ra còn có các hình thể khác như Alleluiaticus dùng để hát sau bài đọc 2, và Sequentia (thường gọi là Ca tiếp liên) hát nối tiếp với Alleluiaticus. Mỗi hình thể đều có chỗ đứng của nó, đã được Giáo hội nghiên cứu, tiên liệu và chỉ dạy. Các yếu tố để một bài ca mang hình thể âm nhạc này hay hình thể âm nhạc kia thuộc phạm vi giáo khoa nên chúng tôi không trình bày ở đây.
11. Đối với Hội thánh Công giáo tại VN hiện nay, trong các nghi thức thánh lễ có phần đơn giản hơn so với các nghi lễ tại Giáo đô Rô-ma, và phần Phụng vụ Thánh nhạc theo đó cũng có phần uyển chuyển do các văn bản cho phép dùng để thay thế tại các Giáo hội địa phương… Tuy nhiên, những điều được nêu lên ở trên vẫn là chuẩn mực, là đúng đắn, là nghiễm nhiên xứng đáng với vị trí của nó và được thừa nhận trong Hội thánh; còn những gì dùng để tạm thay thế thì ta phải xem xét lại và cân nhắc với một vài chuẩn mực được đặt ra trước khi sử dụng, từ đó sinh ra vấn đề kiểm duyệt.
12. Thiết tưởng cũng cần nhắc lại, mục đích thật của Thánh nhạc là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu (Hiến chế Phụng vụ, số 112) nên “Huấn thị về âm nhạc trong Phụng vụ” được ban hành ngày 05.3.1967 đã chỉ dạy, khoản 4a: Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác để thờ phượng Thiên Chúa nên phải biểu lộ sự thánh thiện (Sanctitas) và diễn tả được hình thức nghệ thuật cao (Bonitas formae).
13. Ta có thể diễn giải rõ ràng hơn như sau, các tác phẩm Thánh nhạc nói chung: 
a; Phải biểu lộ được sự thánh thiện trong lời ca, nghĩa là lời ca phải hợp với giáo lý Công giáo, và tốt hơn là rút ra từ Kinh Thánh và các nguồn Phụng vụ (HCPV, số 121). 
b; Phải biểu lộ được sự thánh thiện trong âm nhạc, thánh thiện do việc sử dụng cung điệu trang nghiêm phù hợp với vẻ tôn nghiêm của nơi thánh, phù hợp với vị trí của Phụng vụ, đặc biệt cung điệu càng giống Bình ca bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, tránh tuyệt đối những cung điệu tuồng kịch nhuốm màu lãng mạn trần tục…(Huấn thị “Để thi hành Hiến chế Phụng vụ” ra ngày 05.11.1970, số 3).
c; Phải biểu lộ được sự thánh thiện đi sát với Phụng vụ, “Thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với động tác Phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh bấy nhiêu” (HCPV, số 112). Như vậy phải dành ưu tiên cho những bài hát Thánh vịnh mà Hội thánh đã chỉ định từng phần cho mỗi lễ nghi Phụng vụ được in trong sách Graduale Romanum và Graduale Simplex (Qui chế tổng quát sách lễ Rô-ma, số 22, 26, 36, 56i). Hai cuốn sách hát này đã cung cấp cho ta đầy đủ bản văn Thánh vịnh bằng La ngữ, mỗi bài ca được được viết với một hình thể âm nhạc xứng hợp để hát vào lúc nhập lễ, đáp ca, alleluia, dâng lễ và hiệp lễ cho tất cả các ngày lễ và mùa lễ của năm Phụng vụ Rô-ma.
d; Phải biểu lộ được sự hoàn mỹ trong hình thức nghệ thuật cao (Bonitas formae), nghĩa là bài ca phải có cấu trúc, có trật tự, có hình thể hẳn hoi để đem lại một giá trị nhất định khi sử dụng trong Phụng vụ. Như khi đọc hai cuốn sách hát trên ta thấy những tác động Phụng vụ trong thánh lễ mang tính nghi thức kiệu rước thì dùng những bài hát mang hình thể đối ca, nói cho đủ là đối ca với Thánh vịnh của nó (Antiphona cum psalmo suo), dùng ở ca nhập lễ, ca dâng lễ và ca hiệp lễ. Sau bài đọc thứ nhất thì phải hát Thánh vịnh đáp ca (Psalmo Responsorium) theo đúng bản văn Thánh vịnh của ngày lễ hôm đó, nói một cách đầy đủ theo Việt ngữ là bài hát Thánh vịnh mang hình thể đáp ca (Responsorius) chứ không phải là một bài hát Thánh vịnh (hoặc ý Thánh vịnh) mang hình thể ca khúc (Canticum) mà chúng ta thấy khá phổ biến như hiện nay.
e; Phải biểu lộ được sự hoàn mỹ trong hình thức nghệ thuật cao, cũng có nghĩa là về âm nhạc phải đúng các qui tắc khách quan của kỹ thuật sáng tác, hòa âm, đối âm… chứ không phải do những mực thước hay quan điểm về nghệ thuật của cá nhân mình đề ra mà bỏ qua các qui tắc này.
