#Stats1 ul{margin:0;border:0;padding:0;height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -34px} #Stats1 li{margin:10px 0;border:0;padding:0 0 0 40px;list-style-type:none} #totalComments{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat} #totalCount{height:32px;background:url(//goo.gl/ZHG881) no-repeat 0 -68px}

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

RƯỢU NẾP ĐOAN NGỌ

ht. Như đã hẹn, chiều nay mình mở món rượu nếp . Mới làm trưa hôm qua mà chiều nay hạt nếp trông đã bóng rượu. Ngày xưa mẹ dạy phải lấy chăn bông ủ kín 3 ngày. Hay phải thế chăng, vì mình làm gọn nhẹ, nếm thấy hạt cơm chưa được ngọt lắm. Thôi rưới rượu xong, đậy lại, mai khai trương, hết xảy ! Mốt là 5 tháng 5 Âm lịch, Tết Đoan Ngọ.
Dưới rổ đã có rượu

Dùng đũa tơi nhẹ cho đều rổ cơm rượu

Rưới rượu trở lại đều khắp mặt rổ cơm rượu

Rượu lại tong tỏng xuống dưới

Một ngày rưỡi, nhìn hạt nếp cũng đẹp ( nhìn thật đẹp hơn trong ảnh nhé!) nhưng chưa được ngọt rượu cho lắm.

NHẬN XÉT GỬI BÀI BIỂU TƯỢNG CON CÁ



ht. Rất cảm ơn mh. đã cất công đọc và gửi cho ht'blog mấy nhận xét cho bài BIỂU TƯỢNG CON CÁ ((tại đây). Kiến thức càng được sửa sai, gọt giũa, càng sắc sảo, tinh vi, chính xác. Mình mong những tấm lòng của Quý Bạn Đọc yêu mến mà góp ý cho ht.' như thế này. Cũng mong tác giả bài Biểu tượng con cá mình trích từ Nguồn gxđaminh.net, nếu có gì cần phản hồi, vui lòng cho biết  ý kiến. Xin cảm ơn.

Trích (gxđaminh.net):
"Ngày nay ai đến thăm hang toại đạo Callixtô tại Rôma, có thể thấy biểu tượng “con cá” đã có từ rất xa xưa. Có người nghĩ rằng : các tín hữu muốn họa lại 2 con cá và 5 chiếc bánh được nhân lên cho 5000 người ăn, hoặc bữa ăn với cá Chúa dọn cho các môn đệ, sau phục sinh, trên bờ hồ Galilê. Thực ra “con cá” được phổ biến trong giáo hội sơ khai dựa trên chữ con cá trong tiếng Hy Lạp là Ichthus."

Nhận xét ( mh.): 
Biểu tượng con cá được dùng trong giáo hội sơ khai, không hẳn là dựa vào chữ Ichthus trong tiếng Hy Lạp. Cá là một trong những thức ăn chủ yếu ở miền biển hồ Galilee, nhiều môn đệ của Chúa từng là người đánh cá. Trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su, và sau khi Chúa sống lại, có nhiều câu chuyện liên quan tới cá, mà chuyện 2 con cá và 5 chiếc bánh là một trong nhiều chuyện đó. Sau đó trong thời kỳ Ki tô giáo bị bách hại trong các thế kỷ đầu tiên, các tín hữu đã dùng biểu tượng con cá để bí mật nhận ra nhau hoặc để truyền tin cho nhau. Cho nên thực ra thì biểu tượng con cá là dựa vào những sự việc xảy ra trong đời Chúa Giê su. Chữ Ichthus trong tiếng Hy Lạp chỉ có nghĩa đơn giản là cá, và sau này người ta mới giải thích các mẫu tự đó theo nghĩa "Iesous Christos Theou Uios Soter"

Trích (gxđaminh.net):
"Bảy ký tự này tổng hợp một danh xưng diễn tả khá đầy đủ về Chúa Giêsu. “IesousChristos Theou Uios Soter”, nghĩa là Giêsu Kitô - Con Một Thiên Chúa - Đấng Cứu Thế (Jesus Chirst, Son of God, Savior)."
Nhận xét:
- đó không phải là 7 ký tự, mà chỉ là 5 ký tự trong tiếng Hy Lạp "Iesous Christos Theou Uios Soter"
- các ký tự đó cũng không nói gì đến "Con Một Thiên Chúa", mà chỉ nói đến "Con Thiên Chúa"
Trích:
"Ta nhớ trong chuyện “Quo Vadis”, chàng Licinius nhìn thấy Lygia vẽ con cá trên mặt đất, đã đi tìm hiểu tôn giáo mới và trở thành kitô hữu."

Nhận xét (mh.):
- Quo Vadis là một tác phẩm văn chương đoạt giải Nobel, tuy có nhiều nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng cũng có vài nhân vật hư cấu. Lygia là một nhân vật hư cấu. Nhiều bộ phim đã được quay dựa theo quyển tiểu thuyết này. Em rất thích cuốn phim do Deborah Kerr đóng, coi hoài không chán. Tuy nhiên, khi mình đang nói chuyện đạo, chuyện có thật, thì có lẽ không nên viện dẫn câu chuyện của một nhân vật hư cấu để làm dẫn chứng cho chuyện thật!
- Licinius - đúng ra tên của nhân vật đó là Marcus Vinicius, là một nhân vật không có thật trong lịch sử.
mh.

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

RƯỢU NẾP ĂN TẾT ĐOAN NGỌ

ht. Hôm nay mình làm rượu nếp Đoan Ngọ, sẽ vừa cho nhà ăn đúng vào ngày Giết Sâu Bọ. 
Một ký gạo nếp, ngâm nước 2 tiếng trước khi nấu.
Nấu nồi cơm điện, sau 1 giờ đồng hồ chín tới như thế này.

Tơi  nhẹ nhàng hạt cơm bằng đũa nhỏ

Xới cơm ra xửng, dàn lớp mỏng cho mau nguội

16 viên men/ ký gạo. Nghiền mịn

Sẽ qua rây cho mịn hơn

Xếp nilông quanh rổ, chừa một lỗ giữa cho rượu chảy xuống.

Cơm để tự nhiên cho nguội hẳn

Xếp cơm vào rổ  1 lớp mỏng vừa 

Rây bột men lên cơm cho đều. Làm 3 lớp như vầy.

Ủ một lớp nilông và đặt một nắp nồi  lên trên cho kín. 

Đặt dưới rổ  cơm nếp một cái tô để hứng rượu.

Bọc kín, bê để vào một góc bếp. Ngày mai khi nhấc rổ cơm nếp lên bạn sẽ thấy bên dưới những giọt rượu nếp rơi xuống tô, óng ánh vàng thơm phức . Dùng đũa nhỏ đảo nhẹ cơm và men cho đều. Chan nước rượu vừa tiết ra lên khắp rổ cơm nếp.
Đậy kín trở lại.Tiếp tục hứng rượu lại chảy xuống.
Khi không nhìn thấy bột men nữa, là cơm đã thành rượu nếp.Thường là 2 ngày, nhưng nóng thế này chỉ 1 ngày rưỡi là ăn được.
Lưu ý : Nếu tiến trình không như vậy là thất bại, Tết Đoan Ngọ sang năm mình làm lại. Nhưng nhìn hạt cơm còn nguyên hột, đẹp thế này thì cam đoan kết quả 100% thành công. Ngon tuyệt.
Mai mình sẽ post ảnh cho bạn xem !

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

NHẠC SĨ TÔ HẢI CẢM TẠ

Kể từ 22 giờ ngày 25/5, Nhạc Sĩ Tô Hải đã có tên Thánh là PhanXiCô Tô Hải. Sau đây là lời phát biểu của ông sau Thánh Lễ. 
Lời Cảm Tạ Chân Thành

Chưa đến một ngày trời mà tôi đã được hàng ngàn lời chúc mừng từ khắp nơi gởi tới qua Facebook, Email, Phone...
Thật là quá hạnh phúc khi cuối đời còn được nhiều người mến yêu và được làm con chiên của Chúa để có niềm tin vững chắc hơn, đó là, cái ÁC sẽ sớm bị xua tan, để có được sự bình yên trong trong tâm hồn, không còn đau khổ, tuyệt vọng vì niềm tin vào chính mình đã mất...
Một lần nữa, tôi xin cám ơn tất cả mọi người nhất là hàng trăm nhiếp ảnh gia, cameraman đã truyền nhiều tin và hình ảnh về đêm Lễ Rửa Tội của tôi (ảnh do DCCT Saigon, chú thích do Admin of Tô Hải Library):
Saigon, Đêm 25/5/2014
PhanXiCô Tô Hải


Một số hình ảnh:
Cha Giuse Lê Quang Uy (giữa) cử hành nghi thức dẫn vào thánh lễ gia nhập đạo cho cụ Phanxicô Tô Đình Hải (nhạc sĩ Tô Hải). Đứng bên trái là Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, bề trên DCCT Hà Nội – giáo xứ Thái Hà
Từ giờ phút được Cha Giuse Lê Quang Uy thực hiện phép bí tích Công giáo Nhân Danh Cha-Con-Thánh Thần, ông Phanxicô Tô Đình Hải đã trở nên con dân Thiên Chúa. Ông Phanxicô Tô Đình Hải, sinh ngày 24 tháng 9 năm 1927 tại Hà Nội, quê ở Tiền Hải – Thái Bình, hiện sống tại Sài Gòn.
 Cha Vũ Khởi Phụng, người đồng hành tâm linh trao cho nhạc sĩ Tô Hải ngọn nến sáng.
Nhạc sĩ Tô Hải học nhạc lý và tham gia Ban đồng ca Saint-Joseph từ nhỏ, từng đoạt giải thưởng âm nhạc “Chim sơn ca” tại Rallye Kiến An của Hướng đạo sinh toàn Đông dương. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia vệ quốc đoàn, năm 1949 ông vào đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1951 ông về Đoàn văn công khu IV, năm 1954, ông làm trưởng đoàn. Năm 1960 nhạc sĩ Tô Hải từ bỏ đảng CSVN.
 Cộng đoàn cùng cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên nhạc sĩ Tô Hải.
Nhạc sĩ Tô Hải là tác giả "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn". Cuốn sách này đã dũng cảm vạch trần tội lỗi của chế độ cộng sản miền Bắc trong suốt mấy chục năm dài, khi xuất bản ở Mỹ đã tạo được nhiều ảnh hưởng quan trọng và ngay sau đó đã trở thành một cuốn sách được tìm kiếm đọc nhiều qua Internet. Tập hồi ký này được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Virginia, Hoa Kỳ in ra năm 2009.
               Cha Nhứt trao cho người Tân Tòng đón nhận Mình Thánh Chúa lần đầu tiên

Quý Cha đồng tế DCCT Saigon chụp hình lưu niệm với giáo dân tân tòng Phanxicô nhạc sĩ Tô Đình Hải

NGUỒN : to.hai. blogspot.com

BIỀU TƯỢNG CON CÁ


ht. Một ngày gần nào đó, biết đâu con cái Chúa  chỉ có thể nhận ra nhau bằng biểu tượng !!!!

Biểu tượng con cá (Ichthus)
Ngày nay ai đến thăm hang toại đạo Callixtô tại Rôma, có thể thấy biểu tượng “con cá” đã có từ rất xa xưa. Có người nghĩ rằng : các tín hữu muốn họa lại 2 con cá và 5 chiếc bánh được nhân lên cho 5000 người ăn, hoặc bữa ăn với cá Chúa dọn cho các môn đệ, sau phục sinh, trên bờ hồ Galilê.
Thực ra “con cá” được phổ biến trong giáo hội sơ khai dựa trên chữ con cá trong tiếng Hy Lạp là Ichthus.
Bảy ký tự này tổng hợp một danh xưng diễn tả khá đầy đủ về Chúa Giêsu. “Iesous Christos Theou Uios Soter”, nghĩa là Giêsu Kitô - Con Một Thiên Chúa - Đấng Cứu Thế (Jesus Chirst, Son of God, Savior).

Ta nhớ trong chuyện “Quo Vadis”, chàng Licinius nhìn thấy Lygia vẽ con cá trên mặt đất, đã đi tìm hiểu tôn giáo mới và trở thành kitô hữu.
Tertulianô từng viết về bí tích rửa tội : “Chúng ta là những con cá nhỏ, theo hình ảnh của Ichthus, được sinh ra từ nước”.
(Nguồn : gxdaminh)


KHI VÀ RÔ


               

(Nguồn : gxđaminh.net)

SỐNG VỚI NHAU


                                    

(Nguồn : gxdaminh.net)

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

ĐỪNG GỌI VIỆT NAM CỘNG HÒA LÀ NGỤY NỮA NHÉ

NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Từ khi quan hệ Việt Trung trở nên căng thẳng chưa từng thấy kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1994, Trung Cộng luôn viện dẫn Công hàm của ông Phạm Văn Đồng để nhận quàng rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Không có một bằng chứng lịch sử nào, Trung Cộng coi Công hàm Phạm Văn Đồng là bảo bối duy nhất để khẳng định chủ quyền của TQ đối với HS và TS.
Có vẻ như nhận thấy khó mà cố vớt vát được tình hữu nghị với phương châm 16 chữ vàng, tình thần 4 tốt  cho dù nhẫn nhịn đến mấy, các quan chức cao cấp và báo chí VN rầm rộ phản công lại. Một trong lý lẽ thuyết phục nhất là: Trong thời điểm 1958, hai quần đảo HS, TS thuộc quyền quản lý của Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa. VNDCCH không quản lý nên không có quyền xác nhận hai quần đảo đó là của TQ.
Báo An ninh thủ đô viết:
“Theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế”.
Còn báo điện tử của Chính phủ dẫn lại bài báo “Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” đăng trên báo Đại Đoàn kết vào tháng 7/2011, có đoạn:
“Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974“.
Nhiều báo khác cũng đưa ra lập luận tương tự.
Ông Trần Công Trục nguyên trưởng ban Biên giới của Chính phủ trong chương trình thời sự 19 giờ ngày 22/5/2014 của đài VTV1 giải thích: (từ phút thứ 6)
“Các bạn hãy nhớ rằng tuyên bố của chúng ta vào thời kỳ 1958 nghĩa là cái lúc mà hai miền Bắc, Nam được hiệp định Genève ký kết năm 1954 phân chia quyền quản lý cho 2 nhà nước với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế là Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam Cộng Hòa. Quần đảo Hoàng Sa của chúng ta nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của VNCH với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế theo hiệp định Genève, Và vì vậy, mọi tuyên bố, mọi hành vi của VNCH có giá trị pháp lý thay mặt Nhà nước VN quản lý vùng đất ấy còn VNDCCH chúng ta không trực tiếp quản lý. Vì vậy cho dù tuyên bố đó như thế nào thì giá trị pháp lý trong quan hệ quốc tế không có. Cho nên TQ họ muốn dùng tất cả mọi lý lẽ để nói rằng chúng ta thừa nhận thì đấy hoàn toàn là sự bịa đặt”.
http://youtu.be/lLzwPf-42Pk

Như vậy, Chính thể Miền Nam Việt nam từ 1954 (đến 1975) giờ đây đã được Chính phủ VN nhìn nhận là một Nhà nước có chủ quyền, là một chủ thể trong quan hệ quốc tế.
Hoan hô Chính phủ trước tình thế chủ quyền của Đất nước bị đe dọa đã thừa nhận danh chính đối với Việt Nam Cộng Hòa theo đúng bản chất vốn có, thừa nhận VNDCCH không có quyền đối với hai quần đảo HS, TS trong thời kỳ 1954 – 1975 và điều đó cũng có nghĩa rằng thừa nhận sự ngang bằng của hai Nhà nước trong quan hệ quốc tế.
Vì vậy, đừng gọi Chính thể Việt Nam Cộng Hòa, sĩ quan, binh sĩ, công chức VNCH là ngụy nữa nhé.

NGUYỄN TƯỜNG THỤY
24/5/2014
NGUỒN : (tại đây)

MẶT NẠ RƠI

NS. Tô Hải

Mặt nạ rơi, sự nhem nhuốc của nhiều bộ mặt lộ rõ

Bauxite Việt Nam

BVN xin trân trọng đăng lại dưới đây bài viết tâm huyết vừa công bố chưa ráo mực của đại lão nhạc sĩ Tô Hải. Khác với nhiều bài khác chủ yếu chĩa mũi nhọn vào hành vi ngang ngược trái phép của tên Đại Hán ở trong vùng biển Việt Nam xuất hiện liên tục trên báo chí và mạng internet suốt hơn 3 tuần nay, trong bài này, vị nhạc sĩ đã nói trúng một điều mà nhiều người lâu nay vẫn phập phồng mong đợi. Ấy là: quả thật vụ Giàn khoan HD 981 là một sự cố trước sau tất yếu không sớm thì muộn cũng phải xảy ra, song điều còn quan trọng hơn, đó chính là một cơ hội có một không hai để mọi thứ mặt nạ của các loại đào kép “đảng cử dân bầu” lâu nay vẫn ra sức múa may trình diễn trên các loại “diễn đàn chóp bu” nước ta, tuy cũng được một vài trống canh cho dân chúng nhưng đối với những ai là người hiểu biết thì cảm giác nghẹn họng ngày một trào ứ vượt quá sức chịu đựng, cứ tự nhiên nhi nhiên... rụng xuống hàng loạt. Nay thì hầu như những mặt nạ đóng trò ấy đều đã bị thực tế chà nát khó lòng chộp lên đeo lại được nữa. Màn nhung đang từ từ khép, và con người đầy dũng khí yêu nước Tô Hải đã nhanh chóng đứng lên chỉ đích danh những cái mặt chuột ghê tởm lộ diện phía sau (tất nhiên chưa chỉ hết). Vì thế chúng tôi thấy không nhất thiết phải điểm lại từng mặt ở đây.

Riêng đối với ông Thủ tướng, trong một lần trao đổi với nhạc sĩ cũng mới đây thôi, chúng tôi có bóng gió rằng xin hãy chờ đợi sức bật của một “hạt nhân khỏe” ẩn trong cái bề ngoài có vẻ hơi “lổn nhổn vàng thau”, và lão nhạc sĩ hình như đã không mấy tán thành. Thế nhưng trong bài viết này ông đã lên tiếng “nhìn lại”, và về một phương diện nào còn tỏ ra cởi mở hơn nhiều người. Cái bản tính thẳng băng đàng hoàng ở ông chính là đại biểu cho cốt tính xưa nay của dân tộc Việt – bao giờ cũng mở lòng ra đón những đứa con trở về đường ngay nẻo chính, mà đường ngay nẻo chính trước hết là ý chí quyết tâm bào vệ quyền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.

Vẫn biết trong một đất nước mà sự phân hóa giàu nghèo đang trở nên thực sự gay gắt và lợi ích nhóm lũng đoạn đã dẫn đến biết bao nhiêu bạo hành khủng khiếp của cơ quan chức năng đối với người dân khắp từ Nam chí Bắc, không phải cứ giữ được một vài mỏ dầu là dân nghèo sẽ được hưởng lợi đâu. Hãy nhìn vào hàng đoàn lũ dân oan mất đất, mất nhà cửa ruộng vườn, nhóm họp ngày một đông và kéo đi lê la vô vọng khắp nơi trên đất nước suốt mấy chục năm qua, tham gia vào đó có cơ man nào là những gia đình bà mẹ liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh... thì không một ai có chút ảo tưởng mơ hồ viển vông như thế cả. Tuyệt nhiên không! Nhưng kỳ lạ là thế, cứ nói đến Tổ quốc lâm nguy là không ai bảo ai, tự khắc một cảm hứng đau đớn phẫn nộ dồn hết lên mọi tim óc làm cho ai cũng phải xốn xang rạo rực, và hầu như bất kỳ ai, trong khoảnh khắc, đều có thể quên hết những bất công, ghẻ lạnh, áp bức mà người cầm quyền hàng ngày đối đãi với mình. “Với những người không có gì hết thì Tổ quốc là của cải duy nhất của họ” (A celui qui n'a rien, la PATRIE est son seul bien – Jean Jaurès - 1859-1914). Chỉ mới hôm qua đây thôi hai tiếng Tổ quốc đã làm cháy bùng lên ngọn lửa tự thiêu của một người Phật tử thuần thành ngay trước dinh Thống nhất! Thử hỏi một anh giáo làng được giữ chân “thủ từ”, vốn có chút liêm chính vặt với hàng xã nhưng lại khúm núm trước kẻ thù truyền kiếp ngang nhiên xộc vào giết người cướp của, phá nát làng xóm mình và coi mình chỉ là một bù nhìn rơm không hơn không kém, có sánh được ngang gót chân của người phụ nữ đáng kính vừa nằm xuống hay không?

Vì thế, chúng tôi rất tán thành tiêu chí mà đại lão nhạc sĩ đưa ra, rằng người dân có thể dẹp bỏ tất cả mọi ân oán để tôn xưng bất kỳ người nào không cần so đo tính toán, miễn là người đó từ giờ phút hệ trọng này xứng đáng làm người đứng đầu bảo vệ độc lập và tự do của dân tộc. Ông cứ làm ngay những việc bức bách cần làm để khắp nơi xa gần trông ngắm và... luận bàn đã đi! Còn như tất cả những chuyện thiết thân khác: dân chủ, nhân quyền... vốn là quyền sống cơ bản không thiếu được, nói như Hồ Chí Minh “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì", thì rồi sẽ xin được hầu chuyện ông dài dài về sau.

Xin dẫn thêm mấy câu của Osin Huy Đức làm lời kết: “Giàn khoan 981 xuất hiện trước thềm Hội nghị ASEAN ở Myanmar và Diễn đàn kinh tế Manila như một trái banh được đặt vào chân Thủ tướng khi ông đang ở gần khung thành nhất. Những tuyên bố đúng lúc, ngang tầm nguyên thủ, đã khiến ông trở thành một người hùng. Thưa Thủ tướng, ông đã cùng bước, cùng dùng một ngôn ngữ sục sôi với người dân Việt Nam. Ông đã đi một đoạn đường khá xa. Đừng quay lại vì phía sau là dân chúng”.

BVN
NGUỒN : (tại đây)

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

XUÂN LỘC ĂN CHAY, CẦU NGUYỆN


THƯ CHUNG CỦA ĐỨC CHA KÊU GỌI CẦU NGUYỆN CHO QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC
 
Xuân Lộc, ngày 15 tháng 05 năm 2014

THƯ GỬI

Các Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh và Anh Chị Em Giáo dân Giáo phận Xuân Lộc
VỀ NGÀY CẦU NGUYỆN CHO QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC
Anh chị em thân mến,

Qua các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, chúng ta được biết về tình hình nghiêm trọng đang diễn ra tại Biển Đông. Là người Công giáo Việt Nam, chúng ta không khỏi lo lắng cho sự vẹn toàn lãnh thổ và an nguy của đất nước, nhưng chúng ta cũng hoàn toàn tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện, vì “không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1, 37).

Chính trong niềm tin đó, chúng ta hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, dành ngày thứ Năm, 22/05/2014 để hiệp thông cầu nguyện cho “Quốc thái Dân an”, cho hòa bình tại khu vực và trên thế giới, cũng như cho các nạn nhân của những cuộc đụng độ với tàu quân sự Trung Quốc. Cụ thể trong ngày này, các Giáo xứ, Giáo họ biệt lập và các Cộng đoàn Dòng tu trong Giáo phận sẽ thực hiện những việc sau:

1. Cử hành thánh lễ “Cầu Cho Hòa Bình Và Công Lý” (Sách lễ Rôma, trang 931), Chầu Thánh Thể và lần chuỗi Mân Côi vào giờ thích hợp, để giáo dân có thể tham dự đông đảo.

2. Xin anh chị em ăn chay, tiết giảm chi tiêu để góp phần nâng đỡ các nạn nhân của tàu quân sự Trung Quốc. Mọi đóng góp, xin anh chị em bỏ vào thùng hiệp thông, sau đó chuyển về cho Cha Quản hạt trước Chúa nhật, 25/05/2014, để chúng tôi chuyển về cho Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Chúng tôi cũng xin anh chị em hãy bày tỏ lòng yêu nước cách đúng đắn theo lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, “cần phải loại trừ tất cả mọi hành vi khiêu khích, gây hấn, kích động chiến tranh, hận thù”, cũng như những gì làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, đến hình ảnh tốt đẹp của con người và đất nước Việt Nam.

Xin anh chị em đọc thư này cùng với thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Về tình hình Biển Đông” trong các nhà thờ Giáo xứ, Giáo họ và nhà nguyện của các cộng đoàn Dòng tu vào các thánh lễ Chúa nhật, ngày 18/05/2014.

Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang, Thánh Cả Giuse và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, che chở quê hương đất nước và ban bình an cho tất cả chúng ta.

Thân ái chào anh chị em. 

Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
 
Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Phụ tá

NGUỒN : (tại đây)

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

MỘ GIÓ


Tôi không nỡ sinh nó ra trong trời đất, 
rồi lại để nó đi không một dấu vết gì!”. 
(lời một người mẹ Lý Sơn)

Mộ gió

Mộ gió
Mộ gió
Tôi thường tự hỏi thế nào là mộ gió?
Những ngôi mộ dài theo bờ biển quê hương
có từ ngày làm lễ khao lề trên đảo Lý Sơn.

Tôi thường tự hỏi thế nào là ra đi không trở về?
Người ra đi nghĩ gì, và người ở lại?
Những hải đội Hoàng Sa nhắm thẳng đại dương bằng ghe bầu
Những thế lính bỏ thân trong biển lạnh.

Tôi thường tự hỏi thế nào là mang theo cái chết
trong hải trình dài?
những “tấm chiếu, bảy đòn nẹp tre, bảy dây mây buộc và thẻ bài”
cùng muối, gạo, khô mắm
nuôi đoàn người trong dăm bảy ngày phiêu bạt
và nhắc họ âm thầm
sẽ quay về đất liền bằng tấm chiếu manh
gói xác thân bằng nẹp tre quê hương
buộc dây mây để trôi về cố lý
và thẻ bài để người ta đặt cùng linh vị
Những người lính Hoàng Sa.

Tôi thường tự hỏi khi người chiến sĩ ôm cờ chết giữa biển đông
anh mang theo điều gì trước khi nhắm mắt?
Anh thanh thản, an lành hay đắng cay, day dứt?
anh có trở về ngôi mộ gió 
nơi mẹ anh vẫn mặc áo anh và ra thắp hương mỗi tháng năm!

Tôi thường tự hỏi trên bãi Gạc Ma, 
khi kẻ thù xả súng vào các anh
từng đồng đội ngả dần trước mắt, từng hồng cầu tan ra trong biển mặn
các anh đã nguyện ước gì cho lãnh hải biên cương?
Giờ đây, biển tổ quốc bừng lên cơn bi hận
Sáu mươi bốn hồn vía năm xưa, bảy mươi hồn vía năm xưa, có cuộn sóng trở về?

Tôi thường tự hỏi thế nào là mộ gió?
Có phải vì mộ không có thân người
Gió là gì, gió thổi các linh hồn
Hay gió nối đất liền và biển cả
Keo sơn không rời.

Hay gió mang cát bay lên trong không gian
Cơn cuồng phong thề nguyện:
Không kẻ nào được phép xóa mờ biên cương
Đã từng đổi bằng xương bằng tủy!

Tôi thường tự hỏi thế nào là mộ gió?
Mộ sống trong gió hay mộ làm nên gió
Thổi qua những khuôn mặt mẹ đẫn đờ
Thổi qua tim những người vợ đã cạn rồi nước mắt
Thổi qua lòng những đứa con bình tâm ra trận
Thổi lên đồng bào tôi những giây phút tử sinh này.

Tôi thường tự hỏi thế nào là ra đi không trở về?
Vong thân mà không vong quốc
“Vị quốc vong thân”!

Ôi những linh hồn vẫn đi về mộ gió
Xin hãy mang gió đến muôn nơi…
Thổi quốc hồn vào những kẻ không còn trái tim
Phản bội giống nòi.
Đặt vào lồng ngực bọn vong nô
Những ngôi mộ gió.

LÊ THỊ THANH TÂM










( Trích Văn Việt)

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

MẮT HƯỚNG BIỂN ĐÔNG, HỊCH CẦM TAY


Mắt hướng biển Đông, Hịch cầm tay

Uy nghi người đứng Song Tử Tây
Đầu đội trời xanh, chân đạp sóng
Sóng Bạch Đằng Giang có về đây?

Ba lần quét sạch giặc Nguyên Mông
Hịch tướng sĩ văn dậy non sông
Giờ ông ra biển cùng con cháu
Một cõi trời nam dậy trống đồng

Người nghe biển động phía Trường Sa
Ngực trần chắn đạn lính đảo ta
Những hồn lính trận chưa yên ngủ
Mộ gió cồn cào với Gạc Ma

Người nghe sóng dội phía Hoàng Sa
Có kẻ hung hăng chiếm biển ta
Đã cắm giàn khoan vào ngực biển
Nhói lòng như chạm máu xương ta

Sông núi ngàn năm vẫn còn đây
Biển vẫn ngàn năm sóng dâng đầy
Bao lớp giặc thù tan dưới sóng
Từng trang sử biển bão giông này

Người hỏi màu xanh lá phong ba
Hồn cây thao thức với Trường Sa
Con dân đất Việt còn thương nhớ
Muôn trùng sóng mặn dội Hoàng Sa

Nghe Hịch tướng sĩ ở Trường Sa
Gối đầu trên sóng ngậm hờn ca
Ca rằng: Muôn thuở non sông Việt
Lớp lớp con dân giữ nước nhà

5.2014
Nguyễn Việt Chiến
NGUỒN : (tại đây)

ĐÁP LỜI SÔNG NÚI

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

NHẠC PHẨM BẠCH ĐẰNG GIANG




Bạch Đằng Giang  
Lưu Hữu Phước 
Lời: Nguyễn Thành Nguyên


Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng 
của nòi giống Tiên Rồng, 
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung. 

Trên trời cao muôn sắc đua chen bóng ô. 
Dưới đáy dòng nước ánh sáng vởn vơ nhấp nhô. 
Hàng cây cao soi bóng gió cuốn muôn ngàn lau. 
Hồn ai đang phảng phất trong gió cảm xiết bao. 

Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rành 
Thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh 
Vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân 
Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần. 

Dòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng. 
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng 
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng 
Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung. 
************* Trên dòng sông muôn bóng gợi trong trí ta
Biết mấy thành tích biết mấy gắng công thiết tha
Kìa quân Ngô Tiên Chúa chém giết quân Tàu man 
Kìa quân Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân Thoát Hoan

Nay đã bao lâu còn đâu nữa rồi 
Thời gian qua đã bôi mờ trong đêm tối
Người nay có hay đã vì chúng ta
Người hùng anh xưa giữ nước non nhà

Dòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng. 
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng 
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng 
Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung

Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng 
của nòi giống Tiên Rồng, 
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.

NGUỒN :
www.allyrics.info/lyrics/5290
Nguồn tham khảo: Tuyển Tập Những Ca Khúc Một Thời Vang Bóng - 32 Ca Khúc Chọn Lọc - 23 Nhạc Sĩ Tiêu Biểu 1930 - 1950 - do nhóm Đất Lành phát hành tại Sài Gòn ngày 11 - 8 - 1973 - nhạc sĩ Văn Giảng đề tựa hè 1971

BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ


Bạch Đằng Giang Phú 
Trương Hán Siêu
Trương Hán Siêu, tác giả bài Phú sông Bạch đằng nổi tiếng là một nhân vật lớn đời Trần. Ông tên chữ Lăng Phủ, quê ở làng Phúc Am, huyện An Khánh, Ninh Bình. Trương Hán Siêu lúc trẻ làm môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tham gia cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và thứ ba. Ông làm quan trải bốn triều vua Trần (Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông), từng giữ các chức Hàn lâm học sĩ, Hành khiển, Tả gián nghị đại phu, Tham tri chính sự. Trương Hán Siêu là một người học vấn uyên bác, thông hiểu sâu sắc đạo Nho, đạo Phật, lại giàu lòng yêu nước và có nhiều công lao đối với triều Trần, vì vậy ông được các vua Trần tôn kính, xem như bậc thầy. Sau khi mất, Trương Hán Siêu được truy tặng chức Thái phó và được đưa vào thờ tại Văn Miếu ngang với các bậc hiền triết xưa. Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam vào giai đoạn nửa sau thế kỷ XIV nảy sinh cuộc tranh giành vị trí, ảnh hưởng giữa Nho giáo và Phật giáo mà Trương Hán Siêu được coi là người đầu tiên lên tiếng phê phán đạo Phật, mở đường cho Nho giáo tiến lên.
Bạch Đằng Giang phú là một kiệt tác trong văn chương cổ Việt Nam. Về mặt nghệ thuật, đây là tác phẩm thể hiện đỉnh cao của tài hoa viết phú. Về nội dung tư tưởng, Bạch Đằng Giang phú là áng văn tràn đầy lòng yêu nước, tráng chí chất ngất, cùng tinh thần tự hào dân tộc và hàm chứa một triết lý lịch sử sâu sắc khi nhìn nhận nguyên nhân thành công của dân tộc trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước.

Bạch Đằng giang phú - Bản diễn Nôm :

Khách hữu:
Quải hãn mạn chi phong phàm,
Thập hạo đãng chi hải nguyệt.
Triều kiết huyền hề Nguyên Tương,
Mộ u thám hề Vũ Huyệt.
Cửu Giang Ngũ Hồ,
Tam Ngô Bách Việt.
Nhân tích sở chí,
Mi bất kinh duyệt,
Hung thôn Vân Mộng giả sổ bách,
Nhi tứ phương tráng chí do khuyết như dã.
Nãi cử tiếp hề trung lưu, tòng tử trường chi viễn du.
Thiệp đại than khẩu, tố đông triều đầu, để Bạch Đằng giang, thị phiếm thị phù.
Tiếp kình ba ư vô tế, trám diêu vĩ chi tương mâu.
Thủy thiên nhất sắc, phong cảnh tam thu.
Chử địch ngạn lô, sắt sắt sưu sưu.
Chiết kích trầm giang, khô cốt doanh khâu.
Thảm nhiên bất lạc, trữ lập ngưng mâu.
Niệm hào kiệt chi dĩ vãng, thán tông tích chi không lưu.
Giang biên phụ lão vị ngã hà cầu?
Hoặc phò lê trượng, hoặc trạo cô chu,
Tiếp dư nhi ngôn viết:
Thử trọng hưng nhị thánh cầm Ô Mã Nhi chi chiến địa, dữ tích thì Ngô chủ phá Lưu Hoằng Tháo chi cố châu dã.
Đương kì:
Trục lô thiên lý, tinh kì ỷ ni.
Tì hưu lục quân, binh nhận phong khởi, thư hùng vị quyết, nam bắc đối lũy.
Nhật nguyệt hôn hề vô quang, thiên địa lẫm hề tướng hủy.
Bỉ tất liệt chi thế cương, Lưu Cung chi kế quỷ.
Tự vị đầu tiên, khả tảo nam kỉ.
Kí nhi : hoàng thiên trợ thuận, hung đồ phi mi.
Mạnh Đức Xích Bích chi sư, đàm tiếu phi hôi.
Phục Kiên Hợp Phì chi trận, tu du tống tử.
Chí kim giang lưu, chung bất tuyết sỉ.
Tái tạo chi công, thiên cổ xưng mĩ.
Tuy nhiên:
Tự hữu vũ trụ, cố hữu giang sơn.
Tín thiên tiệm chi thiết hiểm, lại nhân kiệt dĩ điện an.
Mạnh Tân chi hội, ưng dương nhược lã.
Duy thủy chi chiến, quốc sĩ như hàn.
Duy thử giang nhi đại tiệp, do đại vương chi tặc nhàn.
Anh phong khả tưởng, khẩu bi bất san.
Hoài cổ nhân hề vẫn thế,
Lâm giang lưu hề hậu nhan.
Hành thả ca viết: "đại giang hề cổn cổn, hồng đào cự lãng hề triều tông vô tận. nhân nhân hề văn danh, phỉ nhân hề câu mẫn."khách tòng nhi canh ca viết: "nhị thánh hề thùy minh, tựu thử giang hề tẩy giáp binh.
Hồ trần bất cảm động hề, thiên cổ thăng bình.
Tín tri:
Bất tại quan hà chi hiểm hề, duy tại ý đức chi mạc kinh.

Khách có kẻ:
Chèo bể bơi trăng, buồm mây giang, gió. Sớm ngọn Tương kia, chiều hang Vũ nọ. 
Vùng vẫy Giang, Hồ: tiêu dao Ngô, Sở. Ði cho biết đây, đi cho biết đó. Chằm Vân-mộng chứa ở trong kho tư-tưởng, đã biết bao nhiêu, mà cái trí khí tứ phương, vẫn còn hăm hở!
Mới học thói Tử-trương: 
bốn bể ngao du. Qua cửa Ðại-than sang bến Ðông-triều, đến sông Bạch-Ðằng, đứng đỉnh phiến-chu. Trắng xóa sông kềnh muôn dặm, xanh rì dặng ác một màu. Nước trời lộn sắc, phong cảnh vừa thu. Ngàn lau quạnh cõi, bến lách đìu-hiu. Giáo gậy đầu sông, cốt khô đầy gò. Ngậm ngùi đứng lắng ngắm cuộc sống phù du. Thương kẻ anh hùng đâu vắng tá, mà đây dấu vết hãy còn lưu.
Kia kìa, bến sông, phu lão người đâu. Lượng trong bụng ta, chứng có sở cầu. Hoặc gậy trống trước, hoặc thuyền bơi sau. 
Vái tạ mà thưa rằng: 
Đây là chỗ chiến địa vua Trần bắt giặc Nguyên, và là nơi cố-châu của vua Ngô phá quân Lưu đây.
Đương khi:
muôn đội thuyền bày, hai quân giáo chỉ. Gươm tuốt sáng lòe, cờ bay đỏ khí! Tướng Bắc quân Nam đôi bên đối lũy. Đã nổi gió mà bay mây, lại kinh thiên mà động địa. Kìa quân Nam-Hán nó mưu sâu, nọ Hồ-Nguyên có sức khỏe. Nó bảo rằng: phen này đạp đổ nước Nam, tưởng chừng có dễ.
May sao: 
Trời giúp quân ta, mây tan trận nó, khác nào như quân Tào Tháo bị vỡ ở sông Xích-bích khi xưa, giặc Bồ Kiên bị tan ở bến Hợp-phù thuở nọ. Ấy cái nhục tày trời của họ, há những một thời, mà cái công tái tạo của ta lưu danh thiên cổ.
Tuy vậy, từ thuở có trời có đất, vẫn có giang-san. Trời đặt ra nơi hiểm-trở, người tính lấy cuộc tồn-an. Hội này bằng hội Mạnh-tân, như vương-sự họ Lã; trận nào bằng trận Dung-thủy, như quốc sĩ họ Hàn. Kìa trận Bạch-Đằng này mà đại-thắng, bởi chưng Đại-vương coi thế giặc nhàn. Tiếng thơm còn mãi, bia miệng hao mòn. Nhớ ai sa giọt lệ, hổ mình với nước non!
Rồi vừa đi vừa hát rằng:
Sông Đằng một dải dài ghê!
Cuồng to sóng lớn dồn về biển Đông.
Trời Nam sinh kẻ anh hùng.
Tăm kềnh yên lặng, non sông vững-vàng
Khách vừa đi vừa hát rằng:
Vua Trần hai vị Thánh-quân.
Sông kia còn dấu tẩy trần giáp-binh
Nghìn xưa gẫm cuộc thăng-bình.
Tài đâu đất hiểm, bởi mình đức cao.
NGUỒN : (tại đây)

Cọc Bạch Đằng 

HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG



HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG 
Lưu Hữu Phước
Toàn dân! Nghe chăng? Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển
Tuôn rày non sông rền vang tiếng vó câu
Gây oán nghìn thu
Toàn dân Tiên Long! Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Nên hòa hay chiến?
Diên Hồng tâu lên cùng Minh đế báo ân
Hỡi đâu tứ dân!
Kìa vừng hồng tràn lan trên đỉnh núi
ôi Thăng Long! Khói kinh kỳ phơi phới
Loa vang vang, chiếu ban truyền bốn phương
Theo gió lay khắp miền sông núi réo đòi.
Lòng dân Lạc Hồng vì non nước yêu quê hương
Giống anh hùng nâng cao chí lớn
Giống anh hùng đua sức tráng cường.
Ta lên đường lòng không tâu đến long nhan
Giòng Lạc Hồng xin thề liều thân liều thân!
Ðường còn dài
Hờn vương trên quan tái
Xa xa trông áng mây đầu non đoài
Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà
Ðoạt thành trì toan xéo giày lăng miếu
Nhìn bao quân Thoát lấn xâm tràn nước ta
Ôi sông núi nhà rền tiếng muôn dân kêu la
(Hỏi) : Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
(Ðáp): Quyết Chiến!
(Hỏi): Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
(Ðáp): Quyết Chiến!
Quyết chiến luôn
Cứu nước nhà
Nối chí dân hùng anh
(Hỏi) : Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
(Ðáp): Hy Sinh!
(Hỏi) : Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
(Ðáp) :  Hy Sinh!
Thề liều thân cho sông núi
Muôn Năm Lừng Uy!!

[ Lyrics from: http://www.lyricenter.com ]

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

AI THÙ, AI BẠN ?


ht. Lướt web cùng Bạn trong những ngày sơn hà lâm cơn nguy biến . Bài nào mình thấy thích đáng thì mình đăng lại đây như lời Cảm ơn Tác Giả.

14-05-2014
Ai thù, ai bạn?
Ts Đoàn Xuân Lộc
Theo VOA
Những hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trong những ngày qua cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng làm tất cả để độc chiếm Biển Đông.
Các hành động ấy cũng là một ví dụ điển hình chứng mình rằng Trung Quốc không phải là một “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” đối với Việt Nam.
Mặt thật ‘bốn tốt’
Từ lâu Trung Quốc đã có ý đồ lấn chiếm Biển Đông và trong những năm qua bằng nhiều hình thức khác nhau – như đưa ra đường lưỡi bò hay chế tạo giàn khoan HD 981 – Bắc Kinh đã dần dần biểu lộ cũng như chuẩn bị cho ý đồ đó.
Với việc đưa giàn khoan khổng lồ này cùng với rất nhiều tàu, máy bay tới một vị trí nằm hoàn toàn trong vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của Việt Nam trong những ngày qua, Trung Quốc đã công khai – nếu không muốn nói là ngang ngược, trắng trợn – thực hiện ý đồ bánh trướng ấy.
Nếu coi vị trí đó nằm trong vùng lãnh hải của mình, Bắc Kinh không cần phải huy động đến 80 tàu, máy bay các loại – trong đó có không ít tàu quân sự và tàu hải cảnh – như vậy.
Những việc làm đó của Trung Quốc không khác gì cách Nga thôn tính Crimea của Ukraine. Có thể nói cũng giống như Nga đã làm với Ukraine ở Crimea, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc xâm lược đối với Việt Nam ở Biển Đông.
Hơn nữa, những diễn biến mới đây cho thấy vì tham vọng bành trướng của mình, Trung Quốc dám dùng sức mạnh (kể cả vũ lực), bất chấp luật pháp quốc tế và đặc biệt sẵn sàng phớt lờ những cam kết, những lời đường ngọt về tình “bạn”, tình “đồng chí” mà Bắc Kinh đã hứa hẹn, luôn thề thốt với Việt Nam.
Nếu thực sự là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, Trung Quốc không bao giờ lấn chiếm lãnh hải của “láng giềng” mình, đưa giàn khoan, các loại tàu, máy bay vào trong vùng biển của “bạn” mình, hay cho tàu của mình đâm rách tàu của “đồng chí” mình, rồi la làng “đối tác” mình là kẻ gây hấn như vậy.
Nếu là người coi trọng “ổn định lâu dài”, biết “hướng tới tương lai”, giữ gìn “hữu nghị láng giềng” và đề cao “hợp tác toàn diện” – thay vì chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt của mình, dùng sức mạnh để chèn ép Việt Nam, gây bất ổn trong khu vực, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm một giải pháp ôn hòa, có lợi cho cả hai bên trong những tranh chấp ở Biển Đông.
Trong thời gian qua đã có không ít người chỉ trích, phản đối phương châm “bốn tốt” và “16 chữ vàng” này vì cho rằng đó là những lời lừa mị của Bắc Kinh.
Giờ quả đúng như vậy.
Những hành động của Trung Quốc trong mấy ngày qua chứng tỏ phương châm đó chỉ là một khẩu hiệu trống rỗng, một chiêu bài mà Bắc Kinh dùng để ru ngủ hay thậm chí lừa phỉnh Việt Nam.
Trung Quốc không phải – và có thể mãi sẽ không bao giờ – là “bốn tốt” của Việt Nam, trừ phi quốc gia này từ bỏ tham vọng bành trướng và lấn chiếm lãnh hải của Việt Nam.
Hết tin ‘bốn tốt’?
Vì vậy, đây có thể cũng là dịp tốt để Việt Nam xem lại quan hệ của mình với Trung Quốc.
Chuyện Việt Nam chịu nhiều thua thiệt, liên lục bị chèn ép về nhiều mặt trong quan hệ với Trung Quốc nhiều người, nhiều bài viết đã nêu lên.
Và có thể giới lãnh đạo Việt Nam cũng biết, hiểu điều đó.
Nhưng có thể vì muốn giữ tình “hữu nghị” giữa hai nước, tình “đồng chí” giữa hai Đảng và đặc biệt có thể vì muốn tìm một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp, chính quyền Việt Nam đã chấp nhận nhường nhịn, chịu đựng, kiềm chế trong nhiều năm qua.
Tuy vậy, với thái độ hung hăng, ngang ngược và trắng trợn mới đây của Trung Quốc, xem ra giờ chính quyền Việt Nam đã nhận ra rằng – như ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát, biển nói trong cuộc họp hôm 07/05 tại Hà Nội – “mọi sự chịu đựng đều có giới hạn” và cần có biện pháp tương ứng để bảo vệ chủ quyền của mình.
Đó cũng là tâm trạng chung của dư luận và báo chí chính thống ở Việt Nam nói riêng trong mấy ngày qua.
Trong một bài viết đăng sáng 08/05, tờ Nhân Dân viết: “Giới chức Việt Nam khẳng định: Mặc dù ưu tiên sử dụng các biện pháp hòa bình và ngoại giao để giải quyết tình hình, song Việt Nam xác định, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.”
Vì vậy, tờ báo của Đảng nhấn mạnh: “Việt Nam sẵn sàng tiến hành mọi biện pháp cần thiết đấu tranh kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay giàn khoan nói trên cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam, nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của Việt Nam phù hợp luật pháp quốc tế.”
Đây là một thái độ rất ôn hòa nhưng cũng rất cương quyết.
Có thể nói đến giờ chính quyền Việt Nam đã có các biện pháp nhanh nhạy, rất khôn ngoan, thích hợp trong việc đối phó với các hành động hung hăng, khiêu khích, ngang ngược của Trung Quốc trong những ngày qua.
Trong đó có việc Phó thủ tướng Phạm Bình Minh điện đàm với phía Trung Quốc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và kiên quyết phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào trong vùng biển Việt Nam, cho tàu ra để kiểm tra, ngăn chặn giàn khoan HD 981 và tổ chức họp báo quốc tế để công khai thông tin về vụ việc và qua đó tỏ rõ lập trường của mình.
Chỉ hy vọng rằng đây không phải chỉ là những phản ứng nhất thời mà là một sự thay đổi về nhận thức, lập trường, chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Nếu không để Trung Quốc dễ dàng chi phối, áp đặt chắc chắn Việt Nam sẽ mạnh dạn hơn trong việc tìm chọn cho mình một đường lối thích hợp. Nhờ vậy Việt Nam cũng tránh được cảnh bị Trung Quốc chèn ép, bắt nạt và có thể tự lập, tự cường.
Phát biểu hôm 08/05, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình cho rằng những diễn biến từ mấy ngày qua chỉ là “một sự cố” chứ không phải là một “cuộc đụng độ” giữa hai nước và nói rằng Bắc Kinh và Hà Nội có thể giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình.
Nhưng cùng lúc, ông khẳng định: "Nơi xảy ra vụ việc vẫn luôn thuộc về vùng lãnh thổ của Trung Quốc."
Nói cách khác, dù có dịu giọng và tỏ vẻ hiếu hòa, Trung Quốc vẫn cứ đinh ninh rằng vị trí đó thuộc chủ quyền của họ. Thậm chí ông ta phủ nhận chuyện Trung Quốc gây hấn và đổ lỗi cho các lực lượng vũ trang của Việt Nam.
Nhưng dù Bắc Kinh có dịu giọng hay tỏ thái độ hiếu hòa đi nữa, Việt Nam cũng không nên tin vào những lời nói của các quan chức Trung Quốc, vì thái độ “hiếu hòa” ấy có thể chỉ là một mưu kế.
Ai cũng biết “tiến ba, lùi hai” hay thậm chí chỉ “lùi một” là một thủ thuật mà Bắc Kinh thường dùng trong kế sách lấn chiếm lãnh hải tại các vùng biển trong khu vực.
Hơn nữa, càng không thể tin khi Trung Quốc luôn nói một đàng và làm một nẻo. Xem ra giờ nhiều người Việt giờ cũng nhận ra và hiểu rõ điều này.
Trong các phản hồi về bài “‘Trung Quốc dịu giọng, kêu gọi đàm phán” trên Vnexpress chiều 08/05, có một độc giả viết “Không nghe những gì Trung Quốc nói mà hãy nhìn những hàng động thực tế của họ để giải quyết vấn đề” và một người khác viết: “Đừng tin những gì Trung Quốc nói. Hãy xem những gì Trung Quốc làm”.
Phản hồi trước đã có đến 7461 người thích sau 5 giờ và phản hồi sau có 4090 người thích sau 4 giờ.
Nhận ra ai tốt?
Cũng nên nhắc lại, khi cuộc khủng hoảng ở Crimea/Ukraine xẩy ra, một vài tờ báo Việt Nam đã ủng hộ Nga và chỉ trích Mỹ.
Nhưng đến giờ, Nga vẫn không lên tiếng gì về chuyện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Hơn nữa, trong khi Trung Quốc và Việt Nam đang căng thẳng về vụ việc này, truyền thông Nga cho hay hải quân Nga và Trung Quốc sẽ có diễn tập quy mô lớn tại Biển Hoa Đông vào giữa tháng này.
Quốc gia công khai lên tiếng chỉ trích hành động “đơn phương” và “khiêu khích” của Trung Quốc lúc này không ai khác là Mỹ.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản cũng đã lên tiếng cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam là “bất hợp pháp” và “yêu cầu Trung Quốc không có hành động đơn phương khiến tình hình leo thang và kiềm chế theo đúng luật pháp quốc tế.”
Một cách gián tiếp Nhật Bản và đặc biệt Mỹ đã đứng về phía Việt Nam dù Việt Nam không phải là một đối tác chiến lược, càng không phải là một đồng minh của Mỹ.
Đây là một điều tốt và may cho Việt Nam vì Việt Nam không thấy cô thế trong việc đối phó với những hành động gây hấn, hung hăng, ngạc ngược từ Trung Quốc.
Hơn nữa, ngoài Mỹ và một vài nước tương đối mạnh về kinh tế như Nhật, không quốc gia nào có thể kiềm chế được Trung Quốc hay sẵn sàng đứng về phía Việt Nam để công khai chỉ trích Bắc Kinh khi Trung Quốc có những hành động gây hấn đối với Việt Nam.
Đúng vậy, đến giờ chỉ có hai quốc gia này lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về chuyện họ đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vì vậy, hy vọng rằng qua những gì diễn ra trong mấy ngày qua, Việt Nam nhận ra được thực sự ai là “bạn”, ai chỉ là “bè” và ai là “thù” của mình để qua đó có thể tìm cho mình một hướng đi, một đối sách thích hợp, khôn ngoan tại một thời điểm, trong một khu vực và một thế giới có nhiều biến động, bất ổn khó lường.
NGUỒN : (tại đây)

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AP.
Ngoại trưởng Mỹ
liên tiếp lên án Trung Quốc khiêu khích
"Ngoại trưởng Kerry nói rằng việc triển khai giàn khoan dầu cùng hàng chục tàu chính phủ của Trung Quốc là hành động khiêu khích", bà Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay cho biết. "Ông kêu gọi hai bên giảm căng thẳng, đảm bảo an toàn cho các tàu trên biển và giải quyết những bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng Washington "vô cùng quan ngại" về những diễn biến trên Biển Đông trong thời gian gần đây. Trước đó ít giờ, phát biểu khi đang ở thăm Singapore, Ngoại trưởng Kerry nhắc đến hành động của Trung Quốc và mô tả đây là sự "gây hấn" và lo ngại sự "hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là bình luận của quan chức cấp cao nhất chính phủ Mỹ kể từ khi căng thẳng bùng lên đầu tháng này.
Theo Reuters, trong buổi họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh thuật lại phản ứng của ông Vương Nghị trong cuộc điện đàm. Theo đó, ông Vương đòi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phải thận trọng trong lời nói cũng như hành động,
Căng thẳng trên Biển Đông tăng cao kể từ khi Trung Quốc hồi đầu tháng ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng thềm lục địa của Việt Nam. Phía Việt Nam đã sử dụng lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi phạm vi chủ quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc lại cố ý gây ra những cuộc đụng độ, sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam làm ít nhất 9 kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương. Hôm nay, tàu Trung Quốc tiếp tục bao vây và đâm móp tàu của cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép.
Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng có lợi ích trong tự do thương mại và hàng hải ở Biển Đông, nơi có nhiều tuyến hàng hải nhộn nhịp giao cắt.


Như Tâm
NGUỒN : (tại đây)

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

TÒAN CẢNH 11.5

NHỮNG LỜI DẠY CỦA TIỀN NHÂN


Những lời dạy của Tiền Nhân

*          Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn :
“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Tàu Hán. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:  "Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác".  Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu“

*        Lời  Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn :
“Nay các ngươi... trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức,...Chẳng những ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi“

*          Lời của vua Lê Thánh Tôn:
“... một thước núi, một tấc đất của ta lẽ nào lại tự liệu vất bỏ được !  Kẻ nào dám đem một thước núi, một tấc đất của Tổ Tiên giống nòi để làm mồi cho giặc thì kẻ đó phải bị trừng trị nặng !”
Ghi chú ((Wikipedia) : Đại Việt bấy giờ có lệ xưng thần với nhà Minh, nhưng vua Lê Thánh Tông vẫn hết lòng phòng bị mặt bắc. Thỉnh thoảng có những thổ dân sang quấy nhiễu, thì lập tức vua cho quan quân lên dẹp yên và cho sứ sang Trung Quốc để phân giải mọi sự cho minh bạch. Có lần được tin có người nhà Minh đem quân qua địa giới, Thánh Tông liền cho người do thám thực hư. Ông thường bảo với triều thần:
“Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng dể ai lấy mất 1 phân núi, 1 tấc sông do vua Thái Tổ để lại.”—Lê Thánh Tông.

Nhà vua có lòng vì nước như thế, nên nhà Minh dẫu có muốn dòm ngó cũng chẳng dám làm gì. Vả lại quân Đại Việt bấy giờ đi đánh Lào, Chiêm nên thanh thế bao nhiêu, nhà Minh cũng phải lấy lễ nghĩa mà đãi Đại Việt, quan hệ giữa hai nước vẫn được hoà bình.

Lời Hịch phá Thanh của vua Quang Trung Nguyễn Huệ :
Đánh cho đế dài tóc
Đánh cho đế đen răng
Đánh cho nó ngựa xe tan tác
Đánh cho nó manh giáp chẳng còn
Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có chủ.


Bài thơ diệt Tống -
Danh tướng Lý Thường Kiệt :
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch nghĩa:
(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).

Khi mà đảng CSVN không những không làm trách nhiệm bảo vệ Nước, mà còn phạm vào cái tội Trời không tha và Đất không dung là tội bán Lãnh Hải, Lãnh Thổ, thì ĐỒNG BÀO phải đứng lên làm BỔN PHẬN mà Tiền Nhân trao phó trong suốt chiều dài của Lịch sử 
ĐỨNG LÊN 
TỰ VỆ LẤY MÌNH 
và KHÁNG CHIẾN ĐUỔI QUÂN XÂM LĂNG ra khỏi bờ cõi !
Đả đảo chủ nghĩa bành trướng Trung Hoa!
Đả đảo quân xâm lược Trung Quốc!
Tổ quốc hay là chết!
Đời đời Việt Nam tự do!
( Thư H.)

Nhà báo Phạm Chí Dũng trong cuộc biểu tình ở Saigon ngày 11/05/2014. Ảnh: Uyên Vũ
 Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Hà Lan, 
nguyên TBT Tuần báo Quốc tế, biểu tình trước ĐSQ Trung Cộng
Mẹ ơi, 
cho con đi đuổi giặc tàu....