f; Phải biểu lộ được sự hoàn mỹ trong hình thức nghệ thuật cao, cũng có nghĩa là về lời ca, ưu tiên trước hết phải là lời Thánh vịnh; hay ý tưởng lời ca bắt nguồn từ Thánh Kinh, khi vận dụng làm ca từ cho bài hát phải đúng luật văn phạm và ngôn ngữ. Tuy vậy, phải loại bỏ những lời ca trống rỗng hoặc vô nghĩa, hay những lời ca không thể diễn tả được chân lý trong đạo như Đức Pi-ô XII có viết trong thông điệp Mediator Dei, số 74: “Phải nghiêm chỉnh gọt giũa các tác phẩm nghệ thuật cho xứng với danh hiệu của chúng”
14. Như vậy, ta có thể trả lời câu hỏi thế nào là bài thánh ca Phụng vụ như thế này, trước hết tác giả của bài thánh ca đó phải là một Ki-tô hữu đích thực (Thông điệp “Kỷ luật về Thánh nhạc” số 24 và 25), bài thánh ca đó phải được tác giả có ý sáng tác để dùng trong Phụng vụ (Thông điệp KLTN số 18,19,20,21) và phải được gắn liền với một trong số các hình thể âm nhạc Phụng vụ được đề cập ở trên. Còn về lời ca phải đúng với bản văn của Sách Lễ Rô-ma hoặc các bản văn của các sách hát chính thức của Giáo đô Rô-ma như đã nói trên.
15. Nói đến đây chúng ta sẽ cảm thấy như để có một bài thánh ca Phụng vụ theo đúng nghĩa của nó có vẻ khó khăn và hạn chế với nhiều ràng buộc. Quả thật như vậy, nhưng không hoàn toàn như thế nếu mỗi nhạc sĩ Thánh nhạc được học hành một cách nghiêm túc và có bài bản. Từ sự thông hiểu về giáo lý Công giáo và kiến thức âm nhạc, mỗi nhạc sĩ sẽ khám phá được những điều phù hợp trong sáng tác.
Bài thánh ca loại nào mới phải được kiểm duyệt hoặc không cần phải kiểm duyệt trước khi sử dụng trong Phụng vụ?
16. Ta biết rằng những bài hát mà ta gọi là đối ca nhập lễ và đối ca hiệp lễ (phải được hiểu là đối ca với Thánh vịnh của nó) được ghi trong sách Graduale Romanum hoặc Graduale Simplex luôn là sự chọn lựa trước hết. Theo QCTQ sách lễ Rô-ma, khoản số 26 và 56i thì cho phép “… dùng bản hát nào khác phù hợp với cử hành Phụng vụ, với tính chất của ngày lễ hay mùa Phụng vụ. Bản văn bài hát này phải được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận”. Nghĩa là nếu dùng bản văn khác với bản văn được ghi trong 2 cuốn sách trên thì buộc lòng phải được kiểm duyệt trước khi đem ra sử dụng.
17. Đối với Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ, xem ra có phần dễ dãi hơn với khoản 32 ghi rằng: “Tại một vài nơi được đặc quyền, người ta thường dùng những bài hát khác thay thế các bài ca nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ trong sách Graduale. Có thể giữ như thế tùy phán quyết của Đấng bản quyền địa phương, miễn là những bài hát đó hợp với các phần trong thánh lễ và ngày lễ, cũng như mùa Phụng vụ. Thẩm quyền địa phương phải phê chuẩn lời ca những bài hát đó”. Đối với Thánh nhạc Việt Nam thì hầu hết các bài ca thay thế đều là những ca khúc.
18. Về ca khúc, trước đây người ta nói một cách đầy đủ là “ca khúc bình dân tôn giáo” bởi chữ Canticum populares religiosi, sau này Hiến chế Phụng vụ chỉ gọi là Cantiunculae populares (số 112). Các bài thánh ca mang hình thể ca khúc cũng được khuyến khích sáng tác, các ca khúc này làm cho đời sống Ki-tô hữu thấm nhuần tinh thần tôn giáo và nâng cao tâm hồn tín hữu, các ca khúc này phải được áp dụng theo những quy luật ở số 13-15 (Thông điệp Kỷ luật về Thánh nhạc). Nó thường chiếm vị trí riêng trong mọi dịp lễ Ki-tô giáo, nơi cộng đoàn hay tại gia đình, trong hay ngoài nhà thờ, và chỉ được sử dụng trong Lễ nghi Phụng vụ một cách đôi khi có thể chứ không phải thường xuyên như nhiều nơi đang làm. (HT. Thánh nhạc và Phụng vụ, chương 3).
Muốn được điều này các ca khúc đó phải :
- Đúng Giáo lý Công giáo
- Dùng ngôn ngữ dễ hiểu, lời lẽ không rườm rà, câu văn không trống rỗng...
- Một loại âm nhạc đơn sơ, dù vắn và dễ, cũng phải có một cái gì trang nghiêm xứng đáng.
- Được các Đấng bản quyền cẩn thận canh chừng và phê chuẩn.
19. Như vậy ta có thể nói, tất cả các bài hát thánh ca mang hình thể ca khúc đều cần phải được kiểm duyệt trước khi sử dụng trong Phụng vụ. Thông thường mỗi Giáo phận, dưới quyền Đức Giám mục sẽ có nhóm phụ trách kiểm duyệt nếu thấy không có gì ngăn trở, một vị Censor Librorum sẽ xác nhận "Nihil obstat" rồi đệ trình lên ĐGM ký phê chuẩn.
20. Những bài hát được viết trong một hình thể âm nhạc khác, ví dụ như bài hát mang hình thể đáp ca được dùng sau bài đọc một, với cung điệu dễ hát và âm nhạc tuân thủ các qui luật khách quan của nghệ thuật, còn lời ca lấy nguyên vẹn từ Thánh vịnh (không phải là ý Thánh vịnh), thì không cần phải kiểm duyệt. Bởi lẽ một tác phẩm Thánh nhạc trong đó có bản văn là Thánh vịnh được sắp đặt trong một hình thể âm nhạc rõ ràng, nghĩa là nó đã có một trật tự trong suy tính, và chắc chắn bản thân nó đã có một giá trị nhất định, chúng ta có thể sử dụng mà không cần phải thông qua Đấng bản quyền địa phương. Ví dụ bài đáp ca với Thánh vịnh 22 sau đây, lời ca được lấy nguyên vẹn từ Thánh vịnh, còn phần âm nhạc thì có cấu trúc tác phẩm đã được sắp đặt theo đúng hình thể đáp ca. Phần xướng các câu Thánh vịnh của một xướng viên được dựa theo cung hát Thánh vịnh đơn giản thứ 6 của Bình ca; vì hát Thánh vịnh theo lối Bình ca thường ngâm nga ở một dấu trụ, nhưng tiếng Việt có 5 dấu và 6 giọng nên chúng tôi phải dùng 3 dấu trụ để mong thể hiện rõ được ngữ nghĩa của ca từ. Về phần hòa âm thì không sai luật, dòng ca giới hạn trong một âm vực tầm tiếng vừa phải, nhịp điệu của câu đáp đơn giản dễ hát cho đại chúng, mọi người đều có thể hát được dễ dàng… Vậy bài Thánh vịnh đáp ca này đã hội đủ các điều kiện cần thiết nên không cần phải kiểm duyệt nữa!



21. Đối với âm nhạc: để hiểu được hình thể âm nhạc các loại buộc lòng chúng ta phải học cho biết các cách thức và lối viết bài đòi hỏi, để làm đúng những qui tắc khách quan về chuyển động móc nối của kỹ thuật hòa âm và đối âm chúng ta cũng phải học hành và thực tập cách kiên trì… chúng ta không nên dùng lý lẽ tác phẩm nghệ thuật thì tự do trong phạm trù này.
22. Đối với lời ca: tốt nhất là dùng Thánh vịnh hoặc lời ca lấy từ Kinh thánh. Không nên dùng những lời ca mang nặng tâm tình cá nhân, hoặc sáo rỗng, trần tục… cũng cần phải học hỏi nghiêm túc về Kinh thánh và Giáo lý Công giáo, kể cả thơ ca, để qua đó chúng ta vận dụng được một bản văn phù hợp với giáo lý đức tin và với hình thể âm nhạc nữa.
23. Ngay tại Vatican, tuy dưới quyền là một Hiệp hội Cecilia gồm rất đông đảo các nhạc sĩ, Ủy ban Thánh nhạc cũng chỉ có ba vị là Chủ tịch, Phó chủ tịch và tổng thư ký, nhưng đâu có bao giờ những vị này phải bận tâm đến công việc phê chuẩn hay kiểm duyệt. Hầu hết các tác phẩm sáng tác đều được Hiệp hội in ấn và sử dụng rộng rãi, bởi lẽ các nhạc sĩ này đều đã được học hành bài bản từ trường lớp hẳn hoi, nên tác phẩm của họ không bao giờ có vấn đề gì rắc rối hoặc sai phạm về âm nhạc mà phải xem xét lại. Còn lời ca thì lấy từ Thánh vịnh và các nguồn Phụng vụ trong Thánh kinh thì đâu còn gì là sai lệch.
24. Hơn nữa, việc phê chuẩn hay kiểm duyệt chính ra cũng chỉ là công việc nhận xét xem tác phẩm đó, nhất là lời ca có gì ngăn trở hoặc sai lạc với Kinh thánh và Giáo lý Công giáo không? Chứ không có chức năng chỉnh sửa tác phẩm như đã nói ở số 19. Còn hình thể âm nhạc hoặc các kỹ thuật âm nhạc thì các nhạc sĩ phải cam đoan là không được phép sai trái rồi, đó là điều mặc nhiên, nếu người nhạc sĩ được học hành tử tế và có lương tri thì đâu có thể đợi người khác vạch các lỗi sai trên tác phẩm của mình được! 

Antôn Tiến Linh 17.2.2014
---------------------------------------------------------------------
Chú thích : Ảnh trong bài trích từ nguồn :  Ban Hợp xướng PIO X.

Không có nhận xét nào